Hãy dọn cho họ ăn – Bài giảng Chúa nhật XVII thường niên B

26-07-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Hãy dọn cho họ ăn – Bài giảng Chúa nhật XVII thường niên B by

“Hãy dọn cho họ ăn”, lời mời gọi không dừng lại ở sự chia sẻ vật chất, nhưng nhắc đến mọi khía cạnh đa dạng của cuộc sống. Thánh Gioan Phaolô II đã mong ước mỗi cộng đoàn Kitô hữu trở nên những “Cộng đoàn Thánh Thể”, tức là cộng đoàn lấy Thánh Thể làm trung tâm cho mọi hoạt động, liên kết với nhau trong tình bác ái yêu thương để diễn tả hình ảnh sống động của Giáo Hội, là Thân Thể Đức Kitô và là phác thảo đời sau.

Thời nào cũng vậy, con người luôn có nhu cầu cần lương thực. Đó là nhu cầu căn bản của con người, như người ta thường nói : “Có thực mới vực được đạo”. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo thành con người và đặt họ trong vũ trụ. Ngài cũng dùng những sản phẩm từ thiên nhiên để nuôi sống con người. Nếu biết sử dụng đúng mức và công bằng, trái đất này không bao giờ thiếu lương thực nuôi sống con người. Tuy vậy, trong thực tế, mức sống của mọi người lại khác nhau. Hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trên thế giới luôn có những người nghèo khổ đói ăn, trẻ em suy dinh dưỡng, người bệnh không có thuốc, trong khi đó lại có những người giàu ăn tiêu phung phí. Trong bối cảnh đó, Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta: “Hãy dọn cho họ ăn”. Đây là lời mời gọi chia sẻ tinh thần và vật chất để xoa dịu nỗi đau của đồng loại và xây dựng một xã hội công bằng.

“Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”. Khi viết lại câu hỏi của Chúa Giêsu, Tác giả Gioan còn ghi chú thêm: Người có ý hỏi thử ông Philipphê, vì chính Người biết việc Người sắp làm. Việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, vừa chứng minh quyền năng thiên sai của Người, vừa nói lên sự quan tâm chăm sóc của Chúa dành cho những ai nhiệt tâm theo Người vào tận sa mạc. Qua đó, Chúa khẳng định: những ai tin cậy phó thác nơi Chúa, Người sẽ không bỏ rơi họ. Đời sống cá nhân của mỗi tín hữu chúng ta ít nhiều đã chứng minh điều đó. Có những lúc ngặt nghèo túng quẫn, Chúa đã ra tay phù giúp chúng ta. Nhiều khi chúng ta không nhận ra sự can thiệp diệu kỳ của Chúa, mà lại coi đó như một điều ngẫu nhiên. Hôm nay cũng như trong suốt lịch sử, Thiên Chúa vẫn đồng hành với chúng ta và vẫn sẵn sàng ban cho chúng ta những ơn cần thiết trong cuộc đời.

“Hãy dọn cho họ ăn”, đó là lời mời gọi chia sẻ với tha nhân. Xã hội văn minh hôm nay đang tạo ra những “cỗ người máy”, sống vô cảm trước nỗi đau của người khác. Một số người làm ăn phát đạt giàu có lại khép lòng trước người nghèo và những hoạt động công ích. Sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn gửi gắm chúng ta qua việc hóa bánh ra nhiều, đó là sự chia sẻ với tha nhân. Những chuyên viên nghiên cứu khẳng định rằng, nếu của cải vật chất trên trần gian này được phân phối đồng đều, thì sẽ không còn người đói khát và nghèo khổ. Chúng ta vui mừng vì những năm gần đây, ngày càng có nhiều người quan tâm đến những hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó bất hạnh và nạn nhân thiên tai. Đó là những điểm sáng bừng lên giữa đêm đen, khẳng định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có những tấm lòng nhân ái. Bên cạnh đó, hằng năm đều có những người cán bộ lợi dụng chức quyền ăn chặn tiền hỗ trợ dành cho người nghèo, làm mất niềm tin và ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo.

Có người đặt câu hỏi: “Tại sao Chúa không tiếp tục nhân bánh ra nhiều để nuôi con người như được thuật lại trong Tin Mừng?”. Chúng ta nhớ lại lời Chúa quở trách người Do Thái, vì họ tìm Chúa không phải vì lòng yêu mến hay vì thấy những dấu lạ, nhưng vì đã được ăn bánh no nê hôm trước (x. Ga 6, 26). Người không muốn biến đức tin của con người thuần túy vì mục đích trần tục. Thiên Chúa cũng không phải là một người giữ kho, ai cần thì đến xin phát chẩn. Hơn nữa, Chúa Giêsu có thể phán một lời để có số bánh nuôi dân chúng, nhưng Người lại làm bánh ra nhiều khởi đi từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá một bé trai mang theo. Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta: những điều kỳ diệu khởi đi từ sự sẻ chia của con người, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

“Hãy dọn cho họ ăn”, giáo huấn về quyền năng của Thiên Chúa và lời mời gọi chia sẻ xuyên suốt bề dày lịch sử cứu độ. Ngôn sứ Elisê, với hai mươi chiếc bánh lúa mạch, đã nuôi hằng trăm người ăn no, nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Phép lạ kỳ diệu này đến từ lòng xác tín và cậy trông của Elisê. Ông tin chắc điều ông xin sẽ được Chúa nhận lời, và quả đúng như vậy (Bài đọc I).

Phép lạ nhân bánh được cả bốn Tin Mừng kể lại, như hình ảnh báo trước Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập trong bữa Tiệc ly. Nếu ngày xưa, Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn người trong sa mạc, thì hôm nay, trên bàn thờ khắp thế giới, Chúa vẫn đang tiếp tục hiến mình làm của nuôi sống các tín hữu. Nhờ của ăn thiêng liêng là Bí tích Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng và tăng thêm sức mạnh. Bí tích Thánh Thể cũng cho chúng ta được hiệp thông với Chúa và hiệp thông với anh chị em mình. Tình hiệp thông giữa các tín hữu được so sánh với một thân thể con người, gồm nhiều bộ phận mà làm nên sự duy nhất, nhờ vậy mà mọi tín hữu có cùng một đức tin, một phép rửa, một niềm hy vọng, vì cùng là con Thiên Chúa, Đấng là Cha chung của chúng ta (Bài đọc II).

“Hãy dọn cho họ ăn”, lời mời gọi không dừng lại ở sự chia sẻ vật chất, nhưng nhắc đến mọi khía cạnh đa dạng của cuộc sống. Thánh Gioan Phaolô II đã mong ước mỗi cộng đoàn Kitô hữu trở nên những “Cộng đoàn Thánh Thể”, tức là cộng đoàn lấy Thánh Thể làm trung tâm cho mọi hoạt động, liên kết với nhau trong tình bác ái yêu thương để diễn tả hình ảnh sống động của Giáo Hội, là Thân Thể Đức Kitô và là phác thảo đời sau.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW