Hai môn đệ trên đường Emmaus – Chúa Nhật III Phục Sinh A

25-04-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Hai môn đệ trên đường Emmaus – Chúa Nhật III Phục Sinh A by

HAI MÔN ĐỆ TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS
Cv 2, 14.22-33; 1Pr 1, 17-21; Lc 24, 13-25

I. LỜI ĐẦU LỄ

Hôm nay, CN-III-PS, lời Chúa thuật lại cho chúng ta câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus. Khi Đức Giêsu -Thầy của các ông đã chết, giữa lúc thất vọng, chán nản ê chề, bỏ cuộc, thì Chúa phục sinh hiện đến đồng hành và đồng bàn với các ông; để rồi khi nhận ra Chúa, họ hân hoan trở về Giêrusalem loan báo tin vui cho các tông đồ.

Tham dự thánh lễ hôm nay, như hai môn đệ Chúa ngày xưa, xin cho chúng ta nhận ra Chúa phục sinh đang đồng hành và nói với chúng ta qua lời Chúa; và nhất là xin cho chúng ta nhận ra Chúa phục sinh khi cùng nhau chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể trong thánh lễ này.

II. CHIA SẺ

Một chàng sinh viên sắp tốt nghiệp, tương lai sán lạn phía trước. Một hôm, đi khám bệnh và bác sĩ kết luận: anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Khi biết kết quả bệnh án, anh bàng hoàng, tuyệt vọng!]

Trong cuộc sống, ta thường theo đuổi một mục đích gì, hay tự đặt cho mình một kỳ vọng. Nhưng khi mục đích không đạt được hay kỳ vọng không thoả mãn, ta dễ chán nản, thất vọng, có khi tuyệt vọng. Tuyệt vọng là dấu chấm hết, là kết thúc bi thảm của một hữu thể có lý trí! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc sinh thời, đã sáng tác bài hát rất hay: Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là em. Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm. Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này…”

Hai môn đệ người làng Emmaus, trong đoạn tin mừng chúng ta vừa nghe, có lẽ cũng thế! Các ông đã từng tràn trề hy vọng, để rồi cũng đã có lúc ê chề thất vọng.

Các ông theo Chúa và tràn trề hy vọng sẽ được đổi đời. Nhưng giờ đây, hy vọng đổi đời đã tan thành mây khói. Sự việc xảy ra đã ba ngày rồi; đó là Đức Giêsu, Đấng mà các ông tin tưởng là một tiên tri, có quyền năng trong lời nói và hàng động; những tưởng rằng, với quyền năng của một vị tiên tri cao cả, Ngài sẽ giải thoát Isreel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma; và các ông sẽ có một địa vị nào đó trong vương quốc mà các ông tưởng Thầy mình sẽ thiết lập! Nào ngờ, Ngài đã bị bắt nộp và bị giết chết. Khi tảng đá lấp cửa mồ là mọi hy vọng của các ông cũng chấm hết, các ông buồn bã bỏ Giêrusalem, thất thểu về quê, chấp nhận trở về với cuộc sống đời thường tẻ nhạt.

1. Phục sinh: sự thật không dễ tin

Lắng nghe câu chuyện về hai môn đệ làng Emmaus, chúng ta thường trách các ông sao mà kém đức tin, sao mà mau chán nản. Thực ra, việc Đức Giêsu phục sinh không phải là một điều dễ tin đối với các tông đồ và các môn đệ của Chúa. Bởi vì, điều các ông biết một cách chắc chắn là tận mắt chứng kiến Đức Giêsu -Thầy của các ông- đã chết trên thập giá; còn việc Ngài sống lại -dù đã được báo trước nhưng cho đến thời điểm đó- cũng vẫn chỉ là tin đồn từ miệng các phụ nữ. Mà phụ nữ thì ít lý trí, nhiều cảm tính; có khi ‘thần hồn nát thần tính’ nhìn thấy ‘ma’ không chừng!

Thật vậy, họ cũng đã từng nghe mấy phụ nữ từ mồ Chúa trở về kể lại chuyện gặp thiên thần báo tin Chúa đã sống lại. Tuy nhiên, để chọn lựa giữa cái chắc chắn và tin đồn, các ông đã chọn cái chắc chắn, một cái chắc chắn ‘bằng mắt trần’ đưa đến thất vọng và thối lui.

2. Phục sinh: sự thật cần được tin và loan báo

Nhưng trong khi các ông thối lui trong ê chề thất vọng thì Chúa phục sinh đã hiện ra đồng hành với các ông; Ngài -trong diện mạo một người khách bộ hành- đã kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ nỗi niềm của các ông; đã dùng Kinh thánh để soi sáng lòng trí các ông trên suốt hành trình dài; nhất là, Ngài đã dùng “Việc Bẻ Bánh” để các ông nhận ra Ngài. Qua dấu chỉ hết sức quen thuộc gợi lại ‘kỷ niệm xưa’ là bẻ bánh, trí các ông bừng tỉnh, mắt các ông bừng sáng, cuộc đời các ông bừng lên niềm hy vọng.

Vâng, chính Chúa phục sinh đã kéo 2 môn đệ làng Emmaus ra khỏi nỗi ê chề thất vọng. Ngài đã biến đổi đôi chân nặng nề của các ông trở nên nhanh nhẹn để các ông mau mắn chạy trở lại Giêrusalem loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ. [Đường từ Giêrusalem đến Emmaus trời còn sáng nhưng lòng các ông buồn bã u tối. Đường từ Emmaus trở lại Giêrusalem tuy trời đã tối nhưng lòng các ông hân hoan, bừng sáng!]

Qua diễn tiến của câu chuyện, chúng ta nhận thấy việc các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn lắng nghe Lời Chúa và giai đoạn tham dự việc Chúa Bẻ Bánh. Suốt hành trình, Chúa nói với họ để họ được củng cố đức tin; trong bàn tiệc, Chúa bẻ bánh để họ nhận ra Ngài.

3. Câu chuyện Emmaus: câu chuyện thánh lễ

Những gì đã xảy ra với hai môn đệ làng Emmaus cũng đang xảy ra hằng ngày với chúng ta hôm nay trong mỗi thánh lễ; bởi thánh lễ cũng gồm hai phần chính: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Phần phụng vụ lời Chúa, chúng ta được lắng nghe lời Chúa và nhờ đó đức tin của chúng ta được củng cố; phần phụng vụ Thánh Thể, chúng ta được đồng bàn, được Chúa ‘bẻ bánh’ trao ban.

4. Câu chuyện Emmaus: câu chuyện đời chúng ta hôm nay

Đối chiếu với hoàn cảnh của hai môn đệ ngày xưa, chúng ta nhận thấy, cuộc sống của chúng ta ngày nay cũng đan xen giữa thất vọng và hy vọng! Có thể thất vọng vì những điều chắc chắn mà chúng ta thấy bằng ‘mắt trần’ có thể là một cơn bệnh kéo dài, một tình trạng gia đình nhiều bất hòa chia rẽ, một dự án giở dang bất khả thi, tình trạng virut Côvít-Côvi đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, đang gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống và đe dọa mạng sống chúng ta… bao nhiêu cái chắc chắn làm cho cuộc sống của chúng ta ra tăm tối, bất ổn, chán nản, thất vọng.

Qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, xin cho chúng ta tin tưởng Chúa Phục Sinh vẫn đang đồng hành với chúng ta dọc suốt hành trình cuộc sống (x. bài hát ‘Hai dấu chân’ của cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống).

Xin cho chúng ta biết đến với Chúa trong thánh lễ mỗi ngày -hay ít là mỗi Ngày thứ nhất trong tuần -tức là ngày Chúa nhật- để qua việc lắng nghe Lời Chúa, lòng chúng ta bừng cháy lên niềm vui; và qua ‘dấu chỉ’ của việc bẻ bánh, chúng ta nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Ngài vẫn đang hiện diện ban Lời và ban Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta… Như thế, cuộc đời chúng ta sẽ ngập tràn hân hoan; và với tâm hồn mà hy vọng đã được lấp đầy bởi Đấng Phục sinh (hopeful), sau thánh lễ (Missa est), chúng ta mới có thể hân hoan đi (ite) vào cuộc sống và loan báo Tin mừng Chúa phục sinh cho anh chị em mình, như lời nhắn nhủ của linh mục khi kết thúc thánh lễ “Ite, missa est”. Amen.

Nguồn: Dom Nguyễn

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW