Nhân danh Chúa Giêsu phục sinh – Bài giảng Chúa nhật VI Phục sinh năm A

19-05-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Nhân danh Chúa Giêsu phục sinh – Bài giảng Chúa nhật VI Phục sinh năm A by

Chúng ta phải phản chiếu hình ảnh Chúa Giêsu trong đời sống của mình, để rồi, qua những hành vi cử chỉ của chúng ta, mọi người nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện.

Từ thuở sơ khai của Giáo Hội, trọng tâm lời giảng dạy của các tông đồ chỉ xoay quanh sự kiện Chúa Giêsu đã chết, đã sống lại và nay đang hiện diện giữa cộng đoàn những người tin. Các ông rao giảng điều này với niềm xác tín, và sẵn sàng lấy mạng sống của mình để chứng minh cho lời rao giảng của mình. Cũng như Chúa Giêsu thành Nagiarét khi còn sống trên trần gian đã làm những phép lạ để chứng minh quyền năng thiên linh của Người, các tông đồ cũng làm được những phép lạ để chứng minh điều các ông loan báo. Tuy vậy, nếu Chúa Giêsu làm những phép lạ bởi vì Người là Thiên Chúa, thì các tông đồ lại làm những phép lạ nhờ nhân danh Chúa Giêsu. Các ông đều xác tín một điều, các ông chỉ là dụng cụ của Chúa. Những điều kỳ diệu mà các ông có thể làm được là nhờ Đấng Phục Sinh đang hiện diện. Lời giảng dạy đầy xác tín của các tông đồ đã làm cho cộng đoàn tín hữu phát triển nhanh chóng, lan rộng sang cả những miền “ngoại giáo”. Tại Samaria, tông đồ Philipphê đã rao giảng và làm nhiều phép lạ, chữa nhiều chứng bệnh nan y khác nhau. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã diễn tả giai đoạn khởi đầu của Giáo Hội  rất lạc quan, vui tươi, hướng tới một viễn cảnh tốt đẹp (Bài đọc I).

Hai ngàn năm đã qua kể từ biến cố Phục sinh, cộng đoàn tín hữu, tức là Giáo Hội vẫn luôn tin rằng Đấng Phục sinh đang hiện diện và hoạt động. Cùng với Thánh Thần, Người đã hướng dẫn soi sáng và gìn giữ Giáo Hội trước phong ba bão táp của trần gian. Trong lời di ngôn của Chúa Giêsu vào cuối bữa Tiệc ly, Người đã kêu gọi các ông hãy tín thác nơi Chúa. Người cũng hứa sẽ không để các ông mồ côi. Chính Người sẽ ở với họ và ở giữa họ, mặc dù cách thế hiện diện của Người mang tính thiêng liêng vô hình. Cùng với Đấng Phục sinh, Thần Chân lý, tức là Ngôi Ba Thiên Chúa là ân ban của Chúa Cha, đến để ở cùng các môn đệ. Vai trò của Thần Chân lý là hướng dẫn Giáo Hội luôn đi theo sự thật, để rồi, giữa một cuộc đời đầy gian dối mưu mô mà vẫn luôn vững vàng. Nhân danh Chúa Giêsu, Giáo Hội vẫn đang làm những “phép lạ”, như những cánh tay nối dài của Đấng Phục sinh để đem tình thương cho người nghèo, bảo vệ người cô thế cô thân và nói lên tiếng nói chính nghĩa của mình.

Chuẩn bị mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, chúng ta lại tiếp tục được nghe những lời căn dặn thân tình của Người dành cho các môn đệ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”. Tình mến dành cho Chúa và nỗ lực cố gắng để thực thi Lời Người có tương quan biện chứng với nhau. Trong bối cảnh ngày nay, có nhiều người mến Chúa nhưng chỉ là lòng mến ngoài môi miệng và ngôn từ. Khi gặp thử thách gian nan, lòng mến giả tạo sẽ như một lớp sơn bị nước mưa cuốn trôi. Lòng mến đích thực không nhằm tìm kiếm những vụ lợi, nhưng yêu mến Chúa vì Chúa tốt lành, vì Chúa là Cha, là Đấng tác tạo nên chúng ta. Đương nhiên, khi cầu nguyện, người tín hữu vẫn có thể cầu xin bình an, may mắn, sức khỏe, của cải, con cái vì đó là những lời cầu xin chính đáng. Người có lòng mến Chúa đích thực vẫn an vui và cậy trông khi gặp thử thách. Giữa những đau thương, họ vẫn nhận ra tình yêu của Ngài, và luôn một niềm trung tín cậy trông.

Ở mọi nơi và mọi thời, Giáo Hội luôn hành động nhân danh Chúa Giêsu Phục sinh. Trong quá khứ, có những lúc Giáo Hội tự quy chiếu về mình như đích điểm và trung tâm. Những lúc ấy, Giáo Hội chuốc lấy mọi thất bại, vì đã lấn át vị trí của Chúa để tôn vinh chính mình. Giáo Hội là ai nếu không phải là mỗi người tín hữu chúng ta? Vì thế, chúng ta phải phản chiếu hình ảnh Chúa Giêsu trong đời sống của mình, để rồi, qua những hành vi cử chỉ của chúng ta, mọi người nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện. Qua lối sống tốt lành, khiêm tốn, chúng ta có thể “sẵn sàng trả lời thỏa mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng” (Bài đọc II). Có biết bao câu hỏi đang được đặt ra liên quan đến sự hiện hữu của Chúa cũng như mục đích tối hậu của con người. Không thiếu những người còn mang đầy thành kiến với đức tin Kitô giáo. Có thể họ đã có lần chứng kiến những việc làm không tốt của người Công giáo, hoặc có thể hình ảnh về Giáo Hội nơi họ bị biến dạng, vì họ nghe tuyên truyền đến từ phía những người thù ghét Giáo Hội. Một cuộc sống yêu thương sẽ góp phần xóa đi những thành kiến ấy, đồng thời xây dựng mối thân thiện chan hòa, cùng hướng về Thiên Chúa là Cha chung của cả nhân loại.

Vinh dự của người tín hữu là được ở trong Chúa Giêsu và cùng với Người ở trong Chúa Cha. Khi được ở trong Chúa Cha, chúng ta tuy còn sống dưới thế mà đã được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Một khi ở trong Chúa Giêsu, Chúa sẽ tỏ mình ra cho chúng ta, tức là chúng ta sẽ nhận biết Người và cảm nhận rõ nét hơn sự hiện diện của Người trong cuộc sống. Hãy sống và hành động nhân danh Chúa Giêsu, bắt chước Người như một khuôn mẫu hoàn hảo, để được nên đồng hình đồng dạng với Người.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW