Bải giảng Chúa nhật VII Phục Sinh – Năm B

16-05-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Bải giảng Chúa nhật VII Phục Sinh – Năm B by

Bài 1: Sống giữa thế gian

Cuộc đời này được gọi là thế gian. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, “thế gian” có nhiều nghĩa. Trước hết, thế gian là sự đối nghịch với Nước Thiên Chúa, giống như sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối. Theo nghĩa này, thế gian cũng tượng trưng cho ma quỷ, được gọi là “thủ lãnh thế gian” (x. Ga 12,31). Tuy vậy, “thế gian” cũng là đối tượng được Chúa yêu thương, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình…” (Ga 3,16). Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người và đã hiến mạng sống mình cho thế gian.

Như Chúa Giêsu đã sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, chúng ta cũng hiện hữu trong đời này mà luôn hướng về quê trời, là quê hương đích thực của chúng ta. Những ai tin vào Chúa được mời gọi sống như Chúa Giêsu đã sống, để rồi giữa biển đời đầy sóng gió, họ luôn vững vàng và chiến thắng; giữa vũng lầy trần gian, họ vẫn nhẹ nhàng thanh thoát; giữa những giành giật bon chen, họ vẫn thư thái an bình.

Thế gian còn là “bãi chiến trường”. Nơi chiến trường thì có người chiến thắng nhưng cũng có người gục ngã đau thương. Giuđa là một trường hợp điển hình. Ông đã thất bại trong cuộc chiến đấu với cám dỗ trước hết về tiền bạc, rồi sau đó là cám dỗ mất niềm hy vọng vào lòng từ bi của Chúa. Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nhắc tới người môn đệ phản bội này, có ý khuyên các môn đệ hãy lấy đó làm gương mà sống trung thành. Bởi lẽ, chặng đường  tương lai họ sẽ đi có nhiều chông gai thử thách. Lòng trung thành là một điều kiện tiên quyết để trở nên môn đệ của Chúa, nhờ đó mà chứng từ của họ mang lại nhiều hoa trái tông đồ.

Được Chúa gọi, chọn và sa đi, các môn đệ của Chúa là những người sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Đây là nét đặc thù của ơn gọi Kitô hữu. Như Chúa Giêsu nhập thể, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, người tín hữu sống trong thế gian vừa gắn bó với cuộc sống hiện tại, vừa hướng về quê hương trên trời. Họ vừa phải chu toàn bổn phận đối với xã hội trần gian, vừa chu toàn mệnh lệnh của Đấng là Vua muôn loài. Đối với các tín hữu, việc tuân giữ lề luật của Chúa phải ưu tiên hơn các luật lệ của con người, vì Thiên Chúa là Chủ tối thượng của cả gia đình nhân loại.

Nhiều người bi quan vì trong số 12 tông đồ, có Giuđa là người phản bội. Tuy vậy, nếu chỉ có một Giuđa là người phản bội, thì có đến 11 tông đồ khác là người trung thành. Cộng đoàn tín hữu sơ khai đã có cái nhìn bao dung tích cực của Đức tin. Việc Giuđa phản bội không làm các tông đồ nản chí. Các ông đã nhanh chóng bầu lên một người thay thế Giuđa (Bài đọc I). Qua trường hợp Giuđa, chúng ta rút ra bài học sâu sắc cho thấy không phải cứ được gọi là ngẫu nhiên trở thành môn đệ tốt. Tiến trình theo Chúa còn tùy thuộc vào nỗ lực phấn đấu của cá nhân mỗi người. Con người được tạo dựng có tự do. Họ có thể chọn lựa điều tốt hoặc điều xấu, và họ phải lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa đó. Thiên Chúa luôn công bằng và tôn trọng tự do của con người. Trường hợp Giuđa không làm cho Giáo Hội nản chí, nhưng đó là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế rồi, trong suốt bề dày của lịch sử Giáo Hội, đây đó vẫn còn những Giuđa, vì con người yếu đuối, dễ mắc phải lỗi lầm. Giáo Hội được gọi là “Hội Thánh”, nhưng còn ôm ấp trong lòng mình những phần tử tội lỗi. Vì thế, Giáo Hội phải tự thanh tẩy mỗi ngày.

Người công giáo không phải là những người “phản động” hay thù ghét thế gian, vì thế gian này được Chúa tạo dựng, yêu thương và cứu chuộc. Ơn gọi của người Kitô hữu là nên thánh giữa đời và cộng tác phần mình làm cho môi trường xung quanh cũng nên thánh, và vũ trụ này mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta còn mang trong mình nhiều yếu đuối, xin đừng nản lòng, vì chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ…Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.

“Được thánh hiến” là sống trong sự thật. Tin vào tình yêu bao la của Thiên Chúa sẽ giúp cho chúng ta vượt lên tất cả (Bài đọc II). Trong cuộc sống đầy xáo trộn hôm nay, người ta có khuynh hướng buông xuôi theo cơn lốc thị trường, lấy lợi nhuận làm tiêu chuẩn cho mọi suy tư và hành động. Ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta trở nên chứng nhân của Sự Thật, góp phần làm tỏa lan niềm vui của Tin Mừng, qua đó, chúng ta góp phần thánh hóa thế gian.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Bài 2: Cầu nguyện, sức mạnh thần linh đầy lui sự dữ

Không kể Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống thì Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của Mùa Phục sinh. Vào Chúa nhật cuối cùng này, Giáo hội cho chúng ta suy ngắm những lời rất quý giá và vô cùng cần thiết của Chúa Giêsu, đó là những lời cầu nguyện của Người.

Theo lời tường thuật của thánh sử Gioan, sau khi đã rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu ngồi bên các ông và dành những giờ phút quý báu cuối cùng này để “thổ lộ tâm tình”, “trút bầu tâm sự”, hay như một số tác giả thì để “trăng trối” với các ông. Cách nói nào cũng đúng nhưng chẳng có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được tâm – lòng của Chúa lúc bấy giờ, nhất là khi chúng ta biết: “Sau khi nói những lời đó, Đức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào” (Ga 18,1). Nghĩa là sau những lời “trăng trối”, Chúa và các môn đệ đi vào vườn Ghết-sê-ma-ni, điều đó đồng nghĩa là cuộc khổ nạn bắt đầu. Bởi thế, những lời được thánh sử Gioan ghi lại từ chương 13 cho đến hết chương 17 đúng là “những lời chia ly”, “những lời trăng trối”, “những lời tâm huyết”, “những lời di chúc”, “những lời vàng ngọc”, vân vân và vân vân.

Với những gì thánh sử Gioan đã ghi lại, ta thấy hiện lên tâm trạng của Chúa lúc bấy giờ. Một tâm trạng “ly biệt” người đi kẻ ở, một tâm trạng vừa rất tin tưởng cũng rất băn khoăn, một tâm trạng vừa vui vừa buồn, một tâm trạng vừa an tâm vừa lo lắng… Chúa đã nói khá nhiều, căn dặn, cắt nghĩa, giải thích, trấn an.. Xem chừng Chúa đã làm tất cả những gì khả năng của một con người có thể làm được thì Người đã làm. Vậy mà đến lúc này, lúc sắp phải đứng lên để bước vào vườn Ghết-sê-ma-ni (vào cuộc khổ nạn), Chúa vẫn cảm thấy chưa an lòng. Nói nhiều thế, giải thích nhiều thế, động viên trấn an nhiều thế mà sao vẫn thấy thiếu thiếu điều gì đó. Mà cái thiếu này dường như còn quan trọng hơn tất cả những lời đã tâm sự trên kia. Thiếu cái gì vậy? Thiếu lời cầu nguyện. Đúng rồi. Cái thiếu ấy lại chính là điều quan trọng hơn cả. Thế là: “Nói thế xong, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện” (Ga 17,1).

Tất cả những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật quý giá biết bao và đã được thánh sử Gioan ghi lại trọn vẹn trong chương 17. Đây mới chính là sức mạnh giúp các môn đệ thắng mọi hiểm nguy của ác thần, mới là sự bình an đích thực. Những lời cầu nguyện của Chúa rất xúc tích và giá trị, Giáo hội đã khôn ngoan chia làm ba phần để con cái Giáo hội có đủ thời gian “kín múc” tâm tình và sức sống thần linh từ nguồn suối của những lời cầu nguyện ấy. Năm A, Giáo hội sẽ cho ta suy ngắm phần 1 (từ câu 1 đến câu 11a). Năm B, chúng ta sẽ suy ngắm tiếp phần 2 (từ câu 11 b đến câu 19). Và năm C, chúng ta sẽ suy ngắm phần còn lại (từ câu 20 đến câu 26). Nếu xét về nội dung, phần 1, Chúa Giêsu cầu nguyện cho chính mình; phần 2, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ; và phần 3, Chúa Giêsu cầu nguyện cho tất cả những tín hữu là những người nhờ các môn đệ mà tin.

Chúng ta đang ở trong năm B (năm phụng vụ), Giáo hội cho chúng ta suy ngắm phần 2, tức là phần Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ. Thực ra, ngay trong phần 1, khi cầu nguyện cho chính mình, Chúa Giêsu đã không ít lần nhắc tới các môn đệ: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con”, “Cha đã ban họ cho con” và “họ đã tin là Cha đã sai con”; nhất là câu: “Con cầu nguyện cho họ”… Tuy nhiên, lời cầu nguyện thực sự cho các môn đệ được ghi lại trong phần 2 này. Ở đây, dường như Chúa linh cảm thấy một điều gì đó rất nguy hiểm cho các môn đệ, là những người còn “ở trong thế gian”, nên Chúa đã nài xin Chúa Cha với tước hiệu thật trọng đại: “Lạy Cha chí thánh”. Đây là chỗ duy nhất ta thấy Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha bằng tước hiệu này. Nhắc tới tước hiệu “chí thánh”, Chúa Giêsu như muốn khẳng định sự thánh thiện tột bậc của Chúa Cha có đủ khả năng “gìn giữ” các môn đệ khỏi ô nhiễm thế gian. Chính vì thế, sau đó Chúa Giêsu liên tục nhắc đến việc “gìn giữ” các môn đệ: “xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con”, “con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con”, “Con đã canh giữ”, “nhưng xin Cha gìn giữ gìn giữ họ khỏi ác thần”.

Trong một đoạn ngắn mà có tới 9 lần Chúa Giêsu nhắc tới hai chữ “thế gian”. Theo thánh sử Gioan, “thế gian” có hai nghĩa. Một là vũ trụ thế giới theo nghĩa thông thường. Hai là nơi ma quỷ lộng hành và đầy cạm bẫy hiểm nguy. Trong những lời cầu nguyện của Chúa, “thế gian” theo nghĩa thứ hai. Ba mươi ba năm ở trần gian là thời gian không dài, nhưng cũng đủ để Chúa hiểu thế gian này là gì, và Chúa biết các môn đệ của Người đang ở lại đâu. Đó là một nơi chịu ảnh hưởng rất lớn bởi “ác thần”. Có thế ta mới hiểu tại sao Chúa nhắc nhiều đến việc “gìn giữ”. Chúa xin Chúa Cha là Đấng chí thánh gìn giữ các môn đệ. Bản thân Chúa cũng hết sức gìn giữ các ông. Thế vậy mà vẫn bị mất một: “không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng”. Thế gian là nơi nguy hiểm như vậy, nhưng Chúa cương quyết muốn các môn đệ trốn chạy, bỏ cuộc. Chúa không muốn hết những ai theo Chúa cũng “khăn gói quả mướp” về trời. Chúa không muốn để cho “ác thần” độc quyền chiếm trọn vũ trụ này và thả sức tung hoành. Chúa muốn các ông, tức các môn đệ của Người phải cậy vào sức mạnh của Chúa Cha, vào sự chí thánh của Chúa Cha, cộng tác với nhau chống lại “ác thần”: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”.

Nếu chúng ta còn đọc được những lời này, nghĩa là chúng ta còn đang sống ở thế gian. Nếu chúng ta đang sống giữa thế gian, chúng ta không thể không cảm nghiệm được sự ô nhiễm của thế gian do “ác thần” mang lại. Sức mạnh duy nhất có thể đẩy lùi sự ô nhiễm của “ác thần” chính là sự “chí thánh” của Thiên Chúa. Cầu nguyện tức là dùng sức mạnh “chí thánh” của Thiên Chúa Cha để đẩy lui sự dữ. Thế gian vốn bị ô nhiễm này sẽ được “thần hóa”, được “thánh hóa”, một khi sự thánh thiện của Thiên Chúa bao trùm khắp mặt địa cầu.

Lm. Giuse Dương Hữu Tình
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW