ĐGH Phanxicô – Huấn từ trước các Linh mục sứ giả Lòng Thương Xót

25-02-2016 Chức năng bình luận bị tắt ở ĐGH Phanxicô – Huấn từ trước các Linh mục sứ giả Lòng Thương Xót by

Vào buổi chiều tối Thứ Tư Lễ Tro (10/02), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các linh mục đã được chọn để trở thành các Sứ Giả Lòng Thương Xót trong Năm Thánh này. Trong Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro, các linh mục đã được trao lệnh truyền, bao gồm cả những quyền được tha những tội chỉ dành cho Toà Thánh. Dưới đây là bài huấn từ của Ngài:

Anh Em Linh Mục Thân Mến, xin chào buổi tối!

Thật là một niềm vui lớn lao khi được gặp gỡ anh em trước khi trao cho anh em lệnh truyền để trở thành Sứ Giả Lòng Thương Xót. Đó là một dấu chỉ của tầm quan trọng bởi vì nó tạo nên nét đặc trưng của Năm Thánh, và giúp cho tất cả các Giáo Hội địa phương sống mầu nhiệm khôn dò của lòng thương xót của Chúa Cha. Trở thành một Sứ Giả Lòng Thương Xót là một trách nhiệm sẽ được uỷ thác cho anh em, bởi vì nó đòi buộc rằng anh em cách cá nhân phải trở thành những chứng nhân của sự gần gũi của Thiên Chúa và cách yêu thương của Ngài. Không phải theo cách của anh em, luôn luôn giới hạn và đôi khi mâu thuẫn, nhưng là cách yêu thương của Ngài và cách tha thứ của Ngài, điều thực ra là lòng thương xót. Tôi muốn mang lại cho anh em một vài suy tư vắn gọn, để lệnh truyền mà anh em sẽ lãnh nhận sẽ được thực thi theo một cách nhất quán và là một sự trợ giúp cụ thể cho nhiều người sẽ đến với anh em.

Trước hết tôi muốn nhắc nhớ anh em rằng trong sứ vụ này mà anh em được mời gọi để thể hiện tình mẫu tử của Giáo Hội. Giáo Hội là Mẹ bởi vì Giáo Hội luôn luôn sinh ra những người con mới trong đức tin; Giáo Hội là Mẹ bởi vì Giáo Hội nuôi dưỡng niềm tin; và Giáo Hội cũng là Mẹ bởi vì Giáo Hội mang lại sự tha thứ của Thiên Chúa, tái sinh lại một sự sống mới, hoa trái của sự hoán cải. Chúng ta không thể làm cho hối nhân mang lấy nguy cơ của việc không tiếp nhận sự hiện diện mẫu tử của Giáo Hội, vốn đón nhận và yêu thương họ. Nếu việc tiếp nhận này bị thất bại, bởi vì sự khô cứng của anh em, thì nó sẽ tạo nên, trước hết, một sự nguy hại lớn lao cho chính niềm tin, bởi vì nó sẽ ngăn chặn hối nhân nhận ra chính bản thân mình được tháp nhập vào Thân Mình của Đức Kitô. Hơn thế nữa, nó sẽ giới hạn cách lớn lao cảm nhận của hối nhân là họ chính là một phần của một cộng đoàn. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để trở thành sự thể hiện sống động của Giáo Hội mà, trong tư cách là Người Mẹ, sẽ đón tiếp bất cứ ai đến với mình, biết rằng ngang qua Giáo Hội mà hối nhân được tháp nhập vào Đức Kitô. Khi chúng ta bước vào toà cáo giải, thì chúng ta phải luôn nhớ rằng chính Đức Kitô là Đấng đón tiếp, chính Đức Kitô là Đấng lắng nghe, chính Đức Kitô là Đấng tha thứ, chính Đức Kitô là Đấng ban bình an. Chúng ta là các thừa tác của Ngài và, là những người đầu tiên, chúng ta luôn luôn cần đến việc được Ngài tha thứ. Do đó, bất luận là tội được xưng thú ra là tội gì – hoặc tội mà người ta không dám nói ra, thì điều ấy cần phải hiểu, thế là đủ. Mọi sứ giả đều được mời gọi để nhớ về sự hiện hữu của mình như là một tội nhân và đặt chính bản thân mình cách khiêm tốn là một “kênh” của lòng thương xót của Thiên Chúa. Và bằng tình huynh đệ, tôi thú nhận với anh em điều mà đối với tôi việc xưng tội của tôi vào ngày 21/09/1953 là một nguồn vui, làm tái định hướng lại cuộc đời tôi. Vị linh mục nói với tôi điều gì? Tôi không nhớ. Tôi nhớ rằng Ngài đã mỉm cười với tôi và rồi tôi không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng đó là việc đón tiếp như một người cha…

Một khía cạnh khác là khả năng thấy được lòng khao khát sự tha thứ hiện diện trong tâm hồn của hối nhân. Đó là một lòng khao khát vốn là hoa trái của ân sủng và của hoạt động của ân sủng trong đời sống của con người, điều giúp cho một người cảm thấy một sự hoài niệm về Thiên Chúa, về tình yêu của Ngài và ngôi nhà của Ngài. Tâm hồn hướng về Thiên Chúa, nhận biết tội lỗi đã thực hiện nhưng với niềm hy vọng nhận được sự tha thứ. Và lòng khao khát này được gia tăng mạnh mẽ khi người ta quyết định trong tâm hồn mình cần thay đổi đời sống và không phạm tội nữa. Đó là một thời khắc mà trong đó người ta tín thác chính bản thân mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và đã đầy tràn niềm tin về việc được hiểu, được tha thứ và được Ngài hỗ trợ. Chúng ta hãnh dành một không gian lớn cho lòng khao khát Thiên Chúa và sự tha thứ này của Ngài; chúng ta hãy để cho điều ấy xuất hiện như là một sự diễn tả thực sự của ân sủng của Thần Khí là Đấng khuấy động sự hoán cải của tâm hồn. Và ở đây tôi đề nghị anh em không chỉ hiểu ngôn ngữ của lời nói, mà còn ngôn ngữ của các cử chỉ. Nếu một ai đó đến với anh em và cảm thấy điều gì đó phải được gỡ bỏ hỏi bản thân mình, nhưng có lẽ người ấy không thể nói ra điều ấy, nhưng anh em hiểu…thế là được rồi, người ấy nói điều ấy bằng cách này, bằng cử chỉ của sự đến. Điều kiện đầu tiên. Thứ hai, người ấy ăn năn. Nếu một người đến với anh em đó là vì người ấy không muốn rơi vào những hoàn cảnh thế này, nhưng người ấy không dám nói ra, người ấy sợ nói điều ấy ra và rồi không có khả năng thực hiện điều ấy. Nhưng nếu người ấy không thể thực hiện điều ấy, ad impossibila nemo tenetur. Và Thiên Chúa hiểu những điều này, ngôn ngữ của những cử chỉ này. Hãy mở rộng cánh tay của anh em, để hiểu điều đang diễn ra trong tâm hồn ấy vốn không thể nói được hoặc nói theo cách này…một điều gì đó vì ngại…cha hiểu con. Anh em phải đón tiếp bất cứ ai bằng ngôn ngữ mà qua đó họ có thể nói.

Sau cùng, tôi muốn đề cập đến một sự cấu thành của điều mà không có gì nhiều để nói, nhưng là điều thực ra là điều quyết định: sự xấu hổ. Thật không dễ dàng gì để đặt chính bản thân mình trước một người khác, mặc dù biết rằng người ấy đại diện cho Thiên Chúa, và để xưng thú tội lỗi mình. Người ta cảm thấy xấu hổ, vì điều mà họ đã thực hiện, vì điều mà họ phải xưng thú với người khác. Xấu hổ là một tình cảm gần gũi làm ngăn cản đời sống cá nhân của một người và nó đòi hỏi về phía người giải tội một thái độ tôn trọng và khích lệ. Thường thì sự xấu hổ làm cho người ta câm nín và… Cử chỉ, ngôn ngữ của cử chỉ. Từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh nói về sự xấu hổ. Sau sự phạm tội của ông A-đam và bà E-và, thì tác giả kinh thánh nhấn mạnh ngay: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3:7). Phản ứng đầu tiên của sự xấu hổ này là ẩn núp bản thân họ khỏi Thiên Chúa (x. St 3:8-10).

Cũng có một đoạn khác trong Sách Sáng Thế đánh động tôi và đó là câu chuyện của ông Nô-e. Tất cả chúng ta đều biết câu chuyện này, nhưng chúng ta hiếm khi nào nhớ đến cảnh mà ông say rượu. Trong Kinh Thánh, ông Nô-e được coi là một người công chính, nhưng không phải là ông không có tội: việc xay khướt của ông làm cho người ta hiểu là ông yếu đuối thế nào, đến mức thất bại trong phẩm giá của mình, một sự thật mà Kinh Thánh diễn tả bằng hình ảnh của sự trần truồng. Tuy nhiên, hai người con trai của ông đã mang áo ra và mặc vào cho ông để ông trở lại với phẩm giá của một người cha.

Đoạn này giúp tôi nói vai trò của chúng ta là quan trọng thế nào trong toà cáo giải. Ở trước chúng ta là một con người “trần trụi”, và cũng là một con người không biết cách phải nói thế nào và không biết phải nói gì, với sự yếu đuối và giới hạn của mình, với sự xấu hổ của việc là một tội nhân, và quá nhiều lần không thể nói ra điều ấy. Chúng ta đừng quên: tội không ở trước mặt chúng ta, mà là một hối nhân, một tội nhân không muốn như thế này, mà không thể thay đổi, một người cảm thấy lòng khao khát được lắng nghe và được tha thứ. Một tội nhân hứa là anh ta không muốn bị xa cách khỏi nhà của Chúa Cha và rằng, với một chút sức mạnh mà anh ta có, muốn làm tất cả mọi điều anh ta có thể để sống như là con cái của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không được mời gọi để phán xét, với cảm thức bề trên, như thể là chúng ta miễn nhiễm khỏi tội lỗi. Trái lại, chúng ta để hành động giống như Shem và Japheth, con trai của ông Nô-e, là những người mang áo ra để che đậy sự xấu hổ của cha họ. Là một nhà giải tội theo tâm tình của Đức Kitô có nghĩa là che chở tội nhân bằng chiếc áo của lòng thương xót, để người ấy không bị xấu hổ nữa và có thể có lại được niềm vui của phẩm giá cao quý của mình, và cũng biết nơi mà niềm vui ấy sẽ được tìm lại.

Do đó, không phải bằng chiếc gậy của sự phán xét mà chúng ta có thể đưa con chiên lạc trở về đoàn chiên, mà là bằng sự thánh thiện của cuộc sống vốn là nguyên lý của sự canh tân và của sự cải tiến trong Giáo Hội. Sự thánh hiện được nuôi dưỡng bởi tình yêu và có thể mang lấy trên chính nó sức nặng của một người yếu hơn. Một Sứ Giả Lòng Thương Xót vác lấy tội nhân trên đôi vai của mình, và an ủi tội nhân bằng sức mạnh của lòng thương cảm. Và tội nhân là người đến đó, người đi đến đó, tìm thấy một người cha. Anh em đã nghe, tôi cũng cũng nghe, quá nhiều người nói: “Không, tôi không đi nữa, bởi vì có lần tôi đi và vị linh mục đã đánh tôi, vị linh mục đã khiển trách tôi quá nhiều; hoặc tôi đi và vị linh mụ đã hỏi tôi quá nhiều câu hỏi ngớ ngẩn, vì tò mò”. Xin vui lòng, đây không phải là Vị Mục Tử tốt, đây là một thẩm phán có lẽ nghĩ rằng mình không có tội, hoặc là một người bệnh hoạn tội nghiệp tò mò bằng các câu hỏi của mình. Nhưng tôi thích nói với các vị giải tội: nếu anh em không cảm thấy anh em là một người cha, thì đừng đi vào toà cáo giải, tốt hơn là anh em nên làm một việc gì khác. Bởi vì quá nhiều điều nguy hại có thể được thực hiện, quá nhiều điều nguy hại đối với một linh hồn nếu nó không được đón nhận bằng tâm tình của một người cha, với tâm tình của Mẹ Giáo Hội. Một vài tháng trước tôi đã nói chuyện với một Hồng Y khôn ngoan của Giáo Triều về những câu hỏi mà các linh mục hỏi trong toà cáo giải và Ngài nói với tôi: “Khi một người bắt đầu và con thấy rằng người ấy muốn giải toả một điều gì đó, và con nhớ rằng con phải hiểu, con nói với người ấy: Tôi hiểu! Hãy bình an!” Và tiếp tục – đây là một người cha.

Tôi ủng hộ anh em trong cuộc phiêu lưu truyền giáo này, dành cho anh em như là mẫu gương hai thừa tác viên thánh của sự tha thứ của Thiên Chúa, Thánh Leopold và Thánh Pio – ở đó, trong số những người Ý, có một người Dòng Capuchin rất giống Thánh Leopold: nhỏ con, có râu…- cùng với quá nhiều vị linh mục khác trong bậc sống ấy đã làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Các Ngài sẽ giúp anh em. Khi anh em cảm thấy sức nặng của tội lỗi đã được xưng thú với anh em và sự giới hạn của con người anh em và của lời nói của anh em, thì hãy tín thác vào sức mạnh của lòng thương xót sẽ đến gặp gỡ tất cả mọi người như là tình yêu và không biết đến giới hạn. Và hãy nói như quá nhiều các cha giải tội thánh thiện nói: “Lạy Chúa, con tha, con chịu trách nhiệm về điều này!” Và hãy tiến bước. Xin Mẹ của Lòng Thương Xót trợ giúp và bảo vệ anh em trong nhiệm vụ rất quý báu này. Phúc lành của tôi đồng hành với anh em và xin anh em, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn anh em.

Joseph C. Pham chuyển ngữ từ ZENIT
Nguồn: muoianhsang.com

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW