Canh tân đổi mới – Bài giảng Chúa nhật I Mùa Chay năm B

17-02-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Canh tân đổi mới – Bài giảng Chúa nhật I Mùa Chay năm B by

Chúa nhật I Mùa Chay năm nay cũng là ngày mồng 3 tết Mậu Tuất. Canh tân đổi mới, đó là thông điệp của Mùa Chay, đó cũng ý nghĩa của Mùa Xuân. Nhờ khiêm tốn sám hối. chúng ta sẽ trở nên con người mới, tràn đầy nghị lực và niềm vui, vì có Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta.

Một văn sĩ công giáo đã sánh ví Mùa Chay với hình ảnh của con sâu thoát xác trở thành con bướm. Tiền thân của bướm là sâu. Con sâu thì sù sì đáng sợ, con bướm thì duyên dáng đáng yêu. Với ơn phù trợ của Chúa và nỗ lực cố gắng của bản thân, Mùa Chay giúp ta đổi đời, như con sâu lột xác để trở thành con bướm. Quá trình lột xác bao giờ cũng đau đớn hy sinh, nhưng đó là một điều kiện để thoát kiếp sâu và trở thành bướm. Sự lột xác này, chính là nỗ lực cố gắng để canh tân đổi mới cuộc đời.

Tại sao phải canh tân đổi mới cuộc đời? Vì giữa dòng đời xuôi ngược, chúng ta thường bị lôi cuốn theo những trào lưu đi ngược với giáo huấn của Chúa, đến nỗi đánh mất chính mình. Mùa Chay là thời điểm nhìn lại cuộc đời, để nhận ra những tội lỗi thiếu sót, đồng thời sửa lại những sai lầm, trở nên con người mới. Lời Chúa trong Chúa nhật I Mùa Chay này nhắc chúng ta nhớ lại bí tích Thánh tẩy chúng ta đã lãnh nhận, để sống xứng đáng với ơn của bí tích này. Vào thời xa xưa, đã có lúc nhân loại trở nên xấu xa và đầy tội lỗi. Chúa đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi cả dòng giống con người. Tác giả sách Sáng thế diễn tả với nỗi đau đớn: “Thiên Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 5,6). Để gây dựng một dòng giống mới, tinh tuyền thánh thiện hơn, Thiên Chúa đã chọn gia đình ông Nôê, là người sống đạo đức và kính sợ Chúa. Bằng con tàu khổng lồ ông đã chuẩn bị theo lệnh truyền của Chúa, gia đình ông và các loại cỏ cây, súc vật, chim trời đã trở thành những nhân tố đầu tiên của cuộc sáng tạo mới sau khi nước hồng thủy rút đi.

Nước vừa có sức mạnh hung dữ nhấn chìm mọi tạo vật, vừa có khả năng làm sinh ra một thế hệ mới. Các hiền sĩ Do Thái đều nhìn nhận biến cố này diễn tả thân phận tội lỗi của con người và lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa với ông Nôê và các con ông: từ nay về sau sẽ không bao giờ tái diễn sự hủy diệt tàn khốc như vậy. Lời hứa của Chúa được gọi là giao ước, và được đánh dấu bằng cầu vồng trên các tầng mây. Sau này, thánh Phêrô và các nhà thần học đầu tiên của Giáo Hội đều giải thích Đại hồng thủy là hình bóng của bí tích Thánh tẩy (Bài đọc II). Nhờ dòng nước tái sinh, con người cũ của chúng ta đã chết đi để nhường chỗ cho con người mới, tức là con người được ân sủng của Chúa nâng đỡ và thánh hóa. Nhờ tình thương của Chúa, nhất là nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người một giao ước mới trong máu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Qua giao ước này, Ngài đã quy tụ muôn dân về một mối, làm thành gia đình của Thiên Chúa có Chúa Giêsu là Anh Cả của nhân loại.

Vì mang thân phận con người yếu đuối và nhiều đam mê, mặc dù được dòng nước của bí tích tấy rửa, con người vẫn sa ngã phạm tội. Đó là lý do tại sao chúng ta phải sám hối mỗi ngày. Nhờ bí tích Thanh tẩy, những ai tin vào Chúa không chiến đấu một mình. Họ có Chúa đồng hành và ban sức mạnh để vượt lên mọi cám dỗ, trung thành với Chúa. Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt hảo cho chúng ta trong trận chiến với ma quỷ. Mỗi năm, khi Mùa Chay về, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta hình ảnh Đức Giêsu kiên cường mạnh mẽ trước mưu đồ cám dỗ của ma quỷ. Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, ma quỷ cũng vẫn đang lôi kéo cám dỗ chúng ta. Những cơn cám dỗ của thời đại hôm nay nhiều khi mang những nhãn hiệu hay danh xưng đẹp đẽ nhưng chứa đầy nọc độc giết người. Danh vọng, bổng lộc, quyền thế, tiền bạc, đó là những cám dỗ của thời hiện đại. Chúng thường lôi kéo con người bằng những "viên đạn bọc đường", khiến nhiều người ảo tưởng và sa ngã.

Khi diễn tả Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú” trong sa mạc, tác giả Mác-cô giúp chúng ta liên tưởng tới khung cảnh vườn địa đàng thuở ban sơ, ở đó, mối tương quan Thiên Chúa –  Con người và Tạo vật rất hài hòa êm đẹp, niềm vui và hạnh phúc luôn tràn trề viên mãn. Nếu biết sống tinh thần sa mạc giữa đời, chúng ta sẽ được gặp Chúa, được tâm sự với Ngài và được Ngài hướng dẫn, giúp chúng ta bước theo đường ngay nẻo chính. Thực hành tốt những việc đạo đức của Mùa Chay (cầu nguyện, chay tịnh và bác ái) chính là sống tinh thần sa mạc, nhờ đó, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, để cùng với Người đem phần rỗi cho anh chị em xung quanh.

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là lời rao giảng mở đầu trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Hai ngàn năm đã qua, lời kêu gọi này vẫn mang tính cấp bách. Bởi lẽ con người khước từ lời Chúa, chuộng sống gian dối hơn là sự thật; thích chiều theo lối sống thế gian hơn là hy sinh để nên trọn lành.

Chúa nhật I Mùa Chay năm nay cũng là ngày mồng 3 tết Mậu Tuất. Canh tân đổi mới, đó là thông điệp của Mùa Chay, đó cũng ý nghĩa của Mùa Xuân. Nhờ khiêm tốn sám hối. chúng ta sẽ trở nên con người mới, tràn đầy nghị lực và niềm vui, vì có Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta. Một khi có Chúa ngự trị, con sâu chứa đầy nọc độc sẽ trở thành con bướm xinh tươi, cuộc sống của chúng ta sẽ mãi mãi là mùa xuân.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW