Đi tìm khuôn mặt Chúa Giêsu

02-12-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Đi tìm khuôn mặt Chúa Giêsu by

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính Chúa Giêsu, Con một Thiên Chúa… Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm người.“

Nhưng đâu là khuôn mặt của Chúa Giêsu, mà chúng ta có thể ngắm nhìn suy niệm, cùng đọc vẽ ra được bằng ngôn ngữ chữ viết?

Không có hình chụp cùng nét vẽ chân dung của Chúa Giêsu còn để lại từ thời Ngài còn ở trần gian. Những hình ảnh khắc họa về Chúa Giesu lưu truyền trong Giáo Hội xưa nay là những nét văn hóa suy tưởng của con người do lòng đạo đức sùng kính đọc trong sách thánh Phúc âm, hay do được soi sáng trong suy tư cầu nguyện phác họa vẽ ra. 

Điều này không có gì sai trái cả. Trái lại là điều cần thiết giúp nâng đỡ tâm trí con người cần hình ảnh cụ thể để dễ tập trung trí khôn tinh thần vào Ngài.

Chúa Giêsu Kitô, Đấng là trung tâm cùng đích của đức tin chúng ta, tuy không có hình chụp, nét vẽ phác họa chính gốc trực tiếp từ nơi Ngài, nhưng chúng vẫn có thể tìm thấy khuôn mặt của Ngài nơi những sách vở bút tích viết về Ngài còn lưu lại.

Bút tích chính gốc viết về Ngài còn lưu truyền lại nơi kho tàng qúy báu vô gía cho Giáo Hội cùng cho nhân loại là bốn sách Phúc Âm. Và căn cứ vào những tường thuật nơi đó, chúng ta đi tìm khuôn mặt của Ngài, Đấng là Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người sống giữa nhân loại.

1. Những biểu tượng – Logo – của bốn phúc âm 

Nhiều nơi trong các Thánh đường trên mặt bục đọc sách hay đàng trước bục đọc sách, có nơi vẽ trên trần nhà hay nơi bốn cây cột trụ chung quanh gian cung thánh, khắc bốn hình khác nhau theo hình chữ nhật hay hình tròn: một người có cánh, một con sư tử có cánh, một con bò có cánh và một con chim phượng hoàng có cánh.

Đây là những biểu tượng cho bốn Thánh sử viết bốn Phúc âm về cuộc đời của Chúa Giêsu: Thánh Mattheo, Thánh Marco, Thánh Luca và Thánh Gioan. Bốn Thánh sử viết về Chúa Giêsu theo cung cách khác nhau. Mỗi Vị có lối viết tường thuật diễn tả khung cảnh cùng dùng ngôn từ khác nhau . Mỗi Vị viết chú trọng đến một trọng điểm khác nhau. 

Biểu tượng hình người có đôi cánh là biểu tượng cho phúc âm Chúa Giêsu do Thánh Mattheo viết. Vì ngay từ chương đầu tiên Thánh Mattheo đã viết thuật lại gia phả nguồn gốc con người Chúa Giêsu ( Mt 1, 1-17). 

Đây là điểm đặc trưng riêng biệt của Phúc âm Thánh Mattheo. Và vì thế, hình người với đôi cánh là Logo, biểu tượng phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo. 

Biểu tượng hình con sư tử có đôi cánh là biểu tượng cho phúc âm Chúa Giesu theo Thánh Marco. Ngay phần mở đầu phúc âm, Thánh sử Marco đã viết thuật lại Ông Thánh Gioan Tẩy Gỉa người đầu tiên xuất hiện rao giảng về phép Rửa ăn năn thống hối dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Lời rao giảng của Ông đanh thép thẳng thắn như tiếng sư tử gầm thét trong sa mạc. ( Mc 1, 1-8). 

Con sư tử với đôi cánh là Logo đặc trưng của phúc âm theo Thánh Marco.

Biểu tượng hình con bò có đôi cánh là biểu tượng cho phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Luca. Ngay nơi chương mở đầu phúc âm, Ông đã thuật lại cảnh Thầy cả thượng phẩm Dacaria vào đền thờ dâng hương khói lo việc dâng máu con vật chiên bò làm của lễ lên Thiên Chúa. Trong khung cảnh đó Sứ Thần Thiên Chúa hiện đến với Ông ( Lc 1, 5-25). Và đặc điểm nổi vượt hơn nữa là Thánh Luca thuật lại khung cảnh Chúa Giêsu giáng sinh làm người trong hang chuồng của thú vật chiên bò lừa ( Lc 2,1-20).

Con vật tế lễ Thiên Chúa và bò lừa trong hang đá Chúa Giêsu giáng sinh là điểm đặc trưng của Phúc âm theo Thánh Luca. 

Biểu tượng hình chim đại bàng tung cánh bay lên cao vút tận không gian trên cao xa tít, mà mắt thường của con người không thể dõi theo nhìn thấy được, là biểu tượng cho phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan. Ngay phần chương mở đầu phúc âm Chúa Giesu theo Thánh Gioan là bản tường thuật huyền bí cao sâu thật khó hiểu cho tâm trí con người về nguồn gốc Chúa Giêsu, Đấng là Lời của Thiên Chúa, là ánh sáng trần gian từ khởi thủy.( Ga 1,1- 18).

Vì thế con chim đại bàng tung đôi cánh bay lên trời cao được dùng là Logo, biểu tượng cho Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan. 

Căn cứ vào những tường thuật trong bốn sách Phúc âm về Chúa Giêsu, chúng ta có thể đi tìm khuôn mặt của Ngài, Đấng chúng ta tin kính, tôn thờ yêu mến.

Năm Phụng vụ 2012- 2013 trong Năm Đức Tin, và Phúc âm Chúa Giesu theo Thánh Luca được đọc trong các Thánh Lễ suốt năm nay bắt đầu từ mùa Vọng thứ nhất ngày 02.12. 2012 khởi đầu năm Phụng vụ mới trong niên lịch Giáo Hội Công giáo. Cùng trong nhịp sống đức tin vào Chúa trong Giáo Hội, chúng ta thử cùng đi tìm khuôn mặt Chúa Giêsu trong phúc âm theo Thánh Luca. 

2. Chúa Giêsu là con người theo phúc âm Thánh Luca 

Thánh sử Luca không là Tông Đồ trực tiếp của Chúa Giêsu. Theo tương truyền, Ông là một Thầy thuốc cùng là môn đệ học trò của Thánh Phaolo. Những gì Ông viết trong Phúc âm là do những gì Ông nghe thuật lại của những người đã trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng, những người đã trực tiếp chứng kiến đời sống Chúa Giêsu, hay do chính Đức Mẹ Maria kể lại cho nghe. Và cũng có thể, biết đâu, chính Thánh Luca đã có lần đến chứng kiến nghe Chúa Giêsu giảng.

Thánh sử Luca viết diễn tả Chúa Giêsu là một con người có nơi chốn sinh ra như bao con người khác ở trần gian. Hang chuồng bò lừa, máng cỏ, nơi Chúa Giêsu sinh ra. 

Đó là dấu vết tích lịch sử cụ thể của Chúa Giêsu đã sinh ra, và còn muốn làm nổi bật lên một khía cạnh đời sống khác hơn nữa của Con Thiên Chúa: Chúa Giêsu sống vâng phục lòng hiếu thảo với cha mẹ mình. ( Lc 2,51).

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng sinh xuống trần gian làm người, Ngài phải sống hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa. 

Điều này nói lên rõ nét qua những lời cầu xin của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha, như lời cầu nguyện trong vườn Cây dầu trứơc lúc chịu khổ hình, ( Lc 22,44), lời than khóc trên thập gía trước lúc chịu chết:“ Lạy Cha, sao Cha bỏ con“

3. Chúa Giêsu, Đấng đầy tràn ân phúc và nguồn niềm vui

Thánh sử Luca diễn tả Chúa Giêsu là Đấng tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa mang đến ơn cứu chuộc cho trần gian.

Những ngôn từ ân phúc, lòng thương xót được Thánh Luca nhắc viết tới 28 lần trong Phúc âm của mình.

Khi Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức mẹ Maria, Thiên Thần chào Đức mẹ là „đầy ân phúc“ ( Lc 1,28). 

Hai tiên tri Simeon và Anna đã hân hoan vui mừng vì được ân phúc nhìn thấy tận mắt bồng ẵm hài nhi Giêsu trong đền thờ. 

Sự trở về, trong dụ ngôn người cha nhân lành đón chào người con đi hoang trở về (Lc 15), người thu thuế ( Lc 18), Ông Giakêu (Lc 19), đều nói lên ân phúc và lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng mang đến những điều đó cho trần gian.

Phúc âm Thánh sử Luca viết dẫn đến niềm vui hy vọng. 

Khởi đầu với bài tường thuật Thầy cả Zacharia vào dâng lễ trong đền thờ bị phạt câm nhưng vẫn ca tụng Thiên Chúa. Vì niếm vui mừng hy vọng bừng lên trong tâm hồn, nơi hậu duệ của Ông. 

Maria và chị họ Elisabeth vui mừng ca ngợi Thiên Chúa. Vì được Thiên Chúa đoái thương ban cho niềm vui mừng hy vọng.

Các Thiên Thần hiện đến báo tin vui mừng cho các mục đồng; Chúa Giêsu đấng cứu thế sinh hạ làm người. 

Và ở cuối phúc âm thuật lại các Tông đồ trở về Giêrusalem với niềm vui mừng hân hoan và ca ngợi Thiên Chúa (Lc 24,52-53)

Sứ mạng mang tin mừng của Chúa Giêsu xưa kia gieo vãi niềm vui mừng lòng nhân lành của Chúa qua đời sống làm người của Chúa Giêsu. Và niềm vui mừng đó lan tỏa cho tới chúng ta ngày nay cho tâm hồn con người.

4. Những dụ ngôn trong phúc âm Thánh Luca

Những ví dụ, những hình ảnh qua dụ ngôn là ngôn ngữ gần gũi dễ hiểu cho người nghe, nhất là về những điều tôn giáo thần bí cao sâu.

Rao giảng về nứơc Thiên Chúa, Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn để cắt nghĩa. Những dụ ngôn cũng được thuật lại nơi ba phúc âm khác. Nhưng có những dụ ngôn hình ảnh Chúa Giêsu dùng để rao giảng nứơc Thiên Chúa chỉ đọc thấy trong phúc âm Thánh Luca.

Dụ ngôn người Samaria nhân lành (Lc 10,25-37) đầy lòng thương xót cứu giúp người bị đánh trọng thương giữa dọc đường. Dụ ngôn này diễn tả sự quan tâm săn sóc của tình yêu Thiên Chúa với con người và lòng bác ái con người với nhau.

Dụ ngôn về bữa tiệc trọng đại (14,16-24) nói lên ân phúc của Thiên Chúa đối với con người.

Dụ ngôn người con hoang đàng trở về (Lc 15,11-32) được người cha nhân lành tha thứ đón mừng phản ảnh sâu thẳm lòng thương xót của người cha với con mình, và lịch sử một khởi đầu mới tràn đầy niềm hy vọng cho người con đi hoang trở về.

Lòng thương xót, theo văn hóa ngôn ngữ Do Thái, có ý nghĩa nói đến (cung) ̣ lòng người mẹ, nơi là chiếc nôi của tình thương yêu êm ấm cho con người ngay từ lúc khởi đầu đời sống. 

Dụ ngôn người giầu có và ông Ladaro nghèo khổ (Lc 16,1-31). Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ tuy sống ở trần gian, nhưng đừng quên hướng lòng về ngày mai về đời sống vĩnh cửu mai sau. Vì tất cả những gì mình xây dựng làm ra, ngày sau cùng của đời sống khi đâu có mang đi được. Những gì tích lũy để dành, mai sau cũng phải để lại. Nhưng chỉ những gì bác ái quảng đại cho đi, ngày sau nhận lãnh trở lại.

Chúa Giêsu chữa 10 người bị bệnh phong cùi lành mạnh ( Lc 17,11-19). Nhưng sau cùng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa Giêsu, Người đã chữa cho ông ta lành bệnh. Dụ ngôn này nói lên chỉ người có lòng tin mới nhận ra căn nguyên của sự chữa lành ở đâu. Và từ đó sống lòng biết ơn.

Dụ ngôn hình ảnh người Phariseo và người thu thuế vào đền thờ cầu nguyện ( Lc 18,9-14). Hai con người với hai cung cách sống lòng tin rất khác biết đối chọi nhau. Một người tự cao tự đại cậy vào thành tích đạo đức của mình; còn một người khác (người thu thuế) nhận mình là người tội lỗi cầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa, qua dụ ngôn này, chấp nhận lòng ăn năn thống hối, sự khiêm hạ quên mình.

Chúa Giêsu đi tìm gặp kêu gọi ông Giakêu ( Lc 18,9-14) là hình ảnh nói lên Ngài đi tìm những con người yếu hèn tội lỗi. Ngài muốn cảm hóa trái tim tâm hồn những con người này, cùng thu nhận họ vào hàng ngũ những người tin theo Chúa. 

Thánh sử Luca viết phúc âm về Chúa Giêsu với 24 chương. Chương mở đầu về cảnh Thiên Thần truyền tin sự sinh ra của Thánh Gioan tẩy gỉa, cảnh Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria, sự sinh ra của Chúa Giêsu xuống thế làm người. Rồi liền sau đó là sự sinh ra thời thơ ấu của Thánh Gioan Tẩy gỉa và Chúa Giêsu Kitô. 

Những chương thân bài của Phúc âm là trình thuật về hoạt động rao giảng của Chúa Giêsu với những dụ ngôn. Và chương sau cùng nói về Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết mang đến niềm hy vọng cho con người. 

Rồi trước khi trở về trời Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ, cho Giáo Hội nhiệm vụ tiếp tục mang tin mừng niềm vui, tình yêu cùng niềm hy vọng mà Ngài đã mang xuống trần gian cho con người.

Khắc tạc hình tượng hay vẽ phác họa chân dung Chúa Giêsu cho việc thờ phượng là điều tốt. 

Nhưng đi tìm khuôn mặt của Ngài cho đời sống đức tin là việc cần thiết hữu ích hơn. 

Năm Đức Tin 2012 – 2013

LM. Đaminh Nguyễn ngọc Long (01/12/2012)

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW