Thường huấn Linh mục

07-06-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Thường huấn Linh mục by

Ngày 05/06/2013, tại TGM Xuân Lộc, gần 300 Linh mục (trong đó có 45 Tân Linh mục mới chịu chức hôm 30/05/2013 vừa qua) đã về tham dự buổi thường huấn.

Trong bầu khí vui tươi của buổi sáng sớm, lúc 7giờ45, Quí Cha đã ngồi đầy hội trường để bắt đầu cho bài giảng của Đức Cha Phụ Tá Giuse Đinh Đức Đạo. Với chủ đề : "Tu Đức Truyền Giáo", Đức Cha Phụ Tá Giuse đã chia sẻ cho quí Cha những điểm cần thiết và chính yếu để đạt được những kết quả tốt trong công cuộc truyền giáo.

Sau hai giờ thuyết trình, Đức Cha Chính Giáo phận đã có giờ huấn đức. Ngài chia sẽ với quí Cha những ưu tư và những kinh nghiệm mục vụ, giúp Quí Cha ý thức sâu sắc hơn sứ vụ mục tử đã lãnh nhận. Đồng thời, Ngài mời gọi Quí Cha cố gắng làm gương sáng cho anh chị em giáo dân, yêu thương đoàn chiên với tất cả tấm lòng của vị mục tử.

Sau giờ huấn đức, tất cả các Cha đến nhà nguyện TGM để cùng với Hai Đức Giám mục, Đức Ông Vinhsơn, Tổng Đại diện dâng Thánh Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Buổi thường huấn kết thúc sau giờ cơm trưa thanh đạm tại nhà cơm TGM Xuân Lộc.

Dưới đây là trích dẫn nguyên văn bài thuyết trình của Đức Cha Phụ tá Giuse.

TU ĐỨC TRUYỀN GIÁO

Kính thưa Quí Cha,

Đề tài đã được Cha Đặc trách Linh mục ấn định cho buổi chia sẻ hôm nay là “Tu đức Truyền giáo”. Như một dẫn nhập, con xin được trích dẫn đoạn dụ ngôn trong sách Tin Mừng Thánh Matthêô: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,22-23).

Rõ ràng là mấy người trong dụ ngôn nói trên đã làm những công việc rất tốt: nói tiên tri, trừ quỷ và làm nhiều phép lạ, mà tất cả những chuyện đó lại còn làm nhân danh Chúa nữa. Thế mà Chúa bảo là Chúa chưa hề bao giờ biết họ và nặng hơn nữa, Chúa còn gọi họ là “bọn làm điều gian ác”. Lý do là tuy Chúa có được nhắc đến, nhưng Chúa chỉ là cái bình phong, là dụng cụ để người ta thực hiện tham vọng hay để trục lợi. Như vậy, vấn đề không nằm ở bình diện nổi là việc làm, nhưng ở chiều sâu là cái lòng của con người khi làm việc. Việc làm thì tốt, nhưng cái lòng, cũng gọi là cái hồn không tốt, không trong sáng.

Từ thực tại ngụ ngôn gợi ý, xin được trình bày các suy tư về đề tài Tu đức truyền giáo dựa theo 3 điểm chính yếu sau:

  1. Tầm quan trọng của tu đức trong đời sống và công việc của người tông đồ;
  2. Những yếu tố tu đức trong công việc tông đồ truyền giáo;
  3. Nhu cầu cần phải luyện tập

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TU ĐỨC

Công việc tông đồ truyền giáo thời nay đặt ra rất nhiều vấn đề, thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng tựu trung, có thể gồm tóm trong 3 lãnh vực chính yếu sau đây:

  • Thần học: những vấn đề liên quan đến bản tính sứ điệp hay mầu nhiệm người tông đồ truyền giáo có bổn phận rao giảng và truyền đạt.
  • Mục vụ: đối tượng của việc rao giảng Tin Mừng để định ra cách thức và phương pháp rao giảng và truyền đạt sứ điêp.
  • Tu đức: chính con người được sai đi rao giảng và truyền đạt sứT điệp, trong cái tâm, cái hồn được diễn tả qua thái độ, hành vì, tư cách, nếp sống của người tông đồ. Trong ý nghĩa này, khía cạnh tu đức bao gồm cả những yếu tố tâm linh và nhân bản, không hiện hữu như những yếu tố riêng rẽ, nhưng như một thực tại trong đó, chúng hòa trộn lẫn vào nhau.

Những suy tư hôm nay nhắm vào khía cạnh thứ ba, tức là “tu đức” và câu hỏi cần được trả lời là: “Tu đức có thực sự cần thiết cho người tông đồ không?”

1. Giáo huấn của Giáo hội

Hầu hết các văn kiện của Giáo Hội, nhất là những văn kiện của thể kỷ XX – XXI, đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tu đức trong việc đào tạo nhân sự tông đồ truyền giáo. Ở đây, chúng ta chỉ trích lại giáo huấn của thông điệp truyền giáo “Redemptoris Missio” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế).

“Lời mời gọi truyền giáo tự bản chất bắt nguồn từ lời mời gọi nên thánh. Mỗi nhà truyền giáo chỉ đích thực là nhà truyền giáo khi dấn thân trên con đường thánh thiện. ‘Sự thánh thiện phải được coi là yếu tố nền tảng và là điều kiện thiết yếu, không thể thay thế để hoàn thành sứ mạng cứu độ của Giáo Hội’ (Người Tín hữu giáo dân, số 17). Nỗ lực canh tân việc dấn thân truyền giáo đòi hỏi phải có những nhà truyền giáo thánh thiện. Thật không đủ nếu chỉ canh tân những phương pháp mục vụ, chỉ lo tổ chức và phối hợp các lực lượng của Giáo Hội cách tốt đẹp hơn, hoặc chỉ lo khám phá thêm các nền tảng Kinh Thánh và thần học của đức tin: nhưng còn phải khơi dậy một “nhiệt tình thánh thiện mới” nơi các nhà truyền giáo và trong mọi cộng đoàn kitô hữu, nhất là nơi những người cộng tác gần gũi với các nhà truyền giáo.” (cf. Discorso all'Assemblea del CELAM a Port-au-Prince, 9 mar­zo 1983: AAS 75 (1983), 771-779; Omelia per l'apertura del ‘novenario di anni’, promosso dal CELAM a Santo Domingo, 12 ot­tobre 1984: Insegnamenti VII/2 (1984), 885-897)” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế, số 90).

Trong đoạn văn trích dẫn trên đây, thông điêp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” không dùng từ “tu đức” mà dùng từ “thánh thiện”. Sự thánh thiện chính là sự thể hiện hoàn hảo của hành trình tu đức.

2. Suy tư thần học: Tầm quan trọng của tu đức được nhận rõ qua 4 điểm: bản chất của sứ điệp Tin Mừng, căn tính của người tông đồ, tình cảnh của thế giới và những dấu chỉ của thời đại.

a) Bản chất của sứ điệp

Sứ điệp Tin Mừng mà người truyền giáo được sai đến để loan truyền không là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là Lời hằng sống, mầu nhiệm tình yêu ban sự sống. Vì thế sứ điệp cần phải tỏ ra sức mạnh biến đổi cuộc sống trong chính đời sống của người trình bày nó. Sự đáng tin của sứ điệp tùy thuộc vào cuộc sống của người rao truyền. Vì thế, người tông đồ mà cụ thể, đối với chúng ta là người linh mục, không thể giới thiệu Tin Mừng nếu không để cho Tin Mừng chạm đến và biến đổi cuộc đời của mình. Không thể có nhà truyền giáo phục vụ đích thực nếu không có sự biến đổi nhà truyền giáo theo tinh thần của Đức Kitô. Trong bối cảnh tổng quát của việc loan báo Tin Mừng, Tông huấnEvangelii Nuntiandi xác nhận rằng “Giáo Hội phúc âm hóa thế giới bắt đầu bằng việc phúc âm hóa chính mình.” (EN 15).

Tu đức, tức cái hồn, cái tâm và cuộc đời của người linh mục, gắn liền với công việc tông đồ của chính vị linh mục đó. Hai khía cạnh đó không thể tách rời nhau. Mối liên hệ chặt chẽ giữa cái tâm và đời sống của vị linh mục với công việc tông đồ của ngài có thể được minh hoạ qua câu chuyện do cha Henri J. M. Nouwen thuật lại trong cuốn sách nhỏ của ngài, có đề tựa “Creative ministry” (Tác vụ tông đồ mang tính cách sáng tạo), về một cuộc gặp gỡ của các linh mục để chia sẻ về kinh nghiệm mục vụ. Trong cuộc gặp gỡ này, một linh mục kể việc ngài thăm viếng một giáo dân của giáo xứ ngài coi sóc đang bệnh nặng, nằm liệt tại nhà thương. Sau khi kể về cuộc thăm viếng, các linh mục có mặt góp ý thêm về những cách nói chuyện… Sau cùng, một linh mục có tuổi trong nhóm phát biểu: “Tôi thấy cha đến thăm một bệnh nhân liệt giường và có thể không qua khỏi, nhưng tôi không thấy cha nói đến sự chết. Cha không giúp cho bệnh nhân đối diện với thực tại là bà ta có thể sẽ chết.” Sau đó, cha già hỏi: “Cha có bao giờ trực diện với cái chết của cha chưa? Cha có bao giờ nghĩ là cha sẽ chết không?” Câu hỏi của vị linh mục già này đưa mọi người vào thực tại căn bản và đứng trước thực tại này, tất cả những khía cạnh phương pháp mục vụ chỉ là thứ yếu. (x. Henri J. M. Nouwen, Creative Ministry, An Image Book, Doubleday, New York, 1978, pp. 17-18).

Cuộc sống của người linh mục chi phối công việc làm của ngài và các sứ điệp ngài rao giảng. Khi lòng không trong sáng thì sứ điêp mù mờ hay hay lơ lơ trên mây trên gió, không mang sức sống của Lời-ban-sự-sống.

b) Căn tính tông đồ – truyền giáo

Ngày nay người ta bàn thảo nhiều về căn tính truyền giáo. Một điều hiển nhiên là người truyền giáo được tìm thấy giữa hai “nhân vật”: Thiên Chúa và loài người. Thiên Chúa kêu gọi nhà truyền giáo, uốn nắn và biến đổi ngài để họ theo ý Người và chuyển tải chương trình cứu độ của Người cho người ấy rồi sai đi đến với loài người để chuyển cho họ sứ điệp của Người: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử theo lòng Ta. Họ sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi.”(Gr 3,15). Về phần loài người, họ chờ đợi nhà truyền giáo không đơn giản như một con người bất kỳ nào đó, mà như là sứ giả của Thiên Chúa.

Đối với nhà truyền giáo, ngay cả khi con người không nhìn nhận nhà truyền giáo là sứ giả của Thiên Chúa, người ấy cũng phải luôn tự tỏ ra cho họ thấy mình là sứ giả của Thiên Chúa, vì nguồn gốc của cuộc sống và của sứ vụ của nhà truyền giáo là Thiên Chúa: “Người phán với tôi: ‘Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta. Chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến với những con cái cứng đầu và lòng chai dạ đá. Ngươi sẽ nói với chúng: Chúa là Thiên Chúa phán. Còn chúng có thể lắng nghe hay không lắng nghe, vì chúng là dân phản loạn, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” (Ed 2,3-5); “Người lại phán với tôi: ‘Hỡi con người, tất cả những lời Ta phán với ngươi, hãy ghi lòng tạc dạ và nghe cho tỏ. Rồi ngươi hãy đi đến với những kẻ lưu đày, đến với con cái dân ngươi và nói với chúng. Ngươi sẽ nói với chúng: ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này’, dù chúng nghe hay không.” (Ed 3,10-11).

Đặc tính về căn tính của người tông đồ truyền giáo trước tiên đòi hỏi một nền tu đức sâu xa, có nghĩa là lộ trình biến đổi thế giới nội tâm và tất cả con người dưới ánh sáng của Chúa.

c) Những dấu chỉ của thời đại

Giữa những dấu chỉ của thời đại liên quan đến vấn đề đang được bàn đến, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến sự thức tỉnh thiêng liêng và cơn khát về sự xác thực trong thế giới hôm nay.

Trong thế giới hôm nay, hơn các thời đại khác, xuất phát hiện tượng vô thần, cơn khát tinh thần trong những lãnh vực và thể chế xã hội khác nhau được thể hiện nơi những phong trào cầu nguyện, trong sự bành trướng nhanh chóng các tôn giáo đông phương, trong việc quan tâm đến sự thinh lặng và suy niệm, trong sự nhạy cảm với những giá trị nhân bản và tinh thần, những thể hiện khác nhau về tinh thần và huyền bí. Những hiện tượng tinh thần này đôi khi mơ hồ, nhưng là những dấu chỉ minh nhiên nói đến một sự thức tỉnh tâm linh trong thế giới đương đại.

Dấu chỉ thời đại thứ hai là sự nhạy cảm với tính chính xác. “Ngày nay thường lập lại rằng, thế kỷ của chúng ta khát tính chính xác. Đối với các bạn trẻ, họ khiếp sợ cái ảo, cái sai và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả mọi sự.” (EN 76).

Về vấn đề này, sự nhạy cảm với tính chính xác trực tiếp dẫn đến điều chính yếu: “Một cách rõ ràng hay mặc nhiên, thế giới đang hỏi chúng ta: Cha có tin vào điều các cha rao giảng không? Cha có sống điều các cha tin không? Cha có thật sự rao giảng điều các cha đang sống không? Chứng tá của cuộc sống hơn bao giờ hết trở nên một điều kiện thiết yếu cho việc rao giảng. (EN 76).

Những dấu chỉ của thời đại này thật sự là một thách đố đối với mỗi người tông đồ trong đời sống của Giáo Hội và của xã hội hôm nay. Người tông đồ, để được là người chính xác và hữu hiệu, phải là một người tinh thần, hoặc hoàn toàn không là người tông đồ. “Thế giới kêu mời những người loan báo Tin Mừng nói cho họ về một Thiên Chúa mà chính các ngài biết và quen thuộc, như thể các ngài thấy Đấng Vô Hình.” (EN 76).

Vì thế, vấn đề nền tảng của việc tông đồ không còn là vấn đề về thể thức giáo lý mới, kỹ thuật và phương pháp mới, mà là vấn đề của cuộc sống, một cuộc sống được soi chiếu bởi ánh sáng Tin Mừng, được sống trong mối tương quan cá nhân với Đức Giêsu. Một mẫu gương tông đồ như thế được tìm thấy trong thư của thánh Gioan: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời; sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.” (1Ga 1,1-4).

Những lời này của thánh Gioan chắc chắn không phải là lý thuyết hay giả thuyết, mà là những lời sâu xa chuyển tải một kinh nghiệm sống: sự thật diễn tả là của cá nhân.

II. NHỮNG YẾU TỐ TU ĐỨC TRONG VIỆC TRUYỀN GIÁO

Công việc tông đồ nói chung và việc truyền giáo nói riêng, dựa trên 4 nguồn hay cột trụ chính yếu:

  • Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến trần gian để cứu chuộc và canh tân con người và mọi loài thọ tạo.
  • Chúa Thánh Thần, tác nhân chính yếu của công cuộc truyền giáo
  • Anh chị em lương dân, đối tượng của công việc truyền giáo
  • Giáo Hội, cộng đoàn môn đệ Chúa Kitô, được trao phó nhiệm vụ tiếp tục sứ mệnh cứu chuộc của Chúa.

Ở đây, chúng ta chỉ suy tư đôi điều về tu đức truyền giáo trong mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô và với anh chị em lương dân.

 1. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế

Bất cứ ai tin theo Chúa Kitô, nhất là những người dấn thân trong công việc truyền giáo, sẽ khám phá ra rất sớm họ bị thách thức trước tiên về đức tin vào Chúa Giêsu và nhiều khi, chính Chúa Giêsu là vấn đề cho họ.

Niềm vui được biết Chúa Giêsu đến độ sẵn sàng bỏ tất vì Ngài: trong công tác truyền giáo, chỉ tin là có Chúa thôi chưa đủ; chỉ tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thôi chưa đủ. Còn phải hạnh phúc vì biết Ngài, gặp Ngài và làm bạn với Ngài. Theo Thông điệp Redemtoris Missio, “Nhà truyền giáo là người của bát phúc.” (RMi 91). Niềm vui là điều đặc trưng của Kitô giáo và vì thế, với nhiều lý lẽ, niềm vui phải là đặc trưng của đời sống truyền giáo, bởi vì, cũng theo Thông điệp Redemptoris Missio, “Đặc tính của mỗi cuộc sống truyền giáo đích thực là niềm vui nội tâm phát xuất từ niềm tin.” (RMi 91).

  • Xác tín Ngài là kho tàng, là viên bích ngọc, là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa Cha hứa từ thuở đời đời. "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,44-46); “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv 4,12).
  • Sẵn sàng chịu thiệt thời vì Ngài, hy sinh vì Ngài, coi trọng tình nghĩa của ngài hơn mọi sự. “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).

Sống thân tình với Ngài: đối thoại nội tâm, thân thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể.

“Tôi muốn kể cho độc giả nghe kinh nghiệm của tôi mặc dầu tôi rất xấu hổ khi phải nói lên điều đó: kinh nghiệm này không chỉ của riêng tôi mà của nhiều nhà truyền giáo tôi quen biết. Tôi cũng đã học được điều đó nơi các nhà truyền giáo lão thành khi tôi đi Bengala năm 1929. Vâng, từ những năm đầu tiên truyền giáo, tôi có thói quen dậy sớm vào buổi sáng, dành 2 đến 3 giờ đầu tiên trong ngày một mình với Đức Kitô. Dầu rằng bạn không có nhiều thời gian, nhưng nếu mỗi ngày bạn dành riêng cho Thiên Chúa 2 đến 3 giờ liền, bạn sẽ thấy mình biến đổi bằng một sức mạnh không phải của riêng mình. Tại Bengala, chúng tôi đi ngủ cùng với những chú gà và chúng tôi có thể thức dậy vào lúc 3 hay 4 giờ sáng. Nếu bạn muốn theo Đức Giêsu Kitô, hãy bỏ qua những cuộc chuyện vãn vô ích và rút lui để cầu nguyện, một mình bạn với Thiên Chúa. Đừng sợ phải dành cho Người quá nhiều giờ!

Ngày nay người ta nói nhiều về những phương pháp mục vụ mới, và tổ chức nhiều hội nghị. Tất cả những điều này đều tốt đẹp. Tuy nhiên tôi không tin vào những phương pháp mà tin vào tinh thần đã linh hoạt những phương pháp ấy. Tại Bengala tôi đã thử làm mọi việc: nào sinh hoạt giáo lý viên, đi hàng tháng trong các làng mạc, chơi đàn ghi-ta và măng-đô-lin, thử tham gia sinh hoạt hợp tác xã và các ngân hàng nông nghiệp, dạy giáo lý cá nhân và nhóm, thử đi xem phim tôn giáo: tóm lại, tôi đã thử tất cả những điều mới mẻ. Tuy nhiên, thành thực mà nói, tôi cảm thấy chỉ thực sự truyền giáo, chỉ thực sự có được những cuộc hoán cải và lòng tin của mọi người, nếu tôi cầu nguyện nhiều hơn. Cũng đúng thôi nếu phải quan tâm đến những phương pháp, những hình thức mục vụ, thần học, nhưng không bao giờ được quên rằng không phải chúng ta đã làm công việc đó mà là Chúa Thánh Thần; Đấng chuộc tội, Đấng cứu độ, Đấng giải phóng con người là Đức Kitô. Mọi người, ngay cả những người nghèo nhất, họ không cần chúng ta lắm, không cần sự giúp đỡ của chúng ta, những công việc của chúng ta, nhưng họ cần Đức Giêsu Kitô … Những điều này cần phải suy niệm, cầu nguyện và trưởng thành cho đến khi gặp được Đức Giêsu Kitô trong nơi sâu thẳm của chúng ta, niềm vui khi gặp được Đức Kitô và say mê Người”. [1]

Khao khát thấy Chúa Giêsu được nhận biết và chia sẻ niềm vui sống thân mật với Người.

Trong những công việc khác nhau, nhà truyền giáo luôn được gợi hứng từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô, Đấng là nguồn gốc, lý do, nguồn mạch cuộc sống và sự dấn thân của nhà truyền giáo. Từ nhận thức của đức tin và từ kinh nghiệm của cuộc sống, nhà truyền giáo hiểu rằng Đức Kitô đích thực là sự sống của thế giới và là Đấng Cứu Độ nhân loại. Đây cũng là kinh nghiệm đức tin của các tông đồ: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12). Từ xác tín này, nhà truyền giáo mong muốn làm cho thế giới nhận biết Đức Kitô và chia sẻ niềm vui về sự gặp gỡ nguồn mạch của cuộc sống và Đấng Cứu Độ. Vì thế, sứ mạng của Giáo Hội không kết thúc nơi việc giảng dạy một học thuyết hoặc cống hiến sự phục vụ, mà là giới thiệu một nhân vật là Đức Kitô, để mời gọi và giúp mọi người đi vào và tăng trưởng mối hiệp thông thâm sâu với Người trong thực tại cụ thể của cuộc sống.

2. Tình yêu đối với anh chị em lương dân

Nhiệt huyết truyền giáo phát sinh từ suối nguồn tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3,16-17).  Do đó, để truyền đạt Tin Mừng và tình yêu của Chúa cho anh chị em lương dân và làm cho họ hiểu được Chúa là Đấng Cứu Độ, các tín hữu của Chúa phải được đổ đầy tình yêu của Chúa đến độ trở thành hiện thân của tình yêu của Ngài cho anh chị em lương dân. Chỉ có tình yêu mới chinh phục và xây đắp.

a) Con hy vọng ngày mai mẹ không phải khóc – Thành Nam (19 tuổi, HN) 

Con không biết ngày mai là “Ngày của mẹ” nếu không vô tình nhìn thấy tấm biển quảng cáo ở trước một quán cà phê ngoài phố. Và con cũng chợt nhận ra rằng con cũng không hề biết ngày sinh nhật của mẹ, 8/3, 20/10 …, con cũng chưa bao giờ mua tặng mẹ được 1 bông hoa hay nói chúc mừng mẹ. Con đứng trước cửa nhà suốt 2 tiếng đồng hồ mà không dám nhấn chuông. Con rất muốn gặp mẹ, gặp bà và các em nhưng không có đủ can đảm. 

Nếu gặp mọi người chắc ngày mai con sẽ không thể nào đi vào miền nam và bắt đầu lại một cuộc sống mới như đã dự định. Vì con biết chắc chắn mẹ sẽ giữ con lại bằng rất nhiều nước mắt. Nhưng nếu ở lại đây, gặp gỡ những con người cũ, môi trường cũ, con không biết liệu mình sẽ còn dính vào những chuyện gì và gây ra bao nhiêu rắc rối nữa.

Một năm trước đây vào ngày này chắc mẹ đang đi tìm con ở khắp các hàng điện tử và nhà mấy thằng bạn. Còn con thì đang say sưa, lê lết ở hàng karaoke vì lúc đó con cảm thấy rất chán ghét gia đình mình. Tại sao bố bỏ nhà đi mà không ai nói cho con biết? Con có cảm giác như không ai tôn trọng mình, gạt mình ra khỏi gia đình. Mãi về sau con mới biết mẹ giấu con vì không muốn ảnh hưởng đến kì thi tốt nghiệp. Nhưng lúc đó con như 1 thằng điên chỉ biết oán trách, gây sự với tất cả mọi người. Con đã nói rất nhiều thứ bậy bạ và hỗn láo với mẹ. Tại sao mẹ không cho con 1 cái tát ngay lúc ấy để con có thể hiểu ra mọi chuyện mà mẹ chỉ khóc? 

Con cũng không hề biết mẹ đã phải nhịn nhục, khổ sở như thế nào đến nhà người ta xin xỏ để họ không báo chuyện con đánh nhau lên nhà trường. Bố bỏ đi, 1 mình mẹ phải chịu bao nhiêu vất vả và những lời xì xào bàn tán của mọi người rồi cả sự mất dạy, hỗn láo của con. Tại sao mẹ không nói tất cả mọi chuyện với con mà mẹ chỉ khóc? Bố và con, 2 người đàn ông trong gia đình nhưng lại là 2 người tồi tệ nhất đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của mẹ, đã khiến mẹ phải chịu bao khổ sở. 

Con cứ trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác và để mẹ phải đi đằng sau gánh chịu mọi hậu quả. Ngày con bỏ thi tốt nghiệp đi chơi, mẹ đã ngồi chờ con cả đêm trước cửa nhà. Rồi những ngày tiếp theo mẹ đã phải gồng mình lên vừa đi làm vừa kèm con đi học để thi lại lần 2, thanh toán những khoản nợ hàng điện tử, hàng bia của con, đến xin lỗi từng nhà mỗi khi con gây gổ với mọi người. Ngày con thi lại lần 2, buổi thi nào mẹ cũng đưa con đi rồi đứng cho đến hết giờ để đưa con về. Sao lúc đó con u mê quá, con không nhận ra rằng mẹ yêu thương con đến mức nào và con đã làm mẹ đau khổ đến mức nào.

Khi mọi người càng cố lại gần con, giúp đỡ con thì con lại càng đẩy mọi người ra xa, nhất là mẹ. Hầu như tháng nào con cũng gây ra một chuyện, kết bạn với những đứa không ra gì, làm đủ thứ điên rồ và mất dạy, thậm chí con còn cạy tủ lấy trộm tiền để đi chơi. Dù biết là con lấy nhưng mẹ vẫn bênh con trước mặt các bác, các chú. Mẹ xót xa, đỡ đòn cho con khi con bị bác đánh. Nhưng con vẫn giận dỗi mẹ, vẫn bỏ sang nhà dì ở vì không muốn nhìn thấy mẹ. Con đúng là 1 thằng tồi, 1 thằng con bất hiếu phải không mẹ?

Con đã sống thật ích kỉ và chỉ hiểu ra mọi chuyện khi đã quá muộn. Mới đây con lại gây ra 1 chuyện tồi tệ khiến mẹ phải đau lòng, phải khóc. Con rất muốn gặp mẹ để xin mẹ tha thứ dù con biết mẹ không hề giận con. 

Vào ngày này, người ta thường ở bên nhau và tặng mẹ những lời nói yêu thương, những món quà, những bông hoa đẹp nhất. Nhưng con lại chẳng thể làm được những việc ấy cho mẹ. Con chỉ muốn nói con xin lỗi mẹ, mong mẹ hãy tha thứ cho đứa con hư hỏng này. Ngày mai con sẽ vào miền nam và bắt đầu 1 cuộc sống mới tốt hơn. Mẹ hãy yên tâm mẹ nhé vì trong này đã có anh Thành giúp đỡ con. Con cũng sẽ không bao giờ cho phép mình phạm sai lầm như trước. Giờ con đã hiểu mình không chỉ sống cho 1 mình mình mà còn cho rất nhiều người khác nữa. Con biết mẹ luôn tin tưởng vào con và con sẽ cố gắng để mẹ không phải thất vọng.

Con sẽ quay về gặp mẹ, bà và các em sau khi có đủ tự tin để đối mặt với mọi chuyện mình đã gây ra. Điều con mong nhất lúc này là kể từ nay trở đi mẹ sẽ không bao giờ phải khóc, không bao giờ phải đau khổ nữa… Con thương mẹ!

b) Tình yêu truyền giáo

Trên đây là câu truyện trong gia đình, như mẫu gương hay tỉ dụ cho tình yêu cho người tông đồ truyền giáo: để truyền giáo, cần phải có tình yêu đối với anh chị em lương dân như bà mẹ trong mẩu truyện trên đây. Tình yêu của Chúa Giêsu chinh phục và ban cho người môn đệ khả năng yêu thương này.

Đọc cuốn sách “Dân Làng Hồ”, tức là Dân Kontum, diễn tả cuộc đời và hoạt động của các cha thừa sai đầu tiên lên đó để đem Tin Mừng cho anh chị em Dân Tộc, chúng ta có thể hiểu được phần nào tình yêu truyền giáo. Khi thấy mình không được anh chị em Dân Tộc hiểu và đón nhận mà trái lại còn chạy trốn, các ngài thốt lên như sau: “Ôi! Biết bao lần trong các dịp chúng tôi đi quan sát trong vùng, khi thấy anh chị em Thượng chạy trốn thì con tim chúng tôi như lại rướm máu, lẽ nào đã không quặn đau? Chúa Giêsu nhân hậu đã nói với người đàn bà xứ Samaria: ‘Nếu ngươi biết được ân huệ của Thiên Chúa, nếu ngươi biết được ai đang nói với ngươi ‘Hãy cho Ta uống nước’ thì có lẽ chính ngươi phải xin và Người đó sẽ cho ngươi nước hằng sống.’" Những lời nói dịu dàng này thường đến trong tâm trí tôi. Đôi khi, vì không thể làm cho anh em Thượng hiểu được mình, cũng không làm sao cho tiếng nói của mình đến tai họ được, tôi phải la lên từ xa với những kẻ đang chạy trốn, cho dù họ chẳng nghe: "Hỡi người anh em dân tộc đáng thương và yêu quí! Giá mà anh em biết được tôi thương yêu anh em và muốn làm điều tốt lành cho anh em! Giá mà anh em biết được vì lòng thương yêu anh em, tôi đã không quản ngại nhọc nhằn vất vả, đã vượt biển cả, coi thường bão tố! Giá mà anh em biết được tổ quốc tôi phồn vinh như thế nào mà tôi đành lìa bỏ chỉ vì anh em! Ôi, giá mà anh em biết được mẹ của tôi, một người mẹ tốt lành, thánh thiện ở cách xa đây sáu nghìn dặm mà tôi đã phải nói lời vĩnh biệt xa lìa bà với con tim quặn đau! Và tất cả mọi việc đó chỉ vì yêu quí anh em, thương anh em, mà anh em lại chạy trốn tôi, lại sợ hãi tôi, một người bạn tốt nhất của anh em! [2]

III. NHU CẦU CẦN LUYỆN TẬP

1. Một nhận xét

Để trở nên loại tông đồ truyền giáo hay đối với chúng ta, để trở nên linh mục hạnh phúc trong ơn gọi không phải cứ học thần học, phương pháp mục vụ mà xong, nhưng còn cần phải tu luyện con người của mình.

Tuy nhiên, theo hướng đi chung của cả thế giới, công việc huấn luyện trong các chương trình chuẩn bị ứng sinh trong các chủng viện và các nhà huấn luyện của các dòng thường đã nhấn mạnh quá mức bình thường những yếu tố trí thức và bỏ qua khía cạnh luyện tập. Nếu dùng từ “huấn luyện” thì có thể nói là các chương trình đào tạo trong các nơi này chỉ có huấn mà không có luyện. Nếu dùng tiếng Anh thì có thể nói: các chương trình huấn luyện chỉ là một mớ các thông tin (informations), mà không thực sự có việc luyện tập (formation). Các linh mục xuất thân từ những chương trình đào tạo này là những người có rất nhiều kiến thức, nhưng tư cách và nếp sống thì chưa chắc đã phản chiếu hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Biết rất nhiều, nhưng không sống, không hành sử theo điều mình biết. Trong những năm gần đây, chúng ta nghe nói đến hiện tượng xách nhiễu tình dục hay bạo lực đối với trẻ em của các linh mục và tu sĩ bên Âu châu, nhất là bên Mỹ và hiện tượng này đang làm cho Giáo Hội điêu đứng. Vấn đề ở đây không phải là thiếu kiến thức thần học, hay thua kém phương pháp, nhưng vấn đề là con người của các linh mục và tu sĩ đã không được tu luyện.

2.  Lý do cần phải luyện tập

a) Bản tính nhân loại đã bị ô nhiễm bởi Tội Nguyên Tổ

                             Trước tội nguyên tổ                                                          Sau tội nguyên tổ

b) Đòi hỏi của Chúa thường vượt trên khuynh hướng tự nhiên

Người giàu có muốn được sự sống đời đời (Mc 10,17-27)

“Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ." Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10,17-27).

Theo Chúa phải thay đổi não trạng (Mc 6,30-44)

“Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng…”

3. Hành trình tu luyện

Hành trình tu luyện có 3 yếu tố chính yếu  và chúng ảnh hưởng lẫn nhau:


[1] Chứng tá của cha Ferdinando Sozzi (Missionario PIME in Bangladesh 1929-1977) in: Piero Gheddo, PIME una proposta per la missione, EMI, Bologna, 1989, pp. 130-131.

[2] P. Dourisboure, Dân Làng Hồ, TGM Kontum, nxb Đà Nẵng, 2008, trg. 67.

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW