Hôn nhân bình đẳng và bền vững – Bài giảng lễ Chúa nhật XXVII Thường niên năm B

01-10-2021 Chức năng bình luận bị tắt ở Hôn nhân bình đẳng và bền vững – Bài giảng lễ Chúa nhật XXVII Thường niên năm B by

Bình đẳng và bền vững, đó là hai yếu tính của hôn nhân nói chung, nhất là đối với hôn nhân Công giáo. Bởi lẽ, Bí tích hôn nhân là mối giây ràng buộc thiêng liêng gắn bó hai người, một nam và một nữ, đến nỗi họ trở nên một xác thịt.

Khi nhận định về tình trạng hôn nhân và gia đình hôm nay, hầu hết những nhà nghiên cứu và những người có trách nhiệm đều có một cái nhìn tiêu cực. Quả vậy, trong cơn bão hưởng thụ và với quan niệm mang danh « tự do » gia đình truyền thống Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ: ly dị, phá thai, đồng tính, sống chung không đám cưới. Có những người được mệnh danh là « người của công chúng » mà kết hôn đến 5 lần. Điều đáng lo ngại là những người này lại lập luận đó là chuyện bình thường. Nguy hiểm hơn nữa, tình trạng thay vợ thay chồng như thay áo lại được quần chúng xã hội chấp nhận dễ dàng!

Khi nói đến những khó khăn trong đời sống hôn nhân, nhiều bạn trẻ lập luận: thời ông bà chúng ta ngày xưa rất dễ dàng, bởi các cụ không mấy khi ra khỏi làng, những nhu cầu vật chất của các cụ không nhiều, lại không có những hình thức giải trí và giao lưu như ngày nay, nên các cụ có thể sống với nhau trọn đời. Đối với những người này, đời sống vợ chồng sống chung thuỷ đã trở thành câu chuyện cổ tích. Lối lập luận này chỉ là một nguỵ biện. Bởi lẽ thời nào cũng thế, đời sống hôn nhân luôn đầy những sóng gió bão táp. Thời ngày xưa thì bão táp mang khuôn mặt của thời xưa. Bí quyết để chung thuỷ trong hôn nhân luôn là sự khiêm nhường, bao dung, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau.

Trong Tin Mừng hôm nay, những người Biệt phái muốn gài bẫy Chúa Giêsu. Họ muốn đưa Ngài vào một « thế khó » khi đưa ra vấn nạn về ly dị. Điều này cho thấy thời nào cũng có những tranh chấp bất đồng trong đời sống hôn nhân. Không chỉ những người Biệt phái đặt ra vấn nạn này, mà cả những môn đệ cũng làm như vậy. Như thế, xem ra các ông không hiểu lời giải thích của Chúa với những người Biệt phái, cho nên các ông mới hỏi Người khi về đến nhà. Với các môn đệ, Chúa nói một cách ngắn gọn nhưng dứt khoát: « Ai rẫy vợ mà cưới vợ người khác là phạm tội ngoại tính đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình ». Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, không có sự phân biệt về trách nhiệm giữa người nam và người nữ. Nền tảng để nhận xét trách nhiệm luân lý của một hành vi không phân biệt người đó là vợ hay là chồng, nhưng tất cả đều như nhau.

Từ một vài thập niên trở lại đây, có những tổ chức, phong trào đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ. Vấn đề này đã được nêu từ thời Cựu ước. Bài đọc I trích sách Sáng thế, là cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh, đã nói lên điều này. Sự bình đẳng nam nữ trước hết là trong công trình sáng tạo. Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Tác giả trình bày việc Thiên Chúa lấy chiếc xương sườn của ông Ađam – người đàn ông đầu tiên – để tạo nên bà Evà. Cách diễn tả này muốn khẳng định sự bình đẳng giữa cặp vợ chồng đầu tiên này. « Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! ». Câu cảm thán của Ađam như một tiếng kêu vui mừng hân hoan vì từ nay có người trợ tá, đồng thời cũng nói lên sự bình đẳng ngang hàng.

Bình đẳng và bền vững, đó là hai yếu tính của hôn nhân nói chung, nhất là đối với hôn nhân Công giáo. Bởi lẽ, Bí tích hôn nhân là mối giây ràng buộc thiêng liêng gắn bó hai người, một nam và một nữ, đến nỗi họ trở nên một xác thịt. Đây là ý định của Thiên Chúa từ khởi đầu của lịch sử. Đức Giêsu nhắc lại giáo huấn này, đồng thời khẳng định, nếu ông Môisen có cấp giấy ly dị cho một số trường hợp là vì sự yếu đuối và cứng lòng của con người.

Là thân phận tạo vật, con người không thể nhân danh tự do để làm bất kỳ những gì mình muốn. Giáo huấn của Kinh Thánh khẳng định với chúng ta: hãy làm những gì Chúa muốn, để được hạnh phúc lâu bền. Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu nỗi lòng, cùng với những khó khăn của mỗi chúng ta, Thiên Chúa không phải là một ý tưởng hay một ngẫu tượng, nhưng là Đấng Tạo thành và là Cha giàu lòng thương xót. Qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã trở nên gần gũi đối với con người, để đồng hành, lắng nghe, nâng đỡ và an ủi họ. Chính Đức Giêsu đã sống kiếp phàm nhân, đã thấu hiểu nỗi đau của con người trong cuộc đời nhân thế. Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta những điều răn và những huấn lệnh, nhưng còn cho chúng ta chính Con Một của Ngài, tức là Ngài ban chính mình Ngài cho chúng ta. Tác giả thư Do Thái (Bài đọc II) đã diễn tả điều ấy.

«Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly». Trước tình trạng người ta thay vợ thay chồng như thay áo hôm nay, Giáo Hội vẫn rao giảng giáo huấn của Chúa, bởi vì đây là Thiên Luật, tức là luật của Thiên Chúa, bền vững vĩnh cửu. Giáo Hội có bổn phận khẳng định rằng, con người phải phụng sự Thiên Chúa, chứ không được phép bắt Thiên Chúa phải phụng sự mình. Những ai muốn đạt được hạnh phúc đích thực đời này và đời sau, phải tuân giữ những gì Chúa đã truyền dạy. Nếu họ chưa gia nhập Giáo Hội, ít là họ phải sống theo lương tâm, vì lương tâm cũng là lề luật của Thiên Chúa in vào tâm khảm của con người, nhằm giúp con người nên hoàn thiện.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo nêu rõ: « Chủ trương sống phóng túng phát xuất từ quan niệm sai lạc về sự tự do của con người. Muốn có tự do đích thực, điều tiên quyết là con người phải được giáo dục về luật luân lý. Phải đòi hỏi những người có trách nhiệm giáo dục dạy cho người trẻ biết tôn trọng sự thật, các phẩm chất của trái tim và phẩm giá luân lý và thiêng liêng của con người » (số 2526). Theo giáo huấn trên đây, một xã hội lành mạnh phải khởi đi từ ý thức của những thành viên trong xã hội đó. Giáo dục nhân bản và giới tính là điều kiện căn bản giúp con người hiểu và sống tự do, nhờ đó họ trưởng thành và cùng cộng tác xây dựng một cuộc sống nhân ái và hoà bình.

Qua cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Đó không phải là mối tương quan nô lệ hay cưỡng ép, nhưng là tự do và sự phó thác, với xác tín rằng Thiên Chúa luôn muốn những điều tốt đẹp cho những ai tin cậy nơi Ngài.

Nên giống như trẻ em, đồng thời đón nhận Nước Trời với tâm hồn trẻ thơ, đó là bí quyết để nên hoàn thiện. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã cảm nhận được điều này. Tâm tình trẻ thơ đã làm cho Bà trở thành một đấng thánh và là mẫu mực cho những ai muốn nên giống Chúa Giêsu.

Nên giống như trẻ thơ, đó cũng là một điều kiện để trở nên môn đệ Đức Giêsu. Chúng ta nhớ lại, cũng trong Tin Mừng Thánh Máccô (x Mc 9,35-37), trong lúc các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã đặt một em nhỏ vào giữa các ông, đồng thời Người cho thấy Người đồng hoá với các em nhỏ này. Không những thế, « ai đón tiếp em nhỏ này là đón tiếp Thày, ai đón tiếp Thày là đón tiếp Đấng đã sai Thày ». Tinh thần trẻ thơ không phải là sự ngây thơ ấu trĩ, nhưng đó là sự tin tưởng hoàn toàn, sự vâng lời tín thác, sự đơn sơ khó nghèo và lắng nghe chân thành.

Gia đình là nền tảng của xã hội và của Giáo Hội. Gia đình cũng là trường học đầu tiên, nơi con người được rèn luyện và hình thành nhân cách. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người ý thức được sự thánh thiêng của gia đình và giá trị của hôn nhân, để một khi gia đình bền vững, tương lai xã hội và Giáo Hội sẽ tốt đẹp và tươi sáng.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW