Cám dỗ cuối cùng

02-09-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Cám dỗ cuối cùng by

Ronald Rolheiser, 2020-08-31

Cám dỗ cuối cùng là cám dỗ phản bội lớn nhất: Làm điều đúng nhưng với lý do sai.

Nhà thơ người Mỹ Thomas Stearns Eliot (1888-1965) đã viết câu trên để nói lên khó khăn biết bao khi loại bỏ các lý do xấu trong hành động tốt của chúng ta, bỏ tính ích kỷ để cuối cùng đừng làm các việc chính nghĩa chỉ vì mình.

Nhân vật chính trong vở Giết người ở Nhà thờ chính tòa (Murder in the Cathedral) của T. S. Eliot là Thomas Becket, Tổng giám mục giáo phận Canterbury, người đã tử vì đạo vì đức tin của mình. Từ mọi hình thức bên ngoài, Becket là vị thánh, vị tha, hành động do đức tin và tình yêu thúc đẩy. Nhưng như Eliot trêu chọc trong tác phẩm Giết người ở nhà thờ chính tòa, chuyện bên ngoài không nói lên chuyện bên trong sâu sắc hơn, không cho thấy hậu quả tận căn hơn. Không phải vì Thomas Becket không phải là vị thánh hoặc không trung thực trong động lực làm điều tốt; nhưng đúng hơn đây là “cám dỗ cuối cùng” ông cần vượt lên để trở thành một vị thánh hoàn hảo. Bên dưới bề mặt, luôn có một trận đấu tranh đạo đức sâu đậm hơn, tinh tế và vô hình hơn, một “cám dỗ cuối cùng” cần vượt lên. Cám dỗ cuối cùng đó là cám dỗ gì?

Đó là cám dỗ được ngụy trang như một ơn và cám dỗ chúng ta theo cách: không vụ lợi, trung thành, làm điều tốt, không bao giờ thỏa hiệp với sự thật, quan tâm đến người khác, đưa cô đơn của mình lên một mức độ cao, vượt lên trên sự tầm thường của đám đông, là người có đạo đức xuất chúng, chấp nhận tử đạo nếu được yêu cầu. Nhưng tại sao? Vì lý do gì?

Có nhiều lý do để giải thích vì sao chúng ta muốn trở thành người tốt, nhưng động cơ ngụy trang như một ơn thực sự là một cám dỗ tiêu cực chính là điều này: hãy tốt vì được kính trọng, được ngưỡng mộ, bạn sẽ có danh tiếng mãi mãi vì điều này sẽ mang đến cho bạn. Đây là cám dỗ mà người tốt phải đối diện. Muốn có danh thơm không phải là một chuyện xấu, nhưng cuối cùng nó vẫn thuộc về chúng ta.

Trong những lúc suy nghĩ sâu xa, tôi bị ám ảnh về chuyện này và nó làm cho tôi nghi ngờ về mình. Những gì tôi làm thực sự tôi làm cho Chúa Giêsu, cho người khác, cho thế giới hay tôi làm cho danh thơm của tôi, và tôi hài lòng về việc này như thế nào? Tôi làm cho người khác để họ có thể có cuộc sống trọn vẹn hơn, ít sợ hãi hơn hay tôi làm vì được tôn trọng? Khi tôi đi dạy, có phải động lực chính là làm cho người khác yêu Chúa hay để tôi được ngưỡng mộ vì tư tưởng của tôi? Khi tôi viết sách báo, tôi thực sự cố gắng truyền khôn ngoan hay tôi muốn cho thấy tôi khôn ngoan đến như thế nào? Đó là cho Chúa hay cho tôi?

Có lẽ chúng ta không bao giờ thực sự có thể có câu trả lời vì động lực của chúng ta luôn lẫn lộn và không thể phân loại chính xác. Tuy nhiên, chúng ta còn nợ người khác và chính mình về điều này, xem xét kỹ lưỡng về cầu nguyện, về lương tâm trong việc hướng dẫn thiêng liêng, khi thảo luận với người khác. Làm thế nào để chúng ta vượt qua “cám dỗ cuối cùng” đó, để làm những điều đúng đắn và không làm chỉ vì chúng ta?

Cuộc đấu tranh để vượt lên tính ích kỷ và động lực bản thân bằng tấm lòng vị tha trong sáng, trung thực có thể là một trận chiến không thể phân thắng bại. Theo kinh điển, chúng ta có bảy mối tội đầu (kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, giận dữ, tham ăn, tham lam, lười biếng) gắn liền với bản chất của chúng ta và với chúng, chúng ta sẽ phải đấu tranh suốt đời. Vấn đề là chúng ta tưởng mình đã vượt lên được, thì chúng ta lại ngụy trang dưới hình thức tế nhị hơn trong cuộc sống của mình. Chẳng hạn, Chúa Giêsu khuyên không nên tự cao tìm chỗ cao nhất trong bàn ăn, sau đó phải xấu hổ khi bị mời xuống chỗ thấp hơn, nhưng khiêm nhường ngồi ở chỗ thấp nhất để sau đó được mời lên chỗ cao. Rõ ràng, đây là lời khuyên thiết thực, nhưng nó cũng có thể tạo ra một kiểu tự hào để chúng ta có thể thực sự được tự hào. Một khi chúng ta tỏ ra mình khiêm tốn và chúng ta được công chúng công nhận, chúng ta còn cảm thấy tự hào thực sự cao hơn là sự khiêm tốn của mình! Với các mối tội đầu khác cũng vậy. Khi chúng ta thành công để không nhường bước trước các cám dỗ khó khăn hơn, chúng sẽ bắt rễ lại trong các hình thức tinh vi hơn trong lòng chúng ta.

Chúng ta chỉ công khai và vụng về làm các lỗi lầm của mình khi chúng ta chưa trưởng thành, và thường nó không còn khi chúng ta đã trưởng thành. Đơn giản chúng có hình thức tinh tế hơn. Chẳng hạn khi tôi chưa trưởng thành,  tôi còn bị cuốn hút trong đời sống riêng và tham vọng của mình, có thể tôi chưa nghĩ nhiều đến việc giúp đỡ người nghèo. Nhưng khi tôi lớn tuổi hơn, chín chắn hơn và được học thần học nhiều hơn, tôi sẽ viết các bài báo công khai thú nhận chúng ta cần phải làm nhiều hơn cho người nghèo. Vậy mà, thách thức người khác và chính mình quan tâm đến người nghèo là một điều tốt… và mặc dù điều này có thể sẽ không giúp được gì nhiều cho người nghèo, nhưng chắc chắn sẽ giúp tôi cảm thấy tốt hơn cho chính tôi.

Làm thế nào để chúng ta có thể vượt lên điều này, vượt lên cám dỗ cuối cùng này, để làm điều đúng nhưng với lý do sai?

Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW