Trang Tem mừng ngày Hiển Thánh của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

24-04-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Trang Tem mừng ngày Hiển Thánh của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II by

I. ĐGH GIOAN PHAOLÔ ĐỆ NHẤT QUA ĐỜI

Sau 2 ngày bầu chọn, Hồng y Thượng phụ giáo chủ thành Venezoa là Hồng y Albino Luciani đắc cử giáo hoàng. Ngài là vị Giáo hoàng thứ 263 của Giáo hội Công giáo Roma với tông hiệu Gioan Phaolô I. Đây là vị Giáo hoàng đầu tiên chọn tên hiệu 2 vị thánh Gioan và Phaolô để ghi nhớ và đồng thời để tiếp tục đường lối của hai vị Giáo hoàng tiền nhiệm: Gioan XXIII và Phaolô VI.

Ngài được gọi là “Giáo hoàng của nụ cười” vì luôn nở nụ cười trên môi và “cuộc sống gần gũi với dân chúng, biết đối thoại với nền văn hóa và thế giới một cách an bình và quân bình” (GH Gioan Phaolô II).

Ngài ở ngôi Giáo hoàng từ ngày 26/8/1978 cho đến khi qua đời 33 ngày sau đó (28/9/1978). Triều đại của ngài là một trong những giáo triều ngắn nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo.

IIĐGH GIOAN PHAOLÔ ĐỆ NHỊ KẾ VỊ

1. Ngày đăng quang Giáo Hoàng

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hồng y đoàn đã tín nhiệm Hồng y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục Kraków, Ba Lan, vào ngôi vị giáo hoàng của thế giới Công giáo. Ngài đã được bầu để kế vị Đức Gioan Phaolô I với tông hiệu Gioan Phaolô II.

Huy hiệu của giáo hoàng Gioan Phaolô II có chữ M, tức chữ “Mary” (Đức Maria) cho thấy được tầm quan trọng của Mẹ Maria trong đời sống thiêng liêng của ngài.

2. Tiểu sử

  • Karol Józef Wojtyła sinh vào ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, cách Kraków 50 cây số.
  • Trong trường tiều học dành cho trẻ em trai ở Wadowice, Wojtyla tỏ ra là một học sinh xuất sắc. Ngài rất thích thể thao, là thủ môn cho đội tuyển nhà trường.
  • Sau khi học xong trung học tại Wadowice, ngài ghi danh vào Đại học Kraków, ngài đã trở thành một sinh viên triết lý và văn chương rất xuất săc, vừa đồng thời theo học thêm ngành kịch nghệ. Wojtyła nhanh chóng kết bạn với một loạt các thi sĩ và kịch gia.
  • Trong thời Đức quốc xã chiếm Ba Lan trong Chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều bạn bè Do thái của Karol Józef Wojtyła đã bị giết hay bị trục xuất. Tuy nhiên thái độ của Wojtyla với những hành động này là "cầu nguyện".


  • Vào mùa thu năm 1942, sau một cuộc thảo luận dài với cha giải tội Figlewicz, Wojtyla đến nhà riêng tổng Giám mục Sapieha và trình bày ước nguyện trở thành tu sĩ với vị Giám mục. Ngài bắt đầu lén lút học những môn của Chủng viện Kraków, do Hồng Y Adam Stefan Sapieha, lúc đó là Tổng Giám mục Kraków, điều khiển.
  • Karol Wojtyła được thụ phong linh mục vào dịp Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11 năm 1946. Sau đó không lâu, hồng y Sapieha gửi linh mục Karol Wojtyla đi du học Roma. Sau khi hoàn tất học trình tiến sĩ trong thời gian du học ở Roma, tháng 7 năm 1948, Karol Wojtyla được hồng y Sapieha bổ nhiệm làm linh mục phụ tá Niegowic, một giáo xứ hẻo lánh thuộc vùng quê Galicia, cách Kraków 30 dặm.
  • Tháng 3 năm 1949, hồng y Sapieha thuyên chuyển ngài về làm việc tại một trường của Ðại học Kraków thuộc giáo xứ Saint Florian. Ngài tiếp tục trau dồi triết và thần học tại Ðại học Công giáo Lublin. Tại đây, ngài có cơ hội tìm hiểu thêm về giới trẻ, đồng thời khai triển những phương pháp mục vụ trong khi tiếp xúc với đời sống văn hóa cùng các thức giả tại tổng giáo phận Kraków.
  • Ngày 28 tháng 9 năm 1958, ngài được tấn phong Giám mục tại Nhà thờ lớn Wawel ở Kraków, 11 ngày trước khi Giáo hoàng Piô XII qua đời. Trong năm 1967 Giáo hoàng Phaolô VI phong ngài làm Hồng Y. Ngài cũng đồng thời được bổ nhiệm vào bốn thánh bộ của Vatican: bộ giáo sĩ, thánh bộ Giáo dục công giáo, thánh bộ nghi lễ, bộ các giáo hội Đông Phương.

3. Trên ngôi Giáo hoàng

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, ngài đã được bầu để kế vị Đức Gioan Phaolô I. Gioan Phaolô II  là vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Cho đến khi qua đời, triều đại của ngài đã kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại Giáo hoàng dài thứ hai trong lịch sử hiện đại, sau triều đại dài 32 năm của Giáo hoàng Piô IX. Cho đến hiện tại, ngài là vị Giáo hoàng duy nhất người Ba Lan và là Giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Giáo hoàng Ađrianô VI năm 1520. Ngài được Tạp chí Time bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.

Những chuyến tông du: Với 247 chuyến viếng thăm mục vụ trong và ngoài nước Ý, Gioan Phaolô II đã đi 1.167.295 km (hay 700.380 dặm), trên 28 lần chu vi của Trái Đất (hay 3 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng), nhiều hơn tất cả những Giáo hoàng trước cộng lại. Những chuyến đi này là dấu hiệu của nỗ lực bắc cầu nối lại những quốc gia và tôn giáo trong nhiệm kỳ của ngài. Gioan Phaolô II đã biến những chuyến tông du trở thành một cuộc hành trình truyền giáo mang tính chất sứ đồ. Ngài sẵn sàng đón nhận mọi phong tục và nghi thức văn hóa ở những vùng miền khác nhau.

Khai mở Năm Thánh: Ngài đã khai mở Năm Thánh Cứu Độ 1983, kỷ niệm 1950 năm Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại, Đại Năm Thánh 2000, kỷ niệm 2000 năm Con Thiên Chúa Xuống Thế Làm Người và các Năm Thánh ngoại thường khác…

Vị Giáo hoàng khiêm nhường

Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ; tổng cộng hơn 100 lần về những hành động sai trái của Giáo hội Công giáo trong đó có sự kiện xưng thú 7 tội của Giáo hội trước đám đông tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 12 tháng 3 năm 2000.

Với Giới Trẻ

  • Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Gioan Phaolô II đã dành một sự quan tâm đặc biệt tới giới trẻ như là một sự tiếp nối những công việc ngài đã làm kể từ khi còn là linh mục và Giám mục.
  • Năm 1985, ngài công bố lập ngày giới trẻ thế giới (JMJ) 2 năm 1 lần. Đầu tiên là Rôma (1985), Buenos Aires (Argentine 1987), Santiago de Compostella (Tây ban Nha 1989)…và nhiều nơi sau đó trên thế giới, để những người trẻ có thể gặp gỡ nhau, cùng ngài tôn vinh Thiên Chúa, cùng nói lên niềm hi vọng của nhân loại, rồi sẽ trở về nhà như "những chứng nhân không chút sợ hãi của Tin Mừng". Ngài đã truyền cho họ sự dũng cảm, lòng nhiệt thành khi phải đối đầu với nền văn hóa sự chết như chiến tranh, bạo lực, nạn phá thai,… để duy trì sự sống cho con người.

Những nét nổi bật trong vai trò Giáo Hoàng

  • Ngài đã viết 14 thông điệp, 14 tông huấn, 11 tông hiến, 42 tông thư và 22 tự sắc chưa kể đến hằng trăm sứ điệp và thư tín khác nữa. Để sửa soạn cho Năm Thánh 2000, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết tông thư "Tiến đến Thiên niên kỷ thứ Ba" (Tertio Millennio Adveniente) đề ngày 10 tháng 11 năm 1994.
  • Ngài đã chủ sự 15 thượng hội Giám mục.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chủ sự 51 nghi lễ phong thánh cho 482 người và 147 nghi lễ phong chân phước cho tất cả 1338 người. Đặc biệt trong số những người được phong thánh có 117 vị thánh tử đạo Việt Nam được ngài tuyên phong tại thành Rôma ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Trong suốt thời gian làm giáo hoàng, ngài đã gặp 17,6 triệu khách hành hương trong 1160 lần tại Quảng trường Thánh Phêrô vào mỗi ngày Thứ tư. Khoảng 8 triệu khách hành hương trong Năm Thánh 2000. Ngài đã 737 lần tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia và 245 lần các thủ tướng quốc gia.

4. Vụ Đức Gioan Phaolô II bị mưu sát được Đức Mẹ cứu sống

  • Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngài đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Agca bắn trọng thương khi ngài đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ.
  • Ngài lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn.

  • Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến ngài dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ông sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu.
  • Chính kẻ bắn vào Đức Thánh Cha cũng hết sức ngạc nhiên, anh ta không thể hiểu được vì sao Đức Thánh Cha không chết. Sự kiện lạ thường ngoài sức tưởng tượng này, đã xảy ra đúng vào ngày kính nhớ Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ ở Phatima, khiến Đức Thánh Cha nghĩ ngay đến Người Mẹ trên trời dấu yêu. Đức Thánh Cha kết luận: “Một người bắn, nhưng một người khác hướng dẫn đường đạn”. Và Đức Thánh Cha thêm: “Đức Mẹ Maria đã cứu sống tôi”.
  • Do sự kiện trên, đúng một năm sau ngày bị ám sát, Đức Thánh Cha đã hành hương đến Phatima để tạ ơn Đức Mẹ. Cũng vì thế, kể từ năm 2002, Đức Thánh Cha công bố ngày 13.5 hàng năm trở thành ngày lễ kính Đức Mẹ Phatima. 

5. Về với Chúa

Vào cuối tháng 3 năm 2005, khi ngài 84 tuổi, Ngài trở bệnh nặng và phải nhập viện. Vào ngày 1 tháng 4, tình trạng Ngài thêm trầm trọng khi tim và thận của Ngài bị suy nhược. Vào ngày 2 tháng 4, Tòa Thánh tuyên bố rằng Ngài đang "hấp hối". Ngài qua đời lúc 9 giờ 47 phút (giờ Roma). Tang lễ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II là sự kiện có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia nhất cùng quy tụ trong một thời điểm. Đây là lần đầu tiên mà lãnh đạo Chính Thống giáo Đông phương và Anh giáo đến tham dự tang lễ của một vị Giáo hoàng kể từ khi họ cắt đứt liên hệ với Roma trong quá khứ.  Đây cũng có thể là sự kiện quy tụ Kitô hữu lớn nhất lịch sử, ước tính có hơn bốn triệu người tham dự tại Roma.

6. Được tôn phong Chân Phước và Hiển Thánh

  • Hai tháng sau khi giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, một nữ tu sĩ người Pháp tên là Marie Simon Pierre không còn những triệu chứng của căn bệnh Parkinson. Bà cho rằng: "Tôi đã được chữa lành, đây là việc làm của Chúa, nhờ lời bầu cử của đức Gioan Phaolô II. Ðây là điều gây ấn tượng mạnh, và khó diễn tả ra bằng lời nói." (bản thân Gioan Phaolô II mất vì căn bệnh này).
  • Gioan Phaolô II đã được Giáo hoàng Biển Đức XVI phong là Đấng đáng kính ngày 19 tháng 12 năm 2009 và phong chân phước ngày 1 tháng 5 năm 2011.

ĐGH Gioan Phaolô II được ĐGH Phanxicô tôn phong Hiển Thánh vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót ngày 27/4/2014. Việc ĐTC Phanxicô chọn ngày này có một ý nghĩa hết sức quan trọng vì ĐGH Gioan Phaolô II đã thiết lập ngày lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót vào năm 2000.

Nguyện xin hai vị Thánh Giáo hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô đệ nhị cầu cho chúng con.

Lm. Giuse Trần Phú Sơn


NGUỒN

  • Giáo hoàng Gioan Phaolo II – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  • Các tài liệu liên quan trên mạng Internet.
  • Hình ảnh: Từ Bộ sưu tập của Lm. Giuse Trần Phú Sơn.

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW