Bài giảng Chúa Nhật IV Phục Sinh năm B

24-04-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài giảng Chúa Nhật IV Phục Sinh năm B by

BÀI 1: CHÚA DẪN CON ĐI

Đường đời như con sông trôi về muôn hướng, ai cũng cần có người dẫn đường chỉ bảo để biết lẽ sống ở đời. Người công giáo tin rằng, cùng với cha mẹ và những người có trách nhiệm, họ còn có Chúa là Đấng dẫn đường. Đi theo con đường của Chúa, chắc chắn sẽ không bị lạc lối. Giữa muôn nẻo đường trần gian, có Chúa dẫn ta đi.

“Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14, 6). Chúa Giêsu vừa là người dẫn đường, vừa là chính con đường. Đi trên con đường mang tên Giêsu, chúng ta sẽ đến gặp Chúa Cha. Chúng ta sẽ đến bến bờ hạnh phúc.

Chúa Nhật thứ bốn của Mùa Phục sinh, Phụng vụ cả ba năm A,B,C đều giới thiệu với chúng ta: Chúa Giêsu là mục tử nhân lành. Đây chính là lời khẳng định của Chúa, được Thánh Gioan ghi lại. Trong đời sống du mục của người Do Thái, hình ảnh người mục tử rất  gần gũi, quen thuộc.

Mục tử là người có trách nhiệm hướng dẫn đoàn chiên. Nhờ sự chăm sóc của mục tử, đoàn chiên được an toàn và được đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Tác giả thánh vịnh đã cảm nhận được sự chăm sóc của Chúa, và đã thốt lên: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 2-3). Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng là những gợi ý hướng dẫn giúp ta tránh những tai họa và đạt được hạnh phúc lâu bền. Nhờ sự hướng dẫn của Chúa, chúng ta biết xây dựng mối tương quan tốt đẹp với Chúa và với anh chị em, nhờ đó, cuộc sống này trở nên hài hòa, liên đới và an bình.

Là Đấng hướng dẫn chúng ta đi trên con đường chính lộ, Chúa Giêsu còn là Đấng hiến mạng sống mình vì chúng ta. Chúng ta vừa cử hành lễ nghi Tuần Thánh và lễ Phục Sinh. Qua biến cố thập giá, Chúa Giêsu như mục tử hiến mạng sống để bảo vệ đoàn chiên. « Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên ». Chúa Giêsu đã chấp nhận chết cho chúng ta được sống, chấp nhận đau khổ để chúng ta được hạnh phúc. Thánh Phêrô, khi ngỏ lời với các thành viên Thượng Hội đồng Do Thái, đã nhấn mạnh tới hiệu quả mà sự chết của Chúa Giêsu đem lại. Một chứng từ sống động, đó là người què được chữa lành nhờ kêu cầu danh Đức Giêsu. Thánh Phêrô còn xác quyết: ngoài Chúa Giêsu, dưới gầm trời này, không ai có thể đem lại ơn cứu độ cho con người. Các thành viên công nghị đều ngạc nhiên khi nghe người dân chài ít học này giảng dạy những lẽ cao siêu. Mặc dù không dám công khai ủng hộ, nhưng họ cũng rất dè dặt trước việc cấm đoán thánh Phêrô và các tông đồ loan truyền Đức Giêsu Phục sinh.

Chúa Giêsu tuyên bố: Người là mục tử nhân lành và đích thực. Người phân biệt rõ, mục tử đích thực khác với người chăn chiên thuê. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta,  luôn tồn tại những khuynh hướng muốn lôi kéo con người xa Chúa. Họ chủ trương: Thiên Chúa đã chết. Họ hô khẩu hiệu: Vật chất quyết định tất cả. Họ muốn thay thế Thiên Chúa bằng những phát minh của nền kỹ nghệ hiện đại. Họ đã lầm. Vật chất dồi dào, khoa học hiện đại, những điều đó rất cần để cải thiện đời sống con người. Nhưng chọn chúng làm đích điểm cuộc đời sẽ là một ảo tưởng và làm cho cuộc sống trở nên trống rỗng. Hãy đến với Chúa để được thụ giáo, để biết phân biệt đâu là thật giả, đâu là giá trị tạm thời, đâu là hạnh phúc vĩnh cửu.

« Anh em hãy xem Chúa yêu chúng ta dường nào! Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa » (Bài đọc II). « Con Thiên Chúa », đó là tước hiệu của Chúa Giêsu. Nhờ tin vào Chúa Giêsu mà chúng ta cũng được vinh dự cao quý ấy trong mối tương quan với Chúa Cha. Mặc dù đang sống giữa đời đầy bon chen đau khổ, chúng ta vẫn là con Thiên Chúa, là con chiên trong đoàn chiên của Ngài, nhờ Đức Giêsu, với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu. Suy tư về hình ảnh vị Mục Tử nhân lành nhắc bảo chúng ta vinh dự cao quý ấy.

« Tôi còn có những con chiên khác không thuộc ràn này… » Lệnh truyền ra đi loan báo Tin Mừng từ hai ngàn năm vẫn mang tính thời sự và cấp bách. Chúng ta là con chiên trong đoàn chiên của Chúa, chúng ta đã và đang làm gì để thuyết phục những người xung quanh nhận biết Ngài ? Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ấn định sẽ mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, khởi đầu vào ngày 8-12-2015. Ngài coi đây là con đường cẩn thiết và phương pháp phù hợp với bối cảnh xã hội hôm nay để đưa nhiều người gia nhập đoàn chiên của Chúa. Đức Thánh Cha nói: « Tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo Hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ”Các con hãy có lòng thương xót như Chúa Cha” (x. Lc 6,36).

Khi thực thi đức thương yêu và lòng nhân hậu với những người xung quanh là chúng ta quảng diễn hình ảnh của Đức Giêsu Mục Tử. Qua chứng từ của chúng ta, chắc chắn đoàn chiên của Chúa sẽ thêm đông số. Như thế, ước mong của Vị Mục Tử sẽ được thực hiện trong cuộc sống hôm nay.

Hôm nay cũng là ngày cổ võ ơn gọi và cầu nguyện cho ơn Thiên triệu. Xin Chúa gửi đến cho Giáo Hội của Người những mục tử tốt lành thánh thiện, để trở thành hiện thân của Chúa giữa trần gian. Amen.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

BÀI 2: CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Mùa Phục sinh gồm bảy Chúa nhật. Ba Chúa nhật đầu (I, II và III), Giáo hội không ngừng cho chúng ta suy ngắm những bài Tin Mừng ghi lại sự kiện Đấng Phục sinh “đến” với các tông đồ, môn đệ và một số người. Chúa nhật thứ bốn được dành riêng để suy ngắm về đề tài: Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, nên được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành. Ba Chúa nhật sau cùng (V, VI và VII), Giáo hội dành để suy ngắm những lời dạy của Chúa sau khi Chúa rửa chân cho các tông đồ được gọi là “những lời cáo biệt”, từ cuối chương 13 (Ga 13,31) đến hết chương 16 (Ga, 16,33), và những lời cầu nguyện của Chúa ở chương 17 trong Tin Mừng theo thánh Gioan.

Để diễn tả sự gắn bó thiết thân giữa Chúa và những người tin, Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh quen thuộc như thầy trò, cây nho và mục tử-đoàn chiên. Vì là Chúa nhật dành riêng để suy ngắm đề tài Chúa là mục tử nhân lành, Giáo hội đã chọn chương 10 trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Chương này gồm 42 câu, Giáo hội đã chọn những câu Chúa nói đến mục tử- đoàn chiên và chia thành ba phần để suy ngắm theo chu kỳ của năm phụng vụ. Năm A từ câu 1 đến câu 10. Năm B từ câu 11 đến câu 18. Năm C từ câu 27 đến câu 30.

Nếu cả phần đầu và phần hai nhắc nhiều đến sự phân biệt giữa mục tử đích thực với mục tử giả (hay kẻ làm thuê), thì phần hai phân biệt rõ hơn nữa tính cách đích thực của vị mục tử. Mục tử đích thực này không chỉ còn là người “đi qua cửa mà vào”, “chiên nghe tiếng của anh”, “anh gọi tên từng con”, “anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”; nhưng còn là vị “Mục tử nhân lành”. Nhân lành ở đây không chỉ có nghĩa hiền lành, nhân từ nhưng còn cho thấy sự mạo hiểm trong sự nhân lành, đó là dám hy sinh cả tính mạng mình vì đoàn chiên của mình. Chỉ có 8 câu, từ câu 11 đến câu 18, thế mà có tới 5 lần Chúa Giêsu nói đến hai chữ “hy sinh”.

Nói đến hai từ “hy sinh” trong tương quan giữa mục tử- đoàn chiên xem ra có gì đó không ổn chăng? Con chiên, con cừu hay con gì đi nữa thì cũng chỉ là một con vật, chúng ta chỉ có thể có một tương quan tương đối đối với chúng mà thôi. Chúng không phải là con người mà ta phải trân trọng tới mức độ phải hy sinh cả tính mạng. Giả như phải để bảo vệ đàn chiên, người mục tử phải đánh nhau với chó sói, có khi nguy hiểm tới tính mạng, ta có thể khẳng định người mục tử đó đã chết vì yêu quý đàn chiên của mình không? Có lẽ không hoàn toàn như thế. Người mục tử vừa quý đàn chiên vừa tiếc tài sản của mình. Thế thì vì lý do gì Chúa lại khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”? Chính lời tuyên bố này cho thấy tính giới hạn của hình ảnh mục tử-đoàn chiên. Mục tử- đàn chiên vốn có sự gắn bó thân thiết, có nảy sinh tình cảm thật sự, nhưng tình cảm giữa Chúa và dân của Người không chỉ giống như thứ tình cảm của người mục tử với đàn chiên. Tình yêu thương mà Người dành cho nhân loại, sự gắn bó mà Người đã kết thân với con người dường như đạt tới mức độ khác hoàn toàn, tới mức sẵn sàng “hy sinh”, tức là sẵn sàng chết. Chết để cho người mình yêu được sống. Khi nhận mình là Mục tử nhân lành, Chúa Giêsu có ý diễn tả “tình yêu đến cùng” ấy của Người, đồng thời Người cũng muốn tỏ lộ (mặc khải) cho ta biết Thiên Chúa- Cha của Người chính là Đấng có tình yêu như vậy: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại”, “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.

Với đề tài Chúa là Mục tử nhân lành, chúng ta thật cảm động khi nhận ra có ai đó đang rất quan tâm đến ta, rất thương yêu ta tới mức sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì ta. “Ai đó” ấy chính là Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ, nhưng nhiều khi chúng ta chỉ tôn thờ Ngài như một Đấng cao cả, xa vời và nhiều khi rất xa cách. Không phải thế, Ngài chính là Đấng gắn bó, thân thiết với mỗi chúng ta. Câu Người nói: “Tôi biết chiên của tôi” như một lời xác quyết rằng Người đang dõi mắt theo ta từng bước trong cuộc đời. Còn chính chúng ta, liệu chúng ta có đang sống được như Người đã tin tưởng chúng ta mà khẳng định rằng: “và chiên của tôi biết tôi” không?

Lm. Giuse Dương Hữu Tình
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW