Những đổi mới mạnh mẽ của Triều Giáo Hoàng Phanxicô

16-07-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Những đổi mới mạnh mẽ của Triều Giáo Hoàng Phanxicô by

Chiếc đồng hồ báo thức của ĐGH Phanxicô nơi căn phòng số 201 của Nhà khách Thánh Martha reo vào lúc 4:45 mỗi sáng, khi mọi vật vẫn còn chìm trong màn đêm.

Khởi đầu cho một ngày như thế có nghĩa là ĐGH Phanxicô cần một giấc ngủ sau bữa trưa. Juan Perón gọi thời gian nghỉ ngơi này “gần như là một việc cần làm theo nghi thức”, điều làm cho ngài có “hai buổi sáng” trong một ngày.

Vài giờ đầu tiên trong ngày của ĐGH Phanxicô được dành để cầu nguyện và suy niệm các Bài đọc mà Ngài diễn giải trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện, nơi ngài thích gọi là “trường nội trú”, thường được biết là Nhà khách Thánh Martha: một toà nhà vừa đơn giản vừa hiện đại, được trang trí bằng cẩm thạch màu sáng và kính màu. Vị Giám mục Roma ngồi nơi băng ghế dài ở phía cuối nhà nguyện để cầu nguyện. 

Những lời giảng bộc phát nhưng không phải hoàn toàn không được chuẩn bị trước trong thánh lễ sáng là một trong những thay đổi quan trọng nhất của Triều đại Giáo hoàng mới. Và đây là nơi chặng thứ ba của cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu. Cùng cử hành Thánh lễ với Đức Giáo hoàng có các hồng y, giám mục hay các linh mục khách, và cộng đoàn tham dự chủ yếu là nhân viên của Vatican – từ nhân viên Viện Giáo vụ (IOR) cho tới những người thu gom rác – và gia đình của họ. ĐGH Phanxicô chào đón từng người một và sau đó dùng điểm tâm trong “nhà chung” của Nhà khách Thánh Martha. Đối với ĐGH Phanxicô, được gần gũi mọi người và ôm từng người một không phải là việc làm lãng phí thời gian: ở Argentina, ngài đã âm thầm ngồi suốt đêm để giải tội mà không mang phẩm phục hồng y, khi có những cuộc hành hương lớn kính Đức Mẹ Luján. 

Người phụ trách nhận những lời thỉnh cầu được tham dự thánh lễ sáng của Đức Giáo hoàng và người gửi các giấy mời là Cha Tino Scotti, một linh mục từ thành phố Bergamo, miền bắc nước Ý. Đức Giáo hoàng như một cha xứ truyền giảng Tin Mừng cho và với cộng đoàn tín hữu tham dự, mà chỉ 2 giờ sau đó Đài Phát thanh Vatican đã có thể cung cấp một bản tóm tắt về bài giảng của ngài. Việc này giúp cho các thánh lễ sáng được phổ biến trên toàn thế giới. Đức Bergoglio rất hâm mộ nhà văn Argentina Jorge Luis Borges và có một lần ngài đã mời ông đến trường trung học nơi ngài dạy để học trò của ngài gặp gỡ ông. Mỗi một buổi sáng, Đức Phanxicô lại đưa ra những hình ảnh minh hoạ mới và hiệu quả cho những bài giảng của ngài, chẳng hạn như những ý tưởng về Giáo Hội “giữ trẻ”, khái niệm về “Chúa phun nước” [đây là một lối chơi chữ trong Anh ngữ: người ta thường nói là “God pray” (Chúa cầu nguyện), chứ không phải là “God spray” (Chúa phun nước) – ND], việc tuyên xưng không như một “cỗ máy lạnh lùng”, không như “những Kitô hữu bàn giấy”, không như “những Kitô hữu được trưng bày trong bảo tàng” và càng không như “những Kitô hữu cứng nhắc”. Rồi ngài đưa ra những đối chiếu về “những lời cầu nguyện chân thành”, “niềm an ủi nơi tâm trí”, “thuyết tiến bộ về thanh thiếu niên” và “các thói quen mục vụ”, những điều thay vì giúp tăng trưởng đức tin cho người dân thì lại gây rắc rối cho họ.

Nhưng điểm nổi bật nhất về ĐGH Phanxicô là sự đơn sơ trong lời nói của ngài. Đặc biệt là nói về lòng nhân từ và bao dung: “Thông điệp của Chúa Giêsu là lòng nhân từ. Đối với tôi, tôi nói điều này một cách khiêm nhường, đó là thông điệp mạnh mẽ nhất của Chúa.” Thông điệp này đã khuyến khích con người trên toàn thế giới trở về với Giáo Hội và xưng tội sau nhiều năm xa lánh.

“Đức Giáo hoàng giảng như ngài đã từng làm ở Buenos Aires và không ai trong lịch sử của Giáo Hội đã phân tích Tin Mừng như ngài. Chúng tôi vẫn chưa nhận ra ý nghĩa thần học về điều này. Dân chúng nhận thức được rằng đây không chỉ là những suy tư mang tính trừu tượng”, Enzo Bianchi, người sáng lập Cộng đoàn Bose, nói với tờ La Stampa của Ý.  

Đức Phanxicô đã trích dẫn lời bà ngoại Rosa Margherita Vassallo của ngài trong nhiều bài giảng của mình, ngay cả trong các thánh lễ lớn cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô. Bà của ngài thường cắt nghĩa cho cậu bé Jorge về tầm quan trọng của sự phục sinh của Chúa Giêsu; và khi người cháu tu Dòng Tên sắp thụ phong linh mục, Bà nói với ngài: “Hãy dâng thánh lễ, mỗi thánh lễ, như thể đó là thánh lễ mở tay và cũng là thánh lễ cuối cùng của con.” Bà của ĐGH Phanxicô đã chứng tỏ đức tin của những con người đơn sơ và bình thường, như một điều gì đó liên kết với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I. Vị linh mục cao tuổi của thị trấn Canale d’Agordo của Ý đã nói với Albino Luciani là chủng sinh vào thời điểm đó: “Hãy nhớ rằng khi con giảng, dù là giảng cho một bà cụ thấp bé ngồi ở cuối nhà thờ chưa từng được đi học ngày nào, hãy làm cho người nghe có thể hiểu được lời con giảng.”

Trong các cuộc thảo luận của ngài với các sứ thần Toà Thánh, với những vị đại diện của Đức Giáo hoàng trên toàn thế giới, những vị đã được giao phó nhiệm vụ lựa chọn các ứng viên giám mục, Đức Phanxicô kêu gọi các ngài “chọn mục tử gần gũi với người dân của họ, phải là những người cha, người anh, là người hiền lành, kiên nhẫn và đầy lòng nhân từ”, là người “yêu mến sự khó nghèo nội tâm” và thể hiện ra bên ngoài bằng một lối sống đơn giản. Họ không được có “tâm tính của một hoàng tử” và phải tránh xa “sự tham danh vọng” trong Giáo Hội. Ngài cũng cảnh báo chống lại “thái độ đắc thắng” và không nên đặt quá nhiều niềm tin vào những người giàu có trong Giáo Hội. Điều này cho thấy một sự liên tục mạnh mẽ với những gì vị tiền nhiệm Bênêđictô XVI của ngài đã nói và viết.

Sử gia Andrea Riccardi nói: “Đối với tôi, dường như bằng cách ráp cái cũ và mới lại với nhau, ngài đã tạo ra một loại ngôn ngữ được hình thành từ những hành động thiện ý mang lại ý nghĩa cho những lời tuyệt vời về đức tin. Điều này rõ ràng cho tất cả mọi người khi nhìn cách dân chúng tiếp xúc với ĐGH Phanxicô. Chỉ mới hơn 100 ngày làm giáo hoàng nhưng thông điệp của ngài đã đi xa…” Giờ đây, các giám mục cần phải hoà nhịp với phương pháp này, là hướng hoàn toàn về Tin Mừng và bỏ đi tính giáo sĩ.

“Một điều gì đó tương tự đã xảy ra với Đức Gioan XXIII” – Riccardi nói tiếp – “Hoà cùng nhịp không phải là điều luôn dễ dàng. Giáo Hội không phải là một đài phát thanh có nút chọn kênh; mà là một quá trình gặp gỡ, vừa rất nhiệt tình nhưng cũng vừa đối kháng.”

“ĐGH Phanxicô trình bày một sự khiêu khích mạnh mẽ cho tất cả mọi người. Chúa Quan Phòng đã cho chúng ta hiệu lệnh thức tỉnh này. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng theo Đức Giáo hoàng bằng cách riêng của mình. Sẽ mất một thời gian…”, Đức Hồng y Angelo Scola nói. Trong lúc đó, các giám mục vùng Lombardy, bắc Ý, đã gặp nhau và công bố rằng họ cảm thấy có trách nhiệm nhận lời thánh đố về phong cách và ngôn ngữ mới của của ĐGH Phanxicô. 

Từ khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Phanxicô thường nói: “Tôi ổn, tôi không mất bình an nội tâm, tôi không bị mất ngủ vì một sự kiện đáng ngạc nhiên như đã xảy ra với tôi. Và tôi coi đây là một món quà từ Thiên Chúa.”

Mai Trang¸ emty 16-07-2013

Andrea Tornielli, Vatican Insider 15-07-2013

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW