Sám hối

24-03-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Sám hối by

Các ngươi hãy trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van (Ge 2,12)

Mùa chay, mùa ăn năn sám hối, mùa tập luyện và chiến đấu thiêng liêng, mùa làm việc lành phúc đức, mùa đổi mới tâm hồn và trở về cùng Chúa. Đây là thời gian thuận tiện là cơ hội để chúng ta rũ bỏ con người cũ tràn đầy tội lỗi. Những tội lỗi đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, chịu bao cực hình và cuối cùng phải chết nhục nhã trên Thánh Giá.

Trước khi bước vào cuộc sống công khai và rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu mời: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Ngài không mời gọi mọi người bằng một lời nào khác nhưng điều trước nhất, Ngài muốn con người phải sám hối và ăn năn trở về để có thể được hưởng hồng ân cứu độ. Thiết nghĩ, việc Chúa mời gọi dân Ngài sám hối cũng có lý do nội tại của nó và  mang nhiều ý nghĩa thần học sâu sắc. Trước hết, bởi con người ta được dựng nên từ bụi đất, điều này nói lên thân phận yếu đuối, mỏng giòn và phải chết của chính họ, mặc dầu Bí Tích Rửa Tội đã tha hết mọi tội kể cả tội Nguyên Tổ nhưng những chiều hướng và dục vọng vẫn còn đó luôn khiến con người có thể pham tội bất cứ lúc nào. Đã là con người không ai hoàn thiện đến nỗi không phạm một tội nào, dù ít hay nhiều họ cũng mang trong mình những tội lỗi, chính thánh Gioan Tông đồ đã không dưới một lần khẳng định điều này: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội thì chúng ta lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1, 8). Giá như mỗi người thật sự đi vào nội tâm của chính mình thì sẽ cảm thấy tâm hồn như một căn phòng lộn xộn và đầy “rác rưởi” vì những vết nhơ của tội đời và những lầm lỗi. Vì thế, sám hối là công việc cần phải thực hành thường xuyên và có thể nói phải làm triền miên suốt cả cuộc đời .

Mùa chay được Giáo Hội lập ra, giúp mỗi người Kitô hữu có được khoảng thời gian quý giá để trở về và sống với chính mình hầu nhận ra sự bất xứng của mình trước mặt Chúa, Thiên Chúa toàn năng. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta trước. Bằng chứng là Ngài đã vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện 40 ngày đêm, hầu có thể có đủ sức mạnh để chiến đấu với cám dỗ của ma quỷ và chuẩn bị thi hành sứ vụ mà Chúa Cha đã giao phó cho Ngài. Chúa Giêsu là Chúa mà Ngài còn phải ăn chay, cầu nguyện còn chúng ta là những phàm nhân bất xứng thì ta không những phải làm 40 ngày mà phải làm “40 lần 40” có nghĩa là làm sám hối suốt cả cuộc đời.

Sám hối thực sự là trở về với quá khứ của bản thân, dò xét mọi ngóc ngách của tâm hồn hầu nhận ra những vết nhơ mà ta đã phạm để đau buồn với những lỗi tội đó và thật sự ăn năn hối cải xin Chúa thứ tha. Tuy nhiên, có lẽ điều đó cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định vì những lầm lỗi đó như đã hằn sâu vào cõi lòng của mình và như một vết thương làm “trầy da tróc vảy” tâm hồn nên khó có thể xóa mờ đi trong tâm trí ta được. Vết thương đó giống như một tờ giấy trắng, đã bị gấp lại và khi kéo phẳng nó ra như hình dạng bình thường thì trên tờ giấy đó vẫn có những vết hằn không thể xóa mờ.

Nhưng sám  hối không chỉ dừng lại ở việc đau buồn với những quá khứ quan trọng hơn phải biết hướng về Đức Kitô Phục sinh, Đấng đã Chết và Sống Lại để cứu chuộc và tha tội cho ta, để được Ngài tha thứ, đồng thời nói lên quyết tâm từ bỏ, không bao giờ tái phạm và thực hành các nhân đức để giúp tâm hồn tiến nhanh trên con đường hoàn thiện. Nói cách khác sám hối là chết đi cho quá khứ của mình, chết đi cho những lỗi phạm, vứt bỏ “tâm hồn tan nát” để hướng về hiện tại và tương lai đầy tươi sáng và đầy ân sủng của Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, sám hối là sự thay đổi não trạng, cách nhìn, nếp nghĩ, từ bỏ một cung cách quen thuộc đã trở thành “thói quen” trong đời sống thường ngày để nghĩ khác hơn, làm khác hơn, mới hơn, phù hợp với hoàn cảnh, với bậc sống của chính bản thân, phù hợp với cộng đoàn mình đang sống, phù hợp với lời mời gọi của Mẹ Hội Thánh và những lời khuyên Tin Mừng. Sám hối và đổi mới phải đi liền với nhau, như thế nó sẽ mang lại nhiều ơn ích hơn cho mỗi hối nhân, vì nếu không đổi mới thì chưa thể hiện được ý chí của mình, chưa tiến trên đường tu đức. Hơn nữa, khi nói đến sám hối ta không thể không cảm nhận tới ân sủng của Thiên Chúa, mặc dầu con người phạm bao nhiêu tội lỗi nhưng Ngài vẫn yêu thương và tha thứ tất cả và đưa con người trở về với Ngài, cho họ được sống trong tình nghĩa. Hình ảnh người vợ của ngôn sứ Hôsê, trong Cựu Ước đã năm lần bảy lượt bỏ ông mà đi ngoại tình nhưng ông đã tha thứ hết mọi tội và tìm cách cứu “nàng” về. Hai hình ảnh đó là hai biểu tượng, ngôn sứ là biểu tượng của Thiên Chúa Đấng nhân hậu từ bi, còn người vợ là hình ảnh của dân Ít-ra-en bất trung. Khi dân ngài đã ra đi phạm tội này đến tội khác Thiên Chúa vẫn yêu thương và đưa họ về với Ngài. Phải chăng hình ảnh người đàn bà điếm đó cũng là hình ảnh của mỗi chúng ta? Mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng cảm nhận được tình thương Ngài đã đổ xuống trên mình, mặc dầu mình bất trung, bất xứng nhưng Ngài vẫn thứ tha và đưa ta vào trong vòng tay từ ái của Ngài. Một hình ảnh khác khắc họa Thiên Chúa, đó là hình ảnh người cha trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mà Thánh sử Luca đã ghi lại. Đứa con hoang đã bỏ nhà và bỏ cha, bỏ anh mà đưa hết của cải ra đi phung phí, nhưng người cha đã hằng ngày ra cửa trông ngóng và chờ đợi nó trở về, khi nó ăn năn trở về người cha đã vui sướng tổ chức ăn mừng đình đám vì con của ông “đã chết mà nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy ” (Lc 15, 24).

Thiên Chúa chắc cũng vui sướng và ban muôn hồng ân cho mỗi người nếu họ biết ăn năn hối lỗi và trở về cùng Ngài: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì  một người tội lỗi ăn năn sám hối còn hơn là chín mươi chín người không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7).

Sám hối còn thể hiện bằng việc ăn chay, hãm mình. Chúa Giê-su đã đi bước trước, Ngài đã ăn chay trong sa mạc trong 40 ngày đêm, ông Môsê cũng đã nhịn ăn, nhịn uống trong 40 đêm ngày để diện kiến với Chúa, tìm hiểu ý Chúa và Chúa đã ban Lề Luật cho dân trên núi Si-nai qua trung gian là chính ông. Sự cần thiết của việc ăn chay là giúp chính bản thân mỗi người hãm mình ép xác, hãm dẹp những tính mê nết xấu của bản thân, như mê ăn uống, những thú vui vốn không mang lại lợi ích thân xác, đặc biệt là cho linh hồn, để nó thực sự trở thành “đền thờ của Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên con người vốn có tính hay tự nâng mình lên, hay nói cách khác là  thích “khoa trương”, trong chay tịnh họ cũng có thể mắc phải thói đạo đức giả và bề ngoài. Chúa Giê-su đã nhắc nhở cho mọi người là phải tránh thói ăn chay hình thức, cốt để cho người ta thấy, để được người ta khen, chứ không xuất phát từ “cái tâm” của mình. Ngài đã vạch trần bộ mặt thật của “bọn đạo đức giả”: “Chúng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16). Trong Tin Mừng ta cũng đã thấy nhiều lần  Chúa đã lên án bọn Kinh sư và Pha-ri-sêu là đạo đức giả trong nhiều hành động khác nhau, đặc biệt là trong việc “chúng” giữ luật, chúng bắt người ta gánh trên vai những gánh nặng nề còn họ thì cứ ung dung tự tại, và không hề đụng tới một khó khăn và thử thách nào. Đối với mỗi người chân chính, yêu mến sự thật Chúa mong muốn không ai được học đòi bắt chước “bọn đạo đức giả” đó, nhưng đã ân cần khuyên nhủ: “Còn anh khi ăn chay nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo”(Mt 6, 17). Chay tịnh thể xác là cần thiết nhưng có lẽ cần thiết hơn là chay  tịnh trong tâm hồn: “Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng, hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em”(Ge 2,13). Bởi tất cả những gì làm cho người ta ra ô uế và nhơ bẩn không phải là từ ngoài vào, nhưng là xuất phát từ trong ra, những tư tưởng xấu xa đó là nguyên nhân chính làm cho con người đánh mất chính mình và có khả năng lìa xa Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su cũng đã khẳng định điều này: “Vì từ bên trong, từ trong lòng người ta xuất phát những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7, 21-21). Chay lòng là cố gắng kìm hãm những tính nết xấu đó, không để nó có thể “nảy mầm” trong tâm hồn và ý nghĩ của ta, nếu đã lỡ trót phạm một lần nên quyết tâm từ bỏ và nhờ ơn Chúa giúp để sống tốt hơn.

Cầu nguyện cũng là một việc làm tối quan trọng trong chuỗi hành động sám hối. Con người có thể tuyệt thực trong vòng mấy ngày nhưng không thể không thở trong một thời gian ngắn. Cầu nguyện cũng giống như hơi thở vậy, nếu không được duy trì thì linh hồn con người có thể trở nên “khô cằn” và chết dần. Nó là năng lượng để duy trì hoạt động sống của linh hồn mọi người. Cầu nguyện giúp mỗi người gắn bó mật thiết với Chúa hơn, trong thinh lặng và cầu nguyện cũng có thể nghe được tiếng Chúa nói với mình nơi tâm khảm, qua đó nhận ra thánh ý của Người và sống theo điều Người muốn. Chúa Giê-su đã cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha. Trước khi quyết định một công việc gì quan trọng Ngài đã cầu nguyện cùng Cha Ngài để tìm thánh ý của Cha và xin Cha soi sáng cho mình, để quyết  định đúng đắn trong mọi việc. Chẳng hạn, trước khi lập nhóm Mười Hai Chúa cũng đã cầu nguyện với Chúa Cha để xin thánh ý: “Trong những ngày ấy Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu gọi các môn đệ lại, chọn mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13). Sau những giờ giảng dạy cho dân chúng mệt nhọc Ngài cũng đã tìm những nơi hoang vắng đề gặp gỡ với Chúa Cha, nhằm lấy lại sức đồng thời cho tâm hồn được nghỉ ngơi an tĩnh. Noi gương Chúa Giê-su  mỗi người cũng cần có những giây phút thư giãn tâm linh bằng cách tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện cùng Chúa để được bình an trong tâm hồn, hơn thế trong những lúc ấy giúp mình nhìn lại chính bản thân, và tâm trí được nghỉ ngơi, để làm việc có hiệu quả hơn. Các thánh nhân cũng là những nhà chiêm niệm và cầu nguyện, chính nhờ việc cầu nguyện mà họ đã có sức mạnh làm nên những điều phi thường giữa cuộc sống đời thường. Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su là một nữ tu dòng kín, sinh thời chị đã ẩn mình trong bốn bức tường của tu viện để chiêm niệm và gặp gỡ Chúa, nhưng chị đã trở nên một vị Đại Thánh của Giáo Hội công giáo và được Giáo hội chọn làm quan thầy các miền truyền giáo. Thánh I-nha-xi-ô, sau khi được ơn ăn năn trở lại, cũng đã cầu nguyện không ngừng, mỗi ngày thánh nhân đã dành ra 7 giờ đồng hồ để gặp gỡ Chúa trong thinh lặng. Ngoài ra, ta còn có những vị Thánh khác như: Gio-an Thánh Giá, Tê-rê-xa Avilla… cũng là những nhà cầu nguyện, các ngài cầu nguyện không những xin Chúa giúp sức cho linh hồn mình mà con cầu nguyện cho các linh hồn đang xa Chúa được trở về với Ngài, và cho Hội Thánh Chúa ngày càng được mở rộng. Chúng ta cũng vậy, ta không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn phải cầu nguyện cho tha nhân, cho Hội Thánh, cho các Đấng bậc trong Hội Thánh, cho dân tộc, quê hương, cho kẻ thù của mình, và cho tất cả mọi người. Qua đó, ta thấy được sức mạnh vạn năng của lời cầu nguyện, nó quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi tín hữu như thế nào. Chúng ta bước theo Thầy Giê-su, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần- Thầy dạy cầu nguyện- cố gắng cầu nguyện liên lỉ, tìm cho mình những giây phút thinh lặng trong cuộc sống, để được Chúa bổ sức cho tâm hồn và điều cốt yếu là tìm được thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng, một khía cạnh khác nữa của sám hối là làm việc lành phúc đức. Nhìn vào thế giới ta đang sống, đặc biệt là bên cạnh ta, có biết bao nhiêu người nghèo khổ bệnh tật, yếu đau, có số phận bất hạnh, và trẻ em lang thang cơ nhỡ. Hơn lúc nào hết, họ đang cần sự quan tâm của mỗi người chúng ta, chia sớt cho họ những ánh mắt vui tươi, những nụ cười, có thể là những lời thăm hỏi động viên hay nếu có là cái bắt tay thân thiện… Những cử chỉ đó mặc dầu chỉ là một “tia nắng nhẹ” nhưng cũng đủ “sưởi ấm” cho tâm hồn họ biết chừng nào. Hoặc, nếu hơn nữa, thì có thể quảng đại cho họ một món quà vật chất, cho dù không to lớn chút nào nhưng cũng có ý nghĩa tinh thần thật lớn lao. Hơn thế, bố thí cho người đói rách một chút ít nào đó thì mang lại cho những “người con bé nhỏ” những niềm vui, niềm hạnh phúc và còn mang lại cho mình niềm hạnh phúc khôn xiết, như Lời Chúa đã nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Việc quan tâm giúp đỡ người khác còn giúp chính mỗi người thoát ra khỏi cái bản ngã ích kỉ, chỉ biết cho riêng mình. Ngoài ra, thực hành việc từ thiện đối với người đói, và nếu làm hết tâm tình và thiện chí, thì chính Chúa sẽ thay mặt những con người đó “trả” cho mình những phần thưởng xứng đáng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”(Mc 9, 41). Như vậy, làm phúc cho người khác thì Chúa cũng sẽ không quên mình, vì Chúa là Thiên Chúa công bằng vô cùng “Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho anh em”(Mt 6,4). Đức ái Ki-tô giáo cũng dạy con người phải hết tình yêu thương anh em mình đặc biệt là những người nghèo khổ, Mười giới răn của Chúa cũng đã tóm gọn lại trong hai điều: Mến Chúa, yêu người, điều này một lần nữa đã được thánh Gio-an khẳng định: “Ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20). Có thể ví von rằng: mến Chúa và yêu người như một gánh hàng mà ta phải gánh, nếu ta để cho một phần nhẹ hơn thì ta thật khó di chuyển, nếu lệch quá nhiều thì ta không nào thể di chuyển được. Vì vậy, mến Chúa và yêu người luôn phải song hành với nhau trong suốt cuộc đời mỗi Ki-tô hữu như thế ta mới có thể được Chúa ban hạnh phúc mai sau. Một điểm quan trọng nữa không thể không đề cập, truyền thống Á Đông, đặc biệt là truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam vốn đã có từ lâu. Đó là một nét đẹp của văn Hóa Việt, đã trở thành một thứ “di sản phi vật thể” không thể bị lãng quên. Từ xa xưa, người Việt đã gọi anh em mình là đồng bào, giúp đỡ lẫn nhau khi người khác gặp khó khăn “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”  hay là bao bọc lẫn nhau khi người anh em gặp hoạn nạn “Lá lành đùm lá rách”. Cha ông ta không những đã thực hành điều đó nhưng còn dạy con cháu mình phải phát huy những phẩm chất tốt đẹp đó để làm cho xã hội tốt đẹp hơn:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng
Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” (Ca dao)

Cho nên, thể hiện sự quan tâm chia sớt với anh em đồng loại là thực hành theo Tin Mừng và phát huy truyền thống tốt đẹp của “tiền nhân”. Nếu điều đó được thực hiện ngày càng nhiều thì không những giúp cho những anh chị em bất hạnh có được niềm vui mà còn góp phần làm cho xã hội “văn minh” hơn trong một thế giới văn minh của thế kỷ XXI. Về phần mình, mỗi người Ki-tô hữu, trong mùa chay này, noi gương mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta, nên bớt phần nhỏ trong cuộc sống, cố gắng góp một chút gì đó cùng với người khác và toàn thể Giáo hội chia sớt cho anh em nghèo khổ, giúp họ tự tin hơn và vững tin vào Chúa và để họ nhìn vào cuộc sống bớt bi quan hơn, và hướng tới tương lai tốt đẹp mà Thiên Chúa sẽ trao cho họ trong một lúc nào đó.

Tóm lại, trong hành vi sám hối bao gồm nhiều phương diện khác nhau như ăn năn đau buồn với tội lỗi của mình, ăn chay, cầu nguyện, làm việc lành bố thí. Để nhận được hồng ân Chúa qua mùa chay Thánh này, Hội Thánh kêu mời mỗi Ki-tô hữu hãy trở về thực sự với Ngài, để được Ngài yêu thương tha thứ. Ước gì mỗi người biết tận dụng cơ hội này, một cơ hội thật tốt để nhìn lại chính mình vì “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ ”(2Cr 6, 2). Sám hối cũng là để được trở nên giống Chúa Giê-su mỗi ngày. Vì vậy sám hối là cuộc chiến thiêng liêng trường kỳ, mỗi ngày sống là một ngày sám hối. Ý thức được điều đó, chúng ta cầu xin Chúa cho mình được bền bỉ, để mong được Ngài ban hồng ân cứu độ.

JOS. HM

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW