Lời chủ chăn Tháng 07/2018

01-07-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn Tháng 07/2018 by

ĐƯỢC TÌNH YÊU CHÚA CHINH PHỤC

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Trong tháng 06 vừa qua, Linh mục đoàn Giáo phận Xuân Lộc và nhiều Hội Dòng đã tổ chức Tĩnh Tâm năm. Đây là thời gian để nối nguồn với Chúa Giêsu mong canh tân cuộc sống và sứ vụ tông đồ của mỗi người.

Để tiếp tục hành trình thiêng liêng của những ngày Tĩnh tâm, tôi xin chia sẻ với quý Cha, và quý Tu sĩ một vài tâm tư với đề tài “Được tình yêu Chúa chinh phục”. Ước mong đề tài này sẽ khơi gợi và thúc đẩy quý Cha và quý Tu sĩnhìn lại ơn gọi của chính mình và dấn thân hơn trong đời dâng hiến và tông đồ.

1. Tự vấn bản thân

Vào ngày kết thúc khóa Tu Đức Truyền Giáo tại CLAEM (Trung tâm Tu đức Truyền giáo Mỹ Châu La Tinh) bên Mêxicô, tôi đã mời các khóa sinh chia sẻ một vài tư tưởng thần học, tu đức đã thâu lượm được trong khóa học và trao gửi cho nhau những tâm tình thiêng liêng. Trong số các khóa sinh lênchia sẻ, có một thiếu nữ khoảng 17 tuổi. Sau khi đã trình bày những điều đã học hỏi được, cô hướng về các Linh mục và Tu sĩ có mặt và nói: “Con hết lòng cám ơn quí cha và quí nữ tu đã chia sẻ cho chúng con niềm vui, sự hạnh phúc và kinh nghiệm sống đức tin. Giới trẻ chúng con mong ước là các cha và các nữ tu luôn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu và đưa Chúa Giêsu đến cho chúng con”.

Mấy lời của cô gái nhỏ này gợi lại trong tâm trí tôi khuôn mặt của những người sống đời dâng hiến và phục vụ tông đồ tôi đã có dịp tiếp xúc. Trước tiên, tôi nhớ đến khuôn mặt một số người rất nhiệt thành và tràn đầy sức sống, toát ra mộttâm hồn sống mật thiết với Chúa, nhậy cảm đối với tha nhân và quảng đại dấn thân cho sứ vụ đã lãnh nhận. Sau đó, tôi nhớ tới khuôn mặt sầu thảm của một số người mang nặng nỗi chán nản và cay đắng. Sau cùng, khuôn mặt của một nhóm người khá đông để lộ nhiều dấu hiệu của một cuộc sống hời hợt không định hướng.

Có lẽ mỗi người chúng ta cũng nên đặt cho mình một vài câu hỏi: Trong ba khuôn mặt trên đây, khuôn mặt nào là hình ảnh của tôi? Tôi hạnh phúc và quảng đại dấn thân hay sống hời hợt hoặc sống bực bội, chua cay trong cuộc đời tông đồ dâng hiến của tôi? Tôi đang tiêu hao những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời tôi vì lý do nào? Điều gì đang hướng dẫn tâm tư, tình cảm và cuộc sống của tôi? Tại sao tôi chọn đời dâng hiến phục vụ? Chúng ta không nên dễ dàng trả lời là mình đang hao mòn cuộc sống vì Chúa Giêsu hay chính Chúa làđộng lực thúc đẩy và hướng dẫn cuộc sống mà chỉ nên đưara câu trả lời sau khi đã thành thực nhìn lại lòng mình trước mặt Chúa để nhận diện ra các lý do sâu thẳm đã là động lực cho các quyết định và lựa chọn lớn nhỏ.

2. “Chúa đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.”

Để trả lời cho những câu hỏi căn bản ở trên, có lẽ không gì hơn là lắng nghe đoạn Tin Mừng kể lại tâm tình của Chúa đối với chàng thanh niên giầu có trong cuộc gặp gỡ với anh:“Chúa đưa mắt nhìn anh ta, đem lòng yêu mến và bảo anh ta : Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21).

Tùy vào mục đích, hoàn cảnh và điều kiện của giáo xứ hay của cộng đoàn, các Linh mục và Tu sĩ có thể làm nhiều việc ở nhiều lãnh vực khác nhau. Các hoạt động của các Linh mục và Tu sĩ thường thì rất được trân trọng và mến phục. Tuy vậy, đó không phải là yếu tố căn bản xác định căn tính của người tông đồ tận hiến. Khi dấn thân trong đời dâng hiến và phục vụ, cốt tủy không phải là để làm một công việc hay thực hiện một chương trình nào đó, cho dù có cao quí đến mấy; cũng không chỉ nhằm mục đích để sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Tất cả những điều đó là cao quí và quan trọng, nhưng chưa đi vào tận cốt tủy của bản tính ơn gọi tông đồ dâng hiến. Lý do sâu thẳm nhất khiến một người quyết định dâng hiến trọn đời để phụng sự Chúa là vì người đó đã gặp Chúa và được tình yêu của Ngài chinh phục. Như các môn đệ đầu tiên đã bỏ cha, bỏ thuyền, bỏ lưới chỉ vì đã được Chúa Giêsu kêu gọi và chinh phục (x. Mt4,18-22), cũng thế, Linh mục và Tu sĩ chấp nhận dâng hiến cuộc đời cho Chúa chỉ vì đã gặp Chúa trên các nẻo đường của cuộc sống và đã được Chúa chinh phục, hay nói theo ngôn sứ Giêrêmia, đã được Chúa quyến rũ (x. Gr 20,7).

Ý nghĩa của cuộc đời dâng hiến cũng có thể được diễn tả qua dụ ngôn kho tàng trong thửa ruộng và viên ngọc quí giá: Khi đã tìm ra kho tàng chôn giấu dưới đất, người tá điền liền hớn hở trở về nhà và bán tất cảgia tài để mua thửa đất đó; cũng như người lái buôn, khi đã gặp được viên ngọc quí giá thì vui vẻ bán tất cả của cải để mua viên ngọc đó (x. Mt13,44-46). Người môn đệ, vì được Chúa chinh phục và muốn đáp lại tình yêu của Chúa, nên thấy cần phải từ bỏ tất cả để Chúa hoàn toàn chiếm ngự tâm hồn và trở thành gia nghiệp của cuộc đời.

Trong lịch sử Giáo Hội, mỗi ơn gọi đều có những giây phút Chúa nghiêng mình trên người Chúa muốn gọi và thì thầm những lời yêu thương ngọt ngào: “Con là con của Cha”; “Con là con yêu dấu của Cha, hãy đến và theo Cha”. Trong cuốn sách “Trước nhan Thiên Chúa hằng sống” (Before the living God), chị RuthBurrows, một nữ tu dòng kín Carmelo, đã thuật lại lịch sử ơn gọi của chị như sau: Năm 17 tuổi, học năm cuối trung học, cuộc đời của chị định hướng rõ ràng về đời sống hôn nhân và tất cả chú tâm của chị là tìm được người bạn đời đúng lòng mong ước. Nhưng cũng chính năm đó, cuộc đời của chị hoàn toàn chuyển hướng. Theo tập tục của trường nội trúchị trọ học do các nữ tu điều hành, tất cả các học sinh phải dự khóa tĩnh tâm ba ngày trong tuần lễ nghỉ Phục Sinh. Cô Ruth nổi giận, một phần vì đó là ngày nghỉ, một phần vì cô cho đây là một sự áp đặt. Cô nghĩ trong bụng: “Các nữ tu không có quyền áp đặt lòng đạo đức của họ trên chúng tôi”. Vì vậy, cô nổi loạn và quyết định không giữ thinh lặng; ngược lại, cô nói chuyện với tất cả những ai muốn nói chuyện. Cô bịt tai không nghe bài suy niệm của cha tuyên úy. Nhưng vào giữa ngày thứ hai, tự nhiên một nỗi lo sợ như chưa từng thấy đã xâm nhập tâm hồn cô. Đó là sự lo sợ trước nhan Chúa. Cô suy nghĩ trong lòng: “Không biết Chúa nghĩ gì về những điều tôi đang làm? Đây có phải là chống đối lại ơn thánh không?”. Xong mấy ngày tĩnh tâm, cô trở về nhà trong tâm trạng nghi nan, hỗn độn và bất an. Sau cùng, cô quyết định bàn hỏi với một linh mục. Ngài chăm chú và kiên nhẫn lắng nghe. Cuối cùng, ngài chỉ hỏi cô vỏn vẹn một câu: “Con có chắc là sự nổi loạn chống các nữ tu là lý do duy nhất hay vì con sợ là Chúa có thể đòi hỏi con chuyện chi và con không muốn lắng nghe Ngài không?”

Cô Ruth kể tiếp: “Câu hỏi của vị linh mục đặt tôi trước thực tế và đưa tôi vào ánh sáng. Trong tận thâm tâm, tôi nhìn thấy Thiên Chúa. Ngài hiện diện chan chứa trong tôi; Ngài trao tặngcho tôi tình yêu tha thiết của Ngài. Lòng tôi như bị thiêu đốt trong khao khát tìm kiếm tình thân với Ngài. Điều đó có nghĩa là tôi phải trở thành một nữ tu. Tất cả những ý tưởng đó hiện ra trong đầu óc tôi, tuy chỉ thoáng chốc, nhưng mạnh mẽ và rõ ràng đến độ tôi không có cách nào xóa mờ được. Tất cả thế giới của tôi đã hoàn toàn biến đổi”.

Cuối năm học, sau khi cô đã thi đậu, người ta tặng cô học bổng vào Đại Học Oxford, nhưng cô từ chối. Bạn hữu và những người thân thuộc đều ngạc nhiên và không hiểu nổi cô. Và cô kết luận: “Nhưng ai có thể hiểu được, nếu không cùng được cảm hóa như vậy?” (x. Ruth Burrowa,Before the Living God, Sheed and Ward, London, 1982, trg. 33-39).

Đây cũng là kinh nghiệm của Thánh Phaolô trên đường đi Damasco và của mọi ơn gọi dâng hiến. Hoàn cảnh và thời điểm có thể khác nhau, nhưng tựu trung cốt tủy vẫn là một: Chúa Giêsu đã nghiêng mình trên người Chúa muốn gọi, với tất cả sự trìu mến, Chúa nói: “Con là con yêu quí của Cha. Hãy đến và theo Cha”. Cũng thế, Ngài đã nghiêng mình trên mỗi người chúng ta và đã nói lời đầy thương yêu: “Con là con yêu quí của Cha. Hãy đến và theo Cha”Chúng ta đã được tình yêu của Ngài chinh phục và với tâm hồn đầy tràn niềm vui, chúng ta đã thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Cuộc gặp gỡ huyền nhiệm đó đã đo ngấn cuộc đời mỗi người chúng ta và, từ ngày đó, chúng ta không thể làm gì khác hơn là sống cho Ngài và hướng tất cả cuộc sống về Ngài.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể từ chối ngay từ những giây phút đầu và cả sau khi đã chấp nhận lời mời gọi đầy yêu thương của Ngài. Tuy nhiên, nếu Ngài không phải là trung tâm cuộc sống, chúng ta sẽ thấy tâm hồn hỗn độn và tối tăm như chàng trai giầu có trong sách Tin Mừng khi từ chối lời mời gọi đầy ắp yêu thương của Chúa: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10,22).

Chính vì vậy, cần phải đi vào nội tâm để ôn lại cuộc gặp gỡ huyền nhiệm với Chúa Giêsu và sống với tất cả tâm hồn. Nếu chúng ta để mất kinh nghiệm đức tin đó như điểm tựa thì cuộc đời tận hiến của chúng ta sẽ mất sức mạnh, mất nhãn giới, sẽ bấp bênh, bị phân tán, vật vờ và chúng ta sẽ dễ dàng chạy theo các trào lưu và sự quyến rũ của thế gian.

3. Dâng hiến trọn vẹn để thuộc về Chúa và sinh hoa trái trong việc tông đồ

Cuộc gặp gỡ của mỗi người chúng ta với Chúa được hội tụ trong Giao Ước Mới, ký kết bằng chính máu thánh của Chúa Giêsu.Vì vậy, đây không phải chỉ là cuộc gặp gỡ thân tình bình thường, nhưng là mối giây liên kết được đóng ấn trong tình yêu giao ước. Nói cách khác, đó là mối giây liên kết thân tình đến độ làm cho hai người thuộc trọn về nhau, như ngôn sứ Giêrêmia diễn tả: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel… Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.”(Gr 31,33). Chúa Giêsu đã đến với chúng ta bằng tất cả con người của Ngài, nên chúng ta cũng cần đón nhận Ngài với tất cả con người của chúngta. Trong chiều hướng đó, cuộc đời dâng hiến phải được gọi là cuộc đời tận hiến. Tận hiến cho Chúa có nghĩa là dâng hiến tất cả cho Chúa, dành riêng cho Chúa để thuộc trọn về Ngài. Như thế thì cuộc đời dâng hiến là một cuộc tình đi vào mối hiệp thông sâu thẳm với Chúa Giêsu để thuộc trọn về Ngài, để sống với Ngài và cho Ngài. Sự hiệp nhất thâm sâu với Chúa, Đấng là Nguồn Suối sẽ làm phát sinh nhiệt huyết và sáng kiến tông đồ, có khác chi cây cối xanh tươi và hoa trái chín mọng mọc hai bên dòng nước được diễn tả trong sách ngôn sứ Edêkiel (x. Ed 47, 1-12).

Chính vì vậy, cuộc đời tông đồ tận hiến không ai hiểu được nếu không được nhìn qua lăng kính tình yêu Giáo ước với Chúa Giêsu. Đây là một cố gắng triền miên tìm kiếm Chúa, để được tình yêu Ngài chinh phục và, như vậy tình yêu của Ngài trong tâm hồn mỗi ngày sẽ trở nên sâu đậm hơn, chân thực hơn đến độ chúng ta có thể nói được như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21); “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20); “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng” (2Tm 1, 12).

Cần phải hướng trọn tâm trí vào Chúa Giêsu để Ngài trở thành trung tâm của cuộc sống. Nếu Ngài không phải là trung tâm cuộc sống, tâm hồn sẽ bị xáo trộn, mệt mỏi và chúng ta sẽ dễ dàng chạy theo các quyến rũ của thế gian và đi tìm an ủi giả dối nơi các sự vật và các thụ tạo.

Để Chúa Giêsu có thể trở nên trung tâm cuộc sống, trước tiên cần phải tìm lại giá trị đích thực của sự cầu nguyện và chiêm niệm. Tình yêu sâu đậm đòi hỏi những giây phút hồi tâm thinh lặng để sống trong thân mật. Tiếp theo đó, cần phải suy niệm và sống theo Tin Mừng. Không thểhiểu được thứ tình yêu đối với Chúa mà không muốn bắt chước Ngài, không muốn trở nên giống Ngài. Vì vậy, cần phải thấm nhuần tinh thần Tin Mừng chứ không chỉ đọc và học thuộc Tin Mừng. Một người có thể thuộc lòng tất cả Kinh Thánh nhưng lại chưa am hiểu và thấm nhuần tinh thần Tin Mừng; đó là trường hợp của những người chỉ tìm trong sách Tin Mừng những đoạn thích hợp để bảo vệ ý kiến riêng của mình, chứ không lắng nghe và để cho Tin Mừng soi sáng, thanh tẩy tâm tư, tình cảm và tất cả cuộc sống của mình.

4. “Ta sẽ nói lời tâm tình

Chấp nhận theo Chúa Giêsu vô điều kiện và sống theo Ngài với tất cả tâm hồn không phải là điều dễ dàng. Đời sống dâng hiến không thiếu những giây phút yếu lòng,chán nản và khô khan. Hơn nữa, chúng ta phải theo Chúa Giêsu giữa bao cám dỗ của môi trường xã hội. Không thiếu những lúc chúng ta bị những quyến rũ của thế gian tấn công và lôi kéo. Nếu đọc lại sách ngôn sứ Êdêkiel và nhất là ngôn sứ Hôsê, chúng ta sẽ thấy có khi chúng ta cũng là Israel bất trung, là những hôn thê ngoại tình. Nhiều lần chúng ta đã dâng lễ vật và tiến hương trước các ngẫu tượng; nhiều lần Chúa Giêsu bị đẩy ra bên lề cuộc sống của chúng ta (x. Hs 11,1-9).

Chúng ta bất trung, nhưng Chúa trung tín trong tình yêu của Ngài. Mỗi khi chúng ta bất trung lìa xa Ngài, chúng ta luôn nghe có tiếng vọng vào con tim và thì thầm bên tai những lời đầy yêu thương:“Con là con của Cha; con luôn là con của Cha và thuộc trọn về Cha”. Nếu chúng ta lắng nghe tiếng Ngài và nhìn nhận sự bất trung của mình để dâng lên Ngài sự nghèo hèn và tội lỗi của mình, chúng ta sẽ tìm lại được sự ngọt ngào trong tình yêu của Ngài, tình yêu luôn sẵn sàng tha thứ và rộng tay đón chờ.

Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trao phó Giáo Hội cho Đức Mẹ (x Ga 19, 26-27). Vì vậy, với lòng mến yêu, chúng ta hãy tin tưởng nài xin Đức Mẹ dẫn đưa chúng ta vào tận thâm cung Trái Tim cực thánh Chúa, để được no say trong tình yêu Chúa. Từ Trái tim Chúa, chúng ta lại đi ra thế giới, đến với mọi người, nhất là anh chị em đau khổ, anh chị em Lương dân và Di dân để đem tình yêu Chúa soi sáng, nâng đỡ và xoa dịu nỗi đau đớn của nhiều tâm hồn.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW