Từ lều tạm tới Thành Thánh

01-09-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Từ lều tạm tới Thành Thánh by

I. Từ lều tạm tới Thành Thánh

Thánh lễ là một bàn tiệc, bàn tiệc Mình Chúa và Lời Chúa. Người Công giáo không thể sống đúng chức năng của mình nếu tách rời bàn tiệc này.

Bàn tiệc được dọn ra hàng ngày thiết đãi mọi người. Muốn dọn tiệc phải có phòng tiệc. Nói rõ hơn nơi nào có linh mục là phải có tiệc thánh. Để dọn tiệc thánh thì phải có nhà thờ.

Vì nhu cầu đó, ngay khi dân xứ vừa đặt chân lên vùng đất Hố Nai, ý nghĩ đầu tiên trong đầu mọi người là nhà thờ. Vì thế cha Hoàng Trọng Thu đã cùng dân xứ tiến hành mở rộng và cải tạo lại căn phòng nhỏ do Chính phủ thời đó dựng tạm lên cho dân di cư dọc theo đường quốc lộ 1 cũ thành một căn phòng tiệc thánh tạm thời. Tôn và ván có sẵn, còn các cột gỗ thì dân Xứ vào rừng hạ cây mang về. Khu vực gần nhà ông Nghiên và Trường mẫu giáo bây giờ. Ngày xưa, năm 1954, vừa là Nhà xứ vừa là Nhà thờ. Còn vùng đất mà Thánh Đường toạ lạc ngày nay, năm 1954, là địa điểm buôn bán (chợ).

II. Đồi Sion thời Đavit

Lều tạm của năm 1954 chỉ là điểm dừng chân nhất thời của một tiến trình đi về thành Thánh Giêrusalem. Đồi Sion được lựa chọn là khu cực chợ lúc đó. Lý do nó có thể phát triển về phía trong tạo một quảng trường thanh thoát cho mặt tiền nhà Chúa và địa điểm để xây dựng nhà xứ phía sau. Lợi điểm này khu vực nhà thờ cũ không có.

Quá trình xây cất được tiến hành qua nhiều giai đoạn (Thánh đường 1955 – 1973)

  • Chuyển khu vực buôn bán qua nhà thờ cũ.
  • Xúc tiến đổ nền nhà thờ.
  • Dựng nhà: cột kèo bằng gỗ, chung quanh ghép tôn fibro xi măng.
  • Bỏ fibro xi măng và xây gạch xi măng.
  • Xây ban công và đặt hai tượng Thánh Giuse và Chúa Giêsu làm vua trong khuôn viên nhà thờ.

Công trình tới đây kể như đã hoàn tất. Thánh đường này được sử dụng cho tới năm 1973.

III. Giêrusalem thời Salômôn

Đầu năm 1966, cha Hoàng Trọng Thu đi nhận nhiệm sở mới, chánh xứ An Bình. Ngày 13/02/1966, cha Hoàng Văn Tiên, về kế nhiệm. Thời gian này được kể là lắng đọng, một chuyển tiếp cần thiết cho đại cuộc sau này.

Ngày 13/06/1968, cha Hoàng Văn Tiên được bề trên chỉ định làm chánh xứ Ngô Xá và cha Trần Thái Chưởng về tiếp nhiệm ngày 05/06/1968. Ý tưởng đại tu thánh đường được bộc phát từ thời điểm này, tài chính cũng đã chuẩn bị được một số nhỏ. Tâm tư mọi người trong xứ đều hội tụ ở điểm: "Thánh đường cần được tái thiết". Nhưng tái thiết thế nào và cách nào thì còn ở tình trạng dò dẫm?

Ngày 25/02/1972, cha Trần Thái Chưởng được bề trên chuyển nhiệm làm chánh xứ Trà Cổ 2. Ngày 28/02/1972, cha Nguyễn Thanh Minh về kế nhiệm. Trái ước mơ đã đến hồi mọng đỏ, nhờ ơn Chúa mà mức sống của dân xứ thăng tiến khả quan. Đó chính là cơ sở quan yếu để quyết định việc khởi công.

Sau khi suy nghĩ và thảo luận kỹ càng, cha Sở và dân xứ nhất trí nhà thờ mới sẽ được xây tại vị trí của nhà thờ cũ với mô hình như hiện nay.

Thân nhà thờ dài 72m, rộng 22m, cao 18m, được thiết kế bằng những nét thẳng, theo xu hướng kiến trúc hiện đại, đường cao, đường thấp, nét chìm, nét nổi, hoà hợp với những hàng kính màu lắp ráp theo hình trái ú, màu sắc được dàn dựng thành những hình Thánh Giá rõ nét, vừa tạo được thoáng mát, vừa đạt được tiêu chuẩn nghệ thuật.

Mặt tiền nhà thờ gồm 3 ngọn tháp vươn cao, tháp giữa 40m, hai tháp cạnh 28m. Ngọn tháp được kiến trúc theo kiểu chùa tháp, nhưng bằng nét vuông của Tây Phương. Mái tháp lợp ngói xanh, một sản phẩm gốm của Lái Thiêu. Đỡ tấm mái là dui kèo bê tông. Thoáng nhìn ai cũng nhận ra nét dân tộc: mái ngói với dui kèo, nhưng lại rất Tây Phương, vì sử dụng nhiều đường thẳng hơn đường cong.

Phần dưới đỡ 3 ngọn tháp, kiến trúc theo kiểu Tam Quan. Phần này rất Á Đông, mái cũng sử dụng ngói xanh, ba cửa đại hội cuốn vòm đồ sộ, thành tường ghép đá thỏi, tạo nên hình ảnh như một trái núi, làm người xem như thấy được sự hùng vĩ thoát ra từ đó.

Ngày khởi công được ấn định là vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, 11/02/1973. Đó cũng là ngày khai mạc Công Đồng Kẻ Sặt (11/02/1900) cách đó 73 năm. Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám mục Xuân Lộc, thân hành về chủ toạ lễ đặt viên đá đầu tiên trong dịp này.

Trong thời gian thi công, Đức Cha Huỳnh Văn Nghi – Giám mục Phan Thiết và Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ – Giám mục Long Xuyên cũng ghé qua tham quan và khích lệ.

Gần 2 năm trời lao nhọc, nhiều bàn tay đã chai đi, nhiều màu da đã sạm lại, ưu tư từng đêm thấm xuống, mồ hôi từng ngày rỉ ra mà ngấm vào nhà Chúa, cho ước mơ gần lại, xanh màu và nở hoa.

Sau thánh lễ cha Sở và Ban hành giáo tổ chức một bữa cơm gia đình tại khuôn viên nhà xứ để mọi người chia sẻ niềm vui của một ngày mùa phong phú, sau hàng trăm ngày vất vả gieo trồng.

Ngày 19/12/1974, công trình đã kiện toàn trong niềm vui rộng mở của mọi người. Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng – Giám mục Xuân Lộc đã chủ sự thánh lễ làm phép nhà thờ, thánh hiến bàn thánh, và Bí tích Thêm sức cho 500 em thiếu nhi. Tham dự thánh lễ còn có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Cha phụ tá FX. Trần Thanh Khâm và rất đông linh mục, tu sĩ và quan khách.

Từ ngày 19/12/1974, thánh đường đã liên tiếp đón nhận lễ tạ ơn của cha Nội, cha Đào, cha Lộc, cha Tuệ, cha Huân, cha Lý, cha Bình, cha Tuyến, cha Trường, cha Thịnh, cha Hoá, cha Cường, cha Soi… và chắc chắn sẽ còn nhiều cha kế tiếp nữa.

IV. Giêrusalem thời nay

Ngày 05/09/1999 nhân dịp kỷ niệm ngân khánh Thánh đường, cũng là ngày quan thầy của giáo xứ, Nữ Vương rất Thánh Mân Côi, Thánh đường đã được tu sửa: thay đổi Đàng Thánh Giá mới và đặc biệt là Gian Cung Thánh.

1. Hai toà cạnh

Luyến láy dáng dấp mặt tiền nhà thờ, hai tháp vươn lên, Mẹ Marira – Nữ Vương Mân Côi và Thánh Cả Giuse cùng hiện diện để cầu bầu, che chở và dẫn dắt dân xứ đến với Chúa Giêsu, nguồn mạch ơn cứu độ.

2. Nhà Tạm

"Được đặt vào nơi xứng đáng và vinh dự nhất trong Thánh đường" (GLHTCG 1 183). Với biểu tượng là "Quyển Kinh Thánh" rộng mở như muốn nói với con dân Kẻ Sặt rằng: giữa dòng đời khó khăn và đầy cạm bẫy, họ phải biết tìm đến Lời Chúa là ánh sáng soi đường, cũng như kín mức từ Bí Tích Thánh Thể nguồn sức mạnh thần thiêng và sự bình an trong tâm hồn.

3. Thánh Giá

Tượng chịu nạn được đặt trong khung hình bông lúa miến cách điệu và chùm nho mọng chín đan quyện, nhắc nhở Hiến Tế Thập Giá dâng lên Thiên Chúa Cha được chấp thuận và trao ban để nên của ăn thức uống nuôi dưỡng linh hồn thế nhân.

4. Những mảng tường tối sáng

Một chút màu sắc trĩu nặng đan xen những mảng màu thanh nhẹ, như muốn nói lên cảm thức: phận người có vui buồn. Nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng phải hướng nhìn lên cao để vươn tới những thực tại linh thánh vĩnh cửu trên trời.

Ngày 02/05/2003, kỷ niệm 30 năm xây dựng Thánh đường và mừng Kim khánh linh mục của Cha Chánh xứ Giuse Nguyễn Thanh Minh, người đã có công xây dựng ngôi Thánh đường giáo xứ Kẻ Sặt. Một lần nữa, ngôi Thánh đường lại được sơn phết lại với những mảng màu đậm, nhạt hài hoà, làm tôn thêm vẻ uy nghi hùng vĩ của ngôi Thánh đường.

Lm. Đào Nguyên Thống

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW