Một niềm tín trung – Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá

04-04-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Một niềm tín trung – Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá by

Lời Chúa hôm nay vừa nêu cao hình ảnh Đức Giêsu như một Tôi tớ tín trung của Thiên Chúa, vừa mời gọi chúng ta hãy noi gương Người, trung thành và kiên vững trong đời sống đức tin.

Cùng với tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới, chúng ta bước vào Tuần Thánh. Ngày lễ này được gọi là "Lễ Lá" bởi sự kiện dân chúng cầm ngành lá thiên tuế đi đón Chúa Giêsu khi Người long trọng tiến vào thành Giêrusalem. Thánh lễ khởi đầu với bầu không khí hân hoan tưng bừng và kết thúc trong trầm buồn lặng lẽ, với lời mời gọi các tín hữu tiếp tục suy tư mầu nhiệm thương khó, cũng như và ý nghĩa của thập giá sẽ được tôn vinh trong phụng vụ Tuần Thánh.
 
Bài Thương khó theo Tin Mừng thánh Mátthêu khởi đầu bằng sự phản bội của Giuđa, một trong mười hai tông đồ. Giuđa đã được Chúa gọi, nuôi dưỡng và dạy dỗ. Vì tham tiền bạc mà ông đã phản bội Thày mình. Không chỉ có Giuđa, chúng ta còn thấy một số kỳ lão, người biệt phái, luật sĩ và đám đông dân chúng cũng đua nhau tố cáo Chúa. "Hội chứng đám đông" đã khiến những người này hăng hái và liên kết lại với nhau để vu khống cho Chúa đủ điều. Các môn đệ hằng ngày thân thiết và hăng hái với Thày, lúc này xem ra cũng yếu đuối, run sợ, thậm chí còn chối Thày như trường hợp Phêrô.
 
Đối lại với những môn đệ sợ hãi chạy trốn, với một Giuđa phản bội và với một đám đông dân chúng đang bừng bừng căm giận, Chúa Giêsu vẫn khiêm tốn và trung thành. Người chấp nhận đi cho đến cùng chặng đường của sứ mạng Thiên sai. Người không dùng bạo lực để đối lại với bạo lực. Cuộc xét xử bất công của Công nghị Do Thái đã lên án người vô tội. Chúa Giêsu đã chết trên thập giá để đền thay cho tội lỗi loài người. Người đã đau khổ cho con người hạnh phúc, đã chết cho con người được sống. Mặc cho cơn sóng tội lỗi dồn dập, trước cơn cuồng phong của bạo lực, Chúa Giêsu vẫn yêu mến nhân loại và yêu cho đến cùng, như tác giả Tin Mừng thứ Bốn khẳng định với chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh, Chúa Giêsu vẫn hướng về con người, kể cả khi chịu treo trên thập giá, với cái nhìn yêu thương. Cái nhìn yêu thương này hướng đến mỗi người và từng người. Cái nhìn đó mời gọi mọi người sống cho tình yêu và vì tình yêu. Đó chính là thông điệp Đấng chịu treo trên thập giá muốn gửi cho chúng ta.
 
Qua cuộc thương khó đón nhận một cách tự nguyện, Chúa Giêsu đã đập tan quyền lực của sự chết đang tiềm ẩn nơi con người, tức là quyền lực của tội lỗi. Tội lỗi đã làm cho những người biệt phái và luật sĩ trở thành những người hằn học thù hận, đã làm cho Philatô hèn nhát trốn tránh trách nhiệm, đã khiến các môn đệ mê ngủ và chạy trốn và sau hết đã làm cho Phêrô nhát đảm chối Thày.
 
“Quả thật, người này là con Thiên Chúa!”. Chúng ta thấy ở đây một điều trớ trêu: trong khi những người thường xuyên ở gần Chúa Giêsu, được Người giáo huấn và dạy bảo, thì tìm cách chạy trốn và phủ nhận mối tương quan với Người, thì một vị quan chức của đế quốc Rôma lại tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Vị quan chức này là một người ăn lương nhà nước, một người vô thần chẳng có liên quan gì đến vụ án Giêsu. Ông chỉ là người thi hành công vụ. Cái chết của một người vô tội và thánh thiện đã khẳng định với ông: Người này không phải là một tử tội bình thường như những tử tội khác.
 
Hai bài đọc (Bài đọc I và bài đọc II) đều nhắc đến hình ảnh người Tôi tớ Trung thành trong đau khổ. Giáo Hội Kitô đã nhận ra Người Tôi tớ đâu khổ mà ngôn sứ Isaia tiên báo nơi Đức Giêsu Kitô. Người đã mang trên thân mình những đau khổ của cả nhân loại mà không than van (Bài đọc I). Người đã "hủy mình ra không" để trở nên thân phận tôi đòi (Bài đọc II). Đức Giêsu chấp nhận tất cả những điều đó, vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại. Người cũng làm gương cho chúng ta, để rồi, trong cuộc sống còn nhiều gian nan thử thách này, chúng ta biết vác thập giá đời mình và vác thập giá cho nhau.
 
Hai mươi thế kỷ sau cái chết của Đức Giêsu, Giáo Hội Kitô vẫn không ngừng tôn vinh cây thập giá, như cờ hiệu chiến thắng và như biểu tượng tình yêu. Khi tham dự phụng vụ hôm nay, mỗi người được mời gọi suy tư về thái độ sống của mình. Nghi thức làm phép lá và kiệu lá nhắc chúng ta, cuộc thương khó của Chúa vẫn đang diễn ra nơi những người đau khổ, nghèo hèn, bệnh tật, bị áp bức và thiệt thòi bất công trong xã hội hôm nay. Chúa đang đi qua cuộc đời này. Có những người đón tiếp Chúa, nhưng cũng có những người dửng dưng trước việc Chúa đi ngang qua cuộc đời họ, thậm chí có những người từ chối Chúa và gạt Người ra bên lề cuộc sống. Tiếng gọi của Chúa là tiếng gọi khiêm tốn, đôi khi bị lấn át bởi biết bao âm thanh hỗn tạp của “biển đời” đầy bon chen và giành giật. Vì thế, để lắng nghe lời của Người, chúng ta phải trút bớt khỏi tâm hồn những toan tính, tham vọng. Chúa thường tâm sự với những ai biết chuyên tâm cầu nguyện và những tâm hồn thích sống trong lắng đọng nội tâm. Ngày lễ Lá giúp chúng ta tự vấn lương tâm: chúng ta đón Chúa với tâm tình nào? Phải chăng là dửng dưng như một số người dân thành Giêrusalem năm xưa? Hoặc như một số người nhiệt thành tung hô Chúa, nhưng rồi sau đó thay lòng đổi dạ, giơ tay tố cáo Chúa và xin Philatô đóng đinh Người trên thập giá? Lời Chúa hôm nay vừa nêu cao hình ảnh Đức Giêsu như một Tôi tớ tín trung của Thiên Chúa, vừa mời gọi chúng ta hãy noi gương Người, trung thành và kiên vững trong đời sống đức tin.
 
Mùa Chay và Tuần Thánh năm nay, chúng ta trải nghiệm những tâm trạng đặc biệt. Đó là nỗi hoang mang, sự sợ hãi do bệnh viêm phổi Vũ Hán, còn gọi là COVID-19. Giữa cơn sợ hãi này, nhiều người đặt câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Đây cũng là câu hỏi Chúa Giêsu đã đặt ra trên thập giá: Lạy Cha, sao Cha bỏ con. Khi Người chịu treo trên thập giá, những người biệt phái thách thức Chúa: Nếu ông là con Thiên Chúa, ông hãy bước xuống khỏi thập giá đi!. Chúa Giêsu không chấp nhận lời thách thức ấy. Người không bước xuống khỏi thập giá. Người đã vui lòng chấp nhận để vâng ý Chúa Cha và để đem lại ơn cứu độ cho con người. Như đã nói ở trên, chính lúc Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, lại là lúc người sĩ quan Rôma tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Trở lại với câu hỏi con người thời nay thường đặt ra: Thiên Chúa ở đâu giữa những đau khổ của con người? Một nhà thần học đã trả lời: Thiên Chúa đang ở đây, bên cạnh chúng ta, nơi những gương mặt đau khổ, để cùng đau khổ với họ và ban ơn nâng đỡ cũng như lau khô giọt lệ nơi khóe mắt họ. Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta và trở nên “nạn nhân” với chúng ta. Nhờ sự hiện diện của Ngài, mà chúng ta có một cái nhìn mới về nhân sinh, về đau khổ và về tình liên đới. Về nhân sinh: chúng ta cảm nhận sự mỏng giòn mong manh của kiếp người. Về đau khổ: chúng ta thấy đây là lửa thử vàng. Về tình liên đới: hơn bao giờ hết, chúng ta thấy cần có trách nhiệm với xã hội, với công ích, với cộng đoàn. Trong cuộc sống, một loại hình dịch bệnh còn nguy hiểm hơn cả COVID-19, đó là tội lỗi. Bởi lẽ nó cắt đứt mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nếu COVID-19 giết hại thể xác, thì tội lỗi giết chết phần linh hồn. Nếu COVID-19 làm cho con người xa lánh nhau, thì tội lỗi lại làm cho người trở thành kẻ thù của nhau. Qua đại dịch COVID-19, chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm đau khổ, với niềm xác tín: thập giá là đau khổ nhưng cũng là vinh quang. Những ai cùng chịu chết với Chúa Kitô sẽ được cùng sống lại với Người.
 
Thập giá không chỉ là câu chuyện của xa xưa, nhưng là câu chuyện của hiện tại. Quả vậy, thập giá vẫn hiện hữu trong gia đình, qua những mâu thuẫn bất hòa, nơi cuộc sống xã hội, nơi những bạo lực tranh chấp; nơi những mâu thuẫn huynh đệ tương tàn do sự bất bao dung. Thập giá vẫn còn đó qua những bế tắc của cuộc sống. Nhờ ơn trợ giúp của Thiên Chúa, với thiện chí và nỗ lực cố gắng của con người, thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Một tác giả đã viết: Đức Giêsu đến trần gian không phải để hủy bỏ thập giá, nhưng Người đã vác thập giá lên đồi Canvê. Đức Giêsu không đến trần gian để cất thập giá khỏi đôi vai của con người, nhưng Người cùng họ bước đi trong hành trình cuộc đời. Qua đó, Người khẳng định với chúng ta: từ nay, con người không còn phải vác thập giá đơn lẻ trên đường đời, mà có Chúa Giêsu cùng vác với họ.
 
Đừng nghĩ rằng Thiên Chúa tạo ra thập giá để bắt con người phải vác. Không! Thiên Chúa không tạo ra thập giá. Chính con người đã đặt cây gỗ lên vai Con Thiên Chúa rồi bắt Người vác đi. Khi Người đã kiệt sức thì họ mới cho người khác vác đỡ. Đau khổ trong cuộc sống là do con người không ngừng gây ra cho nhau và bắt nhau phải chịu đựng. Con cái gây đau khổ cho cha mẹ. Vợ chồng gây phiền toái cho nhau. Hàng xóm láng giềng gây mâu thuẫn tranh chấp… đó là những thập giá của đời thường. Nếu mỗi người biết góp phần giảm thiểu những mâu thuẫn bất hòa, sống quan tâm đến nhau và quan tâm đến công ích, thì cuộc sống này sẽ bớt đi thập giá, thay thế vào đó là sự an bình.
 
Sau khi tham dự Lễ Lá, chúng ta sẽ mang theo một vài cành lá đã được làm phép về nhà. Cành lá này nhắc lại điều chúng ta đã hát: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Cành lá này cũng nhắc chúng ta về lòng trung thành với Chúa trong đời sống. Sứ mạng của mỗi Kitô hữu là sống và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Người muốn chúng ta hãy là chứng nhân loan báo sự chết và phục sinh của Người cho đến tận cùng thế giới. Người muốn mỗi chúng ta cũng biết hy sinh cho nhau, để cuộc sống này trở nên nhân ái và công bình hơn. Người còn muốn chúng ta hãy tiếp nối sứ mạng của Người xây dựng Nước Trời, một công trình được thực hiện ngay ở đời này và sẽ hoành thành khi Người lại đến trong vinh quang. Trong suốt Tuần Thánh này, chúng ta hãy liên kết mật thiết với Chúa trong lời cầu nguyện.
 
Mỗi khi cử hành Hy lễ Tạ ơn, chúng ta được đón nhận những hoa trái của cuộc thương khó Đức Giêsu. Người ban cho chúng ta không chỉ Mình và Máu Người, mà còn sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Người đã khởi đầu nơi chúng ta một cuộc sống quảng đại và sự liên kết tiến tới sự thân tình trọn vẹn với Thiên Chúa là Cha của Người.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW