Cho đi, tức là lãnh nhận – Bài giảng Chúa nhật XIII Thường niên năm A

26-06-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Cho đi, tức là lãnh nhận – Bài giảng Chúa nhật XIII Thường niên năm A by

Để hiểu nội dung và sứ điệp của Lời Chúa, chúng ta phải xác định vị trí của đoạn Tin Mừng này trong ngữ cảnh những bài giảng của Đức Giêsu về truyền giáo. Người đưa ra những điều kiện, những yêu sách mà những ai muốn làm môn đệ của Người phải chấp thuận. Đối với những ai muốn đi theo Đức Giêsu, họ phải vượt qua mọi thứ rào cản.

Một số độc giả, nhất là những độc giả ngoài Kitô giáo, có thể cảm thấy “sốc” khi đọc Bài Tin Mừng hôm nay: “ Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thày, thì không xứng đáng với Thày…”. Có lẽ nào Đức Giêsu lại dạy những điều ngược đời, trái với luân thường đạo lý.  Để hiểu nội dung và sứ điệp của Lời Chúa, chúng ta phải xác định vị trí của đoạn Tin Mừng này trong ngữ cảnh những bài giảng của Đức Giêsu về truyền giáo. Người đưa ra những điều kiện, những yêu sách mà những ai muốn làm môn đệ của Người phải chấp thuận. Đối với những ai muốn đi theo Đức Giêsu, họ phải vượt qua mọi thứ rào cản. Những rào cản này có thể là quan niệm về một cuộc sống an phận, có thể đó là của cải tiền bạc, nhưng cũng có thể đó là những mối liên hệ rất thân thiết. Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả sự hy sinh đối với những ai muốn làm môn đệ của Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể khám phá ra quy luật « Cho đi, tức là lãnh nhận »  được thể hiện qua những cặp từ mang ý nghĩa rất sâu sắc như sau:

Ai tìm thì sẽ mất; ai chịu mất thì sẽ tìm lại được: ngược hẳn với quan niệm thông thường. Ở đây Đức Giêsu muốn nói đến sự dấn thân của người môn đệ. Khi sẵn sàng cho đi thì sẽ tìm được chính bản thân mình. Sự ích kỷ (tức là chỉ tìm chính bản thân mình, đặt mình làm chuẩn mực cho người khác) thì sẽ làm cho con người lâm vào tình  trạng vong thân, đánh mất chính mình.

Ai đón tiếp thì chính mình sẽ được đón tiếp: khái niệm “đón tiếp“ ở đây được hiểu rộng hơn quan niệm thông thường. Đón tiếp là cộng tác, là sẻ chia, là thông cảm, là đón nhận. Đón tiếp một người nào còn là sự quảng đại đối với người đó. Đức Giêsu đã đồng hóa với những người bé mọn đến nỗi ai đón tiếp họ là đón tiếp chính Người. Người còn hiện diện nơi những môn đệ, nơi những người được sai đi, để rồi mỗi khi chúng ta đón tiếp người môn đệ là đón tiếp Chúa. Hơn thế nữa, họ được vinh hạnh đón tiếp chính Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Con mình đến trần gian.

Ai giúp người khác thì bản thân mình sẽ được giúp đỡ: sự giúp đỡ được nêu trong Tin Mừng chỉ đơn giản là một bát nước lã, là điều ai cũng có thể làm được. Ấy vậy mà món quà tưởng chừng như vô giá trị ấy lại có ý nghĩa trước mặt Chúa và xứng đáng nhận phần thưởng. “Của cho không quan trọng bằng cách cho”, một bát nước lã đã trở thành quà tặng có giá trị, vì nó được trao tặng với cả tâm hồn, với tình mến yêu và lòng chân thành. Người đàn bà tại thành Sunêm đã quảng đại đón tiếp Ngôn sứ Êlisê (Bài đọc I). Chính nhờ sự đón tiếp đó mà Bà và gia đình đã được thưởng công. Bà đã sinh con vào lúc tuổi già xế bóng. Việc sinh con đã đem lại cho bà niềm vui, vì đó là điều bà mong ước. Bà đã đón tiếp Ngôn sứ với cả tấm lòng và sự quảng đại.

Khi cho đi, mình được nhận lãnh, khi tha thứ, mình được thứ tha, khi mến yêu, mình được yêu mến. Đó là triết lý sống của Thánh Phanxicô Khó Khăn đã được thể hiện qua Kinh Hòa Bình quen thuộc. Triết lý ấy, rất đơn sơ mà sâu sắc, rất dễ dàng thực hiện mà đem lại hiệu quả thiết thực. Triết lý sống này đã thấm đượm tinh thần của Tin Mừng. Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta điều đó: Người đã cho đi, đã yêu mến, đã thứ tha để làm gương cho chúng ta.

Chúng ta được mời gọi để sống như Đức Giêsu đã sống, yêu như Đức Giêsu đã yêu. Chân lý này được gói gọn trong lời Chúa đã nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”. “Vác thập giá”, đó chính là con đường chúng ta đang đi. Đó chính là những biến cố đang xảy đến trong cuộc sống hằng ngày. Đó cũng là niềm vui nỗi buồn hòa quyện trong cuộc sống để làm nên những lời tôn vinh Thiên Chúa, khi chúng ta đón nhận những biến cố ấy với tâm tình của Đức Giêsu, cũng như  Đức Giêsu đã vác thập giá để tôn vinh Chúa Cha. Thánh Phaolô đã gọi những hy sinh của người tín hữu là « chết đi cùng với Đức Kitô » (Bài đọc II). Đây là cốt lõi Đức tin của người Công giáo: những ai cùng chết với Chúa Kitô sẽ được sống lại với Người. Mỗi ngày, chúng ta được mời gọi sống ơn gọi của Bí tích Thanh Tẩy, tức là chấp nhận để cho những nết xấu chết dần trong ta và để ơn sủng của Chúa lớn mãi trong tâm hồn.

Chúng ta đang tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong tháng sáu này. Thánh Tâm Chúa đã mở ra để trở nên nguồn ân sủng cho nhân loại, cách riêng cho các tín hữu. Xin Thánh Tâm Chúa trở nên trường học về lòng hy sinh và tình yêu mến cho mỗi chúng ta.

+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW