Vô cảm – Bài giảng Chúa nhật XXVI Thường niên C

26-09-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở Vô cảm – Bài giảng Chúa nhật XXVI Thường niên C by

Những người giàu bị lên án vì họ coi tiền bạc như đích điểm của cuộc đời, nhất là họ cậy vào tiền của mà vô cảm trước nỗi đau của người khác. Trong khi đó, nhiều khi tiền bạc họ có được là do bóc lột và bất công với người nghèo. Câu chuyện người phú hộ và ông Lagiarô là một điển hình.

Trong mấy Chúa nhật liên tiếp, Lời Chúa đều đề cập tới tiền bạc, sự giàu có và thói tục ăn chơi phóng đãng. Hôm nay, một lần nữa, Lời Chúa lại tiếp tục nói với chúng ta về thái độ đối với của cải và sự quan tâm cần có đối với người nghèo, qua nghĩa cử chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ.

Từ khi hiện hữu, con người đã có nhu cầu canh tác đất đai, để kiếm sống cho bản thân và gia đình. Sở hữu vật chất là một đặc tính thuộc bản năng của con người. Những người giàu sang sống yên ổn tại Sion, tưởng chừng đó là những người may mắn, vì họ không phải long đong lo cơm áo gạo tiền. Tuy vậy, dưới cái nhìn của Ngôn sứ Amos, họ lại là những người bị chúc dữ. Bởi lẽ, họ suốt ngày ăn chơi phóng đãng mà vô cảm với vận mệnh của dân tộc mà vị Ngôn sứ gọi là “Nhà Giuse”. Đó là sản nghiệp của các bậc tổ tiên đã bao đời gây dựng. Vì thói ăn chơi ngông cuồng và thác loạn của những người giàu, gia sản ấy có nguy cơ sụp đổ và trở nên hoang tàn. Nên nhớ là Ngôn sứ Amos thi hành sứ vụ của mình ở thế kỷ thứ tám. Ông là một trong những ngôn sứ của người nghèo, vì giáo huấn của Chúa mà ông có trách nhiệm chuyển tải đều mang nội dung phê phán người giàu, bảo vệ người nghèo và bênh vực quyền lợi của những người cô thế cô thân.

Tại sao người giàu có bị căm ghét và lên án? Họ không bị lên án bởi vì họ giàu. Chúng ta thấy trong Tin Mừng, có một số người thuộc hoàng gia đi theo Chúa và rộng rãi giúp đỡ Người. Những người giàu bị lên án vì họ coi tiền bạc như đích điểm của cuộc đời, nhất là họ cậy vào tiền của mà vô cảm trước nỗi đau của người khác. Trong khi đó, nhiều khi tiền bạc họ có được là do bóc lột và bất công với người nghèo. Câu chuyện người phú hộ và ông Lagiarô là một điển hình. Con đường từ trong nhà ra ngoài ngõ chừng một hai trăm mét mà tưởng chừng như xa lắm, xa đến nỗi người phú hộ không bao giờ đến được. Lagiarô như một miếng giẻ rách bị vất bỏ và quên lãng. Trình thuật của Tin Mừng khéo léo đưa ra hai hình ảnh tương phản giữa hai nhân vật này: một bên gấm vóc lụa là, một bên đầy ghẻ lở mụn nhọt; một bên phè phỡn ăn chơi, bên kia đói khát đau khổ; một bên nhiều bạn đến chơi, bên kia chỉ có con chó làm bạn.

Tin Mừng cảnh tỉnh độc giả: Đừng chỉ nhìn những gì bề ngoài! Hãy coi chừng vì cuộc sống không chỉ có hôm nay mà còn có cả tương lai! Đừng tưởng có tiền bạc giàu có mà đã sung sướng! Nếu câu chuyện dụ ngôn được dựng thành kịch, thì vở kịch này sẽ gồm hai hồi mang nội dung hoàn toàn tương phản nhau. Anh phú hộ xưa giàu có phè phỡn ăn chơi, nay khốn khổ gian nan và bất hạnh. Lagiarô xưa bị quên lãng đói khát và tàn tạ, nay hạnh phúc trong lòng Abraham. Đối với người Do Thái, được ở trong lòng Tổ phụ Abraham là điều mơ ước và là hạnh phúc tuyệt vời nhất. Cuộc đối thoại giữa anh phú hộ với Abraham là bài học rút ra từ câu chuyện: Khi sống đừng kiêu ngạo và đừng lãng quên người khác. Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Đừng cậy vào công phúc của người khác, nhưng hãy lo tích trữ của cải thiêng liêng bền vững cho mình.

Sống trong cuộc đời cần có tiền bạc và vật chất! Ai cũng cảm nhận được điều này. Liệu bài học rút ra từ Lời Chúa có phải là một ảo tưởng? Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhận sự giúp đỡ của mọi người thiện chí quảng đại. Chúa cũng dạy các môn đệ: vào nhà nào, hãy ăn những thứ người ta dọn cho, vì thợ thì đáng được hưởng công. Như thế, Chúa không hoàn toàn khinh chê vật chất bằng bất cứ giá nào. Theo ngữ cảnh, Chúa nói dụ ngôn này trong chuỗi giáo huấn về cách sử dụng tiền bạc. Trước đó, Chúa khiển trách những người Pharisiêu ham tiền bạc: “Các ông là những người làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16, 14-15). Như vậy, Chúa đã dùng hình ảnh anh phú hộ để phê phán những con người cụ thể, tức là những người Pharisiêu lúc bấy giờ.

Giáo Hội Công giáo mang danh là Giáo Hội của người nghèo, nhưng Giáo Hội cũng phải có của cải để điều hành Giáo Hội và giúp người nghèo. Người giàu vẫn có thể nên thánh, nếu họ biết sử dụng của cải như một người quản lý khôn ngoan trung tín. Mẫu mực của chúng ta là Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa giàu sang đã trở nên nghèo vì chúng ta. Nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu sang trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, trong khi nỗ lực để có cuộc sống vật chất ổn định, chúng ta phải gắng nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và mến, sống nhẫn nại và hiền hoà. Đó chính là sự giàu sang trước mặt Thiên Chúa và tha nhân, một sự giàu sang bền vững và tồn tại mãi mãi.

Cổ nhân dạy: “Có đức thì mặc sức mà ăn”. Điều đó có nghĩa, khi người ta sống lương thiện và có đạo đức thì công việc của họ sẽ thành đạt và hiệu quả. Những gì họ làm ra sẽ vững bền và giúp họ tìm thấy hạnh phúc đích thực.

“Người giàu có mà không khôn ngoan, thì cũng như bù nhìn mặc áo gấm” (Sưu tầm).

“Nghèo không là xấu, nghèo mà không có chí mới là xấu; hèn không đáng ghét, hèn mà không có tài mới đáng ghét; già không nên than thở, già mà sống thừa mới đáng than thở; chết không nên bi ai, chết mà vô bổ mới đáng bi ai” (Sưu tầm).

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW