Cánh đồng truyền giáo – Giáo xứ Biên Hoà 150 năm thành lập

10-09-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Cánh đồng truyền giáo – Giáo xứ Biên Hoà 150 năm thành lập by

Giáo xứ Biên Hoà, tưởng chừng như mới đây, nhưng “bỗng giật mình ngó lại, nghe tiếng thời gian qua” đã 150 năm. Chuỗi thời khắc, chuỗi hồng ân ấy đang mách bảo đến từng bổn đạo Biên Hòa hãy cùng nhau cảm tạ Chúa, cảm tạ người và cảm tạ đời.

1. BIÊN HÒA: HẠT GIỐNG ÂM THẦM

Khâm định Việt sử cho ghi lại sự kiện giáo sĩ Inêkhu đặt dấu chân đầu tiên tới làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (nay thuộc giáo phận Bùi Chu) giảng đạo Gia-tô vào năm 1533 [1].

Hạt giống âm thầm được gieo xuống mảnh đất Trà Lũ ấy, ai có thể nghĩ rằng 133 năm sau, đã bắt đầu mọc lan tới miền đất phương Nam – Cù Lao Phố, Biên Hòa. Quả vậy, trong “Họ đạo Lái Thiêu theo dòng lịch sử” có ghi nhận rằng:“Người ta tìm thấy người Việt theo đạo Thiên Chúa giáo ở Nam Kỳ là vào năm 1666 khi giáo sĩ Chevreuil và Haiques, hai người Pháp đầu tiên thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP), từ Xiêm tìm cách lén vào Đàng Trong. Trên đường đi, giáo sĩ Chevreuil gặp được một gia đình chủ thương thuyền tại Bà Rịa. Sau đó, giáo sĩ đến một nơi được mô tả là “một thị trấn ở giữa sông” và được một vị quan người Việt có đạo tiếp đón, cho phép làm lễ trước “sự hiện diện của một vài người Việt Thiên Chúa giáo trốn tránh cấm đạo ở xứ Đàng Trong”. “Thị trấn giữa sông” này được gọi là Cù Lao Phố thời bấy giờ” [2].

Cù Lao lúc bấy giờ được xem là “thị trấn giữa sông”, bởi lẽ nằm giữa hai nhánh lớn của con sông Đồng Nai, là một địa điểm thuận lợi cho thuyền bè đỗ bến. Người có công khai hoang Cù Lao này là tướng Trần Thượng Xuyên (1655-1720). Thuở ấy, ông dẫn khoảng độ 3000 người Hoa từ Bàn Lân tới đây khẩn khai lập nghiệp. Và cùng với nhóm lưu dân người Việt đã đến trước, họ biến nơi đây thành một thương cảng sầm uất, được xem như là cảng biển đầu tiên ở Nam Bộ [3].

Năm 1747, một nhóm khách thương người Phúc Kiến (Trung Quốc) qua lại buôn bán, thấy Cù Lao Phố rất giàu có nên dậy lòng tham, muốn chiếm lấy để làm chỗ dung thân lâu dài. Nên chiến tranh, bạo loạn xảy ra. Tuy chúa Nguyễn đã nhanh chóng dẹp tan bạo loạn, nhưng Cù Lao Phố cũng đã chịu thiệt hại nặng nề. Sự thịnh vượng chỉ kéo dài 97 năm (1679-1776).

Năm 1776, quân Tây Sơn đã đến đàn áp những người Hoa ở Cù Lao Phố vì họ đã ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh. Bị đánh đuổi, các thương gia người Hoa rủ nhau di tản xuống vùng Chợ Lớn sinh sống. Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong “Gia Định thành thông chí”: “Cù Lao Phố biến thành gò hoang, sau khi trùng hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước”.

Ở vào thời điểm này (thế kỷ XVIII), một lệnh cấm đạo gắt gao của chúa Minh Vương ở Đàng Trong (1698-1704), các nhà thờ bị đốt phá, nhiều giáo sĩ phải chết rũ tù, số đông giáo hữu cũng chịu tử đạo.

Khi vua Gia Long lên ngôi (1802) vì đã chịu ơn Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) giúp đỡ ông thời lưu vong, vua đã ban hành tự do tôn giáo. Nhưng đến đời Minh Mạng, cuộc cấm đạo trở lại càng ác nghiệt. Tự Đức còn hơn thế nữa, vua này đã thi hành một chính sách tàn sát, với 13 sắc chỉ cấm đạo, đối với những đồng bào tôn thờ Thiên Chúa. “… Các tín hữu Tân Triều, Mỹ Hội, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một và các họ đạo lân cận kể đến 600 người bị bắt giam vào ngục thất Biên Hòa, số người bị hành quyết tại Dốc Sỏi (ngã ba Thành hiện nay) lên tới khoảng 120 vị. Ngày 17/12/1861, trên 407 giáo hữu còn bị nhốt trong nhà lao Biên Hòa. Khi Pháp sắp hạ thành, nhà lao bị phóng hỏa thiêu rụi, chỉ có 7 người thoát thân, còn 400 người chịu tử đạo” [4][5]. Tro cốt của những người bị thiêu cháy được chôn tại nơi bị thiêu chết. Đến ngày 07/08/1875 Cha Louvet (cha Ngôn) cho dựng ở đây một bia đá có khắc hình Thánh giá. Từ đó, giáo dân Biên Hòa lấy chốn này làm nghĩa trang, quen gọi là “Mả Tù”. Nghĩa trang lịch sử ấy nay đã bị giải toả.

Sau khi thành Biên Hòa được ổn định, người dân Biên Hòa di tản tứ phương nay hồi hương sinh hoạt trên mảnh đất ven sông, nay là khu vực chợ Biên Hòa. Vì nhu cầu thiết yếu của binh sĩ và dân chúng, chính quyền Pháp đã khẩn trương xây dựng một nhà thương và cho mời Soeur Adeline Riguet và Soeur Lutgarde Daron thuộc dòng Saint Paul đến làm việc. Đồng thời, Cha Barou Besombe cũng được mời đến làm tuyên úy. Đặc biệt hơn, để bảo đảm đời sống đức tin cho giáo hữu, chính quyền Pháp đã đề nghị giám mục Đàng Trong sai linh mục đến coi sóc giáo hữu Biên Hòa.

Có thể nói, Biên Hòa xưa màu mỡ và trù phú là thế, nhưng lại vô cùng khắc nghiệt với người Công Giáo khi sống chứng tá cho niềm tin của mình. Thế nhưng, mặc cho bão giông sóng gió, cánh chim nhỏ bé vẫn vật lộn vươn lên, vẫn tìm đến ánh sáng cuối chân trời. Bao sắc chỉ hà khắc, bao thảm cảnh đẫm máu không hề làm chùn bước những người Công Giáo đầu tiên trên mảnh đất Biên Hòa. Từ những nền móng tiên khởi ấy, trải qua biết bao thế hệ, những giáo dân dần quy tụ, hình thành nên một cộng đồng. Giáo Xứ Biên Hòa bước vào hành trình khai sinh và phát triển.

2. BIÊN HÒA: NHỮNG BƯỚC CHÂN

Các chủ chăn ngoại quốc

Năm 1863, giáo xứ Biên Hòa ra đời trong bối cảnh quân đội Pháp vừa chiếm đóng vùng chánh tỉnh. Giữa khoảnh khắc biến động ấy, cha Creuse (cha Nhiệm) được giám mục Đàng Trong gửi tới coi sóc các Kitô hữu tại vùng đất ven sông này. Nơi đây, chính cha đã khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ nhỏ và nhà xứ cạnh bờ sông. Sau đó, chính quyền Pháp đã lấy lại khu đất ấy để xây dựng Tòa Hành Chánh (thường gọi là Tòa Bố, nay là tòa nhà UBND tỉnh) và đổi lại cho Giáo xứ một khu đất khác cách xa bờ sông, nơi toạ lạc ngôi nhà thờ hiện nay.

Ngày 11.06.1866, cha G.A. Creuse từ trần. cha P. Legrand (tên Việt là Cao) đến thay cho tới tháng 8.1870. Số giáo dân lúc này có khoảng 700 người. Ít năm sau, chính quyền Pháp tiến hành nâng cấp khu chợ, đòi buộc các tiểu thương và dân trong khu vực phải thay nhà lá bằng nhà ngói. Nhiều gia đình Công Giáo không thể xoay sở nên phải bỏ đất ra đi. Sau biến cố này, họ đạo Biên Hòa chỉ còn vỏn vẹn 300 giáo hữu.

Năm 1870, cha Errard (cha Y) về thay cha Legrand, ngài đã cất một ngôi nhà thờ nhỏ bằng gạch. Nhà thờ này được cha Wibaux (cha Vị, lúc ấy là Bề Trên Đại Củng Viện Thánh Giuse Sài Gòn) làm phép ngày 12.11.1872 và chọn hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô làm bổn mạng.

Năm 1874, Cha Contable về thay thế tạm thời tới khoảng tháng 6.1874, cha Louis Eugène Louvet (cha Ngôn) được bổ nhiệm về coi sóc họ đạo.

Tháng 11.1880, cha Lallement (cha Liễu) coi sóc họ đạo. Đến tháng 02.1887 cha Renier (cha Gẫm) đến thay thế. Coi sóc họ đạo được hai năm, cha Renier ngã bệnh, phải về Pháp điều trị.

Tháng 04.1889, cha Frédéric Sidot (cha Kính) coi sóc họ đạo.

Năm 1900, cha Dufi (cha Phi) được sai đến, nhưng chỉ được một tháng, cha đã ngã bệnh và không ở được lâu cùng họ đạo.

Tháng 08.1900, cha P. Ackermann (cha Mẫn) đến coi sóc họ đạo tới tháng 04.1905. Trong thời gian này, ngài bán ruộng đất ở Cù Lao Phố, dỡ nhà nguyện tại An Xuân do ông phủ Điền đã cất để lấy gạch ngói, và bán Đất thánh, nơi có mộ của cha Cypriano là cựu tu sĩ dòng Capucino và mộ của thân phụ bà Thánh Inê tử đạo, để xây dựng bốn căn phố lợp ngói gần nhà xứ. Sau đó, cha P. Ackermann đổi đi (1905), cha F. Sidot lại trở về coi sóc họ đạo. Thời gian này số giáo dân được khoảng 400 người.

Năm 1915 – 1936, họ đạo Biên Hoà được coi sóc bởi cha Pierre M. Simon.

Các chủ chăn bản xứ

Từ năm 1936, họ đạo Biên Hòa đặt dưới sự coi sóc của các linh mục bản xứ. Từ 1936 đến 1945, có sự hiện diện coi sóc của các cha: Phaolô Nguyễn Văn Vàng, Phêrô Nguyễn Vĩnh Tiên, Anrê Nguyễn Văn Đại, Phêrô Nguyễn Thanh Thời.

Năm 1947, cha Tôma Nguyễn Văn Thạnh đến thay cha Thời. Bầu khí họ đạo bắt đầu thay da đổi thịt: Chúa Nhật, ngoài thánh lễ sáng, buổi chiều có chầu Mình Thánh Chúa. Và cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể đi quanh vòng đai thành phố bắt đầu được khởi xướng. Cha lập thêm hội Hùng Tâm Dũng Chí cho thanh niên, hội Con Đức Mẹ, hội Hát. Năm Nhâm Thìn (1952) xảy ra trận lụt lớn, nước dâng cao ngập đường, tràn vào nhà thờ và nhà dân. Sau biến cố ấy, cha tổ chức lần hạt dâng kính Mẹ Maria để tạ ơn và cầu bình an cho họ đạo. Từ đó, mỗi chiều, một nhóm giáo dân nhiệt thành cùng với các nữ tu và trẻ mồ côi sốt sắng tới nhà thờ dâng Chuỗi Mân Côi lên Mẹ. Thói quen đạo đức này vẫn được duy trì tới hôm nay.

Năm 1953, cha Thạnh đi coi họ Cầu Kho – Sài gòn, cha Giacôbê Nguyễn Hữu Trí được bổ nhiệm làm chánh sở Biên Hòa, kiêm quản nhiệm họ đạo Tân Triều. Ngài tiếp tục các sinh hoạt thời cha Thạnh và lập thêm hội Legio Mariae, dòng ba Đaminh, Hướng đạo và chia họ đạo thành ba giáo khu. Ngài xin cha Antôn Lê Hoàng Yến về làm cha phó và điều hành trường tiểu học Khiết Tâm, nhận học sinh cả lương lẫn giáo.

Năm 1964, cha Martinô Nguyễn Văn Hiển đến thay cha Trí.

Năm 1966, cha Hiển về Tòa giám mục làm Bí thư cho Đức cha tiên khởi Xuân Lộc Giuse Lê Văn Ấn. Cha Tôma Nguyễn Văn Sum từ họ đạo Búng (Bình Dương) được bổ nhiệm đến coi sóc họ đạo Biên Hòa, lúc này gọi là Giáo xứ Biên Hòa. Cha phó Antôn Yến tiếp tục làm hiệu trưởng trường Khiết Tâm.

Hai năm sau, cha Tôma Sum xây lại nhà xứ bằng bêtông kiên cố với kích thước 12m x 18m, một trệt một lầu, có sân thượng. Ngài nâng trường Khiết Tâm lên và mở rộng đào tạo cấp trung học. Sau đó, xây thêm cơ sở cho cấp III, tọa lạc tại khu vực giữa trường Trịnh Hoài Đức và Bưu Điện hiện nay. Từ năm 1975, nhà nước đổi tên thành trường Trần Hưng Đạo.    

Năm 1972, cha Tôma Sum khởi công xây dựng lại nhà thờ mới với kích thước dài 40m x 24m. Năm 1975, công trình tạm ngưng vì thời cuộc. Nhiều năm sau mới tiếp tục xây dựng. Năm 1991, công trình hoàn tất, nhưng không tổ chức khánh thành.

Ngoài cha phó Yến phụ trách giáo dục, thời cha Sum còn có các cha phó: Cha Phêrô Nguyễn Thanh Long, Cha Đaminh Lê Đức, Cha Giuse Phan Trọng Hanh, Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Cha Gioakim Nguyễn Văn Quới, Cha Phêrô Huỳnh Văn Vinh, Cha Vinhsơn Ngô Văn Tất, Cha Tôma Lâm Văn Kinh.

Sau 1975, nhiều giáo dân Biên Hòa rời bỏ thành phố đi “kinh tế mới” hoặc xuất ngoại. Mãi đến năm 1986, đất nước đổi mới, thành thị phát triển trở lại và mọc lên các khu công nghiệp tại thành phố Biên Hòa. Dân cư từ các nơi hội tụ về Biên Hòa làm ăn sinh sống, học tập,… Biên Hòa trở thành Thành phố công nghiệp và được nâng thành đô thị loại II (năm 1993). Theo đó, số giáo dân ngày càng tăng lên. Khi cha Tôma Sum nghỉ hưu (1998), đồng thời cha phó Tôma Kinh được bổ nhiệm làm chánh xứ Thánh Mẫu, hạt Túc Trưng, Giáo xứ có khoảng 7.000 tín hữu không kể di dân.

Từ 1998 đến nay

Trong bối cảnh mới này, năm 1998, Cha Philipphê Lê Văn Năng từ giáo xứ Định Quán được Đức Cha sai đến làm chánh xứ Biên Hòa, trực tiếp coi sóc bổn đạo cho tới ngày nay. Cùng với ngài, có các cha phó: Cha Giuse Nguyễn Đình Nhiệm (1999 – 2002), Cha Giuse Ngô Quốc Thạnh (2002 – 2005), Cha Vinh Sơn Nguyễn Trung An (2005 – 2006), Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thành (2006 – 2007), Cha Micae Phạm Phi Hùng (2006 – 2010), Cha Giuse Nguyễn Trần Vĩnh Linh (2007 – 2009), Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Lắm (2010 – 08.2013, được Đức giám mục sai đến làm cha chánh xứ Nam Hải), Cha Phêrô Nguyễn Quang Khương (2010 – nay), Cha Đaminh Nguyễn Thứ Trưởng (08.2013 – nay).

Tiếp nối sứ vụ của các vị tiền nhiệm, ngoài việc hệ trọng nhất là thăng tiến đời sống đức tin của bổn đạo, cha Philipphê bắt tay từng bước xây dựng cơ sở vật chất của Giáo xứ.

Trước tiên, để đảm bảo an ninh, ngài cho xây lại tường rào bằng song sắt phía trước nhà thờ thay cho hàng rào bằng cây keo. Hàng rào đó vẫn còn đến ngày hôm nay.

Vì là giáo xứ trung tâm thành phố, nhu cầu mục vụ ngày một phong phú và đa dạng, đòi hỏi phải có một cơ sở phù hợp. Nên cha Philipphê cùng với cộng đoàn giáo xứ nhất trí khởi công xây dựng mới toàn bộ khu nhà thờ vào ngày mồng ba Tết năm 2008, trong sự phó thác vào Thiên Chúa quan phòng, qua sự bầu cử của Mẹ Maria và thánh quan thầy Phêrô – Phaolô. Với niềm tin tưởng và hy vọng, công trình được khởi công vào tháng 04/2008. Ngày 17/04/2008 diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi nhà thờ. Hơn một năm sau (08/06/2009), công trình nối liền luôn việc xây dựng khu nhà xứ. Nhịp độ thi công từng bước suôn sẻ, bình yên. Và rồi, ngôi thánh đường, nhà xứ và những công trình phụ cũng đã được hoàn thành. Trong niềm phấn khởi tri ân, ngày 13/10/2010, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh – Giám mục Giáo phận đã về cung hiến nhà thờ và bàn thờ.

Nhà thờ mới hôm nay tọa lạc tại số 218, CMT8, phường Quyết Thắng, Biên Hòa, với tổng diện tích là 5.561 m2.

3. BIÊN HÒA: HƯỚNG TRUYỀN GIÁO

Hòa theo truyền thống tốt đẹp của Giáo phận, giáo xứ Biên Hòa luôn ra sức nuôi dưỡng và thăng tiến các giới, các đoàn thể. Hơn nữa, trong bối cảnh Biên Hòa hiện tại, phải kế đến một mảng mục vụ rất lớn, đó là Hôn nhân và Dự tòng.

Hai mảng sinh hoạt dành cho Hôn nhân và Dự tòng phản ánh rất rõ tiềm năng truyền giáo của giáo xứ Biên Hòa hôm nay. Cứ tính mỗi năm có 4 khóa học cho Hôn Nhân và 4 khóa Dự tòng. Mỗi khóa Hôn nhân và Dự tòng đều chiêu sinh hai lớp, bình quân khoảng từ 100 – 200 học viên. Do vậy, trong những năm gần đây, mỗi năm có đến 250 dự tòng gia nhập đạo. Chính vì thế, việc chăm sóc các tân tòng cũng là một mảng mục vụ đáng quan tâm nhất của các vị chủ chăn nơi đây mà cánh tay nối dài của các ngài là toàn thể cộng đồng dân Chúa, đặc biệt là những thành viên thuộc Hội Legio Mariae, Hội Chăm Sóc Bệnh của giáo xứ. Cha chánh xứ Philipphê cùng với quý vị Legio đặc trách Di dân vẫn đang dành nhiều thời giờ đến thăm viếng, chăm sóc anh chị em Di dân trong địa bàn giáo xứ.

Đối với một xứ đạo trải rộng trên địa bàn 11 phường, gồm 13 giáo họ (giáo xóm), giáo xứ Biên Hòa gần như chiếm gọn nội vi thành phố Biên Hòa. Tuy là một giáo xứ lớn với trên 13 ngàn giáo dân, thế nhưng cũng chỉ là thiểu số khi sống trong thành phố sấp xỉ 1 triệu dân [6], tỉ lệ giáo dân độ khoảng 7,5 % dân số. Từ đó, ta có thể nghiệm ra được tầm quan trọng và sự cấp thiết của công tác truyền giáo nơi đây.

Trước tình hình ấy, nhất là trong tâm tình của năm Đức Tin, cha chánh xứ mời gọi mỗi cá nhân (từ thiếu nhi tới bậc lão thành), từng gia đình biểu lộ đức tin của mình bằng đời sống bác ái. Cụ thể, ngài phát động chương trình “làm bạn với lương dân”, mỗi gia đình Công giáo kết thân với một gia đình ngoại giáo, mỗi thiếu nhi trong xứ rủ một bạn học lương dân đến nhà thờ vào những dịp đặc biệt như: Trung Thu, Giáng Sinh, Phục Sinh, ngày của cha, ngày của mẹ…

Hướng tới sinh nhật thứ 150 của Giáo xứ, những năm qua, toàn giáo xứ được kêu gọi “giảm bớt chi tiêu, giúp đỡ người nghèo”. Từ năm 2000, hội bác ái của Giáo xứ gồm giới y bác sĩ và các gia đình hảo tâm, tổ chức khám và phát thuốc cho người nghèo vùng sâu vùng xa (mỗi năm 2 lần)…

Ý thức sâu xa rằng: muốn là muối là ánh sáng thì muối phải đủ mặn, ánh sáng phải đủ chiếu sáng. Thế nên, trong năm Đức Tin, từng giới, từng đoàn, hội trong Giáo xứ cũng ra sức học hỏi để sống Lời Chúa trong bầu khí “Gia đình, Giáo xứ sống đức tin trong hiệp thông và bác ái”. Hơn nữa, cả giáo xứ đang hướng tới ngày 19/10, ngày sinh nhật thứ 150. Người người, nhà nhà dưới lời mời gọi của vị chủ chăn giáo xứ, sống yêu thương, hiệp nhất: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” [7].

Nguyện phó dâng tuổi mới 150 vào trong tay Đức Trinh Mẫu Maria, và Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Tâm tình phó dâng đang được hát lên mỗi ngày trong bài ca kết lễ: “Mẹ ơi, xứ đạo con đây nguyện xin dâng hiến Mẹ từ bi. Xin Mẹ thương đỡ nâng phù trì và luôn dẫn dắt trên đường đi…[8]”.


[1] Theo Wikipedia, Công giáo tại Việt Nam.
[2] Trích từ “Họ đạo Lái Thiêu theo dòng lịch sử”, tác giả Kts. Nguyễn Văn Giàu, Sài Gòn 06.04.2011.
[3] X. SƠN NAM, Nam Bộ xưa và nay, Nxb TP HCM, 2005, tr. 121.
[4] Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết trong báo “Công giáo & Dân tộc” số 1509, trang 34.
[5] Liên quan tới biến cố này còn có một chứng từ khác theo sử liệu của Dòng Saint Paul de Chartre, x.  Vaudon, trang 172, 2459.
[6] Theo thống kê của Wikipedia về mật độ cư dân thành phố Biên Hòa năm 2011.
[7] Ga 13,34. Lời mời gọi của Chúa Giêsu được viết ở mái tiền sảnh của nhà thờ Biên Hòa.
[8] Lm. Nhạc sĩ Văn Chi, cầu cho xứ đạo.

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW