Hãy tỉnh thức – Bài giảng Chúa nhật I Mùa vọng năm C

27-11-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Hãy tỉnh thức – Bài giảng Chúa nhật I Mùa vọng năm C by

Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để nhận ra Chúa đang đến trong đời mình: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”. Mỗi ngày, Chúa đang đến để gặp gỡ chúng ta. 

Mùa Vọng đã về. Nói đến Mùa Vọng, chúng ta nghĩ ngay đến những điệu nhạc du dương, những trang hoàng lộng lẫy, những kiểu mẫu đầu tóc, quần áo sành điệu. Lời Chúa hôm nay lại nhấn mạnh đến sự tỉnh thức, như một điều kiện cốt lõi của đời sống Đức tin. Một số người ngày nay thường thích nói công thức thuộc lòng: ngày lễ Giáng Sinh không còn của riêng của người Công giáo, nhưng của cả xã hội. Công thức này hàm chứa một quan niệm lệch lạc, đó là coi ngày kỷ niệm Chúa giáng trần như một lễ hội truyền thống mà quên đi chiều kích thiêng liêng và sứ điệp của việc Chúa đến trần gian. Bởi lẽ Hài Nhi Giêsu đã làm người từ hơn hai ngàn năm nay để cứu nhân độ thế và để mời gọi con người hãy tỉnh thức để lắng nghe và thực hiện giáo huấn của Người. 

Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để nhận ra Chúa đang đến trong đời mình: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”. Mỗi ngày, Chúa đang đến để gặp gỡ chúng ta. Đức Thánh Cha Benêđitô đã định nghĩa: Đức tin là cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa. Nhờ Đức tin, chúng ta được gặp Ngài, có thể nói chuyện với Ngài, thân thưa với Ngài biết bao chuyện vui buồn của cuộc sống. Nhờ gắn bó với Chúa, cuộc đời chúng ta thuộc trọn về Ngài, “Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức, vẫn tin yêu một mực chân tình” (Thánh thi Kinh tối). Chúa hiện diện qua vẻ đẹp huy hoàng của vũ trụ, qua cha mẹ và những người bạn tốt biết lắng nghe và đồng cảm với chúng ta. Chúa còn hiện diện cách đặc biệt qua Lời Chúa và Thánh Thể. Mỗi khi suy niệm và thinh lặng tôn thờ, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Ngài. Có Chúa trong đời, chúng ta không còn cô đơn. Nghe lời Chúa, chúng ta không sợ lầm lạc. Tín thác nơi Chúa, chúng ta không sợ thất vọng. Trong xã hội hôm nay, dường như Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi biết bao thứ âm thanh hỗn tạp của đam mê quay cuồng. Chúng ta cần tỉnh thức và dành một chốn riêng tư trong tâm hồn, nhờ đó chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời. 

Sống trong cuộc đời, chúng ta cũng cần tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ thời đại. “Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng ngự trong đám mây mà đến”. Công đồng Vatican II đã chỉ rõ: “Để chu toàn phận vụ ấy (bổn phận phục vụ con người), Giáo Hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng của Tin Mừng; như vậy, Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người, về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống, cũng như những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó” (MV 4). Mỗi ngày, xung quanh chúng ta, có biết bao sự việc xảy đến, Đức tin và Lời Chúa mách bảo chúng ta, hãy nhìn nhận những vụ việc ấy như những dấu chỉ của thời đại, tức là mỗi sự kiện xảy đến đều kèm theo một sứ điệp, như lời cảnh báo chúng ta hãy thận trọng và khôn ngoan, hoặc hãy tin tưởng phó thác nơi Chúa quan phòng. Nếu biết “giải mã” các dấu chỉ thời đại, chúng ta sẽ nhận ra thánh ý của Chúa để thực hành, và như thế, chúng ta tìm được sự bình an. 

Sau cùng, chúng ta cũng cần tỉnh thức để nhận ra mọi người đều là anh chị em: Mỗi người sống trên đời không phải là một ốc đảo cô đơn, nhưng sống cùng và sống với mọi người trong cộng đồng xã hội. Hơn nữa, là tín hữu, chúng ta còn có sự bao bọc nâng đỡ của cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Đức tin khẳng định, họ cùng là anh chị em với chúng ta, và cùng là con của Cha trên trời. “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy”. Tình yêu thương là nền tảng của mọi cộng đoàn Đức tin, là điều kiện cốt lõi để công cuộc truyền giáo có hiệu quả. Lễ Giáng Sinh sẽ trở nên vô nghĩa nếu được cử hành với tâm trạng thù oán chia rẽ. Chúa Hài Nhi sẽ không ngự đến nơi những tâm hồn ích kỷ khép kín hoặc chứa đầy tham vọng. Giuse, Maria, những mục đồng, đó là những có tấm lòng rộng mở để đón Chúa đến trong đời. 

“Đức Chúa là sự công chính của chúng ta”. Đây là danh xưng của Chúa, vừa là một mơ ước về một cuộc sống tương lai, khi con người sống hài hòa với nhau, không còn chia rẽ, không còn hận thù, nhưng chỉ còn sự công chính của Chúa bao trùm vũ trụ và toàn thể nhân loại.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW