Dòng máu anh hùng – Bài giảng lễ Chúa nhật XXXIII Thường niên C

14-11-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở Dòng máu anh hùng – Bài giảng lễ Chúa nhật XXXIII Thường niên C by

Các thánh Tử đạo chính là vinh quang của Thiên Chúa. Cùng với các ngài, chúng ta tạ ơn và cầu nguyện cho Giáo Hội và Dân tộc Việt Nam. Nguyện cho dòng máu anh hùng mãi tuôn chảy trong tâm hồn các tín hữu, đem lại nhiệt huyết để sống và loan truyền đức tin.

Chúa nhật tới là ngày 17-11-2019, Giáo Hội Việt Nam mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam. Đây là “ngày giỗ Tổ” đối với người Công giáo Việt Nam, gợi nhớ người tín hữu hướng về Cội nguồn, đồng thời tôn vinh các bậc Tiền nhân đã anh dũng hy sinh, lấy máu đào nhuộm thấm giang sơn, là hạt giống sinh ra người tín hữu. Quả thật, máu các thánh Tử đạo là dòng máu anh hùng.

Đức Giêsu là vị Tử đạo đầu tiên. Người đến trần gian để làm chứng cho tình thương của Chúa Cha. Thập giá vừa là cái chết đau thương, vừa là chứng từ hùng hồn về tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi sinh thời, Đức Giêsu đã nói về thập giá: Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo. Vì những ai muốn giữ sự sống mình, thì sẽ mất nó ở đời sau. Kitô hữu là người bước đi trong hành trình thập giá để nên giống Chúa Giêsu. Các thánh Tử đạo đã trung kiên trong hành trình đó. Họ nên giống Chúa Giêsu nhất là trong cuộc khổ nạn. Ai sinh ra trong cõi đời đều muốn sống sung sướng, hạnh phúc với những người thân. Nếu các thánh Tử đạo đã hy sinh hạnh phúc đời này, là vì các ngài xác tín vào Lời Chúa và tin vào sự sống sau khi đã chết phần xác. Vì vậy, đòn vọt, tra tấn và mọi cực hình không làm họ nản chí.

Một tác giả đã viết: “Tử đạo hôm nay đối với Kitô hữu không chỉ là dám chết mà còn là dám sống cho đức tin”. Vâng, nếu các thánh Tử đạo ngày xưa đã can đảm chết vì đức tin, thì hôm nay chúng ta đang được mời gọi hãy sống chứng tá Tin Mừng trong bối cảnh cụ thể. Bởi lẽ, theo nguyên ngữ Hy Lạp, chữ “tử đạo” có nghĩa là “làm chứng”. Sống ơn gọi tử đạo hôm nay là dám chấp nhận những hệ luỵ để sống và trung thành với đức tin. Hiểu như thế, chúng ta sẽ tìm thấy nghị lực siêu nhiên trong đời sống hằng ngày, mặc dù xung quanh chúng ta có nhiều khuynh hướng sống ngược với giáo huấn Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội như: sống buông thả, gian dối, hận thù, ích kỷ. Các thánh Tử đạo đã khước từ những bổng lộc trần gian, thà chết chứ không chối Chúa, dù chỉ là giả vờ. Gương sống của các ngài luôn soi rọi cuộc đời chúng ta.

Do tuyên truyền lệch lạc và do thành kiến thù nghịch, nhiều người không cùng tôn giáo với chúng ta thường gắn liền các thánh Tử đạo với những vấn đề chính trị. Họ coi một số thừa sai ngoại quốc là những người có liên quan đến thực dân. Thực ra, các ngài là những người phụng sự Thiên Chúa, yêu mến các nền văn hoá địa phương và tôn trọng nhà cầm quyền. Hãy nghe những lời của Thánh Gioan Phaolô II trong lễ tuyên phong các thánh Tử đạo tại Rôma ngày 19-6-1988 để có một nhận định quân bình hơn: “Đứng trước các quy định cưỡng bức của chính quyền đối với việc thực hành Đức Tin, họ đã quả quyết mình có tự do tin, bằng cách khẳng định với lòng can đảm khiêm tốn rằng Kitô giáo là chính nghĩa duy nhất mà họ không thể rời bỏ, vì không thể bất tuân đấng chủ tể tối thượng: Đức Chúa. Ngoài ra các ngài còn mạnh mẽ tuyên bố ý chí của mình là trung thực đối với quyền bính của xứ sở, không chống lại tất cả những gì là công chính và lương thiện; các ngài đã dạy phải tôn trọng và thờ kính Tổ Tiên, theo phong tục của vùng đất mình, dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Giáo hội Việt Nam, với các vị Tử đạo của mình và qua chứng tá đặc thù, đã có thể công bố nghĩa vụ riêng và ý chí riêng là không từ khước truyền thống văn hóa và các định chế pháp lý của xứ sở; trái lại, Giáo Hội đã tuyên bố và đã chứng tỏ rằng mình muốn nhập thể vào đó, bằng cách trung tín góp phần vào sự tăng trưởng đích thật của quê hương” (Trích Bài giảng lễ Phong thánh). Nhìn lại lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam, chúng ta thấy sự đóng góp đáng kể của người Công giáo đối với nền văn hoá và sự phát triển của xã hội, như hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất hình chữ “S” thân thương này.

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126, 5-6). Vâng, các thánh Tử đạo Việt Nam là những người đã gieo trong thương đau và nay gặt trong vui mừng. Hôm nay, các ngài được tôn vinh trên khắp các bàn thờ toàn thế giới. Nếu có tôn vinh các ngài, là để chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống và Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Các thánh Tử đạo chính là vinh quang của Thiên Chúa. Cùng với các ngài, chúng ta tạ ơn và cầu nguyện cho Giáo Hội và Dân tộc Việt Nam. Nguyện cho dòng máu anh hùng mãi tuôn chảy trong tâm hồn các tín hữu, đem lại nhiệt huyết để sống và loan truyền đức tin.

+TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW