Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá 2015

28-03-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá 2015 by

BÀI 1: ĐÁM ĐÔNG CUỘC ĐỜI

Bài Thương khó được đọc trong phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá giống như một vở kịch dài có nhiều tình tiết, chương đoạn. Đức Giêsu Kitô thành Nagiarét là nhân vật chính của vở kịch này. Khi lắng nghe và suy tư Bài Thương khó, tôi lưu ý đến sự hiện diện của đám đông, là những nhân vật phụ nhưng không kém phần quan trọng để làm nên vở kịch này.

Họ là ai?

Họ là những kinh sư, luật sĩ và biệt phái. Đây là những người học hành uyên thâm. Họ có vị trí ưu tiên trong các buổi hội họp. Họ được công chúng kính trọng và coi là những bậc nhân đức, thánh thiện. Tuy vậy, những người này nhiều lần bị Chúa Giêsu lên án kịch liệt. Người phê phán họ là những kẻ giả hình, giống như những nấm mồ tô vôi, bên ngoài hào nhoáng, nhưng bên trong đầy thối tha. Họ cũng bị lên án vì hay chất lên vai người ta những gánh nặng chính bản thân mình không mang nổi. Họ là những người áp dụng một cách cứng nhắc các khoản luật, thậm chí còn bày đặt thêm những quy định để bắt người ta tuân giữ. Trong đám đông này, vị Thượng tế là người đứng đầu trong dân của Do Thái giáo. Nhưng vị thượng tế cũng đã lạm dụng chức năng cầm cân nảy mực trong vụ lên án Chúa Giêsu, người đang bị vu khống cách bất công.

Chủ tọa phiên tòa là Philatô, quan tổng trấn. Ông là đại diện của đế quốc Rôma. Ông cũng là người đại diện của luật pháp, có quyền tha bổng và có quyền kết án một con người, như chính ông đã nói với Chúa Giêsu (x. Ga, 19-10). Vậy mà trước sức ép của đám đông, ông đã không can đảm bênh vực người vô tội. Philatô đại diện cho những người cầm quyền nhưng hèn nhát và nhụt bước trước bạo quyền. “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” là như thế đó.

Tôi còn thấy những người dân thành Giêrusalem. Trong số này, có những kẻ xu thời, “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Lúc Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành thánh, họ vui mừng vỗ tay ủng hộ, vì coi Người như Đavít tái giáng để lật đổ quyền thống trị của Rôma. Thế nhưng, trước tòa Philatô, họ lại giơ cao những cánh tay để xin tha cho Baraba, lên án tử hình cho Chúa.

Tôi thấy những môn đệ của Thày Giêsu. Họ vui mừng lúc cùng Chúa bước vào thành thánh, nhưng đó lại sợ hãi hoang mang và bỏ chạy thoát thân. Thế mới biết “khi hoạn nạn mới biết ai là bạn thật”. Trong số họ, có người can đảm như Phêrô, mạnh mẽ kiên quyết là thế, mà lại chịu đầu hàng trước câu nói vu vơ của một cô hầu. Sau này, lúc Chúa chịu đóng đinh, ông và vài môn đệ chỉ đứng xa xa, không dám đến gần (x. Ga 23,49).

Tôi còn thấy những người phụ nữ và trẻ em trong đám đông này. Họ là những người dân thành Giêrusalem thương cảm trước một người bị đem đi giết. Có lẽ họ chẳng có dịp được nghe những lời tố cáo của các kỳ mục Do Thái. Họ cũng không cần biết người này có tội hay không. Trước mắt họ là một con người bầm dập, tàn tạ và bị bạo hành dã man. Một người phụ nữ trong họ, Bà Vêrônica, đã mạnh dạn len qua giữa đám đông để lau mặt Chúa. Thế rồi, cũng có một người đàn ông nông dân, đi làm đồng về, bị quân lính bắt vác đỡ thập giá cho Chúa Giêsu. Đây là những người chân chất, thật thà và ngay thẳng. Họ chẳng cần triết lý cao siêu. Họ chỉ hành động theo lời mách bảo của trái tim và lòng nhân hậu.

Trong số đám đông hỗn tạp ấy, Chúa Giêsu vác thập giá bước đi. Trước những lời phỉ nhổ chế nhạo, Người vẫn âm thầm, thinh lặng, như con chiên bị đem đi giết. Đây là lúc Chúa thực hiện điều chính Người đã giáo huấn: “Anh em hãy tha thứ cho kẻ thù!”; “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”; “Ai theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Trước đám người đang thương cảm, Chúa an ủi họ và nhắc bảo hãy nghĩ đến cuộc đời của chính họ.

Và, may thay, trong đám đông này, vẫn có những tâm hồn cao thượng và trung thành. Họ là Nicôđêmô, trước đây chỉ âm thầm thiện cảm với Chúa, nhưng sau cái chết của Chúa, ông đã công khai nhận mình là môn đệ. Họ là Giuse Arimathia, là những người phụ nữ từ trước đi theo và giúp đỡ Chúa. Trong đám đông, còn có những người vì miếng cơm manh áo phải cộng tác trong việc giết Chúa, nhưng chứng kiến cái chết của Chúa, họ đã giác ngộ và nhận ra Người là Con Thiên Chúa (x. Mt 27,54). Họ còn là Maria Mađalêna, một nữ môn đệ trung thành với Chúa. Bà là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.

Đã hai ngàn năm, đám đông trong ngày Đức Giêsu chịu khổ nạn vẫn còn đó. Đó chính là đám-đông-cuộc-đời. Trong đám đông hỗn loạn ấy, tôi thấy chính tôi. Có những lúc tôi nhát đảm như Philatô, không dám bênh vực người vô tội. Có những lúc tôi hừng hực căm thù, như những kỳ mục Do Thái. Lòng ghen ghét đã làm mờ lương tâm của họ, cố tình nói “có” thành “không”. Có những lúc tôi giống như những người “ba phải” ở Giêrusalem, lúc vui thì ủng hộ, lúc trái ý thì chống đối. Có lúc tôi không dám nhận mình là môn đệ của Chúa, như Phêrô đã chối thầy mình. Tôi tìm thấy tôi trong đám đông cuộc đời này. Tuy vậy, tôi không thất vọng, vì Chúa đã đưa mắt bao dung nhìn Phêrô ngay khi ông vừa chối Chúa, Chúa cũng đưa mắt nhìn tôi như thay lời muốn nói: “Ta tha tội cho con, vì Ta yêu con từ ngàn đời”. Lời nói của Chúa giúp lau khô dòng lệ sám hối và ban cho tôi niềm vui khôn tả của sự tha thứ. Tuy vậy, tôi phải luôn thận trọng và tỉnh thức, vì trong đám đông cuộc đời, giữa tiếng hò la, nhiều khi tôi để mình bị  đám đông lôi kéo. Đây là một hiện tượng xã hội mang tên “tâm lý đám đông”, có nghĩa là một hành động xấu, nhưng xung quanh tôi người ta đều làm thế cả, bỗng dưng trở thành một hành động bình thường được mọi người chấp nhận. Đám đông là môi trường làm tôi dễ “đánh lận con đen”, là nơi “vàng thau lẫn lộn”. Đám đông cuộc đời vừa là cơ hội giúp tôi học hỏi, vừa là nguy cơ làm tôi đánh mất chính mình.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang vác thập giá trong lòng cuộc đời. Gương mặt tàn tạ của Người đang tái hiện nơi những người già cô đơn, nơi những người phong cùi, những người nghèo khó bất hạnh cần sự nâng đỡ. Chúa đang mời gọi tôi lau mặt cho Chúa hoặc vác đỡ thập giá cho Người nơi những anh chị em đó. Cây thập giá rất đẹp khi tôi đeo như đồ trang sức, nhưng rất nặng nề khi chấp nhận dấn thân để  nên giống Đấng đã chịu chết trên thập giá vì tôi.

Đã hai ngàn năm, vẫn còn đó những kẻ lên án, vẫn còn đó những kẻ sợ sệt, vẫn còn đó những người đe dọa đóng đinh Chúa và còn tuyên bố Chúa đã chết lâu rồi. Ánh sáng và bóng tối vẫn giao tranh quyết liệt. Sự sống và sự chết vẫn chiến đấu không ngừng. Tin Chúa Giêsu là can đảm đứng về phía ánh sáng và sự sống, nhờ đó, chắc chắn tôi sẽ tìm được niềm vui và an bình.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

BÀI 2: CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Sau bốn mươi ngày chay thánh, chúng ta cùng cả Giáo hội bước vào tuần thánh. Tuần thánh khai mạc bằng Lễ Lá với nghi thức làm phép lá và rước lá. Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra thánh lễ hôm nay gồm hai phần, phần làm phép lá, rước lá và phần thánh lễ. Xét bề ngoài, hai phần này có hai bầu khí khác nhau. Phần làm phép lá và rước lá thì vui tươi, phấn khởi, tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành thánh cách trọng thể. Còn phần thánh lễ với bài thương khó dài, bầu khí mang màu sắc tử nạn đau thương. Khi đặt hai sự kiện trong cùng một thánh lễ, Giáo hội đã muốn trình bày cho chúng ta khuôn mặt của một Đấng Mêsia đích thực. Nhưng trước tiên chúng ta hãy trở lại với phần nghi thức đầu tiên, đó là nghi thức làm phép lá và rước lá.

Dầu không tường thuật sự kiện một cách hoành tráng như thánh sử Mát-thêu (21,1-11),  thánh Mác-cô vẫn có thể giúp chúng ta hình dung lại sự kiện này một cách khá đầy đủ: Chúa Giêsu cỡi trên một con lừa con, nhiều người lấy áo choàng trải xuống mặt đường cho Chúa đi, một số khác thì chặt cành chặt lá mà trải xuống đường. “Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa…”. Chúng ta vẫn quen gọi sự kiện Chúa vào thành thánh như vậy là trọng thể. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi: Trọng thể ở chỗ nào? Tiến vào thành thánh như vậy mà đáng gọi là trọng thể sao? Một cuộc rước như thế chỉ tổ làm cho mấy anh lính Rôma phì cười. Bởi họ quá quen những cuộc đón rước hoàng đế với không biết bao đoàn kỵ binh hộ tống, dân chúng reo hò tung hô hai bên đường dễ dài đến 30 dặm. Không nói ở Rôma mà ngay tại Giê-ru-sa-lem này, mỗi khi quan Philatô diễu hành ngoài phố, quan ngồi trên một cỗ xe do bốn con ngựa kéo, hai bên là một đoàn kỵ binh 666 lính với đầy đủ khí giới. Đoàn diễu hành đi tới đâu là hò hét vang tới đó.

Như thế ta mới thấy cuộc vào thánh thánh của Chúa không thể so sánh với các cuộc diễu hành của quan chức bấy giờ. Tuy nhiên, một điều lạ lùng mà ta không thể không nhận ra, đây lại là một sự kiện được cả bốn thánh sử ghi lại một cách rất hào hứng. Chứng tỏ các ngài cũng như những người Do-thái khác đã có cái một nhìn rất khác về sự kiện này.

Trước tiên, lịch sử cũng vén mở cho chúng ta hay rằng mỗi khi quan Philatô đi diễu hành trở về, ông đều cảm thấy rất nhục nhã và uất ức, ức đến nổ ruột. Tại sao vậy? Là vì khi đi diễu hành, diễu hành để thị uy, để biểu dương lực lượng, để hù dọa người dân bị áp bức, Philatô đều thấy rõ những người dân này không sợ, lại còn tỏ vẻ coi thường, người thì nhắm mắt không thèm nhìn, kẻ thì quay đi. Dân này xem ra không bao giờ chịu khuất phục người đang đô hộ mình. Vũ lực quân sự không làm cho dân này kinh sợ. Họ không mong đợi ở sức mạnh quân sự mà mong đợi một điều khác, một điều đã được tiên báo và được truyền thống hàng nghìn năm truyền lại. Họ đợi Đấng phải đến, Đấng từ Thiên Chúa mà đến. Bởi thế khi họ thấy Chúa Giêsu xuất hiện trong dịp lễ, vị mà họ đã nghe rất nhiều, ít là đã ba năm nay, họ hy vọng và chờ đợi. Bỗng họ thấy Người cỡi trên một con lừa con mà tiến vào thành thánh, họ giật mình sực nhớ ngay lời tiên báo trong sách tiên tri Da-ca-ri-a: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9-10). Lại thêm chi tiết làm họ không còn nghi ngờ gì nữa, Đấng phải đến đang đến, đó chính là nơi Chúa xuất phát để vào thành thánh. Chính nơi này, khoảng một nghìn năm về trước, vua thánh Đa-vít cũng được rước vào thành thánh cách long trọng. Hai dấu hiệu đó làm người Do-thái giật mình nhận ra: thôi chết rồi, chính người này là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng được Thiên Chúa sai đến. Thế là người già, con trẻ bảo nhau cởi áo khoác trải xuống đường, người thì vội chạy chặt cành chặt lá trải hết ra đường cho Người đi. Đây là những cử chỉ rất giàu ý nghĩa. Áo của người dân nghèo chính là thảm. Con không có tiền mua thảm thì đây áo của con chính là thảm. Cành lá được trải xuống đường, được cầm tung hô reo hò vì lá chính là cờ của dân nghèo. Cành lá nói lên nguyện vọng, yêu sách của dân nghèo. Nó là biểu tượng nói lên khát vọng của dân nghèo, những người thấp cổ bé miệng của con cái Thiên Chúa. Khi giơ cao những cành lá để tung hô, đón Chúa, người dân nghèo như muốn thốt lên với chính Đấng được Thiên Chúa sai đến: Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới là Đấng có thể đáp ứng mọi nhu cầu, mọi khát vọng của loài người chúng con.

Khát vọng này sẽ được lấp đầy khi chúng ta bước vào phần thánh lễ. Người Do-thái sẽ ngỡ ngàng khi thấy Chúa không làm gì khác lạ sau sự kiện vừa rồi. Họ thất vọng, và nghĩ có lẽ đây không phải là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Những biến cố đau thương và tử nạn liên quan tới Người, đối với họ như một lời xác nhận họ nghĩ đúng. Chắc chắn đây không phải là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Nhưng họ đâu ngờ được rằng, chính trong sự kiện thương khó và tử nạn này, lời tiên báo của Người đã trở thành sự thực: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Thứ sáu tuần này, chúng ta cùng cả Giáo hội sẽ tưởng niệm sự kiện trọng đại này, sự kiện Người được giương cao lên khỏi mặt đất và cũng là sự kiện Người chính thức giơ hai tay kéo cả nhân loại lên với Người. Đó chính là giờ ơn cứu chuộc tuôn trào xuống thế gian như một dòng thác, là giờ sức mạnh của ân sủng tẩy xóa hết mọi nhơ bẩn của thế trần, là giờ của sự giải phóng đích thực và cũng là giờ Thiên Chúa tỏ hiện rõ nhất: Ngài là một Thiên Chúa Tình Yêu.

Lm. Giuse Dương Hữu Tình
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW