“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” – Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi

13-06-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” – Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi by

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần – Amen” là nội dung lời kinh có tên là “Dấu Thánh Giá”. Đây là bài học đầu tiên mà mỗi người trưởng thành phải học khi muốn gia nhập Giáo Hội. Đó là lời kinh đơn sơ mà những em bé trong gia đình công giáo bập bẹ đọc lên khi vừa biết nói. Lời kinh ngăn gọn mà sâu sắc, hàm chứa chân lý cao siêu của Đạo Kitô, là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. “Dấu Thánh giá” đưa ta vào một thế giới huyền nhiệm là cung lòng Thiên Chúa. Nơi thế giới ấy, ý nghĩa và giá trị chữ số không giống như chúng ta: ba lại là một và một lại là ba. Chỉ có một Chúa, nhưng ba ngôi riêng biệt. Ba ngôi ấy khác biệt mà không bị phân chia, duy nhất mà lại không hoàn toàn hòa nhập. Lời kinh huyền nhiệm này cho ta được hòa mình trong tình yêu vĩnh cửu, hạnh phúc tuôn tràn.

Dấu Thánh Giá: Lời tuyên xưng đức tin

Khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi tuyên xưng đức tin vào Chúa quyền năng. Ngài là Cha, và Con và Thánh Thần. Với lời kinh đơn sơ ấy, tôi trở về với cội nguồn của truyền thống Kitô giáo ngay từ những thế kỷ đầu. Từ thời xa xưa ấy, cộng đoàn tín hữu Kitô như một nhành cây non vừa tách mình ra khỏi cây cổ thụ Do Thái giáo. Họ đã dựa vào nội dung Tin Mừng để tìm hiểu chính bản tính của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ về Chúa Cha. Người cũng hứa sẽ gửi đến cho họ Chúa Thánh Thần là Đấng Phù trợ (x. Ga 16,26 tt). Cộng đoàn tiên khởi đã dần dần suy tư và tuyên xưng đức tin nơi một Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Ngay từ  kinh Tin kính thời các thánh tông đồ, đức tin vào Chúa Ba Ngôi đã được tuyên xưng cách rõ rệt:“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng… tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con một Đức Chúa Cha… Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần…”.Công đồng Rô-ma năm 382 đã viết: “Đây là ơn cứu rỗi của các Kitô hữu: tin vào Chúa Ba Ngôi, tức là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; được thanh tẩy trong Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải tin vững vàng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng, vinh quang và hằng hữu”. Trải qua mọi thế hệ, đức tin Kitô giáo tiếp tục được suy tư và tái khẳng định: “Ba ngôi vị này chỉ là một Thiên Chúa duy nhất chứ không phải ba “thiên chúa”… do sự duy nhất này, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha và hoàn toàn ở trong Chúa Con…” (Tông sắc Cantate Dominicủa Đức Giáo Hoàng Eugène IV, năm 1442). Khi làm dấu Thánh giá, tôi xác tín nơi Thiên Chúa, Đấng là lý tưởng và mẫu mực của tôi. Tôi chọn Ngài như đích điểm duy nhất của cuộc đời. Chúa Ba Ngôi là cội nguồn và đích điểm của đời người tín hữu. Tôi được sinh ra trong Chúa Ba Ngôi, cùng đích đời tôi đang nhắm tới cũng là Chúa Ba Ngôi. Nơi Ngài, tôi được ngụp lặn trong bể tình yêu lai láng vô bờ ấy. Trong hành trình trần thế, Chúa Ba Ngôi luôn phù trợ và nâng đỡ tôi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga 14 23). Tôi là một tác phẩm do Chúa Ba Ngôi thực hiện: Chúa Cha sáng tạo cho tôi hiện hữu; Chúa Con Thanh tẩy cho tôi nên sạch trong; Chúa Thánh Thần thêm sức cho tôi lớn mạnh. Ý thức được điều đó, lòng tôi hân hoan vui mừng, vì ngay ở đời này, tôi đã được nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chính nhờ thế mà tôi vững tin và can đảm vượt lên những chướng ngại của cuộc đời. Sức mạnh của đức tin thật kỳ diệu là thế.

Dấu Thánh Giá: Cội nguồn sức mạnh

Cùng với lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, tôi phác họa hình Thánh giá trên mình: từ trán, xuống ngực và hai vai. Bốn điểm nhấn trên cơ thể tôi làm thành hình Thánh giá. Lời tuyên xưng đức tin của tôi được nhấn mạnh ở một mầu nhiệm rất quan trọng của Kitô giáo, đó là mầu nhiệm cứu chuộc. Đã hơn hai ngàn năm qua, một con người bị treo trên cây gỗ đã trở thành nguồn sức mạnh cho biết bao thế hệ. Người ta đến với cây gỗ để ôn lại một biến cố đã xảy ra trong lịch sử: Con Thiên Chúa chịu đóng đinh trên thập giá. Vâng, Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã mang lấy trên thân thể mình tội lỗi của muôn dân. Người đã chết để cho con người được sống; Người đã đón nhận nhục hình để con người được vinh quang. Đứng trước Thánh giá, người gian ác được cải hoá để trở nên lương thiện; người thù hận được biến đổi để trở thành bao dung. Hai cây gỗ, một ngang một dọc, ẩn chứa bao sức mạnh thần kỳ. Khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi tuyên xưng Chúa đã dùng Thánh giá để chuộc tội cho tôi. Tôi cũng cầu xin Chúa ban sức mạnh để vác thánh giá cuộc đời. Quả thế, mỗi mảnh đời mang một cây thập giá; mỗi đôi vai mang một nỗi truân chuyên. Với tâm tình của Chúa Giêsu, thập giá trần gian sẽ trở nên nhẹ nhàng; với tình yêu rộng mở, gánh nặng cuộc đời sẽ bớt  thê lương “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30). Vâng, khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi muốn làm học trò của Thày Giêsu, để Người dạy tôi nên người trọn hảo. Dấu Thánh giá đem lại cho tôi sức mạng kỳ diệu là thế.

Dấu Thánh Giá: Sứ mạng của người Kitô hữu

Khi tôi được dìm mình trong dòng nước Thanh Tẩy, linh mục chủ sự tuyên đọc: “Ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tôi được tẩy rửa không phải vì một mục đích trần thế, cũng không phải nhằm đến một lý tưởng nhân loại. Tôi được tẩy rửa nhân danh Thiên Chúa quyền năng. Nhờ lời tuyên đọc đi liền với nghi thức đổ nước trên đầu hoặc dìm mình trong dòng nước, tôi được tái sinh làm người mới, được trở nên đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Và thế là, trong suốt cuộc đời tín hữu của tôi, dù thức hay ngủ, dù làm việc hay nghỉ ngơi, dù ở nhà hay nơi phố chợ, tôi đều nhân danh Chúa Ba Ngôi. “Dấu Thánh giá” giúp tôi nhận ra mình có một sứ mạng cao cả trong cõi nhân sinh bao la này. Thánh Phaolô đã viết: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” ( 1Cr 10,31); hoặc : “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Khi nhân danh Chúa Ba Ngôi, cuộc đời tôi mang một chiều kích mới. Những lời nói của tôi là lời nói thân thiện, những việc làm của tôi là việc làm hữu ích. Một khi đã nhân danh Chúa Ba Ngôi, tôi không còn nói lời hai ý, lời nói của tôi phải là “có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”(Mt 5, 37). Nhân danh Chúa Ba Ngôi đối với tôi không chỉ là một vinh dự, mà còn là một sứ mạng, đó là làm cho vinh quang Chúa tỏ rạng trong mọi nơi mọi lúc của cuộc sống. Mỗi khi đi đến đâu, tôi làm cho hình ảnh Thiên Chúa rạng rỡ nơi gương mặt và cuộc đời của tôi. Lời nói của tôi là lời của Chúa; việc làm của tôi là việc làm của Chúa. Kitô hữu là người đem Chúa vào đời. Đó chính là ơn gọi chứng nhân mà Đức Kitô đang mời gọi chúng ta thực hiện. Vì  chưa thực sự nhân danh Chúa Ba Ngôi nên tôi còn là nguyên nhân của sự chia rẽ. Vì chỉ nhân danh mình nên tôi còn quá đề cao cá nhân ích kỷ. Nhân danh Chúa sẽ làm cho đời tôi rập khuôn cuộc đời Đấng Cứu thế. Cái tôi ích kỷ được xoá bỏ, đời tôi được tan biến trong biển tình yêu vô biên của Đấng đã tạo dựng nên tôi thành người.

“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, Bạn và tôi, chúng ta hãy đọc lời kinh đơn sơ ấy với tâm tình yêu mến, phó thác và cậy trông, và như vậy, trọn cuộc đời chúng ta luôn là một phản ảnh trung thực của Chân Thiện Mỹ nơi chính cuộc đời này.

+TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW