Được rửa tội và được sai đi – Bài giảng Chúa nhật truyền giáo 2019

18-10-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở Được rửa tội và được sai đi – Bài giảng Chúa nhật truyền giáo 2019 by

Khái niệm “được sai đi” gắn liền với Bí tích Thanh tẩy. Bởi lẽ Bí tích này trao cho chúng ta ba sứ mạng quan trọng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Chính vì thế, người giáo dân không được giữ lối suy nghĩ cũ kỹ trước đây coi việc truyền giáo là của “nhà tu” hoặc của một số người được tuyển lựa. Mỗi tín hữu đều có bổn phận thực thi sứ mạng này, tùy hoàn cảnh, khả năng và điều kiện của mình.

“Được rửa tội và được sai đi, Giáo Hội Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”, đó là chủ đề cho tháng Mười năm nay, được Đức Thánh Phanxiccô tuyên bố là “Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường”. Mục đích của Tháng truyền giáo ngoại thường là giúp các tín hữu thấy tính thời sự và cấp thiết của công cuộc loan báo Tin Mừng, vì lời Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan truyền Tin Mừng vẫn mang tính thời sự. Công đồng Vantican II khẳng định: “Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội lữ hành”. Tuy vậy, trong suy tư và thực hành của số đông những người Công giáo, khái niệm “Truyền giáo” thực sự ít được để ý đến. Làm thế nào để hâm nóng nơi mỗi người tín hữu tinh thần truyền giáo, là căn bản của đời sống Kitô hữu? Đó là một trong những băn khoăn của Giáo Hội, của Đức Thánh Cha và của những vị chủ chăn ở mọi cấp độ.

Khái niệm “được sai đi” gắn liền với Bí tích Thanh tẩy. Bởi lẽ Bí tích này trao cho chúng ta ba sứ mạng quan trọng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Chính vì thế, người giáo dân không được giữ lối suy nghĩ cũ kỹ trước đây coi việc truyền giáo là của “nhà tu” hoặc của một số người được tuyển lựa. Mỗi tín hữu đều có bổn phận thực thi sứ mạng này, tùy hoàn cảnh, khả năng và điều kiện của mình. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, một nữ tu sống trong Đan viện Các-men, không bao giờ ra ngoài và không tiếp xúc với ai. Tuy vậy, thánh nữ có tinh thần truyền giáo, qua những ước ao cháy bỏng để “đem Thánh giá đi trồng tại mọi miền đất trên thế giới” như lời Thánh nữ đã viết. Vì vậy, Thánh nữ cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội bằng lời cầu nguyện. Nhiệt huyết truyền giáo được thể hiện qua những lời cầu nguyện sốt sắng và những hy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Vì lẽ đó, Thánh Têrêsa được đặt làm Bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với Thánh Phanxicô Xaviê, là người rảo khắp vùng Á châu để rao giảng Tin Mừng. Qua việc chọn Thánh Têrêsa làm Bổn mạng các xứ truyền giáo, Giáo Hội khẳng định với chúng ta: hiệu quả của công cuộc truyền giáo không chỉ đến từ những hoạt động bên ngoài, mà còn đến từ lời cầu nguyện và những thao thức làm cho Chúa Giêsu được mọi người nhận biết.

Nhìn lại thực tế các cộng đoàn tín hữu Công giáo tại Việt Nam, một tác giả đã nhận định: “Giáo dân tự hài lòng và an tâm với những sinh hoạt và tổ chức nội bộ, chưa ý thức vận dụng những thuận lợi sẵn có này cho công cuộc truyền giáo. Các linh mục chuyên chăm việc mục vụ hơn là truyền giáo, ưu tiên lo cho giáo dân hơn là đi tìm lương dân, hoạt động nghiêng về điều hành hơn là mở rộng, quản lý hơn là khám phá, suy nghĩ theo lối mòn hơn là tư duy cải biến, chuộng an thân hơn là dấn thân” (Trích bài viết của Lm G.B Trương Thành Công trong buổi gặp gỡ tại Vinh từ ngày 21-23/8/2019 do UB LBTM của HĐGM VN tổ chức). Quả vậy, hầu hết nơi các cộng đoàn và các cá nhân, chúng ta hài lòng với một tổ chức ổn định trong giáo xứ, nên ít để ý tới việc “đi ra các vùng ngoại biên” như Đức Thánh Cha mời gọi.

“Tháng truyền giáo ngoại thường” đã đến phần cuối và sẽ kết thúc. Tuy vậy tinh thần truyền giáo gắn liền với đời sống đức tin của người Kitô hữu. Cũng trong bài viết được nêu trên đây, tác giả nêu ba bước trong lộ trình truyền giáo cho lương dân: tiếp cận, xây dựng yêu thương và kể lại những điều may lành Chúa làm cho bản thân, như chứng từ chân thực về đức tin và vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Phương pháp này nhằm tạo sự thân thiện đối với anh chị em không cùng tôn giáo, không mang tính chiêu dụ nhưng khiêm tốn và chân thành trình bày đức tin của mình cho người khác.

Điều cần phải thực hiện trước hết khi nói đến truyền giáo, đó là xây dựng gia đình bền vững trong đức tin và trong tình yêu thương. Một gia đình tốt sẽ có sức lan tỏa sức mạnh truyền giáo đến môi trường xung quanh. Tình nghĩa vợ chồng, mối tương quan hài hòa giữa anh chị em và các thế hệ con cháu… tất cả là một chứng từ hùng hồn và hiệu quả cho đời sống đức tin. Khởi đi từ gia đình, chúng ta liên hệ đến khái niệm “gia đình” rộng lớn hơn, tức là giáo xứ, vì giáo xứ là một gia đình lớn gồm nhiều gia đình nhỏ hợp lại. Tình liên đới hiệp thông nơi cộng đoàn giáo xứ là một trong những điều kiện căn bản để thực thi sứ mạng truyền giáo. Tiếc thay đây đó còn tồn tại những chia rẽ nghiêm trọng nơi các cộng đoàn, như phản chứng của Tin Mừng và làm méo mó hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô. Những hoạt động từ thiện nhằm giúp những người cơ nhỡ, dù là người đồng đạo hay anh chị em lương dân, đều diễn tả sinh động đức Ái là cốt lõi của Tin Mừng và giúp mọi người nhận ra các tín hữu là con của Cha trên trời.

“Có một thuộc tính không thể thiếu đối với những người bước vào đời sống tông đồ. Một điều tối quan trọng và thiết yếu, đó là họ phải có đời sống thánh thiện, Bởi vì ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là một người của Thiên Chúa…” (Maximum Illud, số 26). Sự thánh thiện của mỗi chúng ta là điều cần thiết để Tin Mừng của Chúa được lan tỏa trong cuộc sống hôm nay. Đó cũng là điều mỗi người phải thực hiện trước hết, nếu muốn trở nên tín hữu đích thực và những thừa sai loan báo Tin Mừng.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW