Ngược dòng thời gian

20-02-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Ngược dòng thời gian by

Kẻ Sặt ngày nay là một giáo xứ lớn của Giáo phận Hải Phòng. Để giúp các bạn hiểu thêm về những sự kiện trọng đại đã qua trên xứ sở này, chúng tôi tổng hợp, sưu tầm qua các tư liệu, nhằm cung cấp thông tin để các bạn tham khảo.

  • Năm 1695: Kẻ Sặt được nâng lên hàng Giáo xứ.
  • Năm 1969: (đời Vua Lê Hy Tông) Chúa Trịnh Căn ra chỉ dụ cấm đạo. Cha Gioan Thập và Cha Lézoli Cao phải bỏ tỉnh Nam ra tỉnh Đông. Các Ngài đã đến làng Sặt ở, học hỏi tiếng Việt và trụ lại đây cho đến ngày 18/07/1697 mới trở về tỉnh Nam.
  • Ngày 02/02/1702: Cha Lézoli Cao đã được Đức cha Belot – Giám mục Địa phận Tây (Hà Nội)tấn phong Giám mục tại Kẻ Sặt.
  • Năm 1713: (thời An Đô Vương Trịnh Cương) làng Sặt bị hoả hoạn thiêu rụi hết, chỉ còn ngôi nhà thờ mới tôn tạo ở khu Thượng (khu vực Nhà phước bây giờ) nhờ có những đợt gió Đông thổi mạnh nên đã may mắn thoát nạn. Kẻ Sặt bấy giờ là xứ đoạn toàn tòng.
  • Năm 1721: (vẫn dưới thời chúa Trịnh) có 150 Anh hùng đức tin tiền nhân làng Sặt bị hành quyết rồi chôn chung trong một hố ở cánh đồng gần làng Vạc (Phủ Bình). Năm 1924 dân làng đã cải táng về khu Đền Thánh Ca-mi-lo. Mới đây ngày 01/11/1995 Giáo xứ đã tổ chức long trọng đưa các Ngài về an nghỉ trước kỳ đài Nghĩa địa Công giáo.
  • Ngày 08/06/1838: (triều Vua Minh Mạng) Linh mục Vinh Sơn Đỗ Yến (Ngài quê làng Trà Lũ – Nam Định) là Cha chính xứ Kẻ Sặt bị bắt và Tử đạo ngày 30/06/1838 (xin tham khảo thêm tiểu sử Cha Thánh Vinh Sơn trong cuốn 117 Đấng hiển Thánh).
  • Năm 1858: Ngay sau ngày quân Pháp nổ súng tiến đánh thành Đà Nẵng và cho đến năm 1861 đã có 26 vị đầu mục, thứ mục làng Sặt bị bắt và bị hành quvết (X.c Bùi Đức Sinh "Hai mươi sáu Anh hùng Tử đạo Kẻ Sặt"; Sài Gòn 1974, trang 20 – 21).

Tuy nhiên, để có thể hiểu được bối cảnh gian nan sau này. Xin lưu ý rằng: Trong 3 đời Vua triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đã có tới 14 sắc chỉ cấm đạo Gia-tô. Trong đó đời Minh Mạng 5 sắc (vào các năm 1832, 1836, 1838, 1839). Đời Thiệu Trị (ngự ngai vàng 7 năm) có 2 sắc cũng trong năm 1847. Riêng đời Tự Đức có 7 sắc chỉ trong các năm 1848, 1857, 1859, 1860 và 1861.

  • Năm 1872: Ngôi Thánh đường được xây cất ở khu Thượng hồi giữa thế kỷ XVII, được sự chấp thuận của Bề trên, Cha Chính Bắc đã chuyển về vị trí trung tâm làng.
  • Năm 1889: Được phép Đức Cha Terres Hiến, cha Tràng Gareia Liêm bắt đầu khởi công xây dựng Nhà thờ Kẻ Sặt.
  • Năm 1900 ngày 11 tháng 2 đến 6 tháng 3: Công đồng Hội các Giám mục Miền Bắc (từ sông Gianh trở ra) lần I tại Thánh đường hiệu là Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi ở làng Kẻ Sặt, tham dự Công đồng Hội có 7 Giám mục và 8 nghị phụ.
  • Ngày 09/12/1917: Tại Kẻ Sặt lễ tấn phong Đức cha Azua Minh. Cùng năm đó thành lập Hội Thánh Giuse gây quỹ giúp việc truyền giáo. Thành lập Hội Thánh Ca-mi-lo giúp đỡ kẻ liệt.
  • Năm 1922: Dưới quyền Cha phụ tỉnh Aparicio Y, tiến hành công việc tái thiết Nhà thờ, để đáp ứng nhu cầu con số giáo dân ngày thêm đông. Lễ khánh thành tái thiết xây dựng được long trọng tổ chức trong hai ngày mồng 3 và 4/8/1922. Thánh đường được thiết kế đơn giản nhưng rất rộng lớn. Tháp giữa cao 45 mét, có đồng hồ lớn 4 mặt, hai cây tháp chuông hai bên cao 27 mét, với 5 quả chuông tây lớn, tiếng ngân vang rất xa (Xc. Giáo hội Công giáo ở Việt Nam quyển 3 trang 108 – 109).
  • Năm 1933: Đức Cha Gómez Lể được tấn phong rất long trọng tại Thánh đường Kẻ Sặt. Thánh đường lớn nhất địa phận. Lễ tấn phong Đức Cha Lễ nhằm ngày kính Thánh Giuse (19/3). Đức Khâm sứ Dreuyr chủ phong và 2 Đức Cha Đông và Trung trụ phong. Tham dự lễ tấn phong, ngoài nhiều Đức Cha, đông đủ hàng giáo sĩ dòng Triều thuộc các địa phận Miền Bắc, còn có những quan chức phần đời và đông đảo giáo dân, ước tính số lượng người đông tới 30.000 (Xcf GHCG ở Việt Nam, quyển 3 trang 109).
  • Năm 1938: Theo thống kê chính thức số nhân danh Công giáo làng Sặt có 7.480 người.
  • Năm 1945: Cha Giuse Chất – Chính xứ Kẻ Sặt được đặt làm Cố chính Địa phận Hải Phòng. Ngài qua đời ngày 09/08/1953 tại Nhà xứ Kẻ Sặt và an táng tại Nghĩa địa Công giáo.
  • Năm 1954: Sau ký kết hiệp định chiến 20/7 là thời điểm đầy biến động ly tán. Có tới 80% số giáo dân di cư vào miền Nam. Đất nước tạm thời bị chia cắt cho đến ngày 30/04/1975, Nam – Bắc sum họp một nhà, nhiều bà con gốc Kẻ Sặt có dịp trở về thăm lại quê hương Bắc.


Quang cảnh Làng Sặt và Thánh đường 1954

Tâm tình trong giai đoạn gặp gỡ này – một người con đã viết về Quê mẹ như sau:

Quê hương trăm mến ngàn thương
Cách chia hỏi mấy vấn vương nỗi niềm
Làng xưa, chốn cũ Tổ Tiên
Cây đa bến nước khó quên khó về !…
Một miền quê thói, đất lề
Một thời lam lũ bộn bề lo toan
Xa xôi còn nhớ hoa xoan
Có còn nhớ rét tiểu hàn tái tê ? !
Hôm nay con lại trở về
Viếng thăm Đất Mẹ lời thề sắt son
Mát lòng thắp nén hương thơm
Kính dâng Tiên Tổ, tạ ơn Mẹ hiền !…

  • Cuối năm 1954: Cha Gioachim Đỗ Quang Mỹ về làm Cha Chính xứ Kẻ Sặt. Ngài qua đời ngày 23/11/1977 tại Toà Giám Mục Hải Phòng và đưa về an táng tại nghĩa địa Công giáo Kẻ Sặt.
  • Tháng 9/1958: Làng Sặt được tách ra thành hai đơn vị hành chính là xã Tráng Liệt và Thị trấn Kẻ Sặt, nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
  • Cha xứ Phêrô Đoàn Văn Kiểm quản nhiệm từ năm 1979 đến năm 1987.
  • Ngày 01/12/1989: Cha Đa Minh Nguyễn Chấn Hưng được bài sai về làm Cha chính xứ Kẻ Sặt. Từ tháng 6/1997 được sự nâng đỡ của Đức Giám mục J.M Nguyễn Tùng Cương. Giáo xứ Kẻ Sặt tiến hành trùng tu kiến thiết Nhà thờ, với sự đóng góp nhiệt tình của quý Cha, quý chức và bà con gốc Kẻ Sặt khắp miền gần xa, trong nước và ngoài nước. Ngày 21/10/1999 được ấn định là ngày khánh thành trùng tu kiến thiết Thánh đường giai đoạn I.

Sưu tầm và biên soạn
Quách Xuân Hoà

Trích cuốn "Kẻ Sặt đón mừng Năm Toàn Xá 2000"

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW