Chay và sống

04-03-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Chay và sống by

Trong dọc dài cuộc đời, có những bình minh rực rỡ chói chang, cũng có những hoàng hôn ảm đạm leo lắt. Có những sắc hồng chếnh choáng niềm vui, cũng có những tím ngắt tê tái nỗi buồn. Có khi bước chân đi bên phải, có khi lối bước quay về bên trái. Và có những lúc ta chay Chúa, nhưng có những lúc ta sống Chúa. Chay Chúa và sống Chúa trở thành hai phạm trù đối ngược nhau. Cuộc đời là thế. Quy điển cuộc đời không bỏ qua ai.

Chay Chúa dễ dàng

Vì con cái, vì tình yêu dành cho chúng, mà cha mẹ đã phải “chay” nhiều nhu cầu, nhiều cơ hội hưởng thụ để bươn chải, lo toan. Bởi đó, có những giọt mồ hôi chảy xuôi theo vầng trán của các bậc sinh thành. Vầng trán ấy không phẳng lặng, mà ghồ ghề, lấp lõm. Mồ hôi chảy chẻ theo đường nằm nghiêng. Vì thiếu thốn, có những em bé phải để mình “chay” quần áo, lội qua sông mùa lũ để đến trường kiếm con chữ. Khi bể rộng nhu cầu của con người không thể được đáp ứng, không thể lấp đầy, con người ta mới phải “chay” bản năng để bám trụ.

Cũng vì mờ mắt trước danh lợi của tiền bạc và địa vị, có những người “chay” tình thương, lòng quảng đại đối với anh em. Họ “chay” cái lớp học vỡ lòng về chữ “nhân” để nhảy cấp thượng lưu cho mình bằng các thủ đoạn tham nhũng, bóc lột. Những ngôi biệt thự chọc trời cứ thế đua nhau nở hoa giữa bầu trời xám xịt. Hay đơn giản thôi, chỉ là hát chay, đọc chay, thuyết trình chay… và vô vàn thứ trên đời. Và vì không thể cảm Chúa, mến Chúa, thấm Chúa, dư tràn Chúa, nên người ta mới chay Chúa.

Tất cả các con đường đó đều đi đến cùng một đích: “Chay” là phủ định, là sự không sở hữu, sự từ bỏ, sự không gắn bó, sự xa lìa.

Chay Chúa là thái độ khước từ sự ảnh hưởng của Đấng Siêu việt lên loài hữu hạn; là chối bỏ sự thánh hóa của Đấng Toàn thiện lên thân phận yếu hèn, nhu nhược; là lìa tách Tình yêu chân chính, đích thực, Tình yêu vĩnh cửu khỏi tình yêu manh mún, vụn vặt, mau qua.

Khi người ta chịu chay, người ta phải chịu thiệt thòi, đơn điệu, vắng bóng. Khi tâm hồn chay Chúa, vẫn còn đó những dập dờn lo lắng, chập chùng bất an, ngàn trùng xao xuyến. Vẫn còn đó bao nhiêu tủi hờn, ghen ghét len lỏi vào mọi ngõ ngách của trần đời, từng góc kẽ của lòng người. Vẫn còn đó quạnh quẹ giữa thân phận, sầu lo trong số kiếp, bối rối trong hiện tại, toan tính bất toàn cho tương lai. Và còn mãi bóng tối man rợ, khiếp đảm của sự chết, của tội lỗi khi lựa chọn lối sống chay Chúa. Chay Chúa đồng nghĩa với mọi sự đều vô ích, vô nghĩa, vô phương, vô hướng, vô hình…

Khi người ta không thể làm gì, người ta mới chịu dang tay thua cuộc, mới chấp nhận thiệt thòi, mới bắt buộc chịu chay. Không thể có, không thể sở hữu là phải chịu chay. Chịu chay là nằm ngoài tầm với, nằm ngoài cơ hội. Âu cũng là đương nhiên thôi! Đương nhiên như bình minh sáng sớm, rồi hoàng hôn chiều tàn. Đương nhiên như xuân đến hoa nở, xuân đi hoa tắt. Cuộc đời là hữu hạn, con người là bất toàn.

Nhưng thật lạ! Người ta chay Chúa đâu có bởi họ bất lực trong cảm Chúa, mến Chúa; đâu phải bởi nói chuyện với Chúa nằm ngoài khả năng của họ; đâu phải Chúa là một thực tại cao vời, là Đấng không có khái niệm, không có những gương mặt. Thánh Augustino đã nói: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con, còn con ở ngoài Chúa”. Đâu phải Chúa thích ở một mình, thích đơn côi. “Vì Cha quá yêu thế gian nên đã sai con một vào thế gian” (Ga 3,10). Cũng đâu phải bởi Chúa đáng ghét, độc đoán. Bởi “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,16) cơ mà! Thế có lẽ là tại con người rồi? Dường như là vậy. Chắc chắn là vậy. Muôn thuở là vậy.

Con người chủ động chay Chúa, thích được thỏa mãn đam mê trong môi trường chay Chúa. Không một chút bận tâm, không một chút khó chịu hay gượng ép. Thế nên, chay Chúa khác với mọi thứ chịu chay ở đời này. Khác lắm! Con người là chủ thể của hành động chịu chay, chứ chẳng lo lắng, buồn phiền, đòi hỏi hay có ý hướng ngay lành muốn hãm mình. Con người khiến cho việc chay Chúa trở nên rõ ràng, loang lỗ.

Có người chay Chúa ban ngày. Có người chay Chúa ban đêm. Có người chay Chúa cả ngày. Và cũng có người chay Chúa suốt đời, triền miên rải rác. Có người chay Chúa ở nhà. Có người chay Chúa nơi chợ búa, trường học. Có người chay Chúa ngay ở trong nhà thờ. Và cũng có người chay Chúa mọi nơi, rải rác triền miên. Có người chay Chúa nhè nhẹ. Có người chay Chúa vừa vừa. Có người chay Chúa nhầy nhụa quanh quất. Và cũng có người chay Chúa sùng sục, rừng rực. Có người chay Chúa với chút e dè, phân vân, do dự, chập chừng, nhưng có người chay Chúa dứt khoát, thẳng thừng, ráo riết. Có người chay Chúa cách lo sợ, kín đáo, nhưng cũng có người chay Chúa thong dong, công khai. Có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu cách chay Chúa. Có bao nhiêu gương mặt là có bấy nhiêu thái độ chay Chúa.

Hêrôđê chay Chúa kinh khiếp với nỗi lo đánh mất ngai vàng, quyền uy. Giuđa chay Chúa với thái độ sợ sệt, hoang mang, vô vọng. Trong vườn Cây dầu, các môn đệ chay Chúa để thỏa mãn đam mê xác thịt, thỏa sự yếu đuối vô tâm. Phêrô chay Chúa khi thẳng thừng chối Chúa trong hoàn cảnh nghi nan.

Đường đời dài lắm! Và dòng chảy của việc chay Chúa cũng dài vô tận, dài ngao ngán. Đường đời nhiều bụi bận, nhiều bon chen lắm! Và hình hài của việc chay Chúa cũng dị dạng, kì quặc không tưởng.

Sống Chúa day dứt

Một khi ta cảm Chúa, mến Chúa, thấm Chúa, dư tràn Chúa, tức là ta đang sống Chúa. Ta tan say êm ngọt trong Chúa.

Chay Chúa là số không vô nghĩa, sống Chúa là vô cùng no thỏa. Chay Chúa là khô hạn heo hắt, sống Chúa là lai láng sung mãn. Chay Chúa là lay lắt dập dờn, sống Chúa là thư thái an vui. Chay Chúa là sự chết, sống Chúa là vĩnh hằng. Thomas Browne đã nói: “Thời gian sống trên trái đất chỉ là một ngoặc đơn bé tí tẹo trong cõi đời đời”. Sống Chúa tuyệt vời là thế, hạnh phúc là thế, nhưng có mấy ai có thể chiếm giữ, thi hành? Âu cũng là thân phận con người, là vết chân Asin mà tổ tông đã để lại cho con cháu. Thánh Phaolô cũng đã nói: “Với sự thiện mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng với sự dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19).

Khi ta sống Chúa, đời ta như nhận được những ánh dương ấm áp, sáng rực, quang minh vào những ngày u mê, tối tăm, ảm đạm. “Hồn tôi khao khát Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 130,6). Ánh dương đó không mãnh liệt, không gay gắt, nhưng cũng đủ êm dịu, năng quyền để làm tâm hồn ta bừng tỉnh. Ánh dương thắp sáng tâm can. Ánh dương soi dẫn lý trí. Ánh dương thăng hoa tình yêu.

Khi ta sống Chúa, đời ta như nhận được những cơn mưa đầm đìa, tươi mát trên mảnh đất khô cằn, rạn nứt. “Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 62,2). Mưa không vồn vập vội vã, nhưng nhẹ nhàng thấm thía, len lỏi từng ngóc ngách tâm hồn. Mưa tí tách những âm vang hồng ân, âm vang tình yêu, âm vang cứu rỗi. Sống Chúa. Mưa Chúa. Tan Chúa…

Khi ta sống Chúa, đời ta có bình an, có an vui lan tỏa, tràn ngập sâu xa trong tâm hồn. Một sự bình an đích thực. Lúc chia ly, các môn đệ sống Chúa bởi bình an mà Chúa đã để lại: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Khi sống lại, Chúa cũng đã cho các môn đệ sống Chúa bởi lương thực là bình an: “Bình an cho các con” (Ga 20,19). Bình an khi sống Chúa dường như không phải là một tặng phẩm, một món hàng để trao tặng, nhưng đã trở nên chính sự sống, nguồn sống, chính là sống Chúa.

Vì không sống Chúa nên Giuđa đã mất bình an, lo toan mà tìm đến cái chết tất tưởi. Vì sống Chúa, Phêrô cảm nhận rõ nét, tinh tế sự bình an trong ánh mắt của Đấng sắp chịu tử nạn mà biến đổi cuộc đời. Vì sống Chúa, các Tông đồ đã tự tin thay đổi mình thành những Đức Kitô mới của thời đại. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Người ta sống trên đời theo nhiều cách khác nhau. Có người sống nửa cuộc đời, có người sống trọn vẹn đủ đầy. Có người sống chơi vơi bất định, nhưng cũng có người sống chắc vững kiên trung. Có người sống hối hả xốn xang, nhưng cũng có người sống thanh thản bình tâm. Ai đó vừa sống vừa khóc, ai đó vừa sống vừa cười. Ai đó vừa sống vừa đi, ai đó vừa sống vừa nằm. Cũng bắt gặp người sống vì chính họ, nhưng cũng có người sống vì anh em. Bao nhiêu thân phận, bấy nhiêu cách sống. Phong phú là thế, triền miên là vậy! Nhưng sống Chúa thì chỉ có một, duy nhất sống Chúa mà thôi. Sống Chúa không có thay đổi, không có mục nát. Sống Chúa không phụ thuộc vào cái hữu hạn của thời gian, không gian. Sống Chúa là sống Chúa. Bởi Chúa là Đấng Duy nhất, Đấng Toàn vẹn: “Ta là Anpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 21,6). Sống Chúa là sống cái tình yêu vĩnh hằng, sống mối tình thiên thu, sống sự kết hiệp vẹn tròn, huyền nhiệm.

Chay tôi để sống Chúa

Giữa chay Chúa và sống Chúa, nhìn vào ích lợi, ta quá dễ dàng để chọn lựa. Dễ như việc ta ước muốn lựa chọn thành công hay thất bại, lựa chọn thầy giỏi hay thầy kém. Dễ như việc ta cho vào miệng ly kem mát lịm giữa trưa hè oi ả.

Nhưng thực ra đâu có dễ. Có hai con đường để bước đi. Bước đi với việc chay Chúa và bước đi với việc sống Chúa. Con đường có biển hiệu “chay Chúa” tựa như con đường mà tổ tông xưa đã bước vào vườn táo ngọt thơm để thỏa mãn khao khát của chót lưỡi đầu môi. Hay như con đường in những dấu chân mà Giuđa đi lấy 30 đồng bạc để bán Chúa. Con đường ấy thênh thang quá, tự do quá, nhiều hấp dẫn quá. Họ chẳng phải do dự, chẳng phải lo thiệt thòi bản thân. Trái lại, họ có cơ hội thỏa mãn cái tôi của mình, thỏa mãn cái nhầy nhụa quanh quất của ước muốn thế gian. Thế là họ chay Chúa. Nhưng cuối con đường ấy là gì? Là hoa thơm cỏ lạ hay gai góc xù xì? Là vinh quang danh dự hay đau khổ triền miên? Là cái chết hèn hạ hay sự sống bất diệt?

“Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đúng rồi! Thế nên họ mới chay Chúa. Nhưng đâu có dễ để bản năng không lựa chọn con đường chay Chúa? Hấp dẫn trước mắt làm ta mù quáng. Vinh quang trần thế dễ hấp thụ hơn vinh quang thiên quốc. Tưởng dễ nhưng thật khó, bởi đã có biết bao nhiêu người đã đi trên con đường này.

Ngược lại, con đường có biển hiệu “sống Chúa” là con đường mà xưa Đức Giêsu đã làm gương bước đi trước. Con đường lên Gôngôtha. Con đường thập giá. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9,23). Sống Chúa không dễ dàng, không hời hợt, không thênh thang, hoa lệ. Chính Đức Giêsu đã phải đau đớn thốt lên: “Lạy Cha, nếu được xin Cha cất chén đắng này cho con” (Mc 14,36). Thế ra, sống Chúa không dễ như ta tưởng. Lựa chọn con đường sống Chúa không dễ như nuốt ly kem kia?

Vậy ta phải lựa chọn lối nào để đi? Chay Chúa? Sống Chúa? Hay chay tôi sống Chúa? C.S Lewis đã nói: “Có hai loại người: những người nói với Thiên Chúa “Ý Cha thể hiện” và những người để Thiên Chúa nói, “Được, vậy thì đường con con cứ đi””. Ta phải chọn loại người nào? Thánh Phaolô cũng đã nói: “Ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa” (2Cr 5,6). Vậy ta chay Chúa khi ở lại trong thân xác, trong cái tôi, hay ta chọn Chúa, sống Chúa?

Chính Đức Giêsu đã trả lời tất cả câu hỏi đó cho chúng ta: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngôn sứ Isaia thêm vào: “Phần tôi, tôi đã nói “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì” (Isaia 49,4). Hay ông Giop: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt không một tia hy vọng” (G7,6). Thánh Phaolô thì quả quyết: “Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng Thiên Chúa dành cho kẻ được Ngài kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,14).

Như vậy, lựa chọn con đường nào là đã quá rõ ràng. Rõ ràng nhưng không đơn giản. Không đơn giản nhưng đầy hy vọng, tin tưởng. Phải chay tôi, chay cái bản ngã, cái tự tôn, kiêu ngạo của kiếp người. Lấp vào đó là sống Chúa, sống tương quan cao cả với Đấng là tuyệt đối.

Mùa Chay đang đến níu theo mùi hương của sám hối, chay tịnh, hãm mình. Dòng đời cứ cuộn chảy như thế. Lòng người cứ man mác bám víu vào đời như vậy. Cái đơn độc u hoài mà ta có thể hỏi là làm thế nào ta có khả năng lựa chọn lối sống, lối chay nào đúng theo chân lý? Cuộc đời vẫn là một dấu hỏi. Phận người vẫn bắt ta phải phân vân.

Đức Tình

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW