Kính sợ Chúa

15-01-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Kính sợ Chúa by

Kính sợ Chúa” là cách nói của Kinh Thánh để diễn tả những người công chính. Đó cũng là những người được Chúa chọn để thực hiện Thánh Ý của Ngài. Vào thời Đại hồng thủy, khi con người và mọi loại thụ tạo đã nhuốm màu tội lỗi, thì vẫn còn có ông Nôê và gia đình ông là những người kính sợ Chúa (x. St 6,8). Nhờ đời sống đạo đức lương thiện của ông Nôê mà một nhân loại mới được sinh ra sau trận Đại hồng thủy. Abraham, một người kính sợ Chúa, đã được chọn để trở thành cha của mọi dân tộc (x. St 17,6). Tại Aicập, khi vua Pharaon quyết định, những bé trai của các bà mẹ Do Thái đều phải giết chết ngay từ lúc lọt lòng mẹ, nhưng các bà đỡ, vì kính sợ Chúa, nên không dám làm những điều thất đức ấy, vì vậy mà có trẻ Môisen được thoát chết và sau này trở thành người lãnh đạo dân Israen (x. Xh 1,21). Để dọn đường cho Đấng Cứu thế đến cứu chuộc nhân loại, Chúa đã dùng một vị Tiền hô là Gioan Tẩy giả, ông được sinh ra bởi người cha người mẹ là những người biết kính sợ Chúa, luôn sống công chính trước mặt Ngài (x. Lc 1,6). Trong buổi Hài Nhi Giêsu được dâng tiến trong Đền thờ, hai vị cao niên đến gặp gỡ Chúa và nói tiên tri về sứ mạng của Người, tức là Simêon và Anna, họ đều là những người kính sợ Chúa và luôn luôn mong đợi niềm hy vọng của Israen (x. Lc 2,37). Theo truyền thống Thánh Kinh, người kính sợ Chúa cũng đồng nghĩa với người hoàn thiện, là người chuyên tâm thực thi những điều Chúa dạy.

“Hạnh phúc thay ai kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Ngài”(Tv 128,1). Khái niệm “sợ” được dùng ở đây không giống như sợ bạo lực, sợ bóng đêm, hoặc sợ kẻ cướp, nhưng “sợ” được đi liền với “kính”. Lòng kính sợ xuất phát từ tình yêu mến và đức thờ phượng. Thiên Chúa là Đấng đáng yêu mến và đáng tôn thờ, vì Ngài đã dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài vẫn đang điều khiển vũ trụ, khiến cho thời gian luân chuyển, hài hòa nối tiếp nhau trong sự trật tự kỳ diệu. Người Kitô hữu là những người tôn nhận Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Chính Chúa Giêsu, Đấng từ trời mà đến, đã mạc khải cho chúng ta hình ảnh của Chúa Cha. Ngài yêu thương và dẫn dắt loài người. Không ai bị loại trừ khỏi tình thương hải hà của Chúa. Hơn nữa, “kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan” (Tv 111,10). Nhờ việc kính sợ Chúa, chúng ta được soi dẫn đường đi nước bước để thành đạt trong cuộc sống, nhờ đó, chúng ta được an vui thanh thản, vì có Chúa là Đấng dẫn đường. Vậy, kính sợ Chúa cụ thể là gì?

Kính sợ Chúa trước hết là tin tưởng phó thác nơi Ngài. Một em bé luôn coi cha mẹ mình là giỏi nhất và tốt nhất đối với em. Bởi lẽ, nơi cha mẹ, em nhận được tình thương và sự bao bọc chở che. Trong suy nghĩ đơn sơ non nớt của em, cha mẹ là chỗ trú ẩn an toàn, là sức mạnh vô biên, là tường thành vững chắc. Tín thác nơi Chúa là có tâm tình như trẻ thơ đối với cha mẹ mình. Nhờ sự tín thác, những ai tin Chúa sẽ không còn sợ hãi. Bởi lẽ họ xác tín rằng Chúa là Đấng mạnh mẽ vô song, luôn bênh vực chở che. Ngài chỉ muốn điều tốt cho họ, vì Ngài là Cha yêu thương. Sự tín thác vào Chúa còn giúp chúng ta mạnh mẽ vượt lên những nghịch cảnh của đời thường, kiên trì vững bước và không ngừng thăng tiến. Lịch sử Giáo Hội hơn hai mươi thế kỷ qua đã chứng minh, có rất nhiều người nam cũng như nữ, tưởng chừng như đã đứng bên bờ vực thẳm, nhờ lòng tín thác vào Chúa, đã chỗi dậy, can đảm chiến thắng chính mình và chiến thắng những cám dỗ để đạt tới sự hoàn thiện. Một khi có lòng tín thác nơi Chúa, người tín hữu sẽ để Chúa hoạt động nơi cuộc đời mình. Lòng tín thác giúp chúng ta hoàn toàn tuân theo ý Chúa, vì biết rằng những gì Chúa thực hiện đều nhằm mang lại cho chúng ta những điều tốt đẹp. Đức Trinh nữ Maria là mẫu gương về lòng tín thác. Khi nhận được sứ điệp từ Sứ thần Gabrien, Mẹ đã thể hiện lòng tín thác qua câu thưa “Xin vâng”. Mặc dù chưa hiểu những điều Chúa sẽ làm nơi Mẹ, Mẹ vẫn tin chắc một điều, mọi hành động của Chúa đều là tốt đẹp và sinh ơn ích cho loài người.

Kính sợ Chúa còn là chuyên tâm thực thi Thánh ý của Ngài. Trong cuộc sống đời thường, khi chúng ta yêu mến ai thì chúng ta muốn làm đẹp lòng người đó. Người chồng yêu thương vợ thì muốn có những lời nói hoặc cử chỉ để làm cho vợ mình hài lòng. Muốn cho người khác hài lòng và hạnh phúc, đó là một trong những bằng chứng của tình yêu đích thực. Khi chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta tìm hiểu Thánh ý của Chúa và chuyên tâm thực hiện những gì Chúa muốn. Sứ mạng quan trọng của Đức Giêsu khi đến trần gian là thực thi ý Chúa Cha. Từ tư tưởng đến việc làm của Người, luôn luôn nhằm làm đẹp ý Chúa Cha. Người coi việc thực hiện Thánh ý Chúa Cha là lương thực của Người: “Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thày” (Ga 4,34). Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thực hành ý của Chúa Cha để được hạnh phúc và được cứu độ. Khi thi hành Thánh ý của Chúa Cha, chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Ý muốn của Chúa Cha là muốn cho chúng ta nên hoàn thiện theo gương mẫu là Đức Giêsu. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Người. “Thánh ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời" (Ga 6,40). Tin vào Chúa Giêsu và đón nhận giáo huấn của Người là thực hành ý của Chúa Cha và như thế, chúng ta là những người kính sợ Chúa. Thực hiện Thánh ý Chúa sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, vì chúng ta biết chắc Chúa sẽ hài lòng vì những việc thiện chúng ta làm. Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho Thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện ở dưới đất cũng giống như ở trên trời. Thiên đàng là nơi Thánh ý của Chúa được thực hiện cách hoàn hảo, vì thế, không còn ghen ghét, không còn cạnh tranh và hận thù, chỉ có tình yêu bao trùm mọi sự. Hàng ngày, chúng ta cầu xin cho ý Cha được thực hiện nơi trần gian, để trần gian biến thành phác thảo đời sau. Nhờ việc thực thi Thánh ý Chúa, chúng ta đang sống nơi trần thế đã được nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đối với Thánh Phaolô, sống đẹp lòng Chúa là mối trăn trở lớn nhất của đời ngài, như ngài viết trong thư gửi giáo dân Côrinhtô: “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2 Cr 5,9). Trọn cuộc sống của mình, từ khi được gặp gỡ Đức Kitô, thánh nhân đã sống điều tâm huyết đó.

Người kính sợ yêu mến Chúa thì mong muốn cho nhiều người biết Chúa. Khi cảm nghiệm được niềm vui ngọt ngào từ mối liên hệ thân tình với Đức Giêsu, mỗi tín hữu được mời gọi giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Chính Thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, cũng đã được thôi thúc như vậy, như ngài đã chia sẻ: “Vì biết kính sợ Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục mọi người …” (2 Cr 5,11). Sứ mạng truyền giáo gắn liền với ơn gọi của người Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những “người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo”(số 120). Một cách cụ thể, truyền giáo là thể hiện lòng tín thác vào Thiên Chúa, Đấng vô hình nhưng luôn diện hiện trong đời sống con người. Ngài luôn lắng nghe nỗi lòng tâm sự của chúng ta. Truyền giáo là làm cho vương quốc yêu thương của Thiên Chúa, đã được khởi đầu nhờ giáo huấn của Chúa Giêsu, được lan rộng trong cuộc đời, nhờ đó, nhân loại được ơn cứu rỗi.

“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người…”  (Lc 1,50). Đức Maria đã hát lên bài ca tạ ơn, khi cảm nghiệm rõ ràng những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện trong lịch sử dân tộc Do Thái. Đức Mẹ cũng thấy rõ những ân ban cao cả Chúa đã ban cho mình, vì yêu thương nhân loại và muốn cho con người khắp nơi, mọi thời được ơn cứu độ. Hãy cùng Mẹ Maria hát lên bài ca cảm tạ. Hãy thực thi lòng kính sợ Chúa để nhờ đó chúng ta được Chúa xót thương và chúc lành. Lòng kính sợ Chúa có sức mạnh biến đổi cuộc đời và làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã làm người và đang hiện diện giữa chúng ta.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW