Kẻ Sặt Tráng Liệt

21-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Kẻ Sặt Tráng Liệt by

VỀ NGUỒN

Viết lại câu chuyện về Quê hương như là chuyện huyền thoại nhưng cũng là sự thực. Nó đã biến đổi trên mảnh đất làng Kẻ Sặt của chúng ta qua những câu chuyện kể lại của bậc Tiền bối đã sống và góp phần xây dựng quê hương Kẻ Sặt hàng trăm năm về trước.

Chuyện kể lại rằng: Từ xa xưa lắm rồi có lẽ đã trải qua hàng năm sáu trăm năm sau công nguyên vào thế kỷ XV. Năm 1500 ở vùng đất này chưa có tên tuổi mà chỉ là vùng đất phù sa do dòng sông Tam Cửu bắt nguồn từ sông Hồng Hà qua phố Hiến nay là thị xã Hưng Yên, dòng sông qua Kẻ Sặt nối vào sông Luộc tại thị xã Hải Dương (Nay là thành phố Hải Dương – năm 2000) rồi qua Phú Lương chạy ra biển.

Từ mảnh đất này còn có đường giao thông thủy từ đây đi phố Hiến ra sông Hồng đi vào miền Thanh Hoá – Nghệ Tĩnh, và cũng từ đây đi ra biển Đông (Hải Dương) qua sông Hàn tới Hải Phòng, đi theo ven biển tới Trà Cổ – Quảng Ninh sang Trung Quốc. Cũng từ đó tới nay bao biến cố đổi thay nhưng chẳng còn để lại một bút tích văn bia gì làm bằng chứng của quê hương này mà chỉ được nghe lời kể lại như sau:

Vào cuối thế kỷ XV, năm 1500 có một vị quan tước Triều đình húy danh là Chu Tam Xương quê vùng Nghệ An. Sau khi người đã hoàn tất công lao giúp Triều đình an dân đất nước, người được mãn nhiệm và được Triều đình ban đặc ân cho người được quyền đi tìm nơi đất tốt để khai khẩn xây dựng bản doanh theo ý muốn, do đó người đã được chỉ sắc Vua ban ra vùng tỉnh Đông. Người đã cùng người em gái húy danh là bà Chu Thị Liệt cùng con cháu họ tộc ra tỉnh Đông sinh cơ lập nghiệp. Khi ra tới tỉnh Đông cùng quân sư cắm lập bản doanh tại khu Nam làng Sãi (nay gọi là Nghè Sãi). Nghè Sãi cũng có thể là Nghè miếu thờ cụ Chu Tam Xương. Còn bà Liệt và con cháu họ tộc lập trang trại tại Ngấn Ngoài phía từ bến xe đầu phố Sặt ra tới đương ga cũ nay gọi là Đo đạc (Thế kỷ 20 còn lập nên chợ trâu, chợ lớn ở đó), sau đó người mộ thêm dân cư các nơi về khai khẩn. Nhưng chẳng bao lâu thì Triều đình biến động, giặc phương Bắc lan tràn quấy phá đất nước và càn quét truy tìm các bậc Tiền nhân để hãm hại, cảnh loạn ly bùng nổ, bản doanh của Cụ Xương bị tàn phá, Cụ cùng số tùy tùng bị giặc bắt  sau đưa tất cả về Gò Cao (Nay là dinh thự họ Đào gọi là ngà ông Trùm Tám từ đầu thế kỷ XIX). Cụ Xương bị giặc cắt đầu đem về nộp cho Chúa phương Bắc, còn trang trại của bà Liệt cũng thành bình địa. Sau đó Bà cùng thân tín gia tộc chạy loạn tránh được giặc, trở về chôn cất thi thể của Anh và các thân tín tại nơi pháp trường đó. Theo câu chuyện kể lại: “Khi Bà về thấy Anh bị mất đầu rồi, thì Bà đúc một đầu vàng cùng tượng vàng chôn theo cùng thi thể của Anh mình”.

Do đó sau mấy trăm năm khi làng Sặt hình thành, thì cạnh Gò có đào hào tiêu nước cốt thủy ra sông làm cho đất xói mòn vào tới phần mộ của Cụ và đầu vàng tượng vàng dần dần theo cốt thủy bật ra, Ông Trùm Tám đã nhận được hai lần.

Lại kể rằng: “Sau khi Bà Liệt đã chôn cất thi thể của Anh và các tùy tùng rồi, Bà không về lập lại trại cũ nữa mà Bà đã cùng những người thân sống sót đã chuyển vào cắm lập trang trại mới tại Gò Cao (bây giờ là khu nhà Mụ). Trang trại được hình thành Bà cùng người thân khai khẩn đất hoang để sản xuất cây trồng. Lúc đó giặc giã đã tan, sự bình yên đã ổn định, cùng lúc đó dân chúng ở khắp nơi thấy vùng đất có nhiều màu mỡ nên đất tốt thì cò đến đậu, thế rồi dân cư khắp nơi dần dần cùng về khai khẩn và lập nên các trang trại mới, đật tên các trang trại mới khai khẩn mới là: Trại Ngái, Xóm Ngái – Trại Bến sông Khu Hạ – Trại Giữa, Xóm Đình, Trại Cổng Giỏ Khu Thượng, Trại Vành Lao Xóm Kết Khu Trung v.v… Sau đó các trang trại các xóm cứ phát triển rộng ra, nối tiếp nhau cho đến khoảng thế kỷ XVII các Trang trại hình thành thôn Trang. Để tôn vinh bà Liệt nên đã lấy tên thôn là “Liệt Thôn” và sau đó đổi thành thôn “Trang Liệt”, có û nghĩa là: Trang là các trang trại hợp lại thành thôn, còn Liệt là suy tôn bà Liệt. Cho đến thời kỳ Vua Trang Tôn lên ngôi phải tránh húy Vua nên Trang Liệt phải đổi thành Tráng Liệt.

Vào thời điểm đó xung quanh Tráng Liệt đã có nhiều thôn như Chanh Ngoài, Chanh Trong, thôn Châu Khê v.v…thì việc giao lưu giữa Tráng Liệt với các thôn có nhiều quan hệ về mọi mặt, chẳng hạn như thôn Châu Khê và Làng Sặt đến ngày nay còn để lại truyền thuyết như: câu chuyện con Rồng, Mắt Rồng và Lũy GiaTô, Ao Đức Bà, Khu Vườn Thánh…Những câu chuyện về nguồn gốc của quê hương Kẻ Sặt vẫn chỉ là những truyền thuyết vì không đủ tài liệu thuyết phục.

“Ngày 20/12/1972, Cha Đào Nguyên Thống, trong bài “Lịch sử làng Tráng Liệt” đã dựa vào ít điều truyền khẩu, dè dặt đưa ra một giả thuyết “Quê hương Kẻ Sặt bắt đầu hình thành từ hậu bán thế kỳ thứ 16, khoảng năm 1554. Ông Tổ người làng Vân Đồn, tỉnh Nam Định, hiệu là Tráng, kết hôn với bà Liệt, quê ở đâu không rõ… Hai ông bà chung sống với nhau, sinh được 7 người con, 5 trai 2 gái. Vào thời giặc giã nhiễu nhương, hai ông bà đưa con cái và ít người thân cận di cư tới một nơi gọi là Laga và lập trại ở đó. Thấy làm ăn phồn thịnh, một số người khác xin nhập trại, phần lớn là người tỉnh Nam Định. Sau đó tên của hai ông bà được dùng để đặt tên cho khu vực tân sinh này. Danh hiệu Tráng Liệt chào đời từ đó…”

Tiếp theo là ông Vi Sơn, tác giả cuốn “ Nghĩ về quê hương Tráng Liệt Bình”, xuất bản ngày 9/8/1973, cũng căn cứ vào một vài nguồn truyền khẩu đưa ra giả thuyết: “Vào năm 1553, có hai ông bà tên là Phạm Ngọc Minh và Lê Thị Thông, đã theo đạo công giáo, từ Thanh Hóa phiêu bạt đến Hải Dương vì lý do sinh kế. Lúc đầu, ông bà sống tại làng Châu, cách Kẻ Sặt khoảng 3 cây số về hướng đông nam. Sau ông bà lại đến lập nghiệp ở khoảng 4 cây số, về phía bắc làng Châu. Đó chính là khu vực cầu sắt và nhà ga, thuộc Kẻ Sặt ngày nay… Vua Lê Thế Tôn (1573-1599) vì thấy chữ Trang trùng với tên Tổ phụ là Lê Trang Tôn (1553-1548) nên Ngài đã ra dụ đổi thành chữ Tráng, để tránh húy và thêm chữ Bình để phân biệt với làng Tráng Liệt thuộc huyện Thanh Hà…”

Và theo lời truyền tụng của các bậc tiền nhân trong dân xứ và một số đàn anh trong Giáp Cường Bản nghe và thuật lại:

“Vào cuối thế kỷ 14 trở về trước, địa điểm làng chúng ta là một cánh đồng trống, diện tích khoảng 400 mẫu, tại đây tứ phía đều có đường giap thông thủy bộ rất đẹp cho địa thế rất tiện lợi cho làng ta có một cảnh phồn thịnh về kinh tế và thương mại.

Theo lược sử truyền ngôn kể lại: Nguyên tổ chúng ta có một bà tên Liệt (nghe đâu dòng họ Phạm), Bà là người làng Châu Khê, cách làng ta bấy giờ chừng 3km. Bà xuất giá kết hôn cùng một vị quan đại thần Triều đình Lê tên Chu Y Cương (nghe nói Bà hạ sinh 02 con gái, không có con trai). Ít lâu chồng chết, Bà phải rời kinh đô trở về đồng ruộng làm ăn, bấy giờ Nhà Vua không có ngân khoản nào để cấp dưỡng, nên đặc ân cho bà được tự do lựa chọn địa điểm để lập kế sinh nhai. Vì thế, Bà đã chọn địa điểm sinh sống tại cánh đồng trống kể trên tức làng Tráng Liệt Bình. Đầu tiên, Bà đặt địa điểm cư trú tại Máng Độc gần làng Vĩnh Lại (tức làng Sải bây giờ). Địa điểm này về phía sông Sặt, vì khi ấy có cầu qua sông (bây giớ mới có cầu gọi là cầu Sắt hay cầu Sải vì cầu này giáp cư giáp canh của hai địa phận). Mỗi khi muốn qua sông để ra quốc lộ số 5 phải nhờ đò, bấy giờ có đò ông Chất (gọi là đò ông Ác) đò chở qua sông Phúc Bố (gọi là làng Búa) hay còn gọi là đò ngang qua bên bờ Cửu Trinh. Tại nơi đây gọi là Máng Độc (nơi đó có hào máng nước chảy dơ bẩn nên gọi là Máng Độc). Bà cùng hai con sinh sống được ít năm, tại đó về sau sinh ra trộm đạo cướn bóc đêm ngày luôn luôn, cùng xảy ra nhiều tai nạn khủng khiếp. Vì Mẹ góa con côi nên sợ sệt rời bỏ nơi đây lui trở về địa điểm giáp đê gọi là khu Đằng Vối, và sau này cũng là địa điểm lập làng đầu tiên gọi là khu Thượng bây giờ. Tục truyền kể lại: Bà Nguyên Tổ tên Liệt, nên Bà sinh sống nơi đó gọi là Thôn Liệt (tức xóm Liệt Thôn). Lúc đó vào đầu thế kỷ 15 (1533) đời Lê Trang Tôn. Về sau Thôn Liệt này dân cư mỗi ngày một đông và ngày càng phồn thịnh”.

Lại kể rằng Đạo Kitô xâm nhập vào làng Sặt như sau:

Khi quê hương thứ 2 của bà Liệt đã hình thành thôn, làng thì lại vỡ đê Sông Hồng, lụt hồng thủy đã làm tràn ngập khắp các vùng Hưng Yên, Hải Dương. Trước đó các khâm sai của Bồ Đào Nha – Bồ Đào Nha, Pháp, Ý…cũng đã thâm nhập tuyên truyền Đạo Kitô vào Việt Nam, do đó đã có ảnh hưởng tới vùng tỉnh Đông. Nên khi vỡ đê nước tràn về Sặt nhưng trang trại Bà Liệt ở gò cao, thấy các bức  ảnh tượng Kitô giáo từ Châu Khê trôi dạt vào xung quanh thì cháu chắt bà Liệt cho là sự màu nhiệm của Thiên Chúa đem đến cho thôn Trang nên đã cùng nhau vớt lên lau khô, đem trịnh trọng đặt vào nơi tôn nghiêm để chiêm ngưỡng (lúc đó chưa hiểu gì về giáo lý). Sau đó các thầy Thừa sai nắm bắt được tình hình nên đã lui tới tuyên truyền Đạo Kitô được nảy nở trên mảnh đất của Bà Liệt. Rồi cộng theo với việc truyền bá thì còn có nhiều đầu mối của các họ tộc khắp nơi đã có đạo như họ Đào từ miền Nam Định, họ Phạm từ đất tỉnh Đông; họ Quách, họ Vũ từ các nơi sát nhập về nơi đất tốt cò đậu này đã làm cho xứ đạo Kitô giáo chóng hình thành rộng ra hơn. Đến thế kỉ 17-18 đã thành làng Đạo Kitô toàn tòng.

Chuyện kể rằng: “Các ảnh tượng từ Châu Khê trôi theo dòng nước xoáy vào trang trại bà Liệt, những ảnh tượng đó là do các bậc quí phái của Châu Khê làm đồ mỹ nghệ ở Hà Thành tức là Hàng Bạc – Hà Nội bây giờ, các vị có điều kiện đi xuất dương (du lịch ở các nước Châu Âu thấy các bức họa đẹp thì mua vế để chiêm ngưỡng chưa phải là làng theo đạo Kitô giáo, nhưng khi nước lũ cuốn sang làng Tráng Liệt, nên từ khi làng Sặt hình thành đạo Kitô cho đến nay thì nhân dân Châu Khê vẫn nhận là đạo Kitô giáo từ Châu Khê sang Sặt và đạo Kitô là của Châu Khê”.

Hiện nay Châu Khê cũng chẳng có gì để chứng minh của đạo Kitô, nhưng có một ao của làng nhượng cho nhà xứ Kẻ Sặt đến nay vẫn gọi là Ao Đức Bà và có tên gọi là Làng Gia Tô. Theo tuyên truyền thì khi làng Sặt bị bách Đạo Gia Tô các ông kỳ hào, kỳ mục, Cha ông người Sặt bấy giờ chạy sang Châu Khê sống thì được nhân dân Châu Khê che chở lấy khu lũy làng hiểm trở để cho các vị kỳ mục của Sặt ẩn nấp cho đến khi hết đợt Bách Đạo. Do từ đó đến nay nhân dân hai làng vẫn giữ được tình cảm và gắn bó với nhau.

Chuyện kể về xây dựng Khu Thánh Đường là: sau khi Trịnh – Nguyễn phân tranh thành các tỉnh Đàng Trong và các tỉnh Đàng Ngoài rồi  Chúa Nguyễn xuống chiếu Bách Đạo Gia Tô lần 2. Lần này các tín đồ và nhân dân Sặt lại bị tàn sát và cuộc li tán tan tác.

Sau vụ thảm sát đó rồi nhà Nguyễn suy tàn, dân làng Tráng Liệt lại được hồi phục và càng phát triển lớn ra về mọi mặt, nhất là về đạo Kitô, do đó dân làng đã xây lại ngôi nhà thờ để lấy nơi tôn thờ Thiên Chúa.

Thánh Đường được xây dựng tại khu Trang Trại Bà Liệt (là nhà Phước bây giờ). Khi có Thánh Đường rồi thì các tổ chức của giáo hội được hình thành và được các thầy cả của Y Nha Pho – Bồ Đào Nha cử về trông nom coi sóc và truyền dạy giáo lí chăm lo phần tâm hồn giáo dân.

Nhưng rồi cuối thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX nhân dân thôn Tráng Liệt lại bị Minh Mạng, Tự Đức Bách Đạo Gia Tô. Cha ông người làng Sặt lại bị đầu rơi máu đổ một lần nữa và nhiều người bị bắt đi phân sáp ở các làng như: Cương + Hai + Giọn xã Thái Dương; Lí Đỏ xã Tân Việt; Nhân Kiệt xã Hùng Thắng, Phú Thứ xã Cổ Bì; Bình Cách, Quàn xã Bình Xuyên huyện Bình Giang. Còn nhiều người chạy lên phía Bắc và nhiều nơi khác. Lần này làng Sặt bị chém đầu 26 ông trong đó có cả linh mục Thầy Khang và các ông Khán, ông Trưởng và cả các ông là lính lệ của thời đó, nhưng do theo đạo không chịu bước qua thập giá nên cũng bị chém đầu. Sự kiện này còn in nét đậm và lưu truyền trong nhân dân Tráng Liệt đến ngày nay.

Sau cuộc Bách Đạo Gia Tô lần ba rồi, thì dân chạy loạn lại tiếp tục về xây dựng lại thôn Tráng Liệt mỗi ngày càng hưng thịnh hơn. Đến thế kỉ XIX Pháp sang xâm lược nước ta lấy danh nghĩa là bảo hộ thì làng Tráng Liệt được tổ chức theo khu vực hành chính và lúc đó dân số tăng nhiều, làng được mở rộng và sát nhập khu xóm chùa, Vành Lao, Ngõ Kết của họ Dương rồi thành lập xã và lấy tên là xã Tráng Liệt và tên làng lấy là làng Kẻ Sáp (ý Kẻ Sáp là: những kẻ có đạo phải đi phân tán khỏi làng và phải sát nhập vào các làng khác). Do đó gọi là làng Kẻ Sáp (lấy từ điển chữ Nôm). Rồi cứ dần tên Sáp thành tên Sát, rồi sang đến thế kỷ XX khi xây dựng lại Thánh Đường tại trung tâm làng thì tên gọi là nhà thờ Kẻ Sặt, giáo xứ Kẻ Sặt; đồng thời cũng gọi theo là làng Kẻ Sặt, giáo xứ Kẻ Sặt cho đến nay.

Khi hình thành xã theo tổ chức hành chính lúc đó thì xã Tráng Liệt thuộc Tổng Thị Chanh và thôn Châu Khê và Tổng Thị Chanh thuộc phủ Năng An, rồi đổi là Bình An. Sau đó thành huyện Bình Giang, từ đầu Pháp thuộc thì khu đồn binh của Pháp đặt tại cạnh khu Hạ vì làng Sặt chia làm ba khu: khu Thựơng là trang trại chính của bà Liệt, khu Trung là nơi trung tâm giữa làng, Khu Hạ là khu giáp đồn binh của Pháp. Sau đó Pháp cho chuyển thủ phủ huyện về đồn binh Sặt gọi là huyện lị Bình Giang, có bộ máy hành chính của quan lại dưới quyền của Pháp thuộc.

Cũng khoảng thế kỷ XIX có 5 cụ thuộc 5 giòng họ, một là cụ Bang Tá Vấn họ Phạm cha đẻ cụ Trùm Chỉnh, hai là cha đẻ cụ Trùm Châm, ba là cha đẻ cụ Trùm Sưu, bốn là cha đẻ cụ Trùm Xướng và một cụ thuộc họ Đào đã cùng nhau ra khai khẩn sình lầy ven sông Sặt từ cạnh khu Hạ lên đến Thịnh Vạn (đầu cầu Sặt bây giờ) cho đến khi mở đường quốc lộ 20 và Pháp bắc cây cầu qua sông gọi là cầu Sắt, rồi là cầu Vạn hoặc cầu Sặt…

Từ đó dân cư và con cháu các cụ ra xây dựng cơ ngơi nhà cửa dần dần trở thành khu trù phú nhất làng Sặt và dần dần dân các nơi về lập nghiệp buôn bán nên gọi là phố Sặt và là khu 4 của làng Sặt. Đồng thời đạo Kitô được mở rộng ra, đến năm1922 giao dịch di chuyển nhà thờ Thánh Đường về giữa làng, đầu giáp khu Thượng, hông phải giáp khu Hạ, mặt tiền hông trái giáp khu Trung và thành lập khu Nhà Chung tại đầu nhà thờ bây giờ. Còn khu nhà thờ trang trại Bà Liệt cả nhà xứ xây dựng thành khu nhà Phước tức nhà Mụ ngày nay. Đồng thời khu phố các cụ cũng xây dựng một ngôi đền thờ Thánh An Tôn vào năm 1923 và đặt tên là họ An Qúy. Cũng từ đó nhân dân Kẻ Sặt mỗi ngày phát triển đông đúc, việc làm ăn đời sống được phát triển và phát triển nhíều ngành nghề thủ công và kinh doanh buôn bán với nhiều nơi. Do đó các cụ xây dựng nên một khu chợ lớn goi là chợ Sặt, trên bến dưới thuyền, mỗi ngày được thuận lợi cả về giao thông thủy bộ với khắp nơi. Ngoài ra còn có các khu đồng ruộng phì nhiêu màu mỡ phát triển cây trồng 4 mùa như: lúa, khoai, su hào, bắp cải, bí đao, thuốc lào… nên đời sống dân cư được sung túc nhất vùng. Về mặt giáo hội thì Tòa Thánh Rôma xác nhận Kẻ Sặt là xứ đạo lớn (chính xứ) và đã cử các vị Linh mục sang coi giữ xứ đạo Kẻ Sặt để đáp ứng nhu cầu cho việc hành đạo của giáo dân mỗi ngày một đông. Vì vậy đến năm 1929 (thế kỷ XX) do được sự tài trợ của Tòa Rôma, của Pháp và sự đóng góp của giáo dân nên Hội đồng giáo xứ lúc đó đã được lập nên và cùng Hội đồng kỳ hào và Linh mục chính xứ là Iphanho có tên là Cha Phê đã quyết định xây lại nhà thờ lớn là nhà thờ hiện nay (khởi công xây dựng đến hoàn thành là 4 năm trời 1929-1933).

Thôn Trang Liệt, làng Tráng Liệt, xã Tráng Liệt và xứ đạo Kẻ Sặt để người Kẻ Sặt chúng ta dù sống ở nơi đâu chúng ta vẫn luôn luôn hướng về quê hương đất mẹ và thể hiện người Kẻ Sặt luôn giữ gìn đức tin làm cho cuộc sống thực sự tốt đời đẹp đạo, đồng thời  hòa mình vào cuộc sống của dân tộc, được chung sống hòa bình, hạnh phúc với nhân loại tiến bộ. 

Dù ở góc độ nào, hoặc là giả định nào, dù là truyền thuyết thì mọi người quê hương Kẻ Sặt chúng ta cùng nhau đời đời ghi ơn sâu nặng những người có công xây dựng nên thôn Trang Liệt, làng Tráng Liệt, xã Tráng Liệt, xứ Kẻ Sặt .

Theo ghi chép của Phạm Văn Quý trong “Kẻ Sặt ngày ấy bây giờ”

VÀI NÉT VỀ KẺ SẶT MIỀN BẮC XƯA VÀ NAY

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW