Có Chúa trong đời – Bài giảng Chúa nhật III Phục sinh năm A

28-04-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Có Chúa trong đời – Bài giảng Chúa nhật III Phục sinh năm A by

Trên con đường dương thế, chúng ta phải đối diện với biết bao khó khăn thử thách. Không ít lần, chúng ta đã ngã gục trước những thử thách cam go ấy. Xung quanh chúng ta cũng có những người mang trên vai gánh nặng cuộc đời quá nghiệt ngã, tưởng chừng như không thể vượt qua. Tuy vậy, người tin vào Chúa xác tín rằng, họ không bước đi một mình trong hành trình dương thế, nhưng có Chúa đồng hành để đỡ nâng phù giúp.

Chúng ta vừa long trọng cử hành lễ Phục Sinh. Những ồn ào náo nhiệt của ngày lễ đang dần lắng xuống. Nhiều người không cùng niềm tin với chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: điều còn lại sau những ngày lễ là gì? Mỗi người tín hữu được mời gọi trả lời qua đời sống của mình: “Điều còn lưu lại nơi chúng ta, đó là niềm xác tín có Chúa trong đời”.

Con đường về Emmau của hai môn đệ xa thăm thẳm và dài đằng đẵng. Con đường ấy dài không phải vì khoảng cách không gian, mà là do tâm trạng của các ông. Hai ông đang chán chường, vì lý tưởng và hy vọng của mình bấy lâu nay bỗng chốc tan thành mây khói. Những tâm sự mà các ông thổ lộ với “vị khách đồng hành” đã cho thấy điều ấy: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en”. Khi nói “trước đây vẫn hy vọng”, các ông lộ rõ sự chán nản đang làm các ông mất định hướng cho đời mình.

Vào lúc các ông không ngờ, Chúa Giêsu đến gặp gỡ các ông trên con đường xa thẳm ấy. Người đến đúng lúc các ông đang buồn chán và đang cần sự nâng đỡ. Với dáng vẻ của một lữ khách, Người đàm đạo với các ông để chứng minh sứ mạng Thiên Sai của Người. Người nâng đỡ sự yếu hèn của các ông và đem lại cho các ông niềm lạc quan và nghị lực. Tâm trạng chán nản nơi các ông quá nặng nề đến mức không nhận ra Thày mình. Chỉ vào lúc Chúa bẻ bánh, mắt hai ông mới mở ra và nhận ra Chúa.

Hành trình Emmau cũng là hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta. Trên con đường dương thế, chúng ta phải đối diện với biết bao khó khăn thử thách. Không ít lần, chúng ta đã ngã gục trước những thử thách cam go ấy. Xung quanh chúng ta cũng có những người mang trên vai gánh nặng cuộc đời quá nghiệt ngã, tưởng chừng như không thể vượt qua. Tuy vậy, người tin vào Chúa xác tín rằng, họ không bước đi một mình trong hành trình dương thế, nhưng có Chúa đồng hành để đỡ nâng phù giúp. Chính vì thế, những ai tin Chúa luôn cầu nguyện phó thác nơi Ngài. Niềm cậy trông của chúng ta sẽ không uổng phí, vì Chúa là Cha nhân hậu, luôn lắng nghe và thấu hiểu những nguyện vọng của con người. Lịch sử cứu độ và cuộc sống cá nhân mỗi người đã chứng minh điều ấy.

Giữa những lo toan bận rộn bủa vây tư bề, có những lúc chúng ta quên sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau hôm nay, nhắc nhở chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào, Chúa vẫn không bỏ rơi chúng ta. Như người cha người mẹ thương yêu vỗ về con cái, và luôn ở gần đặc biệt trong những giờ phút thử thách gian nan, Chúa cũng luôn ở gần chúng ta để che chở giữ gìn trước những nghịch cảnh của cuộc đời.

Cử hành lễ Phục Sinh không chỉ để tưởng niệm một người đã chết, nhưng điều quan trọng hơn là tôn vinh quyền năng của Đấng đang sống và hiện diện giữa chúng ta. Thánh Phêrô đã khuyên các tín hữu hãy xác tín vào Đấng Phục Sinh và sống sao cho đẹp lòng Người. Bởi lẽ, một khi tin vào Đức Kitô sống lại, đời sống của người tín hữu phải phù hợp với niềm tin đó. Mỗi cộng đoàn Kitô hữu đều có Chúa phục sinh hiện diện. Sự hiện diện của Người được thể hiện qua đời sống yêu thương và hiệp nhất (Bài đọc II).

Nhờ gặp gỡ Đấng Phục sinh, hai môn đệ Emmau được hiểu nội dung Kinh Thánh và Sứ điệp của Tin Mừng. Hai ông đã theo Chúa Giêsu, đã được thụ giáo với Người trong suốt thời gian dài. Tuy vậy, lòng trí của các ông còn bị che phủ bởi những quan niệm trần thế về Đấng Thiên sai. “Người khách lạ” trên đường Emmau đã trách hai ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!”.  Chính Chúa Phục sinh mở lòng mở trí cho các ông để các ông nhận ra những gì các ngôn sứ của Cựu Ước đã được thực hiện. Nhờ Đấng Phục sinh, chúng ta có một nhãn quan mới để đọc và hiểu Kinh Thánh, vì tất cả Cựu Ước đều quy về một trung tâm điểm là Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Cũng nhờ được gặp gỡ với Đấng Phục Sinh mà thánh Phêrô đã giảng hùng hồn trong ngày lễ Ngũ Tuần, đã làm cho ba ngàn người trở lại. Trong bài giảng này, ông đã biết lồng ghép Cựu Ước với biến cố Đức Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh. Thánh Phêrô đã trích dẫn lời Tổ phụ Đavít và chứng minh rằng điều Tổ phụ đã thấy trong quá khứ chính là lời tiên báo về Chúa Giêsu. Người là Đấng các ngôn sứ loan báo và muôn dân mong đợi. Ơn cứu độ trần gian đến từ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người (Bài đọc I).

Một khi xác tín có Chúa trong đời, chúng ta sẽ yêu mến cuộc đời này hơn và sẽ cố gắng để sống tốt hơn trong cuộc sống hiện tại. Niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Phục sinh đã làm nên sức sống kỳ diệu của Giáo Hội suốt bề dày lịch sử. Niềm tin ấy cũng làm cho mỗi người tín hữu chúng ta trở thành nhân chứng của Đấng Phục sinh trong cuộc sống hôm nay.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW