Đức tin bền vững

10-08-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Đức tin bền vững by

Trong Tự sắc “Cánh cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bênêđitô đã nhắc đến một trong những mục đích của Năm Đức tin là nhằm “điểm lại lịch sử đức Tin của chúng ta, được ghi dấu bằng mầu nhiệm lạ lùng về sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi” (số 13). Hiểu như vậy, Năm Đức Tin là điểm dừng cần thiết để mỗi người nhìn lại quãng đường đã đi, giống như người lữ hành dừng chân lấy sức và xác định lại phương hướng. Tác giả sách Khôn Ngoan (Bài đọc I) đã suy tư về lịch sử dân tộc được in đậm dấu ấn bởi cuộc vượt qua Biển Đỏ để thấy uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Đối với người Do Thái, vượt qua Biển Đỏ là sự giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức nô lệ. Khi nhận ra sức mạnh và tình thương của Chúa, tác giả cũng mời gọi mỗi chúng ta xét lại lòng trung tín của mình đối với Chúa như thế nào. Bởi lẽ thế hệ đồng thời với tác giả sách Khôn Ngoan (khoảng năm 200 trước Công nguyên) có nguy cơ quên lãng lịch sử dân tộc do chịu ảnh hưởng văn hóa ngoại lai của người Hy Lạp, thậm chí họ còn bị cám dỗ xóa dấu vết của nghi thức cắt bì, như chối bỏ căn tính Do Thái giáo và đương nhiên là chối bỏ Thiên Chúa.

“Điểm lại lịch sử Đức Tin của chúng ta” tức là nhìn nhận cách sống đức tin trong quá khứ và trong hiện tại, để điều chỉnh một hướng đi đúng đắn cho tương lai. Một cách cụ thể, người tín hữu cần tự vấn lương tâm, xem Thiên Chúa là ai đối với cá nhân tôi; ý niệm về Thiên Chúa có chi phối mọi hành động và nếp nghĩ của tôi hay không; tôi tin Chúa vì sợ Chúa hay vì yêu Chúa; tôi có coi Chúa là Đấng hướng dẫn cuộc đời, hay tôi chỉ kêu cầu Ngài khi tôi gặp gian nan khốn khó. Trả lời những câu hỏi này chính là điểm lại lịch sử Đức tin của cá nhân mỗi người.

“Điểm lại lịch sử Đức Tin” cũng là xét mình về lòng trung tín của chúng ta đối với Chúa và đối với Giáo Hội. Đức Giêsu đã nêu lên những tiêu chuẩn của một người quản gia trung tín để giáo huấn các môn sinh của mình về lòng trung tín. Đó là người khôn ngoan biết đón ý chủ, đồng thời cần mẫn quản lý tài sản và biết phân phát đúng lúc đúng người. Với dụ ngôn này, ta thấy Chúa tin tưởng nơi chúng ta và Ngài ban cho chúng ta kho tàng Đức Tin để chúng ta quản lý và làm cho sinh lợi. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, sống trung tín với ơn gọi của bí tích Thanh Tẩy là một lời gọi cấp bách. Bởi lẽ rất nhiều tín hữu sống ngược lại với những lời đoan hứa khi chịu bí tích này. Đối với khá nhiều người, Đạo Chúa rất đáng trân trọng nhưng chỉ được coi như một truyền thống văn hóa, hay những đòi buộc về luân lý. Nhiều người vẫn nhận mình có Đạo nhưng trong lối sống hằng ngày thì không có gì tương quan với giáo huấn của Đạo. Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm vua Clovis của nước Pháp chịu phép rửa ( năm 498), Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm và dâng lễ tại Reims. Trong bài giảng thánh lễ, Ngài đã cất câu hỏi : “Hỡi nước Pháp, ngươi có trung thành với lời hứa khi chịu phép Thanh Tẩy không?”. Cả cộng đoàn phụng vụ đồng loại thưa bằng một tiếng hô vang rền: “Có !”. Câu hỏi của vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã để lại một ấn tượng sâu sắc và nêu cho nhiều người ý thức sống đạo.

Giữa những cám dỗ bon chen cuộc đời, chúng ta cần dành một mảnh đất trong tâm hồn dù là rất nhỏ để hạt giống Lời Chúa được gieo vào đó. Ngỏ lời với hơn 2 triệu bạn trẻ trong giờ canh thức tối thứ Bảy, 27-07-2013 tại bãi biển Copacabana, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các bạn trẻ: “Hãy dọn sạch một khoảnh nhỏ, một khoảnh nhỏ đất tốt, và hãy để hạt giống rơi vào đó và xem nó lớn lên như thế nào. Tôi tin rằng các bạn muốn là loại đất tốt, là Kitô hữu thật, Kitô hữu đích thực, chứ không phải loại Kitô hữu nửa mùa: Kitô hữu ‘hình thức’, lạc lõng và ‘chỉ có vỏ bên ngoài’. Tôi tin rằng các bạn không muốn bị đánh lừa bởi một thứ tự do giả tạo, luôn chiều theo các trào lưu và lề thói đương thời”.

Sự trung tín còn được thể hiện bằng thái độ tỉnh thức để chờ đợi chủ. Hình ảnh người đầy tớ tỉnh thức chứng minh lòng yêu mến của họ dành cho chủ. Dù chủ về sớm hay muộn, họ vẫn sẵn sàng chờ, vì lòng yêu mến chân thành không quản ngại thời gian chờ đợi. Ai trong chúng ta cũng dể hiểu hình ảnh người đầy tớ tỉnh thức tượng trưng cho đời sống đức tin mạnh mẽ và kiên cường. Người tín hữu chân chính là người luôn sẵn sàng để mặc dù Chúa đến lúc nào cũng mở rộng tâm hồn để đón Chúa. Họ luôn luôn lạc quan. Họ không sợ Chúa đến bất chợt vì lúc nào họ cũng chuẩn bị sẵn để đón Ngài.

Nếu chúng ta được mời gọi sống trung tín với Chúa, là vì chính Ngài cũng trung tín trong lời hứa với chúng ta. Lịch sử dân tộc Do Thái cũng là lịch sử của lòng trung tín của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Mặc dù dân phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn giữ lời hứa với cha ông họ. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã nêu cao hình ảnh ông Abraham như mẫu mực cho các tín hữu về lòng cậy trông. Vào tuổi không hy vọng có con theo lẽ thông thường, nghe lời hứa của Chúa, ông vẫn hy vọng, vì ông tin Chúa là Đấng trung tín. Niềm hy vọng cậy trong của Abraham đã giúp ông tìm được sức mạnh và sự can đảm ngay cả những lúc phải hy sinh những gì quý giá nhất đời, tức là sát tế và hiến dâng người con một là Isaac.

Sau hết, “điểm lại lịch sử Đức Tin” còn là ôn lại những tấm gương sáng trong suốt lịch sử cứu độ, từ Abraham đến các tổ phụ, các tông đồ, các thánh tử đạo Việt Nam và biết bao người đã sống tốt lành, để lại nơi chúng ta những kỷ niệm đẹp.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW