Nhà Cha Thầy – Bài giảng Chúa nhật V Phục sinh năm A

11-05-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Nhà Cha Thầy – Bài giảng Chúa nhật V Phục sinh năm A by

Nhà Cha bao giờ cũng gợi nên tình cảm thân thương nồng ấm, là nơi trú ẩn an toàn trước những thử thách thị phi của người đời. Nơi nhà Cha, mọi lỗi lầm đều được tha thứ bao dung.

Bài Tin Mừng hôm nay thường được đọc trong thánh lễ an táng hoặc thánh lễ cầu hồn. Vào lúc tang thương nhất của kiếp sống nhân sinh, tức là khi đối diện với cái chết, những lời Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta niềm hy vọng lạc quan. Dù sống chết âm dương cách biệt, chúng ta vẫn tin rằng người thân yêu của chúng ta không tan biến vào cõi hư vô, nhưng đến nơi Chúa Giêsu đã dọn sẵn. Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh rất ý nghĩa và sinh động, đó là nhà Cha. Nhà Cha bao giờ cũng gợi nên tình cảm thân thương nồng ấm, là nơi trú ẩn an toàn trước những thử thách thị phi của người đời. Nơi nhà Cha, mọi lỗi lầm đều được tha thứ bao dung. 

Những lời an ủi ngọt ngào của Chúa không chỉ hướng tới những người đã chết, mà còn giúp chúng ta, là những người đang sống, suy tư về ý nghĩa cuộc đời. Chúa nhật tuần trước, hình ảnh người Mục Tử nhân lành khẳng định với chúng ta, trên đường đời dương thế, chúng ta có Chúa Giêsu hướng dẫn, nhờ đó, chúng ta không sợ lạc đường. Người dẫn chúng ta như mục tử dẫn chiên tới suối mát lành và đồng cỏ xanh tươi. Chúa nhật hôm nay, Phụng vụ khẳng định với chúng ta, Đấng Phục sinh chuẩn bị và dọn sẵn cho chúng ta một nơi cư ngụ bền vững trên trời, nơi mà Người gọi là “Nhà Cha”. Đây không phải là một lời hứa suông, nhằm ru ngủ chúng ta giữa những lo toan bận rộn trần thế. Trái lại, đó là một khẳng định chắc chắn. Bởi lẽ Chúa Giêsu từ Chúa Cha mà đến. Người có sứ mạng nói với chúng ta về Chúa Cha. Thánh Gioan đã khẳng định: “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ, Con Một Ngài từ cung lòng Chúa Cha đến nói với chúng ta về Chúa Cha” (Ga 1,18). Vì vậy, những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta về Nước trời và về Chúa Cha đều lả những điều chân thật và xác tín.

Đôi khi chúng ta tự hỏi: cái chết và sự phục sinh của Chúa có liên quan gì đến chúng ta, những người sống hai mươi thế kỷ sau Chúa Giêsu. Kinh Thánh đưa ra cho chúng ta câu trả lời: Đức Giêsu Phục sinh mở lối cho chúng ta về quê trời. Người cũng cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ lạc quan về kiếp sống nhân sinh. Con người sau khi sống cuộc đời trần thế, nếu họ sống ngay chính và thánh thiện, được mời gọi về hưởng phúc vĩnh cửu nơi thiên quốc. Đức Giêsu gọi nơi ấy là nhà Cha. Còn hình ảnh nào sinh động và thân thương hơn là nhà Cha, nơi đó mình được sinh ra và lớn lên chập chững vào đời? Sau khi kết thúc hành trình trần thế, theo ngôn ngữ đời thường gọi là sau khi chết, người tin Chúa sẽ được về nhà Cha, là đấng sinh ra mình, là cội nguồn nơi chúng ta hướng về. Nhà Cha là nơi thân thương trìu mến. Nhà Cha cũng là nơi mọi người con, dù hư đốn đến đâu chăng nữa, cũng có một chỗ để cư ngụ và được đón tiếp. Nơi nhà Cha, những người con dù bất hiếu đến mức nào, nếu thành tâm sám hối, đều được tha thứ và yêu thương. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh thân thương này để nói về đích điểm của người tín hữu. Những ai xa quê đều hiểu nhà Cha có ý nghĩa như thế nào. Đó là nơi mọi người, nhất là khi gặp thất bại trên con đường công danh sự nghiệp, đều mong tìm về, với hy vọng tìm lại nơi trú ẩn bình yên.

Chúa Giêsu Phục sinh đã đi trước chúng ta để dọn đường cho chúng ta. Người luôn muốn những điều tốt đẹp cho chúng ta, mặc dầu chúng ta bất xứng và tội lỗi. Thánh Phêrô đã khẳng định điều này (Bài đọc II). Người tín hữu phải luôn tự hào, vì mình là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa. Danh xưng và vinh dự này dẫn chúng ta đến bổn phận phải loan truyền quyền năng của Thiên Chúa giữa các dân nước và trong môi trường chúng ta đang sống. Bởi lẽ những ai đã cảm nghiệm được những điều tốt lành Chúa đã làm đối với cuộc đời của mình, thì họ có bổn phận phải tuyên xưng Danh Chúa, đồng thời nói cho môi trường xung quanh rằng: Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu. Ngài yêu thương tôi và hôm nay, ngay lúc này, Người đang hiện diện để đỡ nâng tôi trong cuộc đời còn đầy những gian nan vất vả và những thử thách cam go khắc nghiệt trên đường đời.

Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, cộng đoàn tín hữu luôn thi hành sứ mạng phục vụ. Tác giả sách Công vụ Tông đồ kể cho chúng ta vào thời sơ khai, Giáo Hội đã ý thức được sứ mạng quan trọng này và đã thiết lập bảy phó tế đầu tiên chuyên chăm lo việc đáp ứng những nhu cầu vật chất cho cộng đoàn. Nhờ đó, Giáo Hội vừa rao giảng Lời Chúa, vừa phục vụ những nhu cầu trần thế của con người. Giáo Hội vừa thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu khi coi việc loan báo Lời Chúa là ưu tiên số một, vừa đáp ứng những nhu cầu bức thiết của con người mọi thời đại, nhằm nâng đỡ họ về tinh thần cũng như vật chất, để họ sống xứng với phẩm giá con người và nhờ đó, họ nhận ra Đấng Tối cao. Trong suốt hai mươi thế kỷ đã qua, Giáo Hội vẫn luôn trung thành với sứ mạng ấy.

Người công giáo là người đang tiến bước trong hành trình về quê trời. Tuy vậy, hướng về quê trời không làm cho họ quên đi những bổn phận trần thế. Bởi lẽ hạnh phúc nước trời chính là kết quả của một cuộc sống yêu thương vị tha và bác ái mà chúng ta thực hiện ờ đời này. Chúa Giêsu Phục sinh và là Mục tử đang hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Hãy nghe theo lời người. Hãy quảng đại tiến bước theo Người. Hãy chọn Người như lý tưởng hoàn hảo của đời sống chúng ta, để Người dẫn chúng ta đến bến bờ của hạnh phúc. Đó là Nhà Cha, nơi không còn u buồn và tang chế, nhưng là nơi hạnh phúc tràn đầy, là nơi Chúa Giêsu dọn sẵn cho chúng ta nơi nhà Cha vĩnh cửu.

Khi nghĩ đến cái chết, người ta thường lo sợ và coi như một điều xui xẻo. Nhưng cái chết là một thực tại gắn liền với kiếp nhân sinh. Không ai tránh khỏi cái chết, dù giàu có và nhiều tiền bạc. Khi đối diện với cái chết, người vô tín đồng nghĩa với sự trở về hư vô. Đối với người tin Chúa, chết là trở về nhà Cha. Chết là sự  biến đổi. Chết là cuộc vượt qua với Chúa Giêsu để về cõi sống. Nói cách khác, sự chết chỉ là sự biến đổi từ tình trạng hư nát hữu hạn sang tình trạng tồn tại vĩnh viễn.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng được đọc trong lúc chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Việc Chúa về cùng Chúa Cha mang nhiều ý nghĩa. Cụ thể đối với chúng ta là người tín hữu, Chúa về trời mà không xa chúng ta. Trái lại, Người vẫn ở với chúng ta như lời Người đã hứa. Nếu Người có đi xa, là để dọn chỗ cho chúng ta, để nhờ đó, chúng ta được ở cùng Người trong hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là niềm hy vọng và là lý tưởng của người tín hữu chúng ta.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW