“Chiêm ngưỡng vinh quang và tin vào Chúa” – Bài giảng Chúa nhật II Thường niên C

18-01-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở “Chiêm ngưỡng vinh quang và tin vào Chúa” – Bài giảng Chúa nhật II Thường niên C by

Ba sự kiện: việc Chúa Giêsu tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông; Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng nước sông Giođan; Chúa Giêsu làm dấu lạ đầu tiên tại Cana đều được diễn tả như những cuộc “thần hiện”, tức là việc Thiên Chúa hiển linh cho con người thấy vinh quang của Ngài, để nhờ đó mà tin vào Ngài.

Phụng vụ Công giáo nối liền ba sự kiện trong Tân ước với nhau và “đọc” thấy ở đó cùng một thông điệp: Thiên Chúa tỏ bày vinh quang của Ngài cho nhân loại. Ba sự kiện ấy là việc Chúa Giêsu tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông; Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng nước sông Giođan; Chúa Giêsu làm dấu lạ đầu tiên tại Cana. Cả ba đều được diễn tả như những cuộc “thần hiện”, tức là việc Thiên Chúa hiển linh cho con người thấy vinh quang của Ngài, để nhờ đó mà tin vào Ngài. Trong trình thuật về dấu lạ tại Cana mà chúng ta vừa nghe, Thánh Gioan hôm nay cũng kết luận: “Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người” (câu 11).

Thực ra, trọn vẹn cuộc đời dương thế của Đức Giêsu là một cuộc “hiển linh”, bởi vì Người đã trút bỏ vinh quang và địa vị cao sang để mặc lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Tuy vậy, qua những sự kiện vừa nhắc đến trên đây, Chúa chứng minh thân phận thiên linh của Người. Thân phận ấy được “ẩn giấu” trong cuộc đời dương thế. Những phép lạ mà Chúa đã làm không nhằm mục đích tạo ấn tượng và đáp ứng trí tò mò của con người, nhưng để khẳng định vai trò thiên sai của Người và để dân chúng tin vào Người.

Trở lại với dấu lạ ở Cana, tác giả Gioan muốn khẳng định với chúng ta: Qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới. Với Chúa Giêsu, lịch sử đã sang trang. Đây cũng là khởi đầu của kế hoạch mới mà Thiên Chúa muốn thực hiện vì tình yêu mến dành cho con người. Thiên Chúa từ nay không còn xa vời đối với con người, nhưng trở nên gần gũi với họ. Thời Thiên sai được khai mở, nồng ấm và vui tươi như rượu mới, thay thế nước lã vô vị đã trở nên lỗi thời. Đức Giêsu hiện diện ở một đám cưới là một hình ảnh rất mới lạ mà một cách diễn tả “táo bạo” về Thiên Chúa. Giáo lý Kitô giáo nhận ra qua sự hiện diện này một Thiên Chúa dấn thân nơi mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, đồng thời chúc lành và thánh hóa tình yêu hôn nhân. Nếu trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa muốn giới thiệu hình ảnh Người hòa mình vào dòng người đang chờ đợi xin Ông Gioan làm phép rửa, thì trình thuật tiệc cưới Cana lại muốn diễn tả một Thiên Chúa “vào đời” để gần gũi cảm thông với con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Người hiện diện giữa nhân loại như chàng rể. Nhân loại đón chờ Người như chờ đón chàng rể của hôn lễ (x Dụ ngôn mười trinh nữ, Mt 25,1-13). Hình ảnh tiệc cưới cũng được dùng trong Cựu ước để diễn tả niềm vui của dân tộc Do Thái vì có Chúa hiện diện (Bài đọc I). Đây cũng là viễn cảnh tương lai, khi lịch sử nhân loại đến hồi kết thúc, nhường chỗ cho trời mới đất mới, được diễn tả như tiệc cưới của Chiên Con, lúc đó, vinh quang Chúa sẽ bao trùm tất cả, niềm hân hoan sẽ tràn ngập vũ trụ (x Kh 19,1-7).

Ở đây ta thấy vai trò của Đức Trinh nữ Maria. Mẹ cũng được mời tham dự đám cưới. Vai trò của Mẹ, vừa mang tính tế nhị của một người phụ nữ, vừa tỏ bày quyền thế đối với Đức Giêsu. Là một người tinh tế, Mẹ nhận ra nỗi lo của chủ tiệc; như một người quyền thế, Mẹ chỉ nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi!”. Đây vừa là một lời van xin, vừa là một mệnh lệnh. Chức năng trung gian của Mẹ được thể hiện một cách rất rõ ràng: Mẹ vừa nói với Chúa Giêsu về  sự kiện xảy ra; Mẹ vừa dặn dò những người giúp việc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!”. Phép lạ đã xảy đến do quyền năng của Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, và do sự vâng lời của con người.

Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Đó là lời khẳng định của Thánh Gioan Tông đồ trong lễ Giáng Sinh (x. Ga 1,14). Việc chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa phải giúp chúng ta tin vào người. Có người sẽ phản ứng: chúng tôi có thấy gì đâu, ngoài hình hài một trẻ sơ sinh đặt trong máng cỏ ở hang đá Giáng sinh! Vâng, các nhà đạo sĩ cũng thấy như chúng ta, nhưng họ đã thờ lạy và tôn nhận Hài nhi là Vua của các vua và là Chúa của các chúa. Sau này, Đấng Phục sinh khẳng định với Tông đồ Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà có lòng tin” (x. Ga 20,29).

Thiên Chúa vẫn đang tỏ bày vinh quang của Ngài bằng nhiều cách thế khác nhau. Vũ trụ là cuốn sách kể lại với chúng ta về vinh quang Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 18,2). Ngay giữa cộng đoàn đức tin, Chúa cũng đã san sẻ vinh quang của Ngài cho các tín hữu, nhờ đó họ có thể đón nhận những khả năng khác nhau để cùng loan truyền Danh Chúa. Thánh Phaolô đã liệt kê các ơn của Chúa Thánh Thần: Khôn ngoan, Thông minh. Chữa bệnh, Làm phép lạ, Ơn tiên tri, Ơn ngôn ngữ (Bài đọc II). Dù được ơn gì và dù ở địa vị nào, tất cả những ơn ban trên đây đều nhằm phục vụ Giáo Hội là Thân thể của Đức Kitô, để rồi vinh quang của Người tiếp tục tỏ hiện.

"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Ngày hôm nay, Đức Maria vẫn đang khuyên chúng ta như thế. Thực hành Lời Chúa dạy là phương thế giúp chúng ta nên thánh, nhờ đó mà Chúa thực hiện những điều lạ lùng giữa cuộc sống chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW