Địa lý cơ bản

18-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Địa lý cơ bản by

Khi nói về Địa Lý hay Địa Dư là chỉ đề cập đến những lãnh vực thực tiễn vật chất, có thể nhìn thấy và cần thiết  tìm hiểu trước. Còn những lãnh vực tâm linh tinh thần, truyền thống phong tục, diễn tiến đời sống thì thuộc về phần Lịch Sử.

Phần địa lý này chỉ chủ đích nói riêng về Kẻ Sặt Miền Bắc, và từ khởi thuỷ cho đến năm 1954 mà thôi; bởi lẽ chỉ ở Kẻ Sặt Miền Bắc mới có những vấn đề Địa Lý đáng nói, và  đó mới là Nguồn, là Gốc chính thống, là nơi đất Tổ, quê Cha chung nhất của Mọi Người Dân Kẻ Sặt, dù đang cư trú ở bất cứ nơi đâu.

Vì điều kiện và hoàn cảnh thời cuộc đất nước Việt Nam, nên trong thực tế khách quan, hiện đương còn có hai thực thể khác nữa, đó là Kẻ Sặt Miền Nam Từ 1954 và Kẻ Sặt Hải Ngoại từ 1975 đến nay. Do đó, đến phần về Lịch Sử thì sẽ đề cập tới đầy đủ, hầu cho trọn vẹn về Quê Hương Kẻ Sặt.

A. VỊ TRÍ

Tại Miền Bắc Việt Nam, từ  Quốc Lộ số 5 nối liền Hà Nội và Hải Phòng, khoảng 20 cây số phía Tây tỉnh Hải Dương, nhìn về hướng Nam, người ta nhận thấy một ngôi thánh đường vĩ đại, với ba cây tháp cao vút in trên nền trời, vươn lên những dẫy nhà và hàng lũy tre xanh.

Đó chính là thị xã Kẻ Sặt, làng Sặt hay làng Tráng Liệt, Tráng Liệt Bình, thuộc tổng Thị Tranh, huyện Năng An, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Cuộc cải cách hành chánh đầu thập niên 40 không còn cấp phủ nữa, do đó cũng không còn tên Năng An mà gọi là Huyện Bình Giang, và huyện lỵ đặt ngay tại Kẻ Sặt.

Để xác định vị trí rõ ràng hơn nữa trên Địa Cầu, chúng ta có thể nhìn trên bản đồ của The National Geographic Society, USA; thì thấy Kẻ Sặt tọa lạc ở: giữa vĩ tuyến 20 với 21 độ Bắc Bán Cầu tính từ đường xích đạo ở Indonesia; và giữa kinh tuyến 106 với 107 độ Đông Bán Cầu tính từ kinh tuyến trung tâm Greenwich ở Anh Quốc.

Về độ cao, thì theo bản đồ quân sự của Pháp, Kẻ Sặt có những vòng cao độ trung bình là 14 mét cao hơn so với mặt nước biển Hà Tiên là mặt nước phẳng lặng.

B. DIỆN TÍCH, CHU VI, HÌNH THỂ

Theo cuốn ‘’Địa Bạ Tu Chính’’ năm 1950, thời ông bạ Sâm và ông bạ Siêu, thì chiều kích Kẻ Sặt được tổng kết như sau:

Diện tích cư trú trong làng (nhà ở và ao, vườn) vào khoảng 557 mẫu ta hay 200 mẫu tây (2.000.000 m2). Riêng lãnh địa Nhà Xứ (Nhà Chung) có 5 mẫu ta hay ngót 2 mẫu tây (18.000 m2); nếu tính cả Thánh Đường, Nhà Dẫy và Công Trường, thì tất cả sẽ lên tới  ngót 3 mẫy tây. Lãnh địa Nhà Mụ khoảng 4 mẫu ta hay 1 mẫu rưỡi tây.

Như vậy chu vi vòng vèo xung quanh làng về phần cư trú là vào khoảng 5500 m dài.

Diện tích canh tác ngoài làng (đồng ruộng) vào khoảng 660 mẫu ta hay 237 mẫu tây.

Mẫu ta là 3600m2. Mẫu tây hay hectare là 10.000m2 ).

Về ranh giới, phía Tây cách làng Búa (Phúc Bố) và phía Tây Bắc cách làng Đệu bởi một con sông rộng từ 100m đến 200m, dòng nước chẩy êm đềm. Con sông này xuôi về Tây Nam gặp sông Luộc thuộc tỉnh Hưng Yên, ngược lên Đông Bắc gặp sông Đuống thuộc tỉnh Hải Dương, dài khoảng 70 cây số. Phía Đông Bắc ráp làng Sãi (Vĩnh Lại), phía Đông ráp làng Me ( Me Kiều hay My Thứ), phía Đông Nam ráp làng Châu (Châu Khê), phía Nam ráp làng Tranh (Thị Tranh).

Hình thể tổng quát Kẻ Sặt dù nội vi hay ngoại vi cũng đều như thể một hình tam giác đều, biểu tượng của sự vững chắc toàn diện. Nhưng khi phân tích kỹ thì còn có những điều huyền bí khác nữa, sẽ đề cập đến trong một chương sau…

C. CÁC ĐỊA DANH

Bao bọc xung quanh làng là những cánh đồng phì nhiêu, loại đất bazal, đất thịt mầu mỡ, với những con đê cao, những luỹ tre xanh và hệ thống rạch cừ làm thành một vành đai phòng thủ kiên cố. Có những cổng làng là những tháp canh hay lô cốt vững chắc như: Cổng Cao Đại (Cũng gọi là Cổng Đằng Bùi  vì đi ra cánh đồng Bùi, hoặc gọi là Cổng Nhà Mụ, vì ở cạnh khu Nhà Phước), Cổng Giỏ, Cổng Đằng Ngái, Cổng Chùa v.v…

Nhiều Ngõ Xóm cũng có cả cổng riêng…

Làng Kẻ Sặt có đặc tính ‘’bán quê bán tỉnh’’, với 4 khu: Khu Thượng cổ kính, Khu Trung, Khu Hạ phát triển và Khu Tư hay Khu Phố với đặc tính thành thị.

Mỗi khu có một trụ sở gọi là ‘’điếm’’ hay ‘’điếm tuần’’. Những trụ sở này dùng để hội họp, tập hợp tuần đinh trong công tác canh phòng và cũng là nơi làm lễ đài tổ chức mừng lễ Phục Sinh và Lễ Thánh Thể hay Lễ Xăng Ti.

Các cánh đồng đều toạ lạc ở hướng Đông Bắc, Đông Nam và hướng Nam. Còn hướng Bắc là đỉnh của tam giác và hướng Tây là Sông Sặt trải dài.

Có khá nhiều tên gọi các cánh đồng và thường gọi chại Đồng là Đằng, như: Đằng Bùi, Đằng Vối, Đồng Vực, Ao Vực, Đằng Ngái, Đồng Me, Đồng Sãi, Đồng Tranh, Sa Trong. Rồi những Mả A, Mả Tròi hay Rọc Chòi, Mả Trẩy, Mả Cũ, Mả Mái, Mả Vàng hay Mả Viềng, Đồng Viềng, Đồng Nhếu, Cầu Xộp, Trà Nét, Trà Sen hay Trì Sen, Đa Đôi, Đê Ông Bống, Quán Bà Bống, Nấm Bưởi, Nấm Chiêng hay Nấm Thiêng hoặc Nấm Kim Cương như câu ca dao:

‘’Quê tôi đất chặt, người đông,
Có sông Nghĩa Thuỷ, có đồng Kim Cương’’

Ngoài tên các cánh đồng như trên, còn những địa danh, nơi chốn thân thương khác đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu của bao thế hệ Sặt, như: Quán Gỏi, Cầu Sắt, Nghĩa Địa, Trường Ga, Chợ Ga hay Chợ Trâu, Chợ Sắt hay Chợ Chính, Bến Bè, Phố, Huyện, Trường Công, Sân Vận Động, Đền An Tong, Ngã Năm, Đường Đá, Cầu Vồng, Đền Vicentê, Đền Camêlô, Chợ Cầu Xộp hay Chợ Mới, Cống Tây, Lò Vôi, Lò Sũ, Lò Gạch, Ấp Tây, Động Tiên, Ao Rùa, Ao Lấp, Sân Bóng…

Đặc biệt là: Nhà Thờ Chính với sân rộng hay công trường, Tháp giữa, Tháp Bên, Nhà Dẫy,  Nhà Chung, Văn Côi  hay Trường Xứ. 

Rồi: Gò Cao, Vành Lao, Ngấn Trong, Ngấn Ngoài, Lò Tượng, Nhà Mụ, Đình Làng, Giếng Đình, Ao Đình, Ao Chạ, Ngõ Giữa, ngõ Đình, Chợ Đình, Cánh đồng Đình Trong, Đình Ngoài, Mồ Cô, Cầu Tranh, Ngõ Trạm, Xóm Kết, Ngõ Chùa, Ngõ Rào, Ngõ Rùa, Vườn Thánh, Sông Đào và Quán Ông Căn.

Còn những Lều Coi Dưa Bí, những Cây Bàng cạnh Điếm Tuần Ba Khu Thượng, Trung, Hạ, những Lối Đi lát gạch trong các Xóm Ngõ, những Giếng Nước, Ao Cá, Bờ Sông, những Cây Sấu Sân Đình, Cây Sung Nhà Mụ, Cây Soài Sau Huyện, Cây Vối Bờ Ao, nhất là Cây Đa Đằng Bùi hay Cây Đa Đầu Làng…

Đây là một cây đa cổ thụ không rõ có từ bao đời trước, nhưng gốc to tới 10 người ôm, mọc bên đê cánh đồng Đằng Bùi, trên bờ cừ. Năm 1948 một trái đạn canon của Pháp từ Cầu Sắt bắn sang trúng ngay thân cây, nên bị gẫy ngang và chết đi mất:

Vì Khu Phố rất phát triển và đa số là người ngoài, nên có nhận xét rằng: ‘’Sặt là đất đãi ngoại’’. Thực ra, nguyên nhân của sự phát triển chính là những sinh hoạt buôn bán của những người nhập cư từ lúc đầu. Nhưng càng ngày người Sặt càng tham gia vào lãnh vực thương mại hơn là cứ theo đuổi mãi việc làm ăn nông nghiệp từ bao đời trước. Quả thật là ‘’Phi thương bất phú’’. Và năng khiếu tiềm tàng về thương mại nơi người Sặt mới tỏ rõ. Do đó, đời sống vật chất của Kẻ Sặt càng ngày càng được cải tiến và phát triển không ngừng.

 

Địa lý đại cương, Random

NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC

18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW