Phương cách cầu nguyện dẫn đến sự bình an nội tâm

09-01-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Phương cách cầu nguyện dẫn đến sự bình an nội tâm by

1. Cầu nguyện là gì?

Trước khi tìm hiểu phương cách cầu nguyện, chúng ta cần phải hiểu rõ “Cầu nguyện” là gì? Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo điều 2559 và 2590 trích dẫn lời thánh Gioan Đamascênô – “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp”. Hay như lời mở đầu chương giáo huấn Hội Thánh về đời sống cầu nguyện trích dẫn lời thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu – “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong lúc vui mừng”.

Đôi khi chúng ta cũng thường nghe ,”Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn” – điều này cũng thật là chí phải, vì cầu nguyện giúp duy trì sự sống linh hồn, giúp chúng ta trở nên “sống, động và có” – Từ những khía cạnh trên, chúng ta có thể khái quát: Cầu nguyện là một hình thức tương giao, thông công, liên lạc với Thiên Chúa giúp duy trì sự sống thần linh của bản thể, thông qua cầu nguyện mà chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa – Đấng vô hình nhưng có thể cảm nghiệm bằng con tim và khối óc để rồi chúng ta nhận biết thánh ý Chúa trên chúng ta và rồi biến ý muốn Thiên Chúa trở nên ý muốn chúng ta.

2. Sự cần thiết của cầu nguyện

Chúng ta có thể lấy một ví dụ về sự cần thiết của đời sống cầu nguyện như sau: Chẳng hạn chúng ta có một chiếc điện thoại, nếu chúng ta muốn sử dụng được nó thi thoảng chúng ta cần phải nạp điện vào pin để duy trì kênh liên lạc với mọi người. Cũng vậy nếu muốn duy trì sự sống thần linh, linh hồn chúng ta cần phải cầu nguyện tương giao với Thiên Chúa để chúng ta kín múc sự sống thần linh từ Ngài.

3. Phương cách cầu nguyện

Thực ra nói về phương pháp cầu nguyện, chúng ta có thể tham khảo người này người nọ nhưng nói chung là không có một phương pháp cầu nguyện nào chung chung được áp dụng cho tất cả mọi người đâu – vì tình trạng linh hồn của mỗi người là khác nhau nên ứng với mỗi tình trạng linh hồn sẽ có những lời cầu nguyện hay phương cách cầu nguyện khác nhau. Tuy nhiên cũng có những nguyên tắc nhất định, những yếu tố cơ bản khi cầu nguyện mà mỗi người đều có thể xem qua để xây dưng một phương cách cầu nguyện áp dụng cho chính mình. Sau đây là những gợi ý về một số nguyên tắc nền tảng trong đời sống cầu nguyện:

Tâm tình trong lời cầu nguyện

Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nhận biết mình đang đối diện, thưa chuyện với Thiên Chúa mà theo khía cạnh nào đó Ngài đóng vai trò là bạn đồng hành với chúng ta nhưng Ngài cũng là Cha, là Thầy là Đấng Thánh, là Chúa Tể trời đất,… Chính vì vậy, chúng ta cần phải có một tâm tình khiêm nhường, trong sạch hay hướng thượng khi cầu nguyện. Chúng ta có thể thân thưa với Ngài một cách tự nhiên thân mật như một người bạn “luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu”… Nhưng cũng nên nhớ rằng Ngài là Đấng Thánh, vì vậy chúng ta cần tránh những lời nói cử chỉ xuồng xã, cẩu thả, không đúng mực dành cho Ngài. Với bạn bè ngoài đời chúng ta cũng dành cho họ sự tôn trọng nhất định, thì với Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hóa sáng tạo nên vũ trụ muôn loài mà chúng ta là những thụ tạo của Ngài nên cũng cần phải dành cho Ngài sự tôn trọng nhất định, đúng mực phải không bạn?   

Cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn

Chúng ta có thể cầu nguyện theo hình thức cá nhân hay tham gia cầu nguyện trong gia đình và cộng đoàn tùy theo lượng thời gian và công việc mà chúng ta linh động ứng biến cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Trong sách Phúc Âm, Chúa Giêsu bày tỏ, “Ở đâu có hai, ba người nhóm lại nhân danh Ta cầu nguyện, Ta sẽ ở giữa họ ” – Như vậy, chính Chúa đã bày tỏ hình thức nhóm lại trong sự cầu nguyện là rất tốt, hữu ích vì nó củng cố đức tin cho mọi người, ở đó người mạnh giúp kẻ yếu, ở đó chúng ta có thể nhóm thêm “ngọn lửa thần linh” cho linh hồn… Chính vì vậy nếu hoàn cảnh bản thân cho phép chúng ta nên dành thời gian tham gia cầu nguyện trong cộng đoàn hay trong chính gia đình mình theo thời khóa biểu thuận lợi cho mọi người.

Cầu nguyện cố định và linh động

Cầu nguyện cố định: Chúng ta cũng cần đặt ra cho mình những thời biểu nhất định dành cho sự cầu nguyện, chẳng hạn: Cầu nguyện ban sáng, ban chiều, ban tối, hay trước khi ngủ,… Nói chung sự cầu nguyện cố định giúp chúng ta duy trì nếp sống đạo căn bản đôi khi có thể hiểu như là sự cần thiết tối thiểu trong đời sống đức tin.

Cầu nguyện linh động: Cầu nguyện linh động có thể hiểu là cầu nguyện theo từng hoàn cảnh hay nan đề diễn ra thường ngày… Ở đó chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa những lời, chẳng hạn như, “Lạy Chúa, ý muốn Chúa dành cho con ngày hôm nay thế nào?” hay “ Chúa muốn con làm gì trong hoàn cảnh hay nan đề này?”,… Nói chung sự cầu nguyện linh động thể hiện tâm tình khát khao tìm kiếm thánh ý Chúa đối với chúng ta trong mọi việc, mọi nơi, mọi lúc; trong mọi ngày: hôm nay, ngày mai, tương lai…

Kinh nguyện và sự chiêm niệm, nguyện gẫm

Kinh nguyện là những lời cầu nguyện mẫu mực, sẵn có nói chung có thể được áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả những người đơn sơ và những người trưởng thành về tâm linh. Đôi khi chúng ta không biết phải cầu nguyện, thưa chuyện với Thiên Chúa thế nào cho phải nên kinh nguyện theo khía cạnh nào đó sẽ rất hữu ích nhất là dành cho những người đơn sơ. Tuy nhiên, kinh nguyện vẫn hữu ích cho những người trưởng thành về tâm lim và đối tượng này cũng có thể dùng kinh nguyện như là một sự học hỏi hay là thể hiện sự khiêm nhường noi gương những bậc tiền nhân,…

Với những người trưởng thành về tâm linh thường có biểu hiện ưa thích cầu nguyện thinh lặng trong sự chiêm niệm hay nguyện gẫm,… nhưng đôi khi để tránh những thần cảm giả mạo chúng ta cũng có thể duy trì những kinh nguyện mẫu mực vốn là khuôn vàng thước ngọc trong đời sống đức tin để chúng ta đạt được sự bình an nội tâm và rằng chúng ta đang đi đúng đường và chúng ta không lạc mất Chúa.

Vũ Thắng, Sài Gòn, 05/01/2015

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW