Tĩnh tâm Giới Trẻ Giáo xứ Tháng 6/2013

30-06-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Tĩnh tâm Giới Trẻ Giáo xứ Tháng 6/2013 by

Với chủ đề “Giới Trẻ và Kinh Thánh Lời Chúa”. Trong buổi tĩnh tâm cuối tháng với Giới trẻ Giáo xứ, ngày 29/06/2013, Cha Phó Phaolô đã chủ sự và chia sẻ với các bạn trẻ đến tham dự cho chủ đề thực tế này. (Xem hình ảnh)

Hôm nay, các bạn trẻ đến tham dự sẽ phải đào sâu kiến thức Kinh Thánh của mình để trả lời cho những câu hỏi liên quan đến Thánh kinh thông qua các vật dụng mà người quản trò đưa ra. Ví dụ như là (con dao, đèn cầy, lửa, tấm khăn, hạt lúa,…). Các bạn trẻ phải suy nghĩ về các điển tích diễn ra trong Thánh kinh rồi trả lời xem đó là sự kiện nào? Thông qua trò chơi các bạn trẻ đã được ôn lại lời của Chúa, suy nghĩ, để từ đó mà đem nra thực hành như thế nào cho đúng đắn?

Cha Phaolô: Ngày nay người trẻ chúng ta nên tự hỏi hỏi rằng có mấy ai trong số những người trẻ chúng ta đã để “ngọn đèn Lời Chúa soi dẫn cuộc sống của mình”. Tuy nhiên, không nhiều thì ít, dường như chỉ có một phần nhỏ trong số nhiều các bạn trẻ là những người khao khát và dấn thân đi tìm Lời Chúa trong ơn gọi riêng. Còn lại một số lớn các bạn trẻ khác thì sao? Lẽ nào những câu hỏi đó chỉ được lặp đi lặp lại và rồi chỉ âm thầm lặng lẽ trôi theo thời gian mà không một câu giải đáp? Chúa không đòi hỏi mỗi chúng ta phải học cao hiểu rộng hay phải giàu có… Nhưng Chúa đòi hỏi nơi tấm lòng mỗi người sự thao thức, thao thức tìm kiếm một điều gì đó để biến cuộc đời chính mình trở nên có giá trị… Chúng ta phải tìm nó ở đâu? Có phải ta nên tìm kiếm một Đức Kitô đích thực trong lời mời gọi của Ngài mỗi ngày không? Hay ta đang tìm kiếm một danh vọng hào hoa phú quý? một chỗ ngồi danh dự trong xã hội…? Là một bạn trẻ Kitô hữu, bạn có suy nghĩ gì về lời của Chúa và Lời Chúa đã đánh động lòng bạn như thế nào?.

Nhằm giúp các bạn trẻ tìm ra câu trả lời đúng đắn cho các câu hỏi của Cha Phaolô. Tôi xin được chia sẻ với các bạn một bài viết có nhan đề “Lời Chúa Cho Người Trẻ”, được trích nguyên văn từ trang Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam của tác giả Nguyễn Đỗ Hữu Duy, OP.

LỜI CHÚA CHO NGƯỜI TRẺ

Trong đời sống Giáo Hội, Lời Chúa hay Kinh Thánh “đã và đang được xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời” [1]. Vì vậy, mọi thành phần trong Giáo Hội được mời gọi hãy siêng năng học hỏi và đọc Kinh Thánh, vì Lời Thiên Chúa “sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), cũng như “có khả năng xây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hiến”. Thế nhưng, để sứ mạng này đạt được hiệu quả và có sức tác động mạnh mẽ trong lòng người tín hữu, thì việc Tân Phúc Âm hoá là điều cần thiết. Có thể hiểu Tân Phúc Âm hoá theo nghĩa “làm mới” lại Lời Chúa cho những người đã được đón nhận Tin Mừng. Thật vậy, cách thế trình bày Lời Chúa cho phù hợp với con người thời đại là quan trọng, bởi sứ điệp Lời Chúa thì bất biến, nhưng phương cách diễn tả thì có thể thay đổi.

Đối với người trẻ Công giáo thì sứ mạng này càng cấp thiết hơn nữa, bởi chính họ là sức sống mạnh mẽ trong đời sống Giáo Hội. Thế nhưng ngày nay, không phải là tất cả, nhưng cũng không ít các bạn trẻ ra như “ngại” đối diện với Lời Chúa, không thích lắng nghe công bố Lời Chúa, và đọc Lời Chúa thì càng không muốn. Phải chăng Lời Chúa luôn chất vấn lương tâm người trẻ, đòi hỏi họ phải khước từ, “cắt tỉa” nhiều thứ của bản thân? Có chăng những người công bố và chia sẻ Lời Chúa luôn đặt ra những bắt buộc cho người nghe: “Ông bà phải thế này, các bạn phải thế kia…”? Có thật là Lời Chúa quá khô khan, để rồi khi cầm sách Thánh lên là “buồn ngủ” ngay không? Quả nhiên, nếu hiểu Lời Chúa như một sự “ràng buộc” nào đó thì nguy cơ khiến cho người trẻ “dị ứng” là điều dễ hiểu.

Chính trong bối cảnh đó, việc Tân Phúc Âm hoá, hay cách trình bày Lời Chúa cho người trẻ hôm nay, thì điều cần làm sáng tỏ là giúp họ nhận ra rằng: “Trong các sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ[2]. Và khi đó, họ nhận ra Lời Chúa là lời tình yêu. Để từ đây, mỗi người trẻ tự nguyện Sống Lời Chúa đó như một kết ước bền vững muôn đời.

LỜI NGỎ

Trong cuộc sống, ta được đón nhận lời ngỏ từ người khác thật nhiều. Giới thiệu một quyển sách, tác giả cũng ngỏ ý cùng đôc giả. Bắt đầu một buổi tiệc, chủ nhà cũng ngỏ lời cùng khách tham dự… Khi ngỏ lời, chủ nhân mong muốn người khác đón nhận những gì mình sắp trình bày. Và khi được ngỏ, thái độ đáp trả của người đón nhận khởi đi từ sự tự nguyện, không ép buộc. Với người trẻ, lời ngỏ để khởi đầu cho một mối tình thì thật đẹp, và được chấp nhận thì hạnh phúc biết bao.

Đón nhận Lời Chúa như một lời ngỏ, chắc chắn ta sẽ không cảm thấy bị “bó buộc” như một thứ “luật lệ”. Bởi, Lời Chúa là Lời của Cha trên trời ưu ái dành cho con cái mình. Cha ngỏ lời và mong mỗi người con đáp trả trong từng hoàn cảnh cụ thể của cuộc đời. Hơn nữa, Cha trên trời muốn để cho con cái đón nhận Lời với sự tự do và lòng yêu mến. Và quả thật, Lời Chúa chưa bao giờ ràng buộc con người. Lời ngỏ của Cha trên trời vẫn mãi còn đó. Người trẻ đã đón nhận Lời ngỏ của Cha như thế nào? Người trẻ có thiết tha với Lời ngỏ ấy không? Làm thế nào để Lời ngỏ của Cha trở nên lời tình yêu trong cuộc sống?

LỜI TÌNH YÊU

Lời tình yêu đích thực phải là lời trao ban chứ không chiếm hữu. Thiên Chúa đã bộc lộ điều đó khi “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đức Giêsu chính là Lời Tình Yêu đích thực được trao ban cho con người. Ngài yêu thương con người bằng tình bạn hữu và “… đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đón nhận Lời Tình Yêu, mỗi người cũng được mời gọi dám sống hết mình cho Thiên Chúa và tha nhân.

Nói về Lời Tình Yêu, Thánh sử Gioan khẳng định : “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và đã cử Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10). Không phải Lời Tình Yêu đã yêu thương cho đến chết là hết chuyện, mà Lời đó vẫn còn tiếp diễn và kết liên mọi người: “Không gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô” (Rm 9, 39). Lời Tình Yêu luôn vang vọng, thúc giục chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15, 13).

Được đón nhận Lời Tình Yêu, chúng ta có dùng lời nói để khích lệ, ủi an, cảm thông, chia sẻ, vui với người vui, khóc với người khóc chưa? Với từng bạn trẻ, chúng ta có dám sống Lời Tình Yêu và chia sẻ Lời ấy cho người khác không? Ngày nay, các bạn trẻ ngỏ lời yêu với nhau thật dễ dàng, nhưng lời tình yêu ấy có bắt nguồn từ chính Đấng là Tình Yêu hay không? Chỉ khi sống trọn vẹn với Lời Tình Yêu của Thiên Chúa, ta mới có thể kết ước và sống trung thành với Lời ấy mà thôi.

LỜI KẾT ƯỚC

Nhân loại đang sống trong một thế giới của sự thất tín và bất trung. Hôn nhân đổ vỡ, li dị khắp nơi là một minh chứng; gian lận trong kinh tế, hàng giả, đồ giả tràn ngập là minh chứng khác. Chúng ta có vượt qua được “thảm cảnh” này chăng? Đâu là con đường để người trẻ chọn lựa trong cuộc sống có nhiều phức tạp như hiện nay? Với người trẻ Công giáo, có cách thức nào để sống tín trung với người, với đời trong hành trình trần thế không?

Trở về với Lịch sử Cứu độ, chúng ta dễ thấy, Thiên Chúa đã nhiều lần giao ước với loài người: qua một dân tộc cụ thể và với chính mỗi người. Ngày nay, lắng nghe Lời Chúa là chúng ta đang sống lại giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Giao ước ấy được đặt trong lòng mỗi người, thúc đẩy và mời gọi từng người hãy kiên trung với Lời Hằng Sống. Chối bỏ hoặc không đón nhận Lời Chúa là chúng ta đang tự ý huỷ bỏ giao ước với Chúa và đang xa rời tình yêu của Ngài. Lời Giao Ước được trọn vẹn khi Thiên Chúa sai chính Con mình đến trần gian. Nơi Ngôi Lời, Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước của Người cách vĩnh viễn. Con Thiên Chúa là Lời Giao Ước tối hậu của Chúa Cha nói với nhân loại: “Đây là Lời Giao Ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một…” [3].

Với lời kết ước, chúng ta – những người trẻ – có trung tín với những gì mình nói ra và trung thành với những gì mình cam kết? Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta được mời gọi không chỉ trung thành với Thiên Chúa, nhưng cần trung tín với mọi người. Điều này cần được thể hiện bằng chính cuộc sống sung mãn của mỗi người, trong từng phút giây của cuộc đời.

KẾT LUẬN

Ngày nay, người trẻ có nhiều điều kiện để tiếp cận với tất cả các hình thức sinh hoạt trần thế, trong đó phải kể đến đóng góp to lớn của hệ thống mạng Internet. Thế nên, nếu chỉ cứng nhắc và khô khan trong việc trình bày sứ điệp Tin Mừng thì khó lòng thu hút người trẻ đến với Lời Chúa. Nói thế không có nghĩa chúng ta phải chạy theo trào lưu của thời đại để thoả hiệp với bất cứ hình thức nào, nhưng việc tận dụng các loại phương tiện hiện đại để truyền tải sứ điệp Tin Mừng là việc nên làm. Đó là về hình thức trình bày.

Tuy nhiên, nội dung của sứ điệp Tin Mừng còn quan trọng hơn. Nếu chỉ thuần tuý “luân lý” hoá Lời Chúa thì nguy cơ khiến người trẻ hiểu lầm về sứ điệp Lời Chúa sẽ xảy ra. Để không rơi vào tình trạng này, thì chúng ta, những người có trách nhiệm công bố và chia sẻ Lời Chúa, cần ý thức đầy đủ bổn phận của mình trong việc nghiền ngẫm và nghiên cứu Kinh Thánh. Đó là cách tốt nhất để chúng ta có thể thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hoá ngày nay.

Mong rằng với tất cả những cố gắng trong công cuộc Tân Phúc Âm hoá của Giáo Hội, không gì khác hơn là giúp người tín hữu ý thức mạnh mẽ về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của mỗi người. Để từ đó, trong cung cách sống của người Kitô hữu, giá trị Tin Mừng được bộc lộ một cách rõ nét, và hình ảnh Thiên Chúa Tình yêu cũng qua đó được tỏ rạng.


[1] Công đồng Vat II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, số 21.
[2] Sđd
[3] GLHTCG Số 66

Sau giờ Chầu Thánh Thể, đại diện BTS Giới Trẻ cám ơn Cha Phó Phaolô đã tham dự, chia sẻ với Giới Trẻ Giáo xứ, đồng thời dâng tặng lẵng hoa tươi thắm đến Cha Phaolô nhân ngày lễ quan thầy hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW