Di cư vào Miền Nam

20-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Di cư vào Miền Nam by

1. TỔNG QUÁT

Bản hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954 đã chấm dứt chiến tranh Việt Pháp kéo dài 9 năm, từ 1946 đến 1954, đồng thời cũng đưa lịch sử tổ quốc Việt Nam và lịch sử quê hương Kẻ Sặt vào một khúc quanh quan trọng chưa từng thấy bao giờ. Đó là việc chia đôi đất nước, chia đôi quê hương thành hai miền xa vời với hai nếp sống khác  nhau…

Chiếu theo hiệp định đình chiến, dân chúng hai miền Nam và Bắc có quyền chọn miền và chế độ để sống. Làng xứ Kẻ Sặt, một làng xứ công giáo toàn tòng, với ba phần năm dân số tức khoảng 6000 người đã chọn di cư vào Miền Nam.

2. LÊN ĐƯỜNG

Suốt trong những tháng 7, 8, 9 năm 1954 và còn kéo dài sang năm 1955, dân chúng kéo nhau ra Hải Phòng để lập thủ tục di cư rất đông. Những khu phố  tập trung chờ đợi là: Hàng Kênh, Trại Cau, Bà Mau và Nhà Thờ Cấm. Một số nhỏ đi máy bay, còn hầu hết đi bằng tầu thủy.

Để tới tầu lớn Anh và Mỹ đậu ngoài khơi, dân di cư được chuyển từ bờ sông Hạ Lý ra, bằng loại tầu nhỏ của quân đội Pháp gọi là ''tầu há mồm’’.

Chuyến đi đông nhất vào khoảng 2000 người Kẻ Sặt, rời cảng Hải Phòng ngày 14-9-1954 bằng tầu chở hàng Hawaii Bear. Những chuyến sau cùng đi chung với người thuộc các địa phương khác bằng tầu hải quân Mỹ như Marine Serpent…

Hải trình Bắc Nam phải đi mất 3 đêm 4 ngày.  Hai bến cảng Miền Nam tiếp nhận là Vũng Tàu ở trại tạm cư Rạch Cát, và Bạch Đằng Sài Gòn, ở trại tạm cư Phú Thọ.

Chuyến đông người nhất khi cập bến Sài Gòn thì được đưa về tạm trú ở Trại Trấu trên bờ sông là nơi chứa thóc, cạnh cầu Nhị Thiên Đường Chợ Lớn.

Sau hai tuần lễ, một số gia đình chọn định cư ngay tại khu Bình Xuyên, sau đổi thành Bình An cách Trại Trấu 2 cây số, một số khác đi Bến Cát thuộc tỉnh Thủ Đầu Một, sau đổi thành Bình Dương, một số tới vùng ngoại ô thị xã Vũng Tàu, còn đại đa số thì được đưa về Hố Nai thuộc tỉnh Biên Hòa.

Các trại tạm cư được thiết lập bằng lều vải quân sự hoặc là những dẫy nhà tranh do Phủ Tổng Uỷ Di Cư dựng lên.

3. PHẤN ĐẤU

Thời gian đầu, dân di cư chỉ ngồi không chờ lãnh tiền bạc và phẩm vật trợ cấp của chính phủ và các cơ quan từ thiện trong nhất là ngoài nước như  Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo Hoa Kỳ CARE v.v…

Nhìn đất rừng, người người không khỏi nản lòng vì cảm thấy thật khó khăn trong việc mưu sinh. Một số ít người có vốn đã rời khỏi Hố Nai đi làm ăn tại Sài Gòn. Số khác đi các nơi xa hơn. Còn hầu hết thì cứ ở lại, chấp nhận thực tế và ra sức phấn đấu với bao vất vả, gian lao …

Dân di cư được tập hợp theo từng Địa Phận và Xứ Đạo. Hầu hết khu vực Hố Nai được dành cho Địa phận Hải Phòng. Các xứ đạo ở liền nhau, nhiều chỗ không phân biệt ranh giới rõ ràng.

Nghề phổ thông nhất lúc đó là ‘’dô rừng’’ cắt tranh, chặt cây làm củi hay cột nhà để bán. Nhưng càng ngày cây rừng càng hiếm. Nhiều người làm rẫy gieo lúa lốc và trồng rau bên suối.

Lúc đó ai có sức phá rừng làm rẫy thì đương nhiên được quyền sở hữu khu đẩt đó. Thú rừng như khỉ đàn, heo rừng, nhím và cả cọp thường đến phá hoa mầu. Từ đó nẩy sinh thêm nghề săn bẫy.

Việc buôn bán trở nên tấp nập và mỗi lúc một phát triển với các hàng quán , cửa hiệu được mở ngay tại chỗ ở. Rồi chợ búa được hình thành dần và càng lúc càng sầm uất, theo đúng năng khiếu của dân mình từ xa xưa. Chợ Sặt lại được nhiều người biết đến và cùng họp chung.

Nhà ở được ngăn ra từ các lán trại tập thể để chia cho từng gia đình. Mỗi nhà tự túc sửa chữa  cho chắc chắn và ngăn nắp hơn. Nhưng do tâm lý chung lúc đó thì không ai muốn xây cất kiên cố vì chỉ nhắm chừng độ vài năm nữa thôi ta lại hồi hương, như điều khoản của hiệp định nói sẽ có cuộc tổng tuyển cử tự do…

Nếp sống mỗi lúc một ổn định và khả quan. Cảnh tượng rừng rú không còn nữa mà đã trở thành một khu định cư đầy triển vọng. Điểm đặc biệt nhất là sinh hoạt đạo đức thì hết sức nhộn nhịp vì lòng nhiệt thành.

Công trình chung trước hết của bất cứ xứ đạo nào cũng là làm cho được một nhà thờ, dù lúc đầu chỉ là một dẫy lán trại mái tranh, chưa có chuông thì dùng kẻng. Chương trình phụng vụ sớm tối đều đặn, các cuộc rước kiệu vẫn tưng bừng sốt sáng… Về phương diện văn hóa giáo dục, khu nhà thờ cũng chính là nơi các lớp học được mở ra.

4. HƯỚNG VỀ CỐ HƯƠNG

Trong khi đó, tin tức về những người thân yêu còn ở lại Miền Bắc chỉ được biết một cách vắn tắt qua những tấm ‘’Bưu Thiếp’’ có khuôn khổ giới hạn, hay cả thư từ nhưng phải gửi vòng qua Âu Châu. Thư nào cũng chỉ có những tin về gia đình như sức khỏe hay việc tạ thế của một ai đó. Những lời chúc cuối thư từ bên này hay bên kia thường chỉ nói lên ước vọng hòa bình thống nhất, hay nói lên niềm tin tưởng cậy trông nơi Ơn Trên…

5. PHÁT TRIỂN

Ngoài sinh hoạt tôn giáo ở thánh đường là chính yếu và cần thiết, trường lớp cấp tiểu học được xây dựng

với sĩ số đông đảo. Học sinh trung học thì phải đi xuống thị xã Biên Hòa hay lên thủ đô Sài gòn thì mới có trường.

Chơ Sặt ngày một thêm phát triển và tấp nập. Xe cộ tới lui nhộn nhịp. Thanh niên nam nữ chiều chiều dong chơi trên quốc lộ số 1 thật vui vẻ. Các hình thức giải trí như thể thao và văn nghệ được tổ chức hàng tuần nhất là vào các dịp lễ tôn giáo và quốc gia, thu hút đông đảo giới trẻ từ các xứ lân cận đến…

Tổ chức hành chánh về xã ấp được thiết lập và ổn định. Hố Nai ngày một trở nên có sinh lực dồi dào, thể hiện sức sống và tiềm năng của người dân ‘’Bắc Việt Di Cư’’ nói chung.

Thời gian 2 năm như mong đợi rồi cũng qua đi mà không thấy biến chuyển gì, dân Sặt đã minh nhiên chấp nhận Hố Nai Miền Nam là quê hương thứ hai vĩnh viễn. Nhưng dân số mỗi ngày một tăng nhanh trong khi đất đai thì có giới hạn, do đó nhu cầu cư trú trở nên khó khăn.

Một số tương đối gia đình đã tự động đi tìm nơi cư trú ngoài Hố Nai, như: Bãi Re, Đồng Lách ở Biên Hòa, Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định, hay Phú Thọ, Bình An, Xóm Mới, Gò Vấp ở ngoại ô Sài Gòn, như Cái Sắn, Sóc Trăng ở Miền Tây, hay Lạc Lâm, gần Đà Lạt, xa hơn nữa tận Ban Mê Thuột và Đà Nẵng ở Miền Trung. Điểm độc đáo là dù bất cứ ở đâu, người Sặt cũng giữ những nhiệm vụ trong ban hành giáo nơi đó !

Nhưng đại đa số vẫn ở lại Hố Nai. Giai đoạn đầu đều tập trung ở cây số 8 (tính từ tỉnh lỵ Biên Hòa lên). Cha Hoàng Trọng Thu làm chính xứ Kẻ Sặt 1 từ ngày di cư trong 9 năm, với nhiều điểm tích cực nhưng cũng không ít điều tiêu cực, thương tổn trầm trọng đến truyền thống phong hóa làng xứ… Sau khi cha Thu phải đổi đi, thì Cha phó Nguyễn Thanh Minh lên thay. Đó là một vị chính xứ lâu năm nhất ở Kẻ Sặt.

Với đặc tính không ngừng vươn lên, người Sặt đã mua lại được hầu hết nhà đất của các xứ lân cận như Trung Nghĩa, Đại Lộ và lập thành một dẫy phố thương mại phồn thịnh, hơn cả Phố Sặt Miền Bắc trước đây.

6. KẺ SẶT HỐ NAI

Như đã trình bày, gọi là Kẻ Sặt Hố Nai thì phải gồm cả ba khu vực ở những cây số 6, 7 và 8… Nhưng đối với người ngoài, khi nói tới Kẻ Sặt Hố Nai, người ta thường chỉ liên tưởng tới Kẻ Sặt 1, với ngôi thánh đường cổ kim hòa điệu, vĩ đại vào bậc nhất Giáo Phận Xuân Lộc, rất xứng đáng với truyền thống giáo xứ  thời danh từ Bắc vào Nam.

Chỉ đáng tiếc rằng, thay vì xây dựng ở địa điểm phía ngoài với trường học, nghĩa trang, đất rộng và hướng ra xa lộ, thì do thiếu sự  đồng thuận, ngôi thánh đường đó đã được kiến tạo ở phía trong, ngay trên nền của thánh đường cũ, với nhà cửa san sát, không có bối cảnh bề thế, ví như thể của quý mà cứ để ở trong hộp vậy. Ngoài ra, khi chụp hình theo chiều nghiêng, người ta lại thấy cả quần áo phơi trên sân thượng của các nhà dân ở cạnh Thánh Đường, làm giảm tính tôn nghiêm đi.

Kẻ Sặt Hố Nai đã trở thành quê cha đất tổ mới. Những dịp Lễ, Tết, đồng hương dù ở đâu cũng thường trở về đây xum họp trong tình yêu thương đậm đà. Cũng chính ở nơi đây, mọi truyền thống tốt đẹp của quê hương vẫn được duy trì và không ngừng phát huy cho phù hợp với trào lưu tiến hóa mới.

Một khu mới được hình thành ở cây số 7 với mấy chục gia đình, gọi là họ Vicentê vì ở đây có xây đền kính Thánh Vicentê, để tiếp nối truyền thống đạo đức Kẻ Sặt Miền Bắc xưa. Họ đạo này thuộc xứ Bắc Hải, Hố Nai. Và cũng có một ngôi chợ gọi là chợ Bắc Hải.

Đặc biệt còn  một khu rộng rãi nữa ở cây số 6, gọi là Kẻ Sặt 2, gồm ngót 100 gia đình và đã trở thành một giáo xứ riêng biệt. Đây là công trình lớn lao của cha già Lê Duy Thức. Người đã mua lại  một phần đồn điền cao su của Pháp bỏ hoang. Thánh đường là một công trình kiến trúc kiểu mới, tọa lạc trên ngọn đồi cuối cùng của vùng cao nguyên Nam Phần, với công trường rộng rãi.

7. NHỮNG SỰ KIỆN ĐÁNG GHI

Tất nhiên đã có rất nhiều diễn biến trong thời gian này. Nhưng xin chỉ lược kể một số sự kiện tiêu biểu:

Năm 1955, Đức Hồng Y Spellman Giáo Chủ Nữu Ước, Hoa Kỳ; rồi đến năm 1959, Đức Hồng Y Agagianian, Bộ Trưởng Truyền Giáo Tòa Thánh đều đã đến thăm giáo xứ Kẻ Sặt, Hố Nai.

Năm 1966, Đức Mẹ Fatima trên đường viễn du khắp thế giới đã dừng chân tại xứ nhà.

Ngay từ năm 1955 cho đến năm 1965, công dân công giáo Kẻ Sặt đã từng  tích cực tham gia những cuộc biểu dương khí thế vì Thiên Chúa và Tổ Quốc tại địa phương, nhất là tại Sài Gòn.

Năm 1962, do nhu cầu quân sự đồng thời cũng nằm trong kế hoạch phát triển Miền Nam, xa lộ Biên Hòa được hình thành. Phần cuối của xa lộ tân kỳ này lại tiếp giáp với Kẻ Sặt, tạo nên thế thuận lợi cho việc mở mang làng xứ, đặc biệt là Chợ Sặt mới và nghĩa trang rộng.

Năm 1965, quân đội Hoa Kỳ ồ ạt vào Miền Nam, đồn trú đông đảo tại khu tiếp vận Long Bình, cách Kẻ Sặt không bao xa. Nhiều người đã trở thành công nhân cho các hãng thầu và đơn vị Mỹ, gọi chung là đi ‘’làm cho Mỹ’’. Thu nhập quả thực cũng rất đáng kể. Tuy nhiên, hệ quả về mặt xã hội, đạo đức và gia đình đã trở thành những nố nghiêm trọng cho niềm tin chân truyền…

Năm 1968, biến cố chiến tranh tết Mậu Thân xẩy ra, lần đầu tiên gây nên tang tóc và đổ nát cho dân làng tại Miền Nam.

Năm 1970, các thiện chí xây dựng quê hương từ nhiều lứa tuổi đã đồng loạt phát động như: Phong Trào Hương Ước, Hội Hương Lão, Tổ chức Ái Hữu Kẻ Sặt và Gia Đình Cựu Học Sinh Văn Côi

Năm 1974, việc khánh thành nhà thờ Kẻ Sặt 1 được tổ chức linh đình, trong đó có cuộc trình diễn thánh ca của các ca đoàn địa phương thật xuất sắc và tưng bừng.

Trong dịp này nhà xuất bản Chu Văn Nghiệp cũng phát hành cuốn ‘’26 Anh Hùng Tử Đạo Kẻ Sặt’’ do Linh Mục Bùi Đức Sinh biên soạn.

Đời sống vật chất của dân chúng Kẻ Sặt nói chung đã đạt tới mức độ cao, vì hầu hết đều ăn nên làm ra. Nhà ở được xây dựng kiên cố và theo kiểu mới, với những phương tiện văn minh tân kỳ, thể hiện qua những cột ăng ten truyền hình, điện khí hóa từ ngoài vào trong, đêm cũng như ngày…

Điểm đặc biệt là tình trạng giầu nghèo không còn  cách biêt quá xa như khi còn ở Miền Bắc. Rất nhiều gia đình khi xưa từng ‘’ăn bữa sáng lo bữa tối’’ nay lại trở thành khá giả, thậm chí ngược lại còn hơn cả một số gia đình trước đây bao đời đã là tầng lớp ‘’nhà ngói cây mít’’ nữa. Thật là Ơn Trên công bằng vậy !

Về đời sống tinh thần, hai giáo xứ và một họ đạo cùng mang tên Kẻ Sặt, luôn thể hiện lòng sốt sáng và lớn mạnh về tổ chức và sinh hoạt, từ Giáo Phận Sài Gòn trước kia đến Giáo Phận Xuân Lộc sau này. Kẻ Sặt vẫn liên tục cống hiến cho Giáo Hội nhiều tu sĩ nam nữ và linh mục…

Về phương diện văn hóa các thế hệ Kẻ Sặt mới được theo học tại Biên Hòa, ở Sài Gòn, đã thăng tiến và thành đạt tới trình độ chuyên viên và đại học, nhờ nhiều gia đình đã có được những điều kiện kinh tế khả dĩ, nhất là do sự thay đổI, có thể nói được là ‘’cách mạng quan niệm’’ của phụ huynh.

Nhiều thanh niên đã thi hành nghĩa vụ quân sự thuộc đủ mọi binh chủng, ở mọi cấp bậc. Nhiều sĩ quan đã có cơ hội được đào tạo văn võ song hành, đặc biệt là đi du học ở nước ngoài như Mã Lai. Đài Loan và Hoa Kỳ…

Từ năm 1954, dòng sống Kẻ Sặt Miền Nam cứ êm đềm chẩy như thế, trong khi các thế hệ tuổi trẻ sinh ra, lớn lên đông đảo và tiến bộ, cho tới biến cố lịch sử Đất Nước diễn ra năm 1975, khiến cho Quê Hương Kẻ Sặt của chúng ta như thể cùng đi vào một giai đoạn… đổi đời.

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW