Phục Sinh giải phóng niềm hy vọng

08-04-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Phục Sinh giải phóng niềm hy vọng by

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Bát Nhật Phục Sinh

Có thể nói, biến cố Đức Giêsu chết và được mai táng trong mồ, đã làm chết theo bao nhiêu những hy vọng của những người theo Đức Giêsu, tảng đá lấp cửa mồ Đức Giêsu nặng bao nhiêu thì tảng đá thất vọng cũng đè nặng các môn đệ bấy nhiêu, đó là tâm trạng mà chúng ta có thể hiểu được nơi các môn đệ. Vì thế, biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu là một sự giải phóng.

1. Phục Sinh giải phóng niềm hy vọng

Hình ảnh thất vọng, chán trường, mệt mỏi chúng ta có thể thấy nơi hai môn đệ trên đường trở về làng Emmau. Họ trở về trong tâm trạng sụp đổ một tương lai, họ trở về trong một tâm trạng của một kẻ mất hết niềm tin và hy vọng, đến độ người khách bộ hành có thể nhận ra: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cleopas trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Và khi được hỏi, hai ông bật ra ngay: "chuyện ông Giêsu thành Nazaret", bởi vì đối với các ông, Đức Giêsu đã đi vào cuộc sống của họ, là tương lai và hy vọng của họ, và chính hai ông cũng thú nhận: "Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en". Trước hình ảnh thất vọng của hai môn đệ, Đức Giêsu đã đốt lên trong hai ông ngọn lửa niềm tin và hy vọng, Người từng bước cách nghĩa Kinh thánh đã chỉ về Người, và sau cùng qua nghi thức bẻ bánh, các ông đã nhận ra dung mạo Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, chính Người đã giải phóng cho các ông niềm hy vọng, niềm vui mà tảng đá cửa mồ đã đè nặng trên tâm hồn các ông.

2. Phục Sinh giải phóng khỏi tật nguyền

Một người mất niềm tin, mất hy vọng trong cuộc sống, cũng đồng nghĩa người đó trở nên tật nguyền về thể xác và tâm hồn. Cuộc sống của họ trở nên lê lết cũng giống như người thanh niên trong bài đọc một: "người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí". Cuộc sống trong xã hội hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều những mảnh đời như vậy. Chúng ta giúp cho họ cái ăn, cái mặc chỉ làm kéo dài cuộc sống đau khổ của họ thêm dài ra, nếu chúng ta không giúp tận căn của sự đau khổ là mang lại cho họ động lực vươn lên. Phêrô và Gioan đã giải quyết vấn nạn này bằng sự can đảm tài tình bằng cách: "Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phêrô nói: "Anh nhìn chúng tôi đây!" Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì.  Bấy giờ ông Phêrô nói: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!" Phêrô nói lên điều đó không phải có ý cho người bất toại nhìn thấy con người thần thánh của ông, cho bằng để anh thấy được con người trước đây đã từng mất hy vọng, mất niền tin, con người yếu nhược và sợ sệt, nhưng nay được hiên ngang như vậy chính là niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, và hơn hết cái Phêrô muốn thông chia với anh giờ đây còn quý hơn vàng bạc trần gian là: "nhân danh Đức Giêsu Kitô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi". Và sách Công vụ Tông đồ kể lại: "Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa". Vâng niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh đã chữa anh khỏi tật nguyền phần xác và tâm hồn. Giờ đây anh có thể nhảy nhót, ca tụng Thiên Chúa và đi theo các ngài.

Phụng vụ thứ tư trong tuần bát nhật Phục Sinh hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta được Đức Giêsu Phục Sinh giải phóng chúng ta niềm tin và hy vọng, khỏi mọi tật nguyền phần xác và tâm hồn, để mỗi người chúng ta trở nên một con người mới với trọn niềm vui.

Thiên An
Nguồn: tinvuixuanloc.vn

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW