Tìm lại vết thời gian

18-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Tìm lại vết thời gian by

Nói về nguồn gốc của quê hương là đề cập tới một vấn đề căn bản và quan trọng, nhưng quả là khó khăn vì không có tài liệu chính xác để khẳng định như thế nào là thật đúng. Thường thì chúng ta cứ nghe kể lại từ đời này đến đời kia; các sự kiện được thêm vào bớt đi, tam sao thất bản. Do đó, mà đã từng có những câu truyện kể về nguồn gốc khác nhau, theo lối phóng tác, dã sử hay võ đoán và huyền thoại…

Đó là điều tất nhiên, vì ngay như nguồn gốc dân tộc Việt Nam cũng phải theo cái lý ‘’tương truyền‘’ hay lập luận ‘’giả thuyết’’. Như mở đầu cuốn ‘’Việt Nam Sử Lược’’, soạn giả thời danh Trần Trọng Kim cũng từng viết: ‘’Tục truyền rằng vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông bên Tầu, đi tuần thú phương Nam…’’

Trong điều kiện như thế, chúng ta hãy cố gắng tìm lại vết thời gian, theo phương pháp văn biên khảo và luận thuyết. Nếu không đúng như sự thật về mọi chi tiết thì cũng đúng về đại thể và đúng trên tinh thần nói chung. Đó mới chính là điều đáng quan tâm. Và, tất cả mọi “Huyền Thoại Quê Hương” đều đáng trân trọng.

Nhận định chung thì lịch sử quê hương ta là một lịch sử của di dân, lịch sử đa dạng, đa văn hóa, nhất là lịch sử yêu thương và đoàn kết thấm nhuần tinh thần Tin Mừng.

1. NGUỒN GỐC QUÊ HƯƠNG

Trước hết, theo cuốn đặc san Về Nguồn của  Hội Liên Tu Sĩ Kẻ Sặt phổ biến vào đầu thập niên 1970, thì: ‘’Quê hương mình bắt đầu thành hình từ hậu bán thế kỷ thứ 16, khoảng năm 1554. Ông Tổ người làng Vân Đồn, tỉnh Nam Định, hiệu là Tráng, kết hôn với Bà Liệt, quê ở đâu không rõ, chỉ biết hình như bà đã có công trạng nào đó với triều đình nên được nhà vua ban thưởng 8 mẫu 4 sào ruộng, toạ lạc tại xã Châu Khê, hiện nay gọi là ruộng Quan Điền…

Hai ông bà chung sống với nhau sinh hạ được 7 người con, 5 trai, 2 gái. Vào thời kỳ nhiễu nhương, hai ông bà đưa con cái và ít người thân cận di cư tới một nơi gọi là La Ga và lập trại ở đó… Sau đó tên của hai ông bà được dùng để đặt cho khu vực tân sinh này. Danh hiệu Tráng Liệt chào đời từ đó.’’

Những dòng viết trên không thấy tham chiếu từ đâu, nên có lẽ đã căn cứ vào lời truyền tụng hơn là từ một nguồn tài liệu nào, cho nên vẫn mang tính chất giả thuyết và suy đoán. Ví dụ địa danh Nhà Ga chỉ mới có từ hồi Pháp thuộc sau này, do tiếng Pháp là La Gare mà ra, chứ  trước đó không có nơi nào gọi là ‘’La Ga’’.

Có truyện kể rằng: Gốc tích làng Sặt là kể từ năm 1500, khi có một vị quan triều đình về hưu trí tên là Chu Tăng Xương, đã cùng người em gái là Chu Thị Liệt,  từ tỉnh Nghệ ra tỉnh Đông (tức là Đàng Ngoài lúc đó hay là Hải Dương ngày nay), đã mở ấp lập nghiệp tại khu vực gọi là Ngấn Ngoài (giữa làng Sãi và Nhà Ga Kẻ Sặt).

Ông Xương bị quân Tàu chém mất thủ cấp. Bà Liệt đã đúc một  đầu bằng vàng rồi chôn cất ông. Bà Liệt trở thành thủ lãnh của dân chúng từ nhiều nơi tới sinh sống…

Lời truyền khẩu khác lại nói rằng: Bà Liệt người làng Châu Khê, kết hôn với quan đại thần Chu Y Cương, sinh hạ được hai người con gái. Khi chồng chết, bà rời kinh kỳ về nông thôn, và được chọn cánh đồng hoang nhưng ở ngay bên dòng sông để lập nghiệp. Đó là khu vực Cầu Sắt và Sông Sặt ngày nay.

Cả hai truyện kể và lời truyền này đều nhấn mạnh tới điểm chính là: Các đơn vị gia cư được hình thành: từ trang trại đến thôn ấp và mở rộng dần dần. Tên gọi thống nhất chung là Liệt Thôn, để vinh danh bà Liệt…

Dưới đây là những lời truyền tụng khác về nguồn gốc, cũng có những chi tiết phù hợp với những truyện kể trên, nhưng có luận cứ, vì được đối chiếu với một số gia phả dòng họ, với Quốc Sử và Giáo Sử, nên mang nhiều tính khả tín hơn.

Vào hậu bán thế kỷ 16, tính từ năm 1553 trở đi, là lúc Đạo Công Giáo được chính thức rao giảng tại Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, có hai ông bà tên là Phạm Ngọc Minh và Lê Thị Thông đã được chịu Phép Rửa, từ vùng Thanh Hóa ra miền Hải Dương, vì nhu cầu sinh sống.

Khởi đầu, ông bà ở tại làng Châu, cách Kẻ Sặt ngày nay chừng 3 cây số về hướng Đông Nam. Ông  bà là hai vị rất sốt sáng và có uy tín, nên đã thành lập được một cộng đoàn những người tin theo Chúa đầu tiên ở vùng này… Sau ông bà lại cùng một số dân từ làng Châu rời đi và đến lập nghiệp ở khoảng 4 cây số về phía Bắc. Nơi đây đã có một số dân ở thưa thớt chưa thành thôn ấp, sống về nghề chài lưới và làm rẫy. Cảm mếm vì đức độ và khả năng. số dân này coi ông bà như những người đứng đầu thôn ấp. Dần dần, người ta đến nhập cư càng ngày càng đông.

Thôn ấp mở rộng thêm tới các khu vực Cầu Xộp, Đằng Vối và Khu Thượng ngày nay.

Lời truyền tụng thường nhấn mạnh đến điểm Ông thì có tài về lãnh đạo  chỉ huy còn Bà thì giỏi kinh doanh phát triển. Bà còn có tên gọi là Bà Liệt, cho nên dân cư lúc đó tự gọi xóm ấp của mình là Liệt Thôn, theo văn phạm Hán .(Ý nói là thôn bà Liệt), và cũng còn có cả tên khác nữa là Trang Liệt, theo văn phạm Nôm. (Các tiếng Thôn hay Trang đều có nghĩa tương tự như Ấp hay Trại, tức là nơi có người ở và trồng trọt, chăn nuôi.)

Triều chính nước ta gặp lúc rối ren: Nhà Mạc cướp ngôi Nhà Lê; rồi Trịnh, Nguyễn phân tranh, cho nên giặc gĩa nổi lên khắp nơi. Thôn ấp Trang Liệt cũng bị ảnh hưởng của tình hình chung. Ông bà quy tụ dân về sống gần nhau, đào hào, đắp luỹ trồng tre và tổ chức phòng thủ. Do đó, các nóc gia sống rải rác được rời về hướng Tây Nam (như hình thể ba khu Thượng, Trung, Hạ sau này).

Nhiều phen giặc đến cướp phá, nhưng đều bị dân làng chống trả mãnh liệt và hữu hiệu. Thanh niên Trang Liệt lúc đó đã nổi tiếng là thiện chiến nhất tỉnh Hải Dương. Triều đình có quan tâm đặc biệt, và Trang Liệt được nâng lên cấp làng xã.

Vua Lê Thế Tôn (1573-1599) vì thấy chữ Trang trùng với tên tổ phụ là vua Lê Trang Tông (1533-1548), nên đã ra dụ đổi thành chữ Tráng, để tránh huý. Do đó, làng Trang Liệt trở thành làng Tráng Liệt.

Khoảng năm 1592, cuối đời vua Thế Tôn, ông bà tổ Phạm Ngọc Minh và Lê Thị Thông qua đời, hưởng thọ ngót 100 tuổi, sau khi đã dành bao công lao chiêu dân lập ấp, đặt nền móng tổ chức những sinh hoạt căn bản cho quê hương ta thuở sơ khai, tạo nên nhiều ảnh hưởng tốt đẹp cho các thế hệ về sau.

2. QUÁ TRÌNH DANH XƯNG

Tên làng Tráng Liệt được gọi cách chính thức qua hàng trăm năm. Tới hậu bán thế kỷ 19, làng lại có một danh xưng mới là Kẻ Sặt, và tới tiền bán thế kỷ 20 là tên Tráng Liệt Bình.

Có nhiều quan niệm và giải thích khác nhau về tên gọi Kẻ Sặt, mà chưa tìm ra sự đồng nhất nào. Mặc dầu vậy, như bao trường hợp địa danh khác, biết được nguồn gốc xuất xứ cũng là điều hay, mà không biết dứt khoát thì sự thật khách quan vẫn là có địa danh đó trên bản đồ và  trong lịch sử.

Một cách giải thích cho rằng: Do cuộc bách hại Công Giáo của triều đình các vua nhà Nguyễn, cũng như các làng Công Giáo khác, dân làng ta bị buộc phải phân tán và sáp nhập vào các làng bên lương. Chính quyền cấm đạo gọi là các làng ‘’phân sáp’’’.

Đến thời kỳ Pháp thuộc, tại Miền Bắc kể từ năm Giáp Thân 1884 trở đi, các giáo sĩ người Y Pha Nho (Tây Ban Nha) thuộc dòng Đa-Minh đến phục hồi Đạo Công Giáo. Tráng Liệt đã trở thành một giáo xứ (sẽ nói ở chương sau…) Theo lời  các cụ kể lại: vì nhận thấy địa thế làng sầm uất như ‘’kẻ chợ’’ (tiếng Việt cổ gọi thành phố), rồi các cha Tây lại đọc chệch vần ‘’Sáp’’ thành ra ’’Sặt", nên các ngài đã gọi quê hương ta bằng một tên mới là: Kẻ Sặt. Nhưng vào lúc đó, đây chỉ là tên mới về phương diện tôn giáo, khi gọi: Xứ Kẻ Sặt.  Còn về phương diện hành chánh thì vẫn gọi là Làng hay Xã Tráng Liệt.

Cách giải thích khác thì bảo: Theo Việt Nam Giáo Sử của L.m. Phan Phát Huồn và Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam của Lm. Bùi Đức Sinh, thì nhiều tên xứ đạo khác thuộc Đàng Ngoài lúc đó tức là Miền Bắc ngày nay cũng bắt đầu bằng tiếng Kẻ như: Kẻ Bảng, Kẻ Đề, Kẻ Hệ, Kẻ Rèm, Kẻ Mốt…; nhưng vẫn còn có tên nguyên thuỷ về mặt hành chánh như: làng Ninh Phú (xứ Kẻ Sở), làng Khai Mông (xứ Kẻ Nê), làng Xuân Hòa (xứ Kẻ Roi )v.v…

Điều đáng để ý là tên những giáo xứ bắt đầu bằng tiếng ‘’Kẻ’’ này, đều do các linh mục gốc Y Pha Nho nói được Tiếng Việt đặt ra. ‘’Kẻ’’ không phải là tiếng Hán Nho mà là tiếng Việt Cổ như Kẻ Chợ là Thị Tứ. Còn ‘’Sặt’’ là tên một loại cây tre lá to, lúc đó từng mọc nhiều ở vùng này, (nhưng nay đã mất giống). Có lẽ vì thế mà có tên ‘’Kẻ Sặt’’.

Về tên Tráng Liệt Bình thì có cơ sở theo văn bản: Vào đầu thế kỷ 20, tỉnh Hải Dương có 2 xã Tráng Liệt: một Tráng Liệt thuộc huyện Bình Giang và một Tráng Liệt thuộc huyện Thanh Hà. Các công văn từ tỉnh phát đi, thường lộn xã này với xã kia. Để tránh tình trạng trở ngại đó, tòa công xứ Pháp ở Hải Dương đã cho ghi thêm vào xã Tráng Liệt thuộc huyện Bình Giang của chúng ta một chữ Bình nữa. Do đó mà trở thành tên gọi Tráng Liệt Bình.

Từ đó tới nay, không còn có sự phân biệt tên tôn giáo hay tên hành chánh nữa. Địa danh Kẻ Sặt đã được ghi rõ ràng trên bản đồ quốc gia và cả bản đồ thế giới, được nói tơi trong lịch sử Đất Nước và Giáo Hội. Kẻ Sặt trở thành xã, thị xã và thị trấn trong hệ thống hành chánh, đồng thời là Một rồi Hai Giáo Xứ thời danh của Giáo Hội Việt Nam, kể cả hai miền Bắc và Nam.

Trong khi đó, ngôn ngữ thân thương thường gọi vắn tắt là làng Sặt, xứ Sặt. Hành chánh Miền Bắc thì gọi ngoài phố là thị trấn Kẻ Sặt và trong làng là xã Tráng Liệt. Còn Tráng Liệt Bình là tên gọi có tính kỷ niệm và cũng thấy ghi trong một số giấy khai sinh, hôn thủ lập từ năm 1954 trở về trước.

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW