ĐGH Phanxicô – Diễn từ trước những nhà đào tạo nam nữ sống đời Thánh hiến

16-04-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở ĐGH Phanxicô – Diễn từ trước những nhà đào tạo nam nữ sống đời Thánh hiến by

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với khoảng hơn 1,300 nhà đào tạo đang quy tụ tại Rôma từ ngày 7-11/04, năm ngày hội thảo về chủ đề: “Sống Trong Đức Kitô theo Lối Sống của Tin Mừng”, một sự kiện được tổ chức bởi Bộ Tu Sỹ và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ. Dưới đây là bài diễn từ đầy đủ của Ngài:

Anh Chị Em thân mến, xin chào buổi sáng.

Nhưng Ngài [Đức Hồng Y Bộ Trưởng] nói về con số của các bạn, các bạn có bao nhiêu người, và tôi nói: “Nhưng với sự hiếm ơn gọi, thì sẽ có nhiều nhà đào tạo hơn là những người được đào tạo!” Đây là một vấn đề! Chúng ta phải xin Thiên Chúa để làm mọi sự có thể để có nhiều ơn gọi hơn nữa!

Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Braz de Aviz về những lời mà Ngài đã ngỏ với tôi trong tư cách là đại diện cho tất cả những người đang hiện diện. Tôi cũng cám ơn Vị Thư Ký và các cộng sự khác đã chuẩn bị cho Hội Nghị, buổi hội nghị đầu tiên ở cấp độ này được tổ chức ở trong Giáo Hội, thực ra, trong Năm Đời Thánh Hiến, với những nhà đào tạo nam nữ của nhiều Dòng Tu ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Tôi mong muốn được họp cùng các bạn, bởi vì điều mà các bạn là và đại diện trong tư cách là những nhà giáo dục và đào tạo, và bởi vì phía sau mỗi người trong các bạn tôi nhận thấy người trẻ của các bạn và của chúng ta, những người đóng vai trò chính của hiện tại đang sống bằng niềm đam mê, những người cổ võ cho một tương lai được hoạt động bằng niềm hy vọng; những người trẻ, được tình yêu của Thiên Chúa cuốn hút, đang tìm kiếm trong Giáo Hội những con đường để thực thi điều đó trong đời sống của họ. Tôi cảm thấy các bạn trẻ ấy đang hiện diện ở đây và tôi bày tỏ một suy nghĩ đầy trìu mến đến các bạn ấy.

Nhìn thấy các bạn quá đông thì ta không thể nói rằng có một sự khủng hoảng ơn gọi! Tuy nhiên, trong thực tế thì có một sự suy giảm về mặt số lượng không có gì đáng hoài nghi, và điều này làm cho việc đào tạo thậm chí ngày càng trở nên bức thiết hơn, một việc đào tạo thực sự uốn nắn tâm hồn của người trẻ theo tâm hồn của Chúa Giêsu, cho đến khi chúng ta có cùng những tâm tình như Ngài (x. Pl 2:5; Đời Sống Thánh Hiến, 65). Tôi cũng tin rằng không có một cuộc khủng hoảng ơn gọi ở nơi mà những người sống đời thánh hiến có thể thông truyền, bằng đời sống chứng tá của họ, vẻ đẹp của đời thánh hiến. Và chứng tá thì sinh hoa trái. Nếu không có chứng tá, nếu không có sự nhất quán, sẽ không có ơn gọi. Và các bạn được mời gọi để làm chứng về điều này. Đây là sứ vụ của các bạn, đây là sứ mạng của các bạn. Các bạn không chỉ là “những người thầy”; mà trên hết tất cả các bạn là những chứng tá của việc theo Đức Kitô theo từng đặc sủng của riêng các bạn. Và điều này có thể thực hiện nếu mỗi ngày người ta tái khám phá lại bằng niềm vui rằng người ta là một môn đệ của Chúa Giêsu. Từ đây cũng làm trổ sinh ra một sự cần thiết để luôn luôn chăm bón cho sự đào luyện cá nhân của các bạn, khởi đi từ một tình bạn bền chặt với Vị Thầy duy nhất. Trong những ngày Phục Sinh này, lời được vang vọng thường xuyên đối với tôi trong cầu nguyện là “Galilêa”, “nơi mà mọi thứ bắt đầu”, Thánh Phêrô nói trong diễn từ đầu tiên của Ngài – mọi thứ bắt đầu tại Giêrusalem nhưng cũng là điều bắt đầu tại Galilêa. Đời sống của chúng ta cũng bắt đầu tại một “Galilêa”: mỗi người trong chúng ta đã có một kinh nghiệm về Galilêa, về cuộc gặp gỡ với Chúa, cuộc gặp gỡ mà người ta không quên, nhưng là cuộc gặp gỡ mà quá nhiều khi trở nên bị bao phủ bởi mọi thứ, bởi công việc, những lo lắng và cũng cả những tội lỗi và tinh thần thế tục. Để làm chứng thì cần thiết phải thường xuyên đi lại con đường hành hương đến Galilêa, để mang lấy ký ức về cuộc gặp gỡ ấy, sự kinh ngạc ấy, và để bắt đầu lại từ đó. Tuy nhiên, nếu người ta không đi theo con đường này của ký ức thì có một mối nguy của việc vẫn ở đó nơi mà người ta là, và cũng có một mối nguy của việc không biết vì sao người ta thấy mình ở đó. Đây là con đường môn đệ của những người nam nữ này là những người muốn làm chứng: trở lại chính Galilêa, nơi mà tôi đã gặp gỡ Chúa; và trở về với sự kinh ngạc đầu tiên ấy.

Đời sống thánh hiến thật tuyệt vời, đó là một trong những kho tàng quý giá nhất của Giáo Hội, được bén rễ trong ơn gọi của phép rửa. Và do đó, thật là tốt lành để trở thành những nhà đào tạo, bởi vì đó là một đặc quyền để dự phần vào trong công việc của Chúa Cha là Đấng hình thành nên tâm hồn của Chúa Con ở nơi những người mà Chúa Thánh Thần mời gọi. Đôi khi việc phục vụ này có thể cảm nhận như là một gánh nặng, như thể nó lôi kéo chúng ta ra khỏi một điều gì đó quan trọng hơn. Tuy nhiên, đó là một kiểu cám dỗ, đó là một cơn cám dỗ. Sứ mạng thì quan trọng, nhưng để hình thành nên sứ mạng thì cũng quan trọng không kém, để hình thành nên niềm đam mê rao giảng, hình thành nên niềm đam mê đi khắp mọi nơi, đi đến tận mọi vùng ngoại biên, để nói cho mọi người về tình yêu của Đức Giêsu Kitô, đặc biệt là những người đang ở xa, để loan báo tình yêu ấy cho những người bé mọn và cho người nghèo, và cũng để cho chính bản thân người ấy được phúc âm hoá bởi những con người này. Và tất cả điều này đều đòi hỏi một nền tảng vững vàng, một kết cấu Kitô Giáo về tính cách mà chính nhiều gia đình ngày nay đang gần như không biết cách để trao ban. Và điều này làm gia tăng trọng trách của các bạn.

Một trong những phẩm chất của người đào tạo là phải có một tâm hồn cao cả dành cho người trẻ, để hình thành nên những tâm hồn lớn lao trong họ, có khả năng đón nhận tất cả mọi người, những tâm hồn giàu lòng thương xót, đầy tràn sự dịu dàng. Các bạn không chỉ là những người bạn và những người đồng hành về đời sống thánh hiến của những người mà các bạn được uỷ thác cho các bạn, mà còn là những người cha thực sự, những người mẹ thực sự, có thể đòi hỏi và trao ban cho họ điều nhiều nhất: để tạo ra một đời sống, để sinh ra một đời sống thánh hiến. Và điều này chỉ có thể thông qua tình yêu, tình yêu của những người cha và những người mẹ. Và quả không đúng đắn rằng người trẻ ngày nay lại tầm thường và không rộng lượng; tuy nhiên, họ đang cần kinh nghiệm được việc “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35), việc có một sự tự do lớn lao trong đời sống vâng phục, hoa trái lớn lao trong một tâm hồn trinh khiết, sự giàu có lớn lao trong việc không sở hữu bất cứ thứ gì. Do đó cần phải chú ý cách đầy yêu thương đến con đường mà mọi người đang đòi hỏi cách đầy tính truyền giáo trong mọi giai đoạn của con đường đào luyện, để bắt đầu bằng sự biện phân ơn gọi, để cơn khủng hoảng sau cùng về số lượng sẽ không quyết định một sự khủng hoảng lớn lao hơn nhiều về mặt chất lượng. Và đây là một mối nguy. Sự biện phân ơn gọi là quan trọng: tất cả mọi người nam nữ đều biết tính cách của con người – họ có thể là những nhà tâm lý, các Cha linh hướng, các Mẹ linh hướng – nói cho chúng ta biết người trẻ đang cảm thấy cách vô thức rằng họ có điều gì đó không quân bình hoặc một số vấn đề về quân bình hoặc sự lệch lạc, tìm kiếm cách vô thức những kết cấu mạnh mẽ để bảo vệ họ, để được bảo vệ. Và sự biện phân là ở đó: biết nói không. Nhưng không phải là quẳng họ ra ngoài: không, không. Tôi không đồng hành với bạn, đi, đi, đi… Và khi lối vào có sự đồng hành, thì lối ra cũng vậy, để người ấy tìm thấy một con đường trong cuộc sống, với sự trợ giúp cần thiết. Đừng bằng sự chống cự rằng hôm nay có đủ lương thực nhưng lại đói vào ngày mai.

Cuộc khủng hoảng về chất lượng… Tôi không biết nó được viết thế nào, nhưng giờ đây điều ấy xuất hiện với tôi để tôi nói: hãy nhìn vào phẩm chất của nhiều người, nhiều người sống đời thánh hiến. Hôm qua vào bữa trưa có một nhóm nhỏ các linh mục cử hành kỷ niệm lần thứ 60 ngày Thụ Phong Linh Mục: sự khôn ngoan ấy của người già… Một số thì có một chút…nhưng đại đa số người già đều có sự khôn ngoan! Các Nữ Tu hằng ngày thức dậy sớm để làm việc, các Nữ Tu ở bệnh viện, những người là “bác sỹ về nhân bản: chúng ta phải học nhiều biết bao từ sự thánh hiến của những năm dài tháng rộng này!… Và rồi họ qua đời. Và các Nữ Tu thừa sai, các tu sỹ thừa sai thánh hiến, đã đi đến đó và chết ở đó… Hãy nhìn vào những người già! Đừng chỉ nhìn vào họ: hãy đi tìm kiếm họ, bởi vì Điều Răn thứ tư cũng có ý nghĩa trong đời sống thánh hiến, với những người già của chúng ta. Đối với một dòng tu họ cũng là một “Galilêa”, bởi vì chúng ta tìm thấy Chúa ở nơi họ là những người đang nói với chúng ta hôm nay. Và thật tốt biết bao khi người trẻ thực hiện điều này, hãy sai người trẻ đến với người già, để tiếp cận những người già này sự khôn ngoan của đời thánh hiến: thật tốt biết bao khi thực hiện điều này! Bởi vì người trẻ có bản năng khám phá sự đúng đắn: điều này là tốt lành.

Sự đào luyện đầu tiên này, sự biện phân này, là bước đầu tiên của một tiến trình hướng đến đích điểm cuối cùng của toàn bộ cuộc sống, và người trẻ được đào luyện để có sự tự do khiêm nhường và khôn ngoan để cho phép mình được Thiên Chúa là Cha đào tạo mọi ngày trong đời sống, trong mọi lứa tuổi, trong sứ vụ cũng như trong tình huynh đệ, trong hành động cũng như trong chiêm niệm.

Xin cám ơn các bạn, những nhà đào tạo nam nữ đáng mến, vì sự phục vụ khiêm tốn và âm thầm của các bạn, vì thời gian đã lắng nghe – về “đôi tai” tông đồ để lắng nghe – về thời gian đã dành cho sự đồng hành và sự chăm sóc từng người trong số người trẻ của các bạn. Thiên Chúa có một đức tính – nếu người ta có thể nói về đức tính của Thiên Chúa – một phẩm chất, mà rất ít được nói đến: đó chính là sự nhẫn nại. Ngài có sự nhẫn nại. Thiên Chúa biết cách đợi chờ. Các bạn phải học điều này, thái độ nhẫn nại này, là điều quá thường xuyên là một cách nào đó của sự tử đạo: đợi chờ… Và khi một cơn cám dỗ mất kiên nhẫn xuất hiện nơi các bạn, hãy dừng lại, hoặc vì sự tò mò… Tôi nghĩ đến Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, khi một chị nhà tập bắt đầu kể một câu chuyện và Ngài rất vui để biết hồi kết, và rồi chị nhà tập đi một nơi nào đó khác; Thánh Teresa không nói gì, Ngài đợi chờ. Sự nhẫn nại là một trong những nhân đức của những nhà đào tạo. Đồng hành: trong sứ mạng này cả thời gian và công sức phải được giữ gìn. Và thật không cần thiết phải chán nản khi các kết quả không đáp ứng được những mong đợi. Thật đau đớn khi một cậu bé, hay một cô bé đến sau ba hay bốn năm rồi nói: “Ôi, con không nghe thấy ơn gọi; con đã tìm thấy một tình yêu khác không chống lại Thiên Chúa, nhưng con không thể, con đi”. Điều này thật khó, nhưng cũng là sự tử đạo của các bạn. Và những người không thành công này, những người không thành công từ quan điểm của người đào luyện có thể vẫn yêu thích con đường đào tạo của người đào tạo. Và nếu vào một lúc nào đó các bạn có lẽ cảm thấy rằng công việc của các bạn chưa được trân trọng đủ, thì hãy biết rằng Chúa Giêsu đang đi cùng với các bạn bằng tình yêu, và toàn thể Giáo Hội biết ơn các bạn. Và luôn luôn trong vẻ đẹp này của đời sống thánh hiến: một số người nói rằng đời sống thánh hiến là thiên đường tại thế. Không. Nếu cần phải nói, thì đó là Nơi Luyện Tội! Tuy nhiên, các bạn ra đi với niềm vui, hãy ra đi với niềm vui.

Tôi mến chúc các bạn sống một đời sống bằng niềm vui trong sự biết ơn đối với sứ vụ này, bằng sự chắc chắn rằng không có gì đẹp hơn trong cuộc sống là tuộc về mãi mãi và bằng tất cả tâm hồn của mình cho Thiên Chúa, và sống trao ban mạng sống mình để phục vụ anh chị em.

Tôi xin các bạn, hãy cầu nguyện cho tôi, để Thiên Chúa ban cho tôi một chút đức tính mà Ngài có: sự nhẫn nại.

Joseph C. Pham chuyển ngữ từ Zenit

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW