Công đồng Kẻ Sặt – Năm 1900

21-02-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Công đồng Kẻ Sặt – Năm 1900 by

Hay là Công đồng Miền Bắc Kỳ (Đàng Ngoài) Lần thứ I hội tại Kẻ Sặt năm 1900. ( Tải về )

I. VẤN ĐỀ CÔNG ĐỒNG TRONG GIÁO HỘI

Trước hết, ta nên biết công đồng là một sự kiện tối quan trọng trong sinh hoạt của Giáo hội xưa nay. Mỗi khi trong Giáo hội có việc can hệ cần giải quyết, như có bè rối, bè đảng nổi lên, hay phải cải tổ lại guồng máy sinh hoại của Giáo hội, thì các công đồng được triệu tập, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các Bề trên ngồi chung lại với nhau, để lên án những tà thuyết sai lạc, hay đưa ra những quy luật khôn ngoan để thi hành. Như công đồng Jerusalem năm 51, do các Thánh tông đồ họp dưới quyền Thánh Phêrô, đã thảo ra một bản tuyên xưng đức tin, mà ta gọi là kinh tin kính các Thánh tông đồ, để làm mẫu mực chung cho các Ngài cứ đó mà đi rao giảng khắp nơi.           

Từ 20 thế kỷ nay, trong Giáo hội đã diễn ra nhiều công đồng. Có những công đồng chung cả Hội Tháhh như các công đồng Nicea, Tridentino, Vaticano. Có các công đồng từng châu, như công đồng CELAM của các Hội đồng Giám mục Mỹ Châu La tinh, từng miền, từng nước, hay từng địa phận. Các công đồng địa phương này có mục đích bàn định và giải quyết các việc thụộc địa phương ấy. Trước khi công đồng miền Bắc kỳ hội, thì ngay gần ta cũng có các công đồng ở Ấn Độ, Nhật Bản.

II. TÌNH TRẠNG NƯỚC VIỆT NAM TRƯỚC CÔNG ĐỒNG KẺ SẶT NĂM 1900

Ta cần nhìn qua tình hình Việt Nam trong vòng 400 năm nay, tức là từ khi mở đầu việc truyền giáo tại Việt Nam. Trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Việt Nam bị phân ra hai miền và lấy sông Gianh làm ranh giới: Miền Nam do Chúa Nguyễn trấn giữ, gọi là Đàng Trong, còn Miền Bắc do Chúa Trịnh cai trị, gọi là Đàng Ngoài.

Khi các vị thừa sai ngoại quốc tới truyền giáo thì cũng chia nhau đi từng miền cho dễ giảng đạo. Đến khi thiết tập các địa phận năm 1659, Toà Thánh cũng lấy con sông Gianh làm ranh giới cho hai địa phận Đàng Trong (Nam) và Đàng Ngoài (Bắc). Đến khi các cuộc bách hại chấm dứt, các địa phận lại được bằng an, lại tiếp tục việc truyền bá đức tin, số giáo dân mỗi ngày gia tăng và nhiều địa phận nhỏ được thiết lập, "Đức Thánh Phapha Leo XIII muốn… lập thứ tự phép tắc… và cho các địa phận cứ một lối cùng giữ một khuôn phép như nhau cả, thì ngày 23/03/1879, Người ngự ra sắc lệnh truyền Tòa áp việc giảng đạo quy hội các địa phận từng nước, tùng miền, giống như quy hội các địa phận chính toà… trong vòng một năm các Đấng Vicariô apostolico các địa phận… phải hội công đồng chung với nhau" [1]. Vì thế, công đồng Miền Bắc kỳ mới được triệu tập.

III. TẠI SAO CÔNG ĐỒNG MIỀN BẮC LẦN I HỘI TẠI KẺ SẶT NĂM 1900?

Theo chỉ thị của Tòa áp việc giảng đạo, Tòa Thánh yêu cầu Đức cha niên trưởng trong các địa phận Miền Bắc lúc đó, là Đức thầy Antong Colomer Lễ, vít-vồ Themiscerensô, vicario apostolico địa phận Bắc (Bắc Ninh) đứng triệu tập và chủ toạ công đồng. Nhưng vì Ngài tuổi già sức yếu, không cáng đáng nổi công việc, đã xin Toà Thánh cử Đức thầy Giuse Terrès Hiến, vít-vồ Cydissensê, vicario apostolico địa phận Đông Đàng Ngoài đứng tổ chức thay.   

Được sự chấp thuận của Toà Thánh vấ sự nhất trí của các Đức thầy trong Miền, Đức thầy Hiến đã sẵn sàng đứng triệu tập và “khai công đồng thứ nhất của miền Bắc kỳ ngày 11/02/1900, cũng là ngày lễ cả Bảy Mươi tại Nhà Thờ Đức Bà, hiệu là Nữ Vương Truyền Rất Thánh Rosario, ở làng Kẻ Sặt, tỉnh Hải Dương” [2] và do chính Đức thầy Hiến thay mặt bộ áp việc truyền giáo đứng đầu.

Tại sao chọn Kẻ Sặt? Đáng lẽ ra phải hội tại Hải Phòng lúc đó đang là Toà Giám Mục địa phận Đông. Ta cũng nên hiểu: tình hình Giáo hội Việt Nam lúc này đã bằng yên. Trước kia, trong thời cấm cách, các Bề trên thường chọn một xứ đạo lớn toàn tòng, chắc chắn có thể bảo vệ làm Toà Giám Mục, như địa phận Trung chọn Bùi Chu, địa phận Tây chọn Kẻ Sở, địa phận Đông ở Kẻ Sặt, v.v… Nhưng nay để công việc liên lạc và hành chánh dễ dàng, các Tòa Giám Mục được rời về các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, trừ có Bùi Chu. Nên đáng lẽ thì công đồng phải nhóm họp tại Toà Giám Mục hay Nhà thờ chính toà Hải Phòng. Đằng này, các Đức thầy lại chọn xứ Kẻ Sặt, vì là một giáo xứ lớn nhất trong địa phận Đông, dân số lại đông và toàn tòng, xưa kia cũng đã là Tòa Giám Mục lâu đời, và nay lại đang là trụ sở của Cha Chính (Bề trên địa phận), lại có trường lý đoán đang học tại đây, nên là một nơi thuận tiện cả về phương diện nhân sự và đủ phương tiện vật chất và tinh thần. Vì thế, công đồng đã quyết định hội tại Kẻ Sặt.

IV. THÀNH PHẦN CÁC GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TÔNG TOÀ THAM DỰ CÔNG ĐỒNG

  1. Đức thầy Giuse Terrès Hiến, vít-vồ Cydissensê, vicario apostolico địa phận Đông.
  2. Đức thầy Lui Pineau Trị, vít-vồ Calama, vic.apost. địa phận Nam.
  3. Đức thầy Phêrô Maria Gendreau Đông, vít-vồ Chrysopoli vic.apost. địa phận Tây.
  4. Đức thầy Bảo Lộc Maria Raymond Lộc, vít-vồ Linoe, vic.apost. địa phận Đoài.
  5. Đức thầy Maximo Fernandez Định, vít-vồ  Adtudensê, vic.apost địa phận Trung.
  6. Đức thầy Maximinô Velasco Khâm, vít-vồ Amoria, làm coadjutor thay mặt Đức thầy địa phận Bắc. [3]

Ngoài ra còn có 5 vị cố chính (bề trên địa phận), và 3 cha chính dòng thánh Duminhgô tham dự.

V. CÁC NGHI THỨC KHAI DIỄN TRONG THỜI GIAN HỌP CÔNG ĐỒNG

1. Ngày khai mạc: Đúng ngày lễ cả Bảy Mươi, tức là ngày 11/02/1900, chính hôm ấy, các Đức thầy được rước thật trọng thể từ nhà nguyện trường lý đoán ra nhà thờ, vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh. Nhà Thờ được trang trí long trọng. “Bổn đạo đã đến thông công thật đông, chẳng những người làng Kẻ Sặt, là họ đạo rất sốt sáng, mà lại người các nơi khác nữa, phần nhiều đã dọn mình xưng tội rước lễ”. [4]

Sau Thánh lễ hát trọng kính Chúa Thánh Thần do Đức thầy đứng đầu chủ sự, các vị Giám mục an tọa trên các toà của mình, vị Giám mục đại diện tông toà đứng đầu công đồng, hỏi ý kiến các Giám mục có bằng lòng mở công đồng ? Các vị đáp: “chấp thuận, vị Giám mục đứng đầu công đồng tuyên bố:

“Nhân danh một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Cha, và Con và Phiritô Sangtô, Ta là Giuse Terrès Hiến, ơn Đức Chúa Trời và ơn Toà Thánh, làm vít-vồ Cydissensê, cùng làm vic.apost địa phận Đông Đàng Ngoài trong nước Annam và đứng đầu việc công đồng này như lời Tòa Áp việc giảng đạo đã truyền.”

“Ta ước ao ngợi khen và làm sáng danh Đức Chúa Trời… Rất Thánh Đức Maria… ông Thánh Giuse quan thầy riêng các địa phận này, và các Thánh nữa, cùng muốn cho đạo Thánh Đức Chúa Trời càng ngày càng tấn tới, và cho Thánh Yghêrêgia một ngày một sáng láng và thịnh sự trong các địa phận này. Bởi vl các vít-vồ có mặt đây ưng thuận… ta chỉ định cùng rao cho mọi người biết rằng: Công đồng hội lần thứ nhất Miền Bắc Kỳ đã bắt đầu chính thức hôm nay là lễ cả Bảy Mươi, cũng là ngày 11/02/1900.” [5]

Việc tiếp theo là chỉ định các chức vụ làm việc trong những ngày hội công đồng.

Sau đó, sắc lệnh công đồng Tridentinô được đọc lên và các vít-vồ tuyên thệ đức tin. Cuối cùng Đấng vít-vồ đứng đầu công đồng làm phép biên song trọng thể và lễ nghi khai mạc chấm dứt.          

2. Có 3 phiêu hội chung trọng thể: Trong mỗi phiên một Đức thầy thay mặt cử hành Lễ kính Chúa Thánh Thần trọng thể và đông đủ các nghị phụ tham dự. Sau lễ, các vít-vồ công bố các quyết nghị đã được công đồng chấp thuận cho mọi người nghe.

3. Các buổi hội: Trong suốt thời gian 3 tuần họp công đồng, mỗi ngày có 2 buổi họp: sáng từ 8 giờ và chiều từ 15 giờ.

4. Ngày bế mạc: sáng thứ ba sau lễ cả I mùa chay, tức ngày 06/03/1900, là phiên hội chung lần cuối cùng và là bế mạc, cũng cử hành lễ kính Chúa Thánh Thần long trọng như ngày khai mạc. Sau đấy, các Đức vít-vồ công bố tất cả các nghị quyết của công đồng. Được hỏi ý, các Đấng thưa lại: "Chúng tôi thuận cả". Các Đấng lần lượt tiến lên Bàn thờ và ký tên vào sắc lệnh công đồng. Để chấm dứt lễ nghi, mọi người hát kinh Te Deum tạ ơn Chúa và Công đồng Miền Bắc Kỳ lần thứ I tuyên bố bế mạc.

VI. LƯỢC TÓM CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA CÔNG ĐỒNG

Đây là lần đầu tiên từ sau khi Giáo hội Việt Nam được bằng yên, các Đức Giám mục Miền Bắc đã hội chung và bàn định về các vấn đề sinh hoạt và tổ chức của chung các địa phận ngoài Bắc. Những quyết định của công đồng Kẻ Sặt đã hướng dẫn cho tất cả các Đấng bậc trong Giáo hội về các công việc phải thi hành cho sáng danh Chúa và tấn ích cho các linh hồn. Các nghị quyết này ghi lại thành một bản sắc lệnh và đa số các điều khoản còn giá trị cho đến ngày nay.

Dưới đây là tóm lược các quyết định:

  1. Các quyết định về bổn phận các Đấng đại diện tông toà, về các thừa sai ngoại quốc đang hoạt động tại Việt Nam, về các Linh mục bản quốc, các Thầy giảng, các người nhà Đức Chúa Trời, các Tu sĩ nam nữ và toàn dân công giáo.
  2. Các quyết định về các trường kẻ thử, la tinh và lý đoán.
  3. Các quyết định về việc quản trị và sử dụng các tài sản của Thánh Yghêrêgia, của các địa phận, của nhà chung và của các nhà thờ họ đạo, cũng như các tài sản của các nhà mụ và các của được công đức.
  4. Các quyết định về việc cử hành các phép Sacramentô.
  5. Sau cùng, các quyết định về việc coi sóc các con chiên, như việc giữ ngày Chúa nhật, xưng tội, rước lễ mùa phục sinh, ăn chay kiêng thịt, về tổ chức ban trùm trưởng, về các tràng dạy giáo lý và các tràng khác với vấn đề giáo viên và sách giáo khoa, về việc mê tín dị đoan, đám ma, về các họ lẻ và người tân tòng và sau cùng, về các tiểu nhi và các bệnh viện.

Ta phải nói rằng: rất nhiều quyết định của công đồng Kẻ Sặt đã đưa ra rất khôn ngoan và bổ ích như tổ chức nhà Đức Chúa Trời và các Thầy giảng.

Tổ chức nhà Đức Chúa Trời là một tổ chức đặc biệt cùa Hội Thánh Việt Nam, từ trên các Linh mục xuống tới các cậu, các bõ ngãi, giữa các Đấng bậc các công tác được phân phối minh bạch, các mối liên lạc trong nhà rất chu đáo và các lễ luật trong nhà trọn hảo, có thể giúp cho mọi người nhà Đức chúa Trời nên Thánh.

Tổ chức các Thầy giảng cũng vậy. Mặc dù các anh em chưa được học hành cao rộng, nhưng có tinh thần đức tin sống động, và nhờ lề luật hỗ trợ, các Thầy giảng như cánh tay mặt của các Linh mục, đi đến khắp nơi, chu toàn mọi công việc, giúp đỡ cách đắc lực cho Hội Thánh, và mang lại nhiều kết quả cho công cuộc truyền giáo.

Tuy công đồng lúc đó có ra nhiều điều luật cốt là khắt khe, nhưng nhờ đó mà củng cố được Giáo hội rất vững chắc và thánh thiện. Ngày nay, vì hoàn cảnh xã hội và tinh thần con người thay đổi, nên các tổ chức quý hóa đó không còn tồn tại, nhưng mong mỏi các Bề trên và người làm tông đồ có thể tìm ra được những tổ chức khác thay thế.

TO – HẢ sưu tầm


CHỈ DẪN 
[1] Trích cuốn: Công đồng hội lần thứ nhất miền Bắc kỳ, Kẻ Sở, 1915, trang 1.
[2] Trích cuốn trên, trang 8.
[3] Trích cuốn trên, trang 9.
[4] Trích cuốn trên, trang 15.
[5] Trích cuốn trên, trang 11. 

BẢNG LIỆT KÊ CÁC DANH TỪ CỔ HAY PHIÊN ÂM TỪ LA NGỮ

  • Phapha: Đức Giáo Hoàng.
  • Toà áp việc giảng đạo: Thánh bộ truyền bá đức tin.
  • Vít-vồ: Episcopus, giám mục.
  • Vicario apostolico: vị đại diện tông toà.
  • Rosariô: Mân côi.
  • Phiritô Sangtô: Đức Chúa Thánh Thần.
  • Thánh Yghêrêgia: Hội Thánh, Giáo Hội.
  • Biênsong : Benedistio, phép lành.
  • Trường kẻ thử La tinh: Tiểu chủng viện.
  • Trường lý đoán: Đại chủng viện.
  • Sacramento: Bí tích.
  • Nhà mụ: Tu viện Mến Thánh Giá
  • Tiểu nhi: Cô nhi viện.
  • Duminhgô: Dòng Đaminh.

Trích "Đặc san kỷ niệm 20 năm Thánh đường Kẻ Sặt Hố Nai – Biên Hoà"

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW