Truyền giáo là chia sẻ niềm vui (Lễ khánh nhật truyền giáo)

17-10-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Truyền giáo là chia sẻ niềm vui (Lễ khánh nhật truyền giáo) by

Những thập kỷ gần đây, chúng ta thường nghe nói đến những nước có truyền thống công giáo mà nay phai nhạt đời sống Đức Tin. Chúng ta cũng thường nhắc đến một phần lớn dân cư trên thế giới chưa được biết Chúa. Những thông tin này thúc bách Giáo Hội cầu nguyện và hành động nhằm mục đích đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa cho những người đã nhận biết Chúa rồi xao lãng Đức Tin, và cho những người chưa nhận biết Chúa. Hằng năm, ngày Chúa nhật giữa tháng 10 dương lịch được chọn để cầu nguyện cho mục đích này.

Loan báo Chúa Giêsu là đem giáo huấn của Người vào cuộc sống hằng ngày và làm cho giáo huấn ấy thấm nhuần đời sống con người. Nhờ thấm nhuần giáo huấn của Chúa, mỗi tín hữu trở nên hình ảnh của Chúa trong cuộc đời, cụ thể qua những lời nói, suy nghĩ và hành động. Có thể những nỗ lực truyền giáo chưa đạt tới mức dẫn nhiều người tới lĩnh nhận bí tích Thanh Tấy, nhưng giúp họ tìm được niềm vui và sự an bình, đồng thời sống tốt hơn, thì đó đã là những hiệu quả truyền giáo rồi. Trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên một điều kiện cần thiết để việc truyền giáo có hiệu quả, đó là cảm nhận được niềm vui mà giáo huấn của Chúa mang lại. Nói cách khác, trước khi loan báo Tin Mừng cho tha nhân, người tín hữu phải cảm thấy nơi chính mình niềm vui của đời sống Đức Tin. Đức Thánh Cha viết: “Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (số 10).

Nhờ cảm nhận được niềm vui, người tín hữu san sẻ niềm vui cho những người mình gặp gỡ. Một tác giả đã định nghĩa về truyền giáo rất đơn giản như sau: “Truyền giáo không phải là tuyên truyền hay mua chuộc. Cũng không phải là áp đặt một cách tinh vi. Truyền giáo là hát lên niềm vui chất chứa nơi lòng mình, là tỏa hương tự nhiên như đóa hoa. Truyền giáo là hơi thở của một Giáo Hội đầy sức sống của Thánh Thần”. Định nghĩa này điều chỉnh quan niệm về truyền giáo nơi một số người thiếu thiện cảm với Giáo Hội. Họ nghĩ về truyền giáo như một hình thức mua chuộc người khác. Công cuộc truyền giáo cũng bị nhận định với lăng kính chính trị. Nhiều người cho rằng theo Đạo là đi với Tây, là vong thân mất gốc, là bỏ tổ tiên và phản bội tổ quốc. Lối suy nghĩ này đã ảnh hưởng rất nặng nề nơi nhiều anh chị em lương dân, vì thế họ ngại ngần khi tiếp xúc với Giáo Hội, vì sợ bị liên lụy và thiệt thòi trong con đường công danh sự nghiệp. “Truyền giáo là hát lên niềm vui chất chứa trong lòng”, người tín hữu muốn người khác yêu mến và có thiện cảm với Đạo của mình, thì phải chứng tỏ niềm hạnh phúc mà đời sống Đức Tin đem lại. Chúng ta hạnh phúc vì cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, vì thấy Chúa yêu thương chúng ta và luôn chăm sóc cho chúng ta như người cha chăm sóc con cái mình. Hạnh phúc ấy như đóa hoa tự nhiên tỏa hương thơm  – hữu xạ tự nhiên hương – đem lại niềm vui cho đời.

Khi mời gọi các tín hữu hãy loan báo Tin Mừng với niềm vui, Đức Thánh Cha cũng phê phán thái độ ưu sầu của đời sống Đức Tin, hoặc phương pháp trình bày Đức Tin làm cho người khác thay vì mến Chúa thì lại sợ Chúa. Ngài viết: “Người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt…” (số 10).

Cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng lưu ý để xây dựng một cộng đoàn giáo xứ hay một gia đình công giáo luôn thể hiện nét vui tươi lạc quan trong cuộc sống. Người ta thường nói: “Một giọt mật có sức thu hút nhiều ruồi hơn cả một thùng giấm”. Một  đời sống đơn giản chân thành, “tỏa hương tự nhiên như đóa hoa” có sức thuyết phục người khác tin vào Chúa hơn là những gì ồn ào, tốn kém mà nội dung rỗng tuếch. Tuy vậy, đừng nhầm lẫn niềm vui của Tin Mừng với niềm vui của sự trụy lạc hay một đời sống buông thả. Đó là niềm vui thế gian, có thể đem lại cho con người tiếng cười, nhưng không thể đem cho họ hạnh phúc.

Truyền giáo là chia sẻ niềm vui. Đó cũng là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Thế giới Truyền giáo năm 2014 này. Đức Thánh Cha đã viết: “Chúng ta đừng để người ta đánh cắp đi niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời anh chị em hãy đắm mình trong niềm vui của Tin Mừng, và nuôi dưỡng một tình yêu có khả năng soi sáng ơn gọi và sứ mệnh của anh chị em. Tôi khuyên anh chị em hãy nhớ lại, như trong một cuộc hành hương bên trong, “của tình yêu thứ nhất” qua đó Chúa Giêsu Kitô đã làm nóng lên con tim mỗi người chúng ta, không phải là một tình cảm nhớ về quá khứ, nhưng là để kiên trì trong niềm vui. Người môn đệ của Đức Kitô tiếp tục trong niềm vui khi họ ở với Ngài, khi họ làm theo ý của Ngài, khi họ chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm” (Sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền giáo, số 5).

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ năm xưa vẫn luôn là lời mời gọi thúc bách mỗi người tín hữu. Chúng ta không chỉ là những người cầu nguyện thụ động, nhưng còn được mời gọi trở thành những nhà truyền giáo trong bối cảnh cụ thể của cuộc sống hôm nay. Bất cứ hoàn cảnh và điều kiện sống nào, chúng ta vẫn có thể sống niềm vui và loan báo niềm vui cho anh chị em mình. Loan báo niềm vui là loan báo chính Đức Kitô, vì Người là Tin Mừng của Thiên Chúa, đã làm người và ở giữa chúng ta.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW