Lòng sùng kính Thánh Tâm: Người chữa lành mang thương tích

23-06-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Lòng sùng kính Thánh Tâm: Người chữa lành mang thương tích by

Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm: Người đã chịu sửa tự để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53,5).

Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành (1Pr 2,28).

1. Thừa tác vụ thiêng liêng trong thế giới hiện nay

Gợi hứng từ câu Kinh Thánh Is 53,5, tác giả Henri J.M.Nouwen, trong quyển sách: The Wounded Healer (1972) đã đưa ra một số điều kiện cần thiết cho việc thi hành thừa tác vụ thiêng liêng trong thế giới hiện nay. Có nhiều linh mục tìm kiếm ý nghĩa và công hiệu tính của thừa tác vụ đối với con người thời nay. Tác giả đóng góp những suy tư về một hình ảnh mới của thừa tác vụ: linh mục hay mục tử là một con người đau khổ nhưng lại có phận sự chữa lành. Tính cách nghịch lý của thân phận mục tử không làm cho thừa tác vụ ra vô nghĩa và không còn hiệu năng. Trái lại, thừa tác vụ của linh mục chỉ được đón nhận như có tính cách đích thực khi đến từ một trái tim bị thương tích, một vết thương do chính đàn chiên gây ra. Vấn đề cốt yếu là làm sao biến những vết thương của mình thành những phương thuốc chữa lành cho kẻ khác.

Tác giả là một giáo sư tâm lý mục vụ tại những đại học nổi tiếng như: Harvard, Yale… và phân tích xã hội đương thời theo quan điểm thiêng liêng. Cách trình bày của tác giả có tính cách thuyết phục đối với xã hội Châu Mỹ. Nếu muốn hiểu cho đúng lập trường của tác giả, cần phải đọc kỹ bốn chương sách. Nhưng chúng ta có thể tóm tắt ba vai trò của vị mục tử tương lai trong ba sắc thái: một vị hướng dẫn thiêng liêng, một hữu thể biết cảm thông, một nhà chiêm niệm biết phân định.

Làm sao để có thể trở thành người hướng dẫn thiêng liêng? Chỉ có một con đường là đi vào chiều sâu của cõi lòng. Phải biết rõ chính mình, và nhất là phải sống bình an với chính mình. Chỉ khi nào mình thiết lập trật tự trong đời mình thì mình mới có thể giúp người khác tìm thấy trật tự. Phải biết cảm thông, bằng cách dành chỗ trong tim mình cho những ai tìm đến, nhất là những người cô thân, cô thế.

Người mục tử ngày mai là một mục tử đau khổ nhưng lại là một mục tử chữa lành.

Chúa Giêsu làm cho thân thể tan nát của Người trở thành nguồn ơn cứu độ, nguồn mạch cho một đời sống mới. Người mục tử cũng phải học để biến những đau khổ của mình thành phương thế chữa trị các chứng bệnh thời đại. Bằng cách nào, bằng cách tìm thấy ý nghĩa trong những sự đau khổ của mình, rồi từ đó có thể giúp kẻ khác chấp nhận những đau khổ thử thách trong đời sống của họ, để cho không bao giờ có những sự đau khổ vô ích.

2. Người tha tội phải có dấu đinh

Tiến sĩ Goldfrey thuật câu chuyện sau đây: “Trong một làng nọ có một bà cụ là người tin Chúa sắp chết. Trải qua 80 năm, bà đã thành tâm bước theo con đường của Chúa, đến độ vinh quang của Thiên đàng tỏa sáng trên gương mặt bà. Một ngày nọ, có một người kia đến thăm bà, ông nghĩ rằng nếu ông không mở cửa thiên đàng, thì bà tín đồ này không sao vào đó được. 

  • Ông nói: – Thưa bà, tôi đến đây để ban phép giải tội cho bà.
  • Bà trả lời: – Thế có nghĩa là gì?
  • Ông kia đáp: – Tôi đến để tha tội cho bà.
  • Xin cho tôi xem bàn tay của ông. Xem một hồi, bà cụ nói: – Ông là một người giả mạo
  • Ông kia ngạc nhiên hỏi: – Sao bà gọi tôi là giả mạo
  • Bà cụ đáp: – Vì người tha tội cho tôi phải có dấu đinh trong tay đó!

Kết luận: Trái tim mục tử

1. Trái tim mục tử thuộc trọn về Chúa nên cũng thuộc trọn về con người.

2. Trái tim mục tử, cần trở nên giống như Trái Tim Chúa Giêsu, bị lưỡi đòng xuyên thấu.

3. Trái tim mục tử được biến đổi giống như Trái Tim Chúa, cháy lửa yêu mến từ Trái Tim Chúa, nhờ đó mới có thể yêu mến con người như Chúa muốn.

Để trở nên mục tử như lòng Chúa mong ước, hàng ngày chúng ta tâm niệm lời Thầy Chí Thánh: “Học cùng Ta hiền lành và khiêm nhượng.

Hàng ngày chúng ta lặp lại lời đoan nguyện của Ngôi Lời Nhập Thể: “Này con xin đến để thi hành Thánh ý Cha”.

Lm. Antôn Ngô văn Vững, SJ.

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW