Các hoạt động lễ hội tôn giáo truyền thống

21-02-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Các hoạt động lễ hội tôn giáo truyền thống by

Trong suốt Năm Phụng Vụ tại miền đất Kẻ Sặt, nhiều lễ hội tôn giáo truyền thống được tổ chức trên quy mô Giáo xứ, Giáo khu hay các Giới, các Hội đoàn “Phú quý sinh lễ nghĩa” nên hầu hết mọi giáo dân trong Giáo Xứ Kẻ Sặt đều rất quan tâm, coi trọng và nhiệt tình với các lễ hội này.

Cuối Năm Dương lịch, tiết trời se lạnh báo hiệu Mùa Giáng Sinh đã về. Bên ngoài Thánh Đường những dây cờ đủ màu sác tung bay phất phới, Tam quan rực rỡ ánh đèn cùng các bảng chữ điện tử mang chủ đề sống của Giáo Phận, cùng mô hình sao chổi lấp lánh. Trong nhà thờ, gần Gian Cung Thánh, máng cỏ Chúa Hài Đồng được dựng lên nhờ bàn tay khéo léo và khối óc sang tạo của các con chiên Kẻ Sặt. Cảnh tượng ấy khiến lòng người cảm thấy ấm cúng giữa giá lạnh mùa đông. Không khí Giáng Sinh đạt đến đỉnh điểm vào Lễ đêm Noel, toàn thể nhân loại cảm động trước giây phút linh thiêng khi con Chúa xuống thế làm người. Niềm vui Giáng Sinh còn lan toả đi khắp các Xóm, nơi nào cũng thấy đèn điện trang trí ở các hang đá lớn nhỏ của Xóm, và trước cửa của mỗi gia đình.

Ngày đầu năm mới, Cha Chánh Xứ dâng Thánh lễ mừng xuân, cầu bình an cho dân làng, gửi lời chúc Tết đến mọi giáo dân trong Xứ, và cả ở nước ngoài. Trong thánh lễ mọi con tim đều xúc động vì tình cảm của những người con Kẻ Sặt trên khắp mọi miền Tố quốc và Thế giới đang đọng lại nơi Thánh Đường thân yêu.

Vào Mùa Chay các tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Màu Nhiệm Vượt Qua, bắt đầu từ Tuần Đại Phúc, giờ tĩnh tâm của các Giới lần lượt diễn ra. Bên trong Thánh Đường đông kín những giáo dân với bàu không khí thật trang nghiêm, sốt sắng mặc cho sự oi bức của thời tiết. Trong Tuần Thương Khó, tiếng ngắm đứng tưởng niệm lại Cuộc thương khó của Đức Giêsu trong công cuộc cứu chuộc nhân loại, hoà với tiếng dâng hạt của các thiếu nữ vang lên trong các thôn xóm; Còn Ban Hành Giáo, các Giáo khu và các Ban ngành, Đoàn thể có trách nhiệm sửa soạn các đồ tế tự phục vụ cho các cuộc rước kiệu.

Sáng Chúa nhật Lễ Lá, mọi giáo dân sẽ tụ họp tại sân Thánh Đường để tham dự nghi thức Rước Lá. Họ nghiêm trang, sốt sắng cùng với Cha chủ tế và đại diện 12 Tông đồ hát lên những bài Thánh vịnh tung hô: “Vạn tuế con Vua Đavít”… chẳng khác gì dân Do Thái khi xưa đang cùng Chúa tiến vào Thành Thánh Giêrusalem.

Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, các Ban và Khu có trách nhiệm khẩn trương thiết kế bàn thờ phụ. Buổi chiều hôm ấy, trong Thánh lễ Tiệc ly, nghi thức Rửa chân thể hiện tình thương yêu của Thiên Chúa qua việc Cha chủ tế cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ. Bên cạnh đó, cũng tưởng niệm lại việc Chúa Kitô thiết lập Bí tích Thánh Thể. Tiếp đến Mình Thánh Chúa sẽ được rước về bàn thờ phụ, nơi có Toà chầu trang trọng và lộng lẫy, giáo dân sẽ thay nhau chiêm ngắm Bí tích Tình Yêu theo thời khắc đã được chia cho từng Giới.

Đúng 3 giờ chiểu Thứ Sáu Tuần Thánh, nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu Kitô được cử hành trong bầu không khí trầm buồn. Lúc chiều tối những tập t,ục của địa phương được diễn ra: “Quan Philatô” với y phục thời Đế quốc Roma cầm cờ và còi điều khiển đoàn quân dữ đang mang gậy gộc, giáo mác. Họ đóng đinh và dựng tượng Chúa. Kế tiếp là Ngắm 15 Sự Thương khó Chúa và dâng hạt, than Đức Mẹ, nghi thức tháo đanh và rước kiệu tang xác Chúa. Xác Chúa được rước về mồ Thánh nơi Nhà Giáo Lý để giáo dân hôn kính cho đến ngày hôm sau. Tất cả những nghi thức truyền thống ấy nhằm làm sống lại Cuộc tử nạn của Chúa nơi tâm hồn các tín hữu, giúp họ ăn năn sám hối vì tội lỗi của mình.

Thứ Bảy Tuần Thánh, những Chặng Đàng Thánh Giá thường được trang trí đơn sơ nhưng đầy vẻ trang nghiêm trong Giáo khu phụ trách. Khởi đầu từ sân Thánh Đường, Giáo dân nghiêm trang và trật tự cùng Cha chủ sự suy niệm và đi lại chặng đường Thập Giá của Chúa Kitô cách đây hơn 2000 năm. Trong đêm canh thức Phục Sinh, đỉnh cao của Năm Phụng Vụ diễn ra trong bầu không khí hân hoan vì Đức Kitô đã chiến thắng Thần chết và ban cho chúng ta sự sống mới.

Tối Chúa Nhật Phục Sinh, rước kiệu mừng: tượng Chúa Phục Sinh, Đức Mẹ và Thánh Gioan tông đồ được rước đi khắp 3 Giáo khu của Giáo xứ. Lòng dân Kẻ Sặt như muốn vỡ ra bởi tiếng kèn trống rộn rã và tiếng cầu kinh vang dội. Tâm hồn của mỗi Giáo dân đều vui mừng, rạo rực với những trang phục đủ màu sắc của Hội Phù Giá. Kiệu rước thì cổ kính, hoa văn chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng, mang đậm nét văn hoá cổ truyền của dân tộc Việt Nam, được tôn tạo và lưu truyền từ đất Mẹ (Kẻ Sặt Miền Bắc).

Trăng Rằm Tháng 8, Giáo xứ thường tạo điều kiện cho các em thiếu niên, nhi đồng được quây quần bên chân Chúa trong Thánh Đường: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng” (Mt 19,14). Các em tham dự Thánh lễ với đèn sao để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Niềm vui sướng và hồn nhiên của trẻ thơ khi được tặng quà trung thu càng làm cho Quý Cha, Quý Cụ, và Quý Phụ huynh trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết.

Từ xưa đến nay Giáo dân Kẻ Sặt rất tin kính Đức Mẹ Maria. Vì lý do đó mà toàn thể Giáo dân Kẻ Sặt đã chọn Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy. Lòng yêu mến Mẹ Maria lại càng được thể hiện rõ nét hơn vào tháng 5 như: ngàn hoa dâng Mẹ, lần hạt, đọc kinh vào buổi tối mà đỉnh cao là những ngày đầu tháng 10 với Lễ Quan Thầy. Có thể nói, không một ngày lễ Đức Mẹ nào mà Giáo dân không sốt sắng, tham dự đông đảo như: Lễ Truyền Tin, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Lộ Đức,…

Tháng 11 (ngày 2/11) Lễ Các Đẳng Linh Hồn, cầu cho những người đã qua đời được tổ chức tại nghĩa trang Giáo xứ Kẻ Sặt. Vào ngày này, từ khắp nơi mọi người sẽ quy tụ lại tại nghĩa trang để cầu nguyện cho người thân, người cầm nhang, cầm hoa, nến cùng nhau “họp mặt” dưới những hàng me, hiệp thông cùng Cha chủ tế dâng Thánh lễ và cầu nguyện cho các linh hồn. Vào buổi tối trong suốt tháng 11, từng nhóm, hội đoàn, khu xóm,… thường đi viếng, đọc kinh tại nghĩa trang trong tâm tình nhớ thương, đồng thời cũng cầu nguyện cho các linh hồn.

Với bề dày lịch sử tốt đẹp của Giáo xứ Kẻ Sặt, có một Giám mục và hơn 100 Linh mục thì Thánh Đường Giáo xứ Kẻ Sặt lại là nơi tôn vinh truyền thống quý báu đó như Lễ Tạ Ơn của các Tân Linh Mục, Lễ kỷ niệm khấn dòng của các Tu sĩ nam nữ… Chứng tỏ là Giáo xứ Kẻ Sặt là một nơi ươm mầm ơn gọi cho Hội Thánh.

Ngoài ra, trong Năm Phụng Vụ, Lễ quan thầy của các Hội đoàn, các Giới cũng được tổ chức sốt sắng và trang trọng như: lễ Thánh Đaminh, Thánh Camilô, Thánh Antôn, Pađua, Thánh Têrêsa Hài Đồng, Thánh Catarina, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,… kèm theo lời kinh tiếng hát, các Hội đoàn còn thành kính dâng lên Chúa những hoa trái đầu mùa, những sản vật địa phương và hoa nến lung linh trong nhịp trống chiêng rộn rã. Mỗi Hội đoàn là một bó hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ, sắc hương, tô điểm cho lễ hội thêm huy hoàng, long trọng.

Tất cả những lễ hội trên đều minh chứng cho lòng quan tâm, tâm tình hiếu thảo và yêu mến Thiên Chúa của dân xứ Kẻ Sặt. Để qua đó ơn Chúa luôn tuôn tràn trên Giáo xứ dưới sự bầu cử của Đức Mẹ Mân Côi, làm cho đời sống của Giáo dân ngày càng ấm no hạnh phúc, dân trí ngày một nâng cao. Minh chứng cho hồng ân đó là nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, thậm chí hàng năm trong Giáo xứ có rất nhiều em học sinh đã dược khen thưởng bởi cấp tỉnh, thành phố và quốc gia.

Một lòng mong ước tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân đã kiến tạo cho dân Làng Kẻ Sặt một bản sắc riêng, qua việc khái quát các hoạt động lễ hội diễn ra hàng năm, và sự cộng tác nhiệt tình của các Giáo khu, Ban Hành Giáo, các Ban ngành đoàn thể, mọi thành phần dân Xứ. Bên cạnh đó cũng hi vọng ở các thế hệ tương lai vẫn sẽ phát huy, gìn giữ, và lưu truyền mọi truyền thống tốt đẹp, quý báu của Làng Kẻ Sặt.

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW