Đức Phanxicô và lòng thương xót

24-04-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Đức Phanxicô và lòng thương xót by

Tựa đề tông chiếu khai mở Năm Thánh Thương Xót của Đức Phanxicô nói lên đầy đủ quan niệm của ngài về lòng thương xót. Thực vậy, đối với ngài, lòng thương xót không phải là một ý niệm trừu tượng mà là một thực tại, đúng hơn một con người.

Con người đó chính là Chúa Giêsu Kitô, “Gương Mặt Thương Xót” (Misericordiae Vultus), với câu mở đầu nói lên tất cả: “Misericordiae vultus Patris est Christus Iesus” (Gương mặt thương xót của Chúa Cha chính là Chúa Giêsu Kitô). Thương xót khởi đi từ Chúa Cha, qua Chúa Giêsu Kitô.

Theo Đức Phanxicô, con người Chúa Giêsu “không là gì khác ngoài tình yêu, một tình yêu được ban tặng nhưng không”. Ngài cho rằng “các liên hệ Người thiết lập với những người tiếp cận Người cho thấy một điều hoàn toàn độc đáo và không thể bắt chước được. Các dấu lạ Người làm, nhất là trước mặt những người tội lỗi, người nghèo, người bị cho ra rìa, người bệnh, và người đau khổ, tất cả là nhằm dạy ta lòng thương xót. Mọi sự ở trong Người đều nói tới lòng thương xót. Không điều gì ở trong Người lại không có lòng cảm thương”.

Chúa Giêsu, theo Đức Phanxicô, cũng mạc khải bản chất Thiên Chúa “như là bản chất một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi tha thứ cho kẻ lầm lạc và chiến thắng sự hất hủi bằng cảm thương và thương xót”.

Ngài viết: “Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Người mạc khải tình yêu của Người như tình yêu của một người cha hay một người mẹ, xúc động từ thẳm sâu tình yêu của mình đối với con cái”.

Chính vì thế, “lòng thương xót chính là nền tảng đời sống của Giáo Hội. Tính khả tín của Giáo Hội được chứng tỏ trong cách Giáo Hội bày tỏ tình yêu thương xót và cảm thương của mình”.

Khẩu hiệu của Năm Thương Xót, vì thế, là “Hãy thương xót như Chúa Cha”. Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo Hội hiện diện ở bất cứ đâu, lòng thương xót của Chúa Cha cũng phải hiển hiện ở đấy. Các Kitô hữu hiện diện ở bất cứ đâu, mọi người cũng phải nhận ra một ốc đảo thương xót ở đấy”.

Vậy thì điều quan trọng là phải sống lòng thương xót của Chúa Cha trong Năm Thương Xót, không hẳn là tranh luận về lòng thương xót ấy. Chính vì thế, chương trình hành động cho Năm Thương Xót hoàn toàn gồm những thực hành thực tiễn như đi hành hương, không xét đoán nhưng tha thứ và cho đi, tránh nói hành, ganh ghét và ghen tương, mở rộng lòng mình cho những khu ngoại biên của xã hội và đem an ủi, thương xót và liên đới tới những người hiện sống trong các hoàn cảnh bấp bênh, hân hoan thực hành các việc thương người về thể xác và thiêng liêng, tức "thương xác bẩy mối" và "thương linh hồn bẩy mối", cầu nguyện và xưng tội mùa Chay.

Đối với Giáo Hội, ngài khuyên các vị giải tội trở thành “dấu chỉ chân chính của lòng thương xót của Chúa Cha” và sẽ gửi “Các Nhà Thừa Sai Của Lòng Thương Xót” đi khắp các giáo phận để “tha cả các tội vốn chỉ dành riêng cho Tòa Thánh tha”.

Trong các lời kêu gọi, ngài không đề cập tới nhóm người nào khác mà là các tổ chức tội ác và những người tham nhũng thối nát, hai nguồn đang gây đau khổ cùng cực cho các khu ngoại biên của xã hội, họ hãy noi theo Gương Mặt Thương Xót của Chúa Cha.

Chưa hết, ngài muốn chúng ta liên kết với hai tôn giáo hoàn cầu, những tôn giáo vốn “coi lòng thương xót là phẩm tính quan trọng nhất của Thiên Chúa” tức Do Thái Giáo và Hồi Giáo, nhưng các tín hữu của họ, cũng như chúng ta, không hẳn là mẫu mực của thương xót. Mục tiêu là để họ cùng chúng ta “tận diệt mọi hình thức tâm tư hẹp hòi và bất kính, và loại bỏ mọi hình tức bạo lực và kỳ thị”.

Xét như thế, đối tượng của lòng thương xót hết sức bao la, bao nhiêu con cái Thiên Chúa là bấy nhiêu đối tượng để Người thương xót và để Người muốn ta thương xót. Họ ở “bất cứ đâu”, là nạn nhân của mọi bất công xã hội, bạo ngược chính trị, bạo ngược tôn giáo, bạo ngược tội ác, tâm tư hẹp hòi, kỳ thị… Chứ không chỉ là những người Công Giáo ly dị và tái hôn hay những người đồng tính luyến ái như một số người quá chú tâm trong cuộc tranh cãi hiện nay về lòng thương xót.

Công lý và thương xót

Tuy nhiên, Đức Phanxicô không ngại nói tới một khía cạnh đang được cuộc tranh cãi trên tập chú. Đó là mối tương quan giữa lòng thương xót và đức công lý của Thiên Chúa. Ngài dành gần 2 trang trong tài liệu 28 trang để nói về mối tương quan này, trong các đoạn 20 và 21.

Ngài quả quyết rằng chúng “không phải là hai thực tại mâu thuẫn nhau, nhưng là hai chiều kích của một thực tại đơn nhất, một thực tại từ từ khai mở cho tới lúc đạt cao điểm ở tình yêu viên mãn”.

Nhắc tới việc Thánh Kinh hay nói tới Thiên Chúa như vị chánh án, Đức Phanxicô nói rằng trong nhiều đoạn, “công lý thường được hiểu như việc tuân giữ trọn vẹn Lề Luật và tác phong của mọi người Do Thái tốt phải phù hợp với các giới răn của Thiên Chúa”. Nhưng theo ngài, “lối nhìn ấy… rất hay dẫn tới chủ nghĩa vụ luật, do đó đã làm méo mó ý nghĩa nguyên thủy của công lý và làm lu mờ giá trị sâu xa của nó”.

Theo ngài, "muốn vượt qua tầm nhìn vụ luật trên, ta cần nhớ lại rằng trong Sách Thánh, công lý, trong yếu tính của nó, vốn được quan niệm như việc trung thành phó thác con người chúng ta cho thánh ý Thiên Chúa”.

Về phần Chúa Giêsu, theo Đức Phanxicô, Người thường nhấn mạnh “tới tầm quan trọng của Đức Tin hơn là việc giữ luật. Ta phải hiểu lời lẽ của Người lúc ngồi ăn với Mátthêu và những các người thu thuế và tội lỗi khác, Người nói với các biệt phái rằng “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu: Ta muốn lòng thương xót, chứ không của lễ. Thực vậy, tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà là kẻ tội lỗi” (Mt 9:13). Trước viễn kiến coi công lý đơn giản chỉ như việc tuân giữ lề luật, một lề luật phân chia người công chính và kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ ra hồng phúc thương xót, một hồng phúc luôn đi tìm kẻ có tội để tha thứ và cứu vớt. Như thế, ta hiểu tại sao Chúa Giêsu bị biệt phái và các tiến sĩ luật chối bỏ, chỉ vì tầm nhìn có tính giải phóng và là nguồn canh tân của Người. Để được coi là người trung thành với lề luật, họ đã đặt lên vai người khác nhiều gánh nặng, phá hoại ngầm lòng thương xót của Chúa Cha. Việc tôn trọng lề luật không được gây trở ngại cho các đòi hỏi của phẩm giá con người.

“Việc Chúa Giêsu nhắc đến câu trong sách Tiên Tri Hôsê rằng 'Ta muốn yêu thương chứ không muốn hy lễ' (6:6) có tầm quan trọng về phương diện này. Chúa Giêsu khẳng định rằng từ nay trở đi, đối với các môn đệ, luật sống phải đặt lòng thương xót ở trung tâm, như chính Người đã chứng tỏ khi cùng chia sẻ các bữa ăn với những người tội lỗi. Một lần nữa, lòng thương xót được mạc khải như một phương diện căn bản trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này thực sự rất thách thức đối với các thính giả của Người, những người chỉ biết chú trọng tới việc chính thức tôn trọng luật lệ. Trái lại, Chúa Giêsu đi quá luật lệ; tình bằng hữu Người duy trì với những người bị luật lệ coi là tội lỗi khiến ta hiểu rõ chiều sâu của lòng thương xót nơi Người.

“Thánh Tông Đồ Phaolô cũng thực hiện một hành trình tương tự. Trước khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi Đamát, ngài hiến đời mình cho việc nhiệt thành theo đuổi công lý của luật lệ (xem Pl 3:6). Việc trở lại với Chúa Kitô dẫn ngài tới chỗ đảo ngược viễn kiến của mình, khiến ngài viết cho tín hữu Galát: ‘Chúng ta vốn tin vào Chúa Giêsu Kitô ngõ hầu được nên công chính nhờ đức tin vào Người, chứ không nhờ việc làm của luật lệ, vì không ai được nên công chính nhờ việc làm của luật lệ cả’ (2:16).

“Cái hiểu của Thánh Phaolô về công lý đã thay đổi triệt để. Nay, ngài đặt đức tin lên trước hết, chứ không phải công lý. Sự cứu rỗi không đến nhờ việc tuân giữ luật lệ, nhưng nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng, qua cái chết và sự phục sinh của Người, đã mang tới ơn cứu rỗi cùng với lòng thương xót vốn công chính hóa. Công lý của Thiên Chúa nay trở nên sức mạnh giải thoát cho những ai bị ách nô lệ của tội lỗi và các hậu quả của nó áp chế. Công lý của Thiên Chúa là lòng thương xót của Người (xem Tv 51:11-16).

“Lòng thương xót không chống lại công lý nhưng đúng hơn nói lên cách Thiên Chúa vươn tay ra với người tội lỗi, đề nghị với họ một cơ hội mới để họ tự nhìn vào mình, hồi tâm và tin. Kinh nghiệm của Tiên Tri Hôsê có thể giúp ta thấy cách trong đó, lòng thương xót trổi vượt công lý ra sao. Thời đại tiên tri sống là một thời đại bi thảm nhất trong lịch sử dân Do Thái. Vương quốc của họ đang trên bờ diệt vong; dân không còn trung thành với Giao Ước; họ xa rời Thiên Chúa và mất niềm tin của cha ông. Theo luận lý học nhân bản, Thiên Chúa có đủ lý do nghĩ tới việc từ bỏ thứ dân bất trung này; họ đã không tuân giữ hiệp ước đã ký với Thiên Chúa và do đó, đáng bị hình phạt chính đáng: nói cách khác, phải lưu đầy. Lời của tiên tri chứng tỏ điều đó: ‘Chúng sẽ không trở về đất Ai Cập, và Assyria sẽ là vua của chúng, vì chúng đã từ khước không quay trở lại với Ta’ (Hs 11:5). Ấy thế nhưng, sau khi nại tới công lý như thế, tiên tri đã thay đổi triệt để lời lẽ của mình và tỏ lộ gương mặt thực sự của Thiên Chúa: ‘Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma, để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ’ (11:8-9). Gần như thể chú giải các lời lẽ này của vị tiên tri, Thánh Augustinô nói rằng: ‘Đối với Thiên Chúa, hãm giận dữ còn dễ hơn việc hãm lòng thương xót’. Và quả đúng như thế. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chỉ kéo dài trong chốc lát, nhưng lòng thương xót của Người thì kéo dài mãi mãi.

“Nếu Thiên Chúa tự giới hạn Người vào một mình công lý, Người sẽ hết còn là Thiên Chúa, thay vào đó, cũng giống như con người chỉ yêu cầu phải tôn trọng luật pháp. Nhưng một mình công lý không đủ. Kinh nghiệm cho thấy: chỉ nại tới công lý mà thôi kết cục sẽ tiêu diệt chính nó. Đó là lý do Thiên Chúa đã đi quá bên kia công lý bằng lòng thương xót và tha thứ của Người”.

Viết như trên rồi, Đức Phanxicô vội thêm ngay, trong cùng một đoạn 21, rằng: “Ấy thế nhưng, điều này không có nghĩa phải hạ giá công lý hay biến nó thành phù phiếm. Trái lại: bất cứ ai mắc lỗi lầm đều phải trả giá. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi điểm của hồi tâm, không phải tận điểm của nó, vì ta bắt đầu cảm nhận được sự dịu hiền và lòng thương xót của Thiên Chúa. Người không từ bỏ công lý. Đúng hơn Người bao bọc nó và vượt qua nó bằng một biến cố còn lớn hơn nữa trong đó, ta cảm nhận được tình yêu như là nền tảng của công lý đích thực. Ta phải thật chú ý tới điều Thánh Phaolô nói nếu muốn tránh được cùng một lỗi lầm ngài từng trách người Do Thái ở thời ngài: ‘Vì không nhận biết sự công chính của Thiên Chúa, và ra công thiết lập sự công chính riêng của mình, họ đã không suy phục sự công chính của Thiên Chúa. Vì đích cùng của Lề luật là Ðức Kitô, nguồn công chính cho mọi kẻ tin’ (Rm 10:3-4). Công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót Người ban cho mọi người như một ơn thánh chẩy ra từ cái chết và việc phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, Thập Giá Chúa Kitô chính là sự phán xét của Thiên Chúa đối với mọi người chúng ta và đối với toàn thể thế giới, vì qua nó, Người đem lại cho ta sự chắc chắn được yêu thương và được sự sống mới”.

Chúng tôi trích dẫn trọn hai đoạn Đức Phanxicô nói tới mối tương quan giữa công lý và lòng thương xót. Ai cũng thấy lòng thương xót và công lý cùng được thể hiện một lúc nơi Thập Giá Chúa Kitô: ở đấy, Thiên Chúa không quên cả thương xót lẫn công lý. Mọi lỗi lầm đều phải trả giá nhưng giá ấy được trả qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.

Đối với chúng ta, công lý là khởi điểm của hồi tâm, chứ không phải là tận điểm của nó. Không nói rõ, nhưng hiển nhiên, theo Đức Phanxicô, khởi điểm này được sự dịu hiền và lòng thương xót của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, thúc đẩy, thúc đẩy để họ “nhận biết sự công chính của Thiên Chúa” đừng “ra công thiết lập sự công chính riêng của mình” nhờ thế họ “suy phục sự công chính của Thiên Chúa” và chỉ khi ấy họ mới hồi tâm thực sự.

Không như những người quá chú trọng tới công lý, coi nó như một lệnh truyền phải ráng mà đền trả, Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến việc đền trả nhưng việc đền trả này không phải việc của một phía mà mạnh nhất vẫn là phía Thiên Chúa. Sự dịu hiền và lòng thương xót của Người sẽ thúc đẩy người phạm tội đến chỗ thực tình thống hối, từ bỏ con đường tội lỗi và quay về với Người. Điều mà Đức Phanxicô muốn cho thấy ở đây là: phía Thiên Chúa được đại diện bởi Chúa Kitô Toàn Thể, gồm cả Đầu lẫn các Chi Thể, là tất cả chúng ta. Sự dịu hiền và lòng thương xót của ta, chứ không phải bất cứ nhấn mạnh , nhắc nhở nào khác, sẽ khiến anh chị em mắc lỗi lầm của ta mạnh dạn tiến về phía người Cha luôn mở rộng vòng tay đón chào họ.

Trong diễn trình Thương-Xót-Công-Lý, Đức Phanxicô không nói nhiều về việc dứt bỏ nhưng rõ ràng ngài có nhắc đến việc “phải trả giá”. Mà trả giá trong diễn trình hòa giải của ta không chỉ ăn năn hối lỗi mà là từ bỏ con đường cũ. Trong trường hợp người ly dị tái hôn, điều mà Đức HY Kasper luôn nhắc tới như một ám ảnh, nếu không độc nhất thì chí ít cũng là lớn nhất, khi nói tới lòng thương xót, không thể không có chuyện từ bỏ. Việc này chắc chắn cần có sự làm rõ Đức Công Chính Mà Thương Xót của Thiên Chúa và sự dịu hiền cũng như lòng thương xót của ta.

Lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nói vào lúc khai mạc Công Đồng Vatican II, một lần nữa, được Đức Phanxicô nhắc lại là: Nay là lúc “Nàng Dâu của Chúa Kitô muốn sử dụng phương thuốc thương xót hơn là trang bị vũ khí nghiêm khắc… Giáo Hội Công Giáo, trong khi nâng cao ngọn đuốc chân lý Công Giáo ở Công Đồng Chung này, vẫn muốn tự chứng tỏ mình là người mẹ yêu thương đối với mọi người; nhẫn nại, nhân từ, xúc động vì cảm thương và lòng tốt…”.

Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, khi kết thúc Công Đồng này, cũng cho hay: “Chúng tôi thích nhấn mạnh rằng đức ái đã là đặc điểm tôn giáo chính yếu xiết bao của Công Đồng này… câu truyện xưa về người Samaritanô Nhân Hậu đã là khuôn mẫu xiết bao cho nền linh đạo của Công Đồng này… một làn sóng âu yếm và ngưỡng phục đã từ Công Đồng này trào dâng như thế nào đối với thế giới hiện đại của nhân loại. Thực sự, các lầm lỗi vẫn đã bị kết án vì đức ái, cũng như chân lý, đòi phải như thế, nhưng đối với các cá nhân thì chỉ là khuyên bảo, tôn trọng và yêu thương. Thay vì định bệnh gây trầm cảm, chỉ là các phương thuốc khích lệ; thay vì tiên đoán những điều thảm khốc, chỉ là những sứ điệp tin tưởng… Một điểm nữa cần nhấn mạnh là: tất cả giáo huấn phong phú này đều gom về một hướng đi duy nhất: phục vụ nhân loại, bất kể điều kiện nào, có yếu đuối và nhu cầu nào”.

Có điều hơn 50 năm sau, những lời cẩm tú như trên vẫn còn cần được dóng lên một cách khẩn thiết và vẫn còn cần cả một năm thánh để dóng lên, đủ thấy còn xa chúng ta mới tới đích nhắm của Vatican II.

Sở dĩ như thế, vì theo Đức Phanxicô, “từ lâu, có lẽ chúng ta đã quên cách biểu lộ và sống con đường thương xót. Một đàng, cơn cám dỗ chỉ chăm chú nguyên vào công lý mà thôi đã khiến chúng ta quên rằng đây chỉ là bước thứ nhất, dù là bước cần thiết và không thể miễn chước. Nhưng Giáo Hội cần phải đi xa hơn và cố gắng đạt cho được một mục tiêu cao cả hơn và quan trọng hơn. Đàng khác, và là điều đáng buồn phải nói ra, ta phải thừa nhận rằng việc thực hành lòng thương xót đang phai dần trong nền văn hóa rộng lớn hơn. Trong một số trường hợp, người ta còn không chịu sử dụng từ ngữ này nữa”.

Chính vì thế, theo Đức Phanxicô, “đã đến lúc Giáo Hội nên tái tiếp nhận lời kêu gọi hân hoan phải thương xót. Đã đến lúc phải trở về với những nét căn bản và mang lấy các yếu đuối và chiến đấu của anh chị em ta”.

Vũ Văn An

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW