Gặp Chúa trong đời

04-07-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Gặp Chúa trong đời by

Một trong những định nghĩa về Đức tin được Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đề nghị là sự gặp gỡ thân tình với Chúa (x. Deus Caritas est, 1). Nói đến gặp gỡ, là nói đến sự tiếp xúc giữa hai cá nhân hoặc giữa hai tập thể. Cuộc gặp gỡ bao giờ cũng có một mục đích rõ ràng, nhằm tới sự cảm thông hay giao lưu chia sẻ. Vì thế mà “gặp gỡ” thì khác với “nhìn thấy”. Mỗi khi ra khỏi nhà, tôi thấy bao nhiêu người đi lại ngược xuôi, nhưng đó chưa hẳn phải là những cuộc gặp gỡ.

Mặc dù chúng ta đã được Chúa ban cho Đức tin khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, nhưng ít người trong chúng ta thường xuyên ý thức chủ động gặp gỡ Chúa trong đời sống hằng ngày. Đức tin là một ân ban của Chúa, như một món quà tặng, nhưng không phải để cất giữ mà  để người lãnh nhận làm cho lớn lên mỗi ngày. Vì là một quà tặng, nên người nhận có thể giữ được và cũng có thể đánh mất, hoặc có thể chối từ. Cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa sẽ làm cho Đức tin được lớn lên. Thánh Augustino đã viết: Người tín hữu càng tin thì Đức tin càng lớn lên trong họ”.

Do thiếu hiểu biết giáo lý, nhiều tín hữu không thể gặp Chúa hoặc họ không nỗ lực để kiếm tìm gặp Ngài. Đối với họ, Đức tin chỉ dừng lại ở một số tín điều phải tin, như những công thức suông, hoàn toàn tách biệt với đời sống hằng ngày. Những thực hành Đức tin như đi lễ, đi nhà thờ, thường chỉ được làm cách chiếu lệ. Có thể họ cũng tìm thấy niềm vui khi đến nhà thờ, nhưng đó chỉ là niềm vui bề ngoài, hiếm khi họ được gặp Chúa. Người tín hữu mà không gặp gỡ Chúa thì Đức tin của họ sẽ trở thành nhàm chán, đơn điệu và mai một. Đó là do tại sao có nhiều tín hữu xa rời nhà thờ hoặc lung lạc Đức tin.

Thiên Chúa vẫn luôn chủ động tỏ mình cho chúng ta. Qua Đức Giêsu Kitô, Ngài hạ cố đến gặp gỡ con người và trò chuyện với họ. Thiên Chúa đến gặp gỡ con người và Ngài mởi gọi họ mở lòng để đón nhận Ngài. Suốt bề dày của lịch sử nhân loại, có biết bao người nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo, đã được gặp Chúa và họ đã trở nên hoàn thiện. Nhờ việc gặp gỡ Chúa, biết bao người đã từ bỏ lối sống tội lỗi hằn thù để sống thánh thiện yêu thương.

Làm thế nào để gặp gỡ Chúa? Thưa, chúng ta có thể gặp gỡ Chúa bằng ba cách sau đây:

Cầu nguyện: Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, là đối thoại với Ngài. Khi đối thoại, ta vừa nghe Chúa nói với ta, đồng thời ta cũng trao gửi nơi Ngài những ưu tư trăn trở của cuộc sống. Trong cuộc tâm sự này, ta được kết hợp thân mật với Chúa, lòng kề lòng để đón nhận nơi Ngài sự ủi an nâng đỡ. Cầu nguyện không chỉ bằng lời, mà quan trọng hơn là bằng trái tim. Ông Mahatma Gandhi đã viết: “Trong cầu nguyện, thà có trái tim mà không thốt nên lời còn hơn thốt nên lời mà thiếu vắng trái timIn prayer it is better to have a heart without words than words without a heart”. Khi cầu nguyện, ta cảm nhận sự yếu đuối và bất lực của thân phận con người, và vì thế ta rất cần đến Chúa. Cầu nguyện còn là những tâm tình yêu mến, nói mãi mà không hết, như con thảo thưa với cha mẹ, như bạn trẻ tâm sự với người yêu. Đó là lý do tại sao có những đan sĩ hoặc những tín hữu đạo đức hằng ngày chìm mình lâu giờ trong lời cầu nguyện. Đối với họ, cầu nguyện giống như hơi thở cho thân xác, như lương thực cho cuộc sống hằng ngày. Khi cầu nguyện, họ thực sự được gặp Chúa. Lời cầu nguyện cũng đem lại cho chúng ta sức mạnh và sự bình an. Ông Thomas Fuller đã có một so sánh rất ý vị về lời cầu nguyện: “Lời cầu nguyện: chìa khóa của ban ngày và ổ khóa của ban đêmPrayer: the key of the day and the lock of the night”. Chìa khóa để bước qua những cánh cửa, tiến vào một thế giới mới. Ổ khóa để giữ cho mọi người bình yên, không còn lo lắng trộm cắp hoặc bất kỳ sự quấy rầy nào trong đêm khuya.

Lắng nghe Lời ChúaAi nghe lời tôi mà đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan xây nhà trên đá, dù nước lũ mưa sa, nhà ấy vẫn chắc chắn”. Đức Giêsu là Lời của Chúa Cha. Lời ấy đã nhập thể làm người để nói với chúng ta bằng ngôn ngữ con người, giúp chúng ta dễ dàng lĩnh hội được thánh ý của Chúa Cha và thực hành trong cuộc sống. Phúc Âm hay Tin Mừng là Lời của Chúa, nhằm sửa dạy và giáo huấn con người, giúp họ sống tốt với Chúa và với anh chị em. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính (2 Tm 3,16). Khi đọc Lời Chúa, ta không thể đọc giống như đọc báo chí hoặc tiểu thuyết, nhưng việc đọc Lời Chúa phải đi đôi với lời cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Chính Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho các tác giả viết Sách Thánh, và ngày nay Ngài lại soi sáng giúp ta hiểu ý nghĩa của Sách Thánh. Chúa Giêsu đã hứa sai Thần Chân Lý đến với các tín hữu để giúp họ nhớ lại giáo huấn của Chúa. Khi chân thành lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở và tâm hồn yêu mến, chúng ta sẽ được gặp gỡ Chúa trong đời.

Chia sẻ bác ái: Con người sống trên trần gian có được những tài sản vật chất là do Thiên Chúa ban. Họ là những người được Chúa trao cho quản lý. Nói cách khác, Chúa ban cho họ trí thông minh, cơ hội thuận lợi hoặc có người giúp đỡ để thành đạt trong cuộc sống. Chính vì thế, những ai dồi dào về vật chất phải có trách nhiệm với anh chị em mình đang đói nghèo túng cực. Người tín hữu Việt Nam chúng ta chưa ý thức về điều này. Chính vì vậy, ở nước ta có rất nhiều đại gia, những người giàu có xây những biệt thự lớn như cung điện và tiêu xài hoang phí, trong khi đó có rất nhiều người già cả neo đơn và bệnh tật bị bỏ rơi. Khái niệm “chia sẻ” không dừng lại ở vật chất, nhưng còn được hiểu rộng hơn ở mọi lãnh vực, như sự động viên khích lệ dành cho một người đang bi quan chán nản, sự bao dung với anh chị em lầm lỗi, lời thăm hỏi hoặc sự hiện diện đối với người cô thế cô thân. Bác ái là cốt lõi của Đạo Kitô, là giới răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu dạy chúng ta. Khi thực hành bác ái, chúng ta được gặp gỡ Chúa, bởi vì Người đồng hóa với những người bé mọn, tù đầy, không nhà không cửa và khổ đau bất hạnh (x Mt 25).

Gặp Chúa trong đời, đó là đích điểm của cuộc sống người tín hữu. Khi được gặp Chúa, chúng ta đã khởi đầu hạnh phúc thiên đàng ngày ở đời này, trong khi chờ đợi được chiêm ngưỡng Chúa cách trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu. Chuyên tâm cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, thực thi bác ái, đó là những phương pháp giúp ta gặp Chúa. Tuy vậy mỗi người chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, có thể gặp Chúa bằng những con đường khác, miễn là chúng ta có con tim rộng mở và tình yêu chân thành.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW