Địa lý kinh tế

18-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Địa lý kinh tế by

A. KHÍ HẬU, THỜI TIẾT

Kẻ Sặt Miền Bắc thuộc vùng khí hậu ôn đới. Tuy thuộc Bắc Bán Cầu nhưng mới ở khoảng cuối, nên chưa phải là hàn đới như Trung Hoa. Cũng vậy, vì đã ở xa đường xích đạo hơn nên cũng không còn là nhiệt đới như Miền Nam.

Có Bốn Mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông như ở Hoa Kỳ. Mưa rải rác quanh năm. Đặc biệt Mùa Xuân thì mưa phùn, đôi khi có gió Bấc (Bắc). Cây cối nẩy lộc đơm hoa đẹp tuyệt vời. Mùa Hạ thì mưa rào, nhưng khi trời nắng, sức nóng có thể lên tới 40 dộ C tức trên 100 độ F. Đôi khi những cơn gió Tây thổi tới còn mang theo ‘’ cái nóng nung người nóng nóng ghê’’ vì gió hướng tây thổi qua dãy núi đá vôi ở nước Lào nên đem theo cái nóng đó , làm mọi đồvật trong nhà cũng nóng ran lên. Mùa thu lại mát mẻ vô cùng, với gió Nam dịu hiền thổi về và cảnh sắc thì hết sức nên thơ mơ màng. Mùa Đông lạnh lẽo, ai cũng phải mặc áo len, áo dạ, áo bông và nằm ổ rơm. Lạnh nhất vào khoảng 10 độ C tức 45 độ F, nhưng không có tuyết rơi, thỉnh thoảng cũng có cả mưa đá.

 B. CƠ SỞ HẠ TẦNG

Như đã nói, Kẻ Sặt ở một vị trí hết sức thuận tiện cho sinh hoạt kinh tế và thương mại. Đây chính là trung tâm của cả một vùng rộng lớn thuộc hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, từ huyện nhà là Bình Giang đến các huyện xung quanh như Thanh Hà ,Thanh Miện, Cẩm Giàng v.v…; với một hệ thống giao thông thuận tiện, gồm có đường thuỷ là con Sông Sặt, đường bộ trải đá (không nhựa), đường đắp đất như các con đê, và cả đường sắt trước kia nữa.

Phương tiện di chuyển và chuyên chở thường rất thô sơ, nặng nhọc và chậm chạp như đi bộ mà đi chân đất, gánh gồng, khuân vác hay xe bò kéo. Cũng có dùng cả thuyền và bè trên đường sông. Khoảng năm 1925, chính quyền bảo hộ Pháp thiết lập một đường sắt, nối với đường tầu từ Cẩm Giàng về Kẻ Sặt, nhưng không được bao lâu, vì tốn kém và không cần thiết nên tuyến đường này bị phế bỏ, chỉ còn lại Nhà Ga. Tới thập niên 1940  mới có xe đạp, còn gọi là xe lết phiên âm từ tiếng Pháp ‘’bicyclette’’và xe hơi hay xe ô tô phiên âm từ tiếng ‘’automobile’’, chậy bằng than. Lúc đó chỉ ít nhà giầu mới có thể ‘’tậu’’ được xe đạp.  Hiệu xe đạp đầu tiên có tên  là  ‘’Motoconfort’’. Ngoài ra còn có xe tay là một loại xe như xích lô, nhưng không đạp mà có  hai càng xe cho người phu xe cầm và chậy bộ.  Đến năm 1948 thì ô tô đã chậy bằng xăng. Bến xe Sặt ở ngoài phố trở thành một nơi nhộn nhịp với người đi, kẻ về suốt ngày.

Có 3 chợ: Chợ Đình ở Khu Thượng, Chợ Trâu ở gần Nhà Ga và nhất là Chợ Chính ở Khu Tư được thiết lập cạnh sông với trên bến, dưới thuyền sầm uất, rộng rãi và thuận tiện. Chợ này nguyên gọi là Chợ Nhà Thương Xót, do sáng kiến của Cha Tràng Liêm, để lấy hoa chi tài trợ cho công tác bác ái.  Đến năm 1935, chính quyền địa phương dựng những dẫy quán bằng xi măng cốt sắt, lợp tôn rồi cho đấu thầu thu lợi nhiều, mà chỉ còn dành cho công tác xã hội một khoản tương đối thôi. Năm 1953, trong thời kỳ chiến tranh, chợ chính này đã từng phải di chuyển ra Cầu Xộp, và quân đội viễn chinh Pháp đã lập một đồn binh ở đây .

C. SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI

1. Nông Nghiệp

Hầu hết người dân Sặt sống về nông nghiệp như cầy cấy, trồng tỉa và chăn nuôi. Nông sản chính là thóc gạo, kế đến là rau trái, rồi thuốc lào. Thuốc lào Sặt chỉ được tiêu thụ ở Mạn Ngược vì khói nặng nên đồng bào thượng du ưa thích. Cây ăn trái thường chỉ trồng tại vườn nhà.

Phương pháp canh tác còn nặng về cổ truyền, khá nhọc nhằn và thiếu phát triển theo khoa học. Năm 1953, chính quyền xã mới áp dụng việc dẫn thuỷ nhập điền bằng máy bơm, thay thế việc tát nước bằng gầu sòng và gầu dai.

Về chăn nuôi, hầu hết các gia đình chỉ chăn nuôi gia súc như gà, vịt, ngan, chim câu, nhất là lợn. Nghề mổ lợn, trâu và bò rất thịnh đạt. Những quán thịt chó cũng trứ danh lắm.

2. Công Nghệ

Tuy không có cơ sở kỹ nghệ quy mô nào, nhưng hoạt động công nghệ lại rất sầm uất. Những nghề thủ công chính như: đan lát rổ, rá, nong, nia, sàng, mẹt, thúng, cót, nghề xây dựng như thợ mộc, thợ xây…

Ngoài ra, còn những nghề khác như: may cắt, tiện, đúc, rèn, điêu khắc và nặn tượng, chụp hình, sửa đồng hồ, kim hoàn, nung gạch ngói, lò xũ (xưởng cưa) và đông y dược…

Riêng về công nghệ thực phẩm thì phải kể đến các nghề: hàng xáo hay xay sát thóc gạo, nấu rượu, làm giò chả, làm kem cây, làm bánh kẹo, đặc biệt là bánh khảo, bánh phòng và kẹo kéo, rồi chuyên biệt là bánh đa. Bánh đa Sặt được nổi tiếng từ lâu vì trong ca dao Việt Nam đã có câu:

‘’Dưa La, húng Láng, Nem Báng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, Cá rô Đầm Sét,
Bánh đa Kẻ Sặt.’’

3. Thuỷ và Khoáng Sản

Các ao thả cá thì có ở khắp làng và đến mùa tát ao  mọi xóm ngõ đều nhộn nhịp hẳn lên. Nghề này cũng khá phát đạt như câu ‘’Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc.’’ (Nhân nói đến gá bạc, cũng có thể cho đây là một nghề tuy rằng luật lệ làng không chấp nhận, nhưng một cách bất thường, có nhà vẫn chuyên về việc này để thu hồ lấy lợi.)

Cá nói trên thuộc về nghề chăn nuôi mà cũng có thể gọi là thuỷ sản ở làng ta.  Nhưng độc đáo hơn nữa là trong các sông, cừ và ruộng ngập nước thì các loài cá, tôm, cua, ốc đủ loại có rất nhiều.  Các nghề kéo vó, đơm lờ, đánh dậm và câu cá rất là thích thú và kiếm ăn được lắm.

Đặc biệt, Kẻ Sặt còn có cả sản phẩm dưới lòng đất  nữa. Năm 1944, khi quân đội Nhật đóng tại Kẻ Sặt, viên đại tá Kyoto Kusiki cầm đầu một nhóm chuyên viên thăm dò cánh đồng phía Đông Nam Kẻ Sặt, đã khám phá ra những dữ kiện về một mỏ dầu hỏa ở độ không sâu dưới lòng đất.

4. Thương Mại

Từ sản xuất hàng hóa của cải như trên đến việc giao hoán trao đổi, đó là hoạt động thương mại. Về phương diện này thì phải nói hết sức phồn thịnh. Như đã bàn, những yếu tố thuận lợi của sinh hoạt kinh tế này là: vị trí thuận lợi và tiện nghi, có tới ba ngôi chợ, nông nghiệp và công nghệ phát đạt, nhất là năng khiếu buôn bán của người Sặt thì hết chỗ chê…

Dân chúng từ các vùng xung quanh, dù phải gánh gồng và đi bộ thường cũng cứ phải ‘’đi chợ Sặt’’ để bán hàng và mua sắm.

Trong thương mại làng ta, còn có hai nghề khác nữa, với nguồn gốc xa xưa, đó là nghề bán cau và nghề bán muối. Câu ca dao quê hương sau đây đã nhắc tới:

‘’Ai dậy Bà Nhiêu Truốc bán cau;
Ai bảo Bà Tư  Mầu bán muối.’’

Do nhận ra được nhu cầu của thị trường, nên hai bà là những người đã khởi xướng việc bán cau trầu và bán muối ăn ở Kẻ Sặt, khoảng năm 1892 và 1903.

Không có hiệu sách thuần tuý nào.  Giấy bút  được bán chung với tạp hóa. Báo chí cũng được bầy ở đây hay bán rong, mà cũng rất ít độc giả. Các sách truyện cổ được bầy bán trên chiếu ở chợ như truyện Trê Cóc, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa; hoặc những truyện mỗi ngày một tập như truyện trinh thám Đoan Hùng, Lệ Hằng, truyện kiếm hiệp Long Hình Quái Khách và các truyện Tầu dài như Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử v.v…Đặc biệt có tờ tuần báo thiếu nhi Cậu Ấm Cô Chiêu được học trò say mê đọc.

Riêng những sách kinh, hạnh thánh, ảnh tượng thì được những người hàng bồ (hàng để trong bồ và gánh đến) bầy bán ở sân nhà thờ sau thánh lễ ngày Chủ Nhật. Cũng có bán cả món quà trẻ con rất thích là bánh phòng sâu bằng cọng rơm nữa.

Buôn bán lớn như hàng bè (gỗ, nứa) và hàng sành sứ (chum, vại, bát, đĩa…)

Về những cửa hiệu dầu lửa và tạp hóa bán các đồ dùng tân tiến văn minh, thì chỉ được mở ra vào đầu thế kỷ 20, khi mà Khu Phố Sặt được hình thành; và vì lúc đó Pháp đã đặt xong nền cai trị ở Bắc Kỳ, nên hàng hóa đều là những ‘’hàng tây’’ đẹp đẽ và mới lạ.

Những hàng quà rong và quán ăn bình dân như bún, phở, cơm, kể cả các quán thịt chó thì đã có từ xưa. Không có nhà hàng theo đúng nghĩa, nhưng những quán ăn thanh lịch hơn, quán giải khát và quầy rượu (buvette) mới được mở ra từ Khu Hạ tới Ngoài Phố trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp khoảng năm 1950 đến 1954, để đáp ứng nhu cầu của quân đội viễn chinh Lê Dương.

 

Địa lý đại cương, Random

NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC

18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW