Bài học yêu thương

18-04-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài học yêu thương by

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ TIỆC LY

Danh từ “Tiệc ly” diễn tả khung cảnh trầm buồn bi ai của bữa tiệc cuối cùng Đức Giêsu ăn với các môn đệ. Tiệc ly có nghĩa là tiệc chia tay. Thông thường, người ta dùng với nhau một bữa ăn trước khi chia tay để rồi hẹn ngày tái ngộ. Nhưng trong bữa tiệc cuối cùng của Chúa, các môn đệ ai nấy đều thấm một nỗi buồn, vì họ nghe Thày mình nói đến cuộc khổ nạn. Thêm vào đó là bầu không khí căng thẳng do những phản ứng đe dọa đến từ những người Do Thái. Phần Chúa Giêsu, Người biết giờ của Người đã đến. Đó cũng  là giờ của tối tăm, của hận thù và mưu mô của con người hòng đè bẹp tiếng nói của chân lý. Vì thế, đối diện với thập giá và quyền lực tối tăm, Người muốn tỏ ra là Người tự nguyện đón nhận cái chết vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu thương loài người. Chính khi hiến mình làm của ăn của uống cho các môn đệ, cuộc khổ hình của Người đã khởi đầu. Bữa tiệc sau hết của Chúa với các môn đệ trùng vào ngày lễ Vượt Qua, ngày mà người Do Thái giết và ăn thịt chiên để tưởng niệm việc Chúa dùng cánh tay hùng mạnh giải phóng cha ông họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Sự trùng lặp này được sắp xếp bởi sự quan phòng của Thiên Chúa, nhằm diễn tả Chúa Giêsu chính là Chiên Vượt Qua mới. Máu Người sắp đổ ra để mang ơn giải thoái cho nhân loại, cũng như xưa kia máu chiên vượt qua được bôi trên khung cửa nhà của người Do Thái, nhờ đó họ thoát khỏi cuộc sát phạt của sứ thần (x Bài đọc I). Thánh Gioan đã khéo léo sắp xếp và trình bày Đức Giêsu tắt thở trên thập giá vào chiều thứ sáu cũng là lúc người Do Thái giết chiên vượt qua để tượng niệm cuộc giải phóng khỏi Ai Cập.

Thông thường, trước khi chia tay, người ta thường để cho nhau những kỷ vật, để rồi sau này, nhờ những kỷ vật đó, dầu có “xa mặt” mà không “cách lòng”. Những kỷ vật tượng trưng cho sự hiện diện của người tặng. Nó nhắc lại tình cảm và những kỷ niệm tốt đẹp của người hiến tặng. Đức Giêsu không để lại cho các môn đệ một quà tặng vật chất, nhưng Người để lại cho các ông và cho toàn thể nhân loại chính Mình Người. Đây là Mình Thầy, “Đây là Máu Thầy”. Những từ này được phát ra từ miệng Chúa không phải là cách nói tượng trưng, nhưng là lời từ đáy con tim và từ lòng yêu thương vô bờ bến để diễn tả một sự hiện diện đích thực. Kể từ biến cố phòng Tiệc ly năm ấy, mỗi khi các linh mục cử hành thánh lễ là các ngài làm cho bánh hóa thành Mình Chúa, rượu hóa thành Máu Chúa. Thánh Thể chính là kỷ vật của Chúa để lại cho loài người. Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã để lại cho nhân loại chính Mình Người, tức là chính con người trọn vẹn bao gồm nhân tính và thiên tính. Linh hồn và xác của Người, để rồi qua bí tích Thánh Thể, Người hiện diện với con người, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ, cùng họ bước đi giữa cuộc đời đầy ô trọc và bất công này.

Kỷ vật Chúa để lại không chỉ để chúng ta nhìn ngắm, nhưng kỷ vật ấy đã trở nên của ăn của uống nuôi sống linh hồn chúng ta và cho chúng ta được kết hợp với sự sống thần linh của Người. Dù đang sống trên trần gian, con người, nhờ Bí tích Thánh Thể, được ăn Bánh các thiên thần, được nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng. Khi rước Thánh Thể, trong con người của chúng ta có máu thịt của Chúa. Mình Máu Chúa được hòa tan trong cơ thể chúng ta, để rồi, tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta được giống như tư tưởng lời nói và hành động của Chúa. Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Chúa với ta hòa quyện nên một, nhờ vậy, ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2,20).

Tin Mừng Thánh Gioan được viết muộn nhất so với Tin Mừng nhất lãm. Trong khi cả ba tác giả Nhất lãm đều tường thuật việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, thì Thánh Gioan lại nhấn mạnh tới một khía cạnh khác, cũng nhằm diễn tả tình yêu thương của Chúa, đó là việc Chúa rửa chân cho các tông đồ. Tác giả Tin Mừng nhấn mạnh: « Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng » (Ga 13,1). Chi tiết « Người yêu thương họ đến cùng » được chứng minh bằng một việc làm có vẻ ngược đời và chưa bao giờ người ta chứng kiến. Thông thường, việc rửa chân cho khách dự tiệc là việc của người giúp việc. Người ngang hàng cũng không bao giờ rửa chân cho nhau. Trong trường hợp này, Thầy rửa chân cho môn đệ. Những phản ứng của Phêrô cho thấy việc làm này rất khác thường, và lúc đầu ông cảm thấy không thể chấp nhận được: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! » (Ga 13,6). Qua việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu muốn chứng minh lời Người đã nói: « Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 45). Các nhà chú giải Kinh Thánh đã nhận ra qua việc Chúa Giêsu “cởi áo bề ngoài“ như tượng trưng cho sự hủy mình ra không (Kenosis) của Con Một Thiên Chúa. Người hạ mình và trở nên như người đầy tớ. Hình ảnh “lấy khăn mà thắt lưng“ diễn tả người đầy tớ tận tụy phục vụ chủ mình trong bữa ăn hàng ngày.

Chính Chúa Giêsu đã giải thích về ý nghĩa của việc Người vừa làm: Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em (Ga 13,15)Hãy rửa chân cho anh em, tức là hãy phục vụ tha nhân với lòng quảng đại và khiêm nhường. Hãy hiến thân hy sinh vì anh em như Thày đã hiến thân cho cả nhân loại. Bài học này giúp ta hiểu tại sao Thánh Gioan không nói tới trình thuật việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể mà ngài lại nhấn mạnh tới nghi thức rửa chân. Không phải thánh nhân đặt việc bác ái lên trên cử hành Thánh Thể, nhưng bác ái và Thánh Thể, đó là hai mặt của một tấm huy chương duy nhất. Nói cách khác, những cử chỉ bác ái làm cho ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể được trọn vẹn và thiết thực hơn. Thánh Thể là sự hy sinh của Chúa, bác ái là sự hy sinh của chúng ta, với tâm tình của Chúa và làm như Chúa dạy. Tôn thờ Thánh Thể mà không thực hiện bác ái thì chỉ là dừng lại ở lý thuyết. Hơn nữa, qua những nghĩa cử bác ái chia sẻ mà chúng ta nhận ra những “thánh thể“ sống động nơi anh chị em chúng ta.

Hãy đến tôn thờ, suy tư và học nơi Thánh Thể tinh thần hy sinh phục vụ. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta kỷ vật vô giá là chính Mình Người. Xin cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của người trong Hình Bánh Hình Rượu và nơi cuộc đời của những người xung quanh. Amen.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW