Lời Chúa trong đời sống Thánh hiến

05-03-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời Chúa trong đời sống Thánh hiến by

Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường chúng ta đi (x. Tv 118, 105). Lời Chúa rất quan trọng trong đời sống của người thánh hiến. Bởi vì nhờ Lời Chúa, ta biết được chính Chúa và biết được cách sống sao cho đẹp lòng Ngài; đồng thời cũng biết cách sống tốt với nhau.

Thánh Giêrênimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Thật vậy, nếu không biết Chúa Kitô là ai, Ngài đã sống, đã dạy con người cái gì, và cuối cùng Ngài cứu chuộc nhân loại bằng cách nào, thì định hướng đời tu của chúng ta không đặt đúng chỗ và có lẽ chúng ta là những người dại dột nhất trên đời, bởi lẽ tin và đi theo một người mà ta không hề biết. Nhưng, thật hạnh phúc cho chúng ta vì được Lời Chúa hướng dẫn, chỉ bảo, để rồi chúng ta biết Ngài là ai, tin và đi theo Ngài thì được cái gì…

Qua bài viết này, người viết muốn trình bày về tầm quan trọng của Lời Chúa, Giáo Huấn của Giáo Hội dạy thế nào về Lời Chúa, và như một sự tiệm tiến, chúng ta xác định vị trí của Lời Chúa trong cuộc đời của chúng ta là những người sống đời thánh hiến; đồng thời, để đời tu được hạnh phúc, ngoài việc gắn bó với Lời Chúa là Lời đem lại hạnh phúc, chúng ta còn phải có trách nhiệm chia san niềm hạnh phúc ấy cho người khác bằng việc loan báo Lời bình an, Lời hạnh phúc, Lời cứu độ.

1. Giáo Huấn của Giáo Hội về Lời Chúa

Khi nói về tầm quan trọng của Lời Chúa và sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của người tín hữu, Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Tín lý về Mặc Khải đã khẳng định: “Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (MK, số 21). Còn khi nói riêng về Lời Chúa, Công Đồng tiếp: “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (MK, số 21).

Bởi vì: “Lời Chúa là lời sáng tạo” (x. St 1, 3-26); "sống động và linh nghiệm" (x. Dt 4,12) “Lời là chân lý” (x. Lc 1, 2-4); “giúp ta sự hiểu biết chân lý” (x. Lc 24, 44 – 45); “Lời hằng sống” (x. Ga 6,68); “Lời là ánh sáng” (x. Ga 8, 12); “là đèn soi” (Tv 118, 105 ); “Lời mang ơn cứu độ cho muôn dân”… và làm phát sinh hoa trái cứu độ: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 10-11). Lời Chúa trở thành lời cật vấn lương tâm: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13); Lời Chúa trở nên nguồn dịu ngọt “ngọt hơn mật ong nguyên chất” (x. Tv 118, 103), nên những người yêu mến, khi vừa gặp được đã nhanh chóng nuốt vào (x. Gr 15,16). Lời Chúa như là luật và những huấn lệnh để chỉ dẫn đường lối phải theo (x. Tv 118, 97-98).

Như một điếm nhấn, Công Đồng Vaticanô II, trong hiến chế Tín Lý về Mặc Khải viết: “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin, lương thực nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh” (MK số 21).
Tiếp theo dòng suy tư ấy, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới ngài viết: “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta” (Tông thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới số 39).

Năm 1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu lên tầm quan trọng cũng như định hướng cho mọi tín hữu về giá trị của Lời Chúa trong cuộc sống: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời” (Thư chung 1980, số 8).

Như vậy, lược qua một số đoạn Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội để thấy được tầm quan trọng của Lời Chúa. Tiếp theo, xin được trình bày mối tương quan của người sống đời thánh hiến với Lời Chúa.

2. Lời Chúa trong đời sống thánh hiến

Khi nói về vai trò của người sống đời thánh hiến, những người có trách vụ rao giảng Lời, nhất là hãng ngũ giáo sĩ, Hiến chế Tín lý về Mặc Khải viết: “Tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành ‘kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng’” (MK số 25).

Thật vậy, người không lắng nghe Lời Chúa trong tâm hồn của mình, thì cũng giống như một nhà hùng biện giỏi, họ cất tiếng lên thì nhiều người tán dương họ, nhưng khi chia sẻ kinh nghiệm của họ thì rỗng tuếch, hay chẳng ăn nhập gì, bởi vì: “ngôn hành bất tất”; họ là những người mâu thuẫn nội tại. Như thế, những lời hùng biện của họ không hữu dụng, làm cho người nghe ngán ngẩn vì tính vu vơ của họ. Nhất là họ không thể trở thành dấu chỉ về niềm hy vọng cho người khác, và lẽ đương nhiên, họ không thể trả lời cho con người sự chất vấn về niềm hy vọng.

Muốn được trở nên dấu chứng của niềm hy vọng, người sống đời thánh hiến phải kết hiệp mật thiết với Lời Chúa, coi đây như là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sự tăng trưởng đời sống tâm linh của mình. Sau đó, mình mới trở thành những người có niềm hy vọng để rồi chúng ta sẽ cho những gì của chính chúng ta có.

Thật vậy, ai muốn sống đời thánh hiến của mình cách tốt đẹp, thì điều trước tiên, họ phải là người của Chúa, thấm nhuần Lời Chúa. Khi đã là người thuộc về Chúa và bén rễ sâu trong Lời của Ngài, đời sống tâm linh của họ được mở ra để gặp gỡ Đấng Siêu Việt thông quan Chúa Giêsu nơi Lời của Ngài.

Khi tâm hồn người sống đời thánh hiến được phong phú hóa nhờ Lời Chúa, được Chúa Thánh Thần thánh hóa và làm cho phì nhiêu, thì như một quy luật, Lời ấy sẽ triển nở trong tâm hồn của đương sự: hạt được 30, hạt 60 hay 100. 

Việc suy niệm Lời Chúa trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của những người thánh hiến. Chính Chúa Giêsu đã nói: “sống trên đời chỉ có một việc cần mà thôi, đó là ai nghe Lời Chúa như Maria, người ấy đã chọn được phần tốt nhất, và sẽ không bị sự dữ nào giật mất” (x. Lc 10, 42). 

Tiên tri Giêrêmia cũng đã cảm nghiệm được tầm quan trọng của Lời Chúa, nên đã thốt lên: “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, Lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16).  Lòng yêu mến được thể hiện như sự tìm kiếm và thi hành ý muốn: “Ai yêu mến Thầy, thì vâng giữ Lời Thầy” (x. Ga 14,23; 15,21); “Lời Chúa được nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Vì Lời Chúa là Thần Khí” (x. Ga 6, 63).

Khi chúng ta suy gẫm Lời Chúa, chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nhờ Lời của Ngài. Vì thế, chúng ta sẽ được biến đổi từ bên trong chứ không phải từ những thứ chóng qua mau hết bề ngoài. Khi biến đổi từ nội tâm như thế, chúng ta trở thành niềm hy vọng và sẵn sàng trả lời cho con người và thế giới về niềm hy vọng ấy.

Những người luôn gắn bó với Chúa thì được ví như cây Ly Băng trồng bên bờ suối, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn:“Người ấy tựa như cây trồng bên dòng suối, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, những cành lá không bao giờ tàn tạ, người như thế làm chi cũng sẽ thành” (Tv 1, 1-3).

Ngược lại, thiếu sự gắn bó với Chúa, đời sống thánh hiến sẽ trở nên khô cằn, sỏi đá, tâm hồn của họ như sa mạc khoang vu và lẽ đương nhiên không thể sản sinh những hoa trái thiêng liêng được.

Như vậy, việc suy niệm Lời Chúa trở thành lương thực không thể thiếu trong đời sống thánh hiến. Bởi vì Lời ấy là đèn, ánh sáng, là sức sống, Lời ấy là niềm hy vọng, Lời ấy đem lại sự sống đời đời và, Lời ấy thúc đẩy người được thánh hiến lên đường và thi hành sứ vụ. 

3. Sống và loan báo Lời Chúa nơi người thánh hiến

Những người sống đời thánh hiến không chỉ đơn thuần là Thừa Tác Viên phục vụ Lời của Chúa, mà là người của Lời Chúa.

Khi khẳng định ai là người của Chúa, thì đồng nghĩa với việc khẳng định họ được Lời Chúa thấm nhập vào tận xương tủy của họ. Họ trở thành hiện thân của Chúa, vì họ đang sống chính cuộc sống của Chúa. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi! "(Gl 2, 20).

Người sống đời thánh hiến cũng vậy. Họ là người làm cho Chúa Kitô được sống động ngay trong cuộc sống của họ. Vì thế, Lời Chúa phải ở trên môi trên miệng của họ bởi lẽ  họ được tận hiến để loan báo Tin Mừng Nước Trời. 

Tuy nhiên, ngày nay, Lời Chúa ít còn chiếm vị thế độc tôn nơi nhiều người, trong đó có cả giới nhà tu. Điều đó dễ hiểu đối với những người không sống đời tu trì, nhưng lại quá khó hiểu đối với người đi tu. Bởi vì Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”. Đời tu mà không được Lời Chúa soi dẫn thì đương nhiên sẽ là lời phàm mách lối đưa đường.

Đời sống thánh hiến cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn do ngoại cảnh và nội tại nơi mỗi người. Những khó khăn đó mang tính “đặc thù tối hậu” mà ta phải đối mặt như là sự cô đơn mang tính “độc đáo” của mình.  Khi nói về sự đặc thù mang tính tối hậu, thì hỏi rằng liệu có nhiều người hiểu được nỗi khó khăn vừa trừu tượng, lại vừa siêu hình đó không?

Nhưng khi siêng năng suy gẫm Lời Chúa, người sống đời thánh hiến sẽ cảm thấy mọi chuyện không có gì là lạ, bởi vì tất cả mọi chiều kích trần thế của kiếp con người thì Chúa Giêsu đã trải qua tất cả, và Ngài mời gọi ta đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi.

Khi gắn bó với Chúa qua Lời của Ngài, chúng ta học được sự thinh lặng của mầu nhiệm tự hủy. Học được bài học quên mình, cho đi và sự hy sinh vô vị lợi. Ý thức được sự nhất thời, tạm bợ, mau qua, chóng hết ở đời này. Cuối cùng, khi được Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta học được bài học của sự hiệp thông sâu sắc.

Khi chúng ta xác tín được như thế, ấy là lúc chúng ta cảm thấy bình an và quy chiếu mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại dưới lăng kính tích cực và trong nhiệm cục cứu độ.

Khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta lấy Ngài làm tâm điểm để xây dựng tình hiệp thông huynh đệ, xây dựng sự hiệp nhất.

Người sống đời thánh hiến siêng năng đọc Kinh Thánh sẽ giúp cho mình dễ dàng vượt qua những khó khăn trong đời tu, vì tất cả chúng ta đều thấy được mọi chiều kích, tương quan với Thiên Chúa và con người, mọi biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại đều được Chúa Giêsu kinh qua. Do đó, cũng không lạ gì khi trên đường tu trì của chúng ta cũng trải qua những biến cố đó. Điều quan trọng chính là chúng ta cần có thái độ như Chúa Giêsu thì, niềm an ủi, bình an và hạnh phúc sẽ đến với ta.  Lúc ấy, "Lời Chúa trở thành niềm vui và hạnh phúc của lòng con" (Gr 15,16).

Khi Lời Chúa đã trở thành niềm vui và hạnh phúc của chúng ta, lúc ấy, lòng với lòng, ta sẽ nghe được tiếng Chúa. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta được tiếp cận trực tiếp với Thiên Chúa ngang qua Chúa Giêsu. Nơi Kinh Thánh, chúng ta thấy rõ khuôn mặt của Chúa Giêsu được lộ hiện trên từng trang Kinh Thánh. Không có lời nào của loài người có thể đến với con người bằng một sự thâm sâu như Lời Thiên Chúa đến với họ. "Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt 4,12). Lời Chúa có sức sống và quyền năng vô cùng bởi lẽ: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống”. Lời Chúa quý giá như một viên ngọc, như kho báu. Ai yêu mến khám phá sẽ say mê, đến nỗi có thể bán hết mọi của cải tài sản để có được viên ngọc quí, có được kho báu ấy.

Nhưng đời sống của người thánh hiến chỉ có thể trở nên hạnh phúc khi Lời ấy được chia sẻ, loan báo cho người khác. “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr  9,16). Trong Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng,  số 25 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhắc lại rằng, “chúng ta phải luôn có tinh thần truyền giáo thường trực” .

Thật vậy, cho thì có phúc hơn là nhận, lẽ nào chúng ta được hạnh phúc, mà những người khác không được hạnh phúc, chúng ta lại vui mừng được hay sao?

Khi nói về trách nhiệm của các linh mục trong việc loan báo Tin Mừng, Giáo Luật số 757 nói rất rõ: “Các Linh mục có nhiệm vụ riêng là phải loan báo Tin Mừng của Chúa. Đây là nhiệm vụ bắt buộc, nhất là các cha sở và những linh mục khác được uỷ thác việc coi sóc các linh hồn”. Tinh thần này cũng có thể mở rộng để hiểu cho tất cả những người sống đời thánh hiến.

Tắt một lời, vai trò Lời Chúa trong đời sống của người thánh hiến rất quan trọng. Bởi vì nhờ Lời Chúa, những người sống đời thánh hiến sẽ tìm được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời và sứ vụ. Niềm vui ấy chỉ có thể cảm nghiệm khi được nghiền ngẫm và suy đi nghĩ lại trong lòng. Khi gắn kết và được Lời Chúa nuôi dưỡng, chúng ta sẽ đi vào mối tương quan thân tình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc ấy chỉ có thể nên trọn khi được loan báo cho người khác, hầu họ cũng cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc của Tin Mừng như chúng ta.

Jos Vinc Ngọc Biển

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW