Thánh Đường Xứ tôi trẻ mãi không già

18-05-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Thánh Đường Xứ tôi trẻ mãi không già by

Thánh Đường Kẻ Sặt đã bước vào tuổi 59 (1954 – 2013)

50 năm qua nhiều người đã nằm xuống, đi về thiên thu. Nhiều người ngày đó mới chỉ là ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên… hôm nay đã thành cụ già… trong đó có tôi.

Năm 1954, tôi mới 11 tuổi, bây giờ đã 70, tóc đã ngả sang màu bạc, da dẻ nhăn nheo, bước đi đã thấy loạng choạng, đôi mắt không còn đủ thị lực, trí khôn mất độ bén nhạy… nhưng Thánh đường quê tôi, từ đó tới nay, vẫn trẻ mãi không già. Xuân đi, xuân lại tới, nhưng Thánh đường Kẻ Sặt vẫn như cô xuân nữ, với làn da mong manh màu sữa.

Được yêu cầu viết đôi lời cảm tưởng cho công trình tân trang Thánh đường, dịp kỷ niệm 40 năm khánh thành Nhà thờ (1973 – 2013), đặc biệt, lễ Thánh hiến Bàn thờ và Cung hiến Thánh đường (trước đây mới chỉ làm phép trọng thể, bây giờ mới chính thức Cung hiến), vào ngày 13 tháng 05 năm 2013, cũng như chuẩn bị tiến tới kỷ niệm thành lập Giáo xứ Kẻ Sặt Miền Nam (1954 – 2014)… tôi nhận lời ngay, vì xưa nay vẫn thích viết. Tới bây giờ dù đã cổ lai hy, nhưng vẫn không bỏ được sở thích viết. Hơn nữa, lại may mắn là chứng nhân của Nhà thờ, từ ngày mới chỉ là mái nhà thô sơ, toạ lạc ở khu vực trường mầm non, phường Tân Biên bây giờ.

Nhà thờ quê tôi đã nhiều lần thay da đổi thịt, nhưng không khi nào là lần chót, mà luôn là khởi điểm cho những lần thay đổi tiếp nối, vì nó chẳng bao giờ muốn già theo thời gian:

Khởi đầu việc thay da đổi thịt lần này, là thay tôn Nhà thờ bằng loại tôn, dày 0.77mm, vào năm 2010.

Bước tiếp theo, là thay trần mica bằng chất liệu nhôm, tạo sự mỹ quan và sang trọng cho Nhà thờ.

Phần ngoài Nhà thờ cũng được sơn phết lại toàn bộ. Những khu vực đá rửa, được vệ sinh bằng một phương pháp mới, nên đã tạo lại, hầu như nguyên trạng, màu sắc của những ngày đầu.

Các bậc cấp lên Nhà thờ, cũng đ, đồng bộ được tân trang bằng đá hoa cương, màu lá cây nhạt. Độ dày của đá, sử dụng cho các bậc cấp hai bên hông, là 3cm; cuối Nhà thờ, độ dày tăng thêm 1 phân, 4cm.

Một số ghế đá chung quanh Nhà thờ khá đặc biệt, không phải bằng đá mài như thường thấy, mà bằng đá granite.

Sảnh Tam quan được lát gạch men thay thế gạch bông nguyên thuỷ.

Trên tháp, một hệ thống báo giờ được lập trình, cứ mỗi 60 phút báo một lần. Mỗi lần tiếng báo vang lên, cả Giáo xứ đều có thể nghe.

Trong Nhà thờ nền gạch bông được thay thế bằng gạch Đồng Tâm khổ lớn (0.60×0.60), màu trắng. Phần giữa, lối lên rước lễ, màu đỏ, viền xám.

Từ nền Nhà thờ lên Cung thánh, cao 5 cấp. Nền Cung thánh được lát đá marble ngoại nhập, màu vàng nhạt. Phần giữa là một nối dài của lối lên rước lễ, nên màu sắc cũng tương tự. Các bậc cấp lên phần này, được lát đá hoa cương màu đen.

Phía trái Bàn thờ là tượng Thánh Giuse, được thiết đặt trước một kiến trúc hình thang, dán đá granite nâu; góc phía ngoài, phần trên, được thiết kế thêm một đường triện. Toàn cảnh trông từa tựa một cuốn sách. Bệ đặt Thánh Giuse là một khối đá cẩm thạch trắng, hình vuông, nhưng được giật cấp thành những đường chìm nổi, để tạo thẩm mỹ. Tượng Thánh Giuse cầm cưa, Chúa Giêsu cầm búa và thước vuông, biểu tượng cho sự lao động.

Giữa toà Thánh Giuse và khu vực Nhà Tạm, thiết đặt một lối lên Bàn thờ. Phía sau toà là đường ra Cung thánh.

Phía phải, phần hậu như bên trái, nhưng đặt tượng Đức Mẹ mân Côi, quan thầy Giáo xứ.

Khu vực Cung thánh, nói chung được tân trang toàn bộ. Lý do của việc thay đổi là tạo sự hài hoà với kiến trúc bên ngoài Thánh đường và thuận tiện cho việc di chuyển, từ phòng thánh đi ra.

Từ nền Cung thánh lên phần đặt bàn thờ, được tôn thêm ba cấp nữa. Ba bậc cấp này cũng được ghép đá granite đen, tương tự như bậc cấp lên Cung thánh. Nền cũng là đá marble màu nâu.

Bàn thờ cũ, chất liệu là bê-tông ghép đá cẩm thạch. Bàn thờ hiện nay là một khối cẩm thạch trắng. Phần chân được điêu khắc thêm cảnh bữa tiệc ly.

Từ nền đặt Bàn thánh đi lên 2 cấp nữa, là kiến trúc Nhà Tạm. Hai bậc cấp không sử dụng đá hoa cương đen nữa, mà dung đá marble nâu.

Bức tường hậu Cung thánh đã được tân trang cách đây không lâu, bây giờ được đổi mới cho am hợp với cấu trúc chung của Nhà thờ. Toàn bộ bức tường, sơn màu trắng sữa. Giữa là một khung chữ nhật, chạy từ trên xuống, được sơn màu vàng nhạt. Trong hình chữ nhật, trên cùng, là cấu trúc một mái nhà Á Đông, màu trắng, rui kèo cũng màu trắng. Từ phần mái đi xuống, là một khung chữ nhật nữa, dán đá màu trắng, có những đường chỉ ngang, phân thành từng miếng. Giữa phần này là Thánh giá và tượng chịu nạn.

Phần chân bức tường hậu, nguyên thuỷ là một lối đi thông cả hai bên, hiện tại, chỉ giữ lại từ hai cửa phòng Thánh trở ra, còn phần giữa được xây kín, tạo thành phần trong của khu vực Nhà tạm.

Phần chính diện của khu vực Nhà Tạm là một cuốn sách, dán đá ô vuông; tâm điểm của cuốn sách là một vòng tròn, có màn vải che phía trước, phía trong đặt Nhà Tạm. Nhà Tạm vẫn theo kiến trúc cũ: khu vực đặt Mình Thánh thiết kế như một mái nhà cổ, hai bên như hai trang sách mở sẵn. Cửa Nhà Tạm vẫn giữ lại chữ Phúc mạ vàng.

Chặng đàng Thánh giá, nguyên thuỷ là ảnh vẽ, sau đó được thay thế bằng phù điêu thạch cao, bây giờ trở lại bằng sơn lụa. Bên dưới các chặng, một đường trang trí bằng gỗ màu nâu, liên kết 14 chặng với nhau.

Phòng thánh cũng được tu sửa lại cho gọn gang. Nhà nguyện nhỏ cũng nằm trong tiến trình tân trang.

Chủ đích của công trình tu sửa, theo tôi được cho biết, là muốn đặt nổi ba chữ Thánh: Thánh Kinh, Thánh Giá, Thánh Thể.

Kiến trúc trong Thánh đường, khu vực Nhà Tạm, nổi lên hai cuốn sách, một lớn một nhỏ, để ai nhìn vào cũng hiểu, đó là biểu tượng cho Kinh Thánh: Một Cựu Ước, phần ngoài, độ lớn của nó biểu tượng cho dung lượng đa dạng của Cựu Ước; Một Tân Ước, phần trong. Nằm trong vì là trung tâm, là điểm tới của Cựu Ước, dung lượng tuy nhỏ hơn, nhưng đúc kết và tóm gọn tất cả Cựu Ước. Trọng tâm của khu vực này là Nhà Tạm, minh hoạ cho chủ đề Thánh Thể. Chủ đề Thánh giá được đặt cao nhất, ở bức hậu Cung thánh, nằm trong một mái nhà cổ, minh hoạ cho hướng đi của lịch sử cứu độ, là Thập giá Đức Kitô, nguồn ơn cứu độ cho mọi người.

Ghế Nhà thờ cũng được đồng loạt thay thế bằng loại mới, dài 3m50. Vật liệu: gỗ căm xe Myanmar.

Công trình nâng cấp Nhà thờ lần này, theo tôi nghĩ, rất tốn kém. Tuy nhiên vì tâm tình đạo đức truyền thống của Kẻ Sặt, nên tốn kém bao nhiêu cũng không là ngãng trở, mà đã vượt qua tất cả. Một tin hành lang cho biết: kinh phí tu sửa lên tới ngoài 6 tỷ, chưa kể những khoản phụ phí khác. Kinh phí to lớn đó nói lên lòng hảo tâm hiếm có của cộng đoàn Giáo xứ.

Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ Mân Côi, Thánh Cả Giuse, trả công bội hậu cho những cõi lòng, những bàn tay, những khối óc, đã góp phần làm nên công trình đánh nhớ này. Hy vọng trong tương lai, sẽ còn nhiều đợt tân trang ngoạn mục nữa, để Thánh đường Kẻ Sặt mãi mãi trẻ trung, không bao giờ biết đến chữ “già”.

Lm. Hồng Nguyên

Giuse Đào Nguyên Thống

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW